Thị trường Dược phẩm Việt Nam: Top 5 công ty hàng đầu

Thị trường Dược phẩm Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt. Và với nhiều tiềm năng chưa được khai phá, sự cạnh tranh này được dự báo có chiều hướng ngày càng khốc liệt. Hãy cùng chúng tôi điểm qua những đơn vị đang dẫn đầu trong thị trường Dược phẩm Việt Nam hiện nay.

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang được thành lập năm 1974, có trụ sở chính tại Cần Thơ, Việt Nam.

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang cùng với các công ty con sản xuất và kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam. Công ty xuất khẩu sản phẩm của mình sang Moldova, Ukraine, Romania, Myanmar, Nga, Mông Cổ, Campuchia, Nigeria, Lào, Singapore, Jordan, Sri Lanka và Triều Tiên.

Phân tích SWOT Điểm mạnh

* Mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam * Chiến lược kinh doanh theo chiều dọc * Chính phủ cam kết phát triển lĩnh vực y tế

Điểm yếu

* Sản xuất chủ yếu các sản phẩm có giá trị thấp và do đó không thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á lân cận, chẳng hạn như Singapore * Khả năng tiếp cận vốn mới hạn chế * Các thị trường xuất khẩu trọng điểm có rủi ro cao

Cơ hội

* Hỗ trợ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quy định của phương Tây * Chính phủ khuyến khích sản xuất trong nước

Thách thức

* Doanh thu hạn chế do công ty chủ yếu tập trung vào Việt Nam. * Dễ bị cạnh tranh từ những người chơi lớn hơn trong khu vực

Chiến lược

Tương tự như Kalbe Farma ở Indonesia, chìa khóa thành công của Dược Hậu Giang là chiến lược hội nhập theo chiều dọc. Dược Hậu Giang có 36 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp dược phẩm cho hơn 500 bệnh viện, cũng như 160 siêu thị và cửa hàng bán lẻ khác.

Trong năm 2017, công ty đã tái cấu trúc hệ thống phân phối, cải thiện hoạt động logistics cũng như hoạt động chung. DHG Pharmaceutical cũng đã tìm cách hiện đại hóa các cơ sở sản xuất của mình để phù hợp với tiêu chuẩn của PIC/S và Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA).

Công ty xuất khẩu 85 loại sản phẩm sang khoảng 13 quốc gia, bao gồm Nga, Campuchia, Mông Cổ, Nigeria và Myanmar. Mặc dù các thị trường này rủi ro cao, nhưng danh mục thuốc giá thấp của Dược Hậu Giang phù hợp với khả năng chi tiêu thấp của các thị trường này.

Dược Hậu Giang cũng đang đầu tư vào lĩnh vực OTC, tập trung vào các loại thuốc làm từ thảo mộc và thực phẩm chức năng. Điều này sẽ được củng cố hơn nữa thông qua quan hệ đối tác với Taisho, một trong những doanh nghiệp OTC hàng đầu tại Nhật Bản.

Dược Hậu Giang cũng đã ký hợp đồng với Vinamilk để hợp tác phân phối, tiếp thị và cung cấp thực phẩm chức năng.

Trong những năm tới, Dược Hậu Giang đang có kế hoạch tăng cường tập trung vào lĩnh vực phân phối và nghiên cứu. Công ty có mục tiêu tìm kiếm các hợp đồng phân phối với các công ty đa quốc gia và đang tìm kiếm quan hệ đối tác sản xuất với các công ty nước ngoài.

GlaxoSmithKline

GSK là một trong những công ty chăm sóc sức khỏe đầu tiên có mặt tại Việt Nam và đã phát triển trở thành công ty chăm sóc sức khỏe lớn nhất tại Việt Nam. Công ty cung cấp một loạt các loại thuốc theo toa cũng như các sản phẩm tiêu dùng.

Phân tích SWOT

Điểm mạnh

* Một trong những nhà sản xuất thuốc hàng đầu thế giới * Một số sản phẩm của công ty nằm trong chương trình bảo hiểm y tế * Danh mục sản phẩm đáng kể, bao gồm cả thuốc và vắc xin

Điểm yếu

* Khó khăn về môi trường sở hữu trí tuệ * Không có cơ sở sản xuất hoặc nghiên cứu và phát triển trực tiếp trong nước * Hàng giả vẫn là một vấn đề

Cơ hội

* Nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm có thương hiệu do quá trình hiện đại hóa ngành chăm sóc sức khỏe * Môi trường pháp lý thay đổi, nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài * Kinh nghiệm và kết nối khu vực mạnh mẽ * Các công ty trong nước ngày càng tìm cách hợp tác với các đối tác nước ngoài, cả về sản xuất và phân phối

Thách thức

* Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế và tiền tệ * Hợp pháp hóa nhập khẩu cũng tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh thuốc có thương hiệu * Các nhà chức trách hướng tới mục tiêu tăng cường vai trò của thuốc sản xuất nội địa trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước

Chiến lược

GSK cung cấp danh mục đầu tư đa dạng, bao gồm các sản phẩm thuốc theo toa và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng. Công ty có chiến lược xây dựng thương hiệu và tiếp thị mạnh mẽ cho các sản phẩm hàng đầu của mình, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng.

Có thể nói, GSK là đơn vị dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực điều trị bệnh hô hấp, thuốc kháng sinh và vaccine. Tuy nhiên, một số sản phẩm hàng đầu của GSK, bao gồm Advair / Seretide (fluticasone + salmeterol) không nằm trong danh mục được thanh toán bảo hiểm.

Ngoài ra, hình ảnh của GSK đang được nâng cao thông qua các sáng kiến như thành lập chương trình đào tạo y tá, chiến dịch “Phụ huynh sáng suốt” và các phòng tiêm chủng. Một trong những sáng kiến gần đây là chương trình về hạnh phúc gia đình vào tháng 6 năm 2018, kỷ niệm Ngày Gia đình trên cả nước.

Sanofi

Với hơn 50 năm có mặt tại Việt Nam, Sanofi là công ty dược phẩm hàng đầu trong các phân khúc khác nhau của thị trường: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng và vaccine. Hoạt động chính của công ty bao gồm nhập khẩu, phát triển, sản xuất, quảng bá và phân phối các sản phẩm dược phẩm cho Việt Nam, Campuchia và Lào.

Phân tích SWOT

Điểm mạnh

* Sản xuất trực tiếp trong nước * Nằm trong số ba công ty dược phẩm hàng đầu Việt Nam * Danh mục sản phẩm đa dạng bao gồm nhiều lĩnh vực trị liệu * Tham gia vào lĩnh vực vaccine nội địa, thông qua Sanofi Pasteur. * Truyền thống hợp tác lâu dài với các công ty nội địa

Điểm yếu

* Luật Sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế * Lượng hàng giả và hàng nhập khẩu lớn * Cần thử nghiệm vaccine tại Việt Nam trước khi được phê duyệt sản phẩm * Các công ty trong nước ngày càng tìm cách hợp tác với các đối tác nước ngoài, cả về sản xuất và phân phối

Cơ hội

* Hiện đại hóa ngành để tăng nhu cầu về các sản phẩm có thương hiệu * Có thế mạnh để tăng cường thâm nhập thị trường khi lĩnh vực này tiếp tục mở cửa * Môi trường pháp lý thay đổi, nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài * Việt Nam trở thành thành viên WTO, điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp nước ngoài được cải thiện.

Thách thức

* Chính phủ phản đối việc điều chỉnh luật bằng sáng chế trong nước hoàn toàn giống với các tiêu chuẩn quốc tế * Việc giảm hàng giả chưa có nhiều tiến triển * Chính phủ bảo vệ các công ty thuốc địa phương thông qua việc sử dụng các rào cản thương mại hợp pháp, có khả năng ảnh hưởng xấu đến công ty * Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động kinh tế, gây nguy hiểm cho đầu tư trong nước * Hợp pháp hóa nhập khẩu tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh thuốc có thương hiệu. * Các nhà chức trách hướng tới mục tiêu tăng cường vai trò của thuốc sản xuất nội địa trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước

Chiến lược

Sanofi có một danh mục đa dạng với hơn 100 sản phẩm dược phẩm và vắc xin. Đây là công ty dược phẩm quốc tế duy nhất có hai nhà máy tại Việt Nam (một nhà máy thứ ba đang được xây dựng), sản xuất 80% sản lượng bán ra trong nước. Bên cạnh đó, 20% lượng thuốc do Sanofi sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang các nước châu Á khác.

Các sản phẩm chính của Sanofi bao gồm Plavix (clopidogrel), Aprovel (irbesartan), Lovenox (enoxaparin), Tritace (ramipril), Taxotere (docetaxel), Eloxatin (oxaliplatin), Amaryl (glimepiride), Lantus (insulin), Stilnox (zolpidem) và Actonel (risedronate).

Sanofi Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi kế hoạch kiểm soát giá thuốc của Chính phủ. Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi mức thuế nhập khẩu cao, mặc dù là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới Việt Nam có trách nhiệm xóa bỏ dần các mức thuế đó.

Tuy nhiên, Sanofi đã củng cố vị thế của mình tại Việt Nam trong những năm qua. Vào tháng 11/2017, Sanofi và Vinapharm đã phê chuẩn quan hệ đối tác chiến lược, củng cố mối quan hệ hợp tác mà hai công ty đã có từ năm 1993. Thỏa thuận này cho phép Vinapharm hợp tác trong cơ sở sản xuất mới của Sanofi tại Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp cận các giải pháp chăm sóc sức khỏe của Sanofi Việt Nam.

Traphaco

Traphaco được thành lập năm 1972 với tư cách là Tập đoàn Sản xuất Thuốc như một bộ phận thuộc Công ty Dịch vụ Y tế Đường sắt. Ngày nay, hoạt động kinh doanh của Traphaco tập trung vào sản xuất và cung cấp dược phẩm, mỹ phẩm và các loại thực phẩm khác. Cơ sở vật chất của công ty tuân thủ các quy trình sản xuất, bảo quản và phòng thí nghiệm của WHO.

Công ty có một số cổ đông nước ngoài, ví dụ Citigroup Global Markets, chiếm 4,75% thị phần. Những cổ đông khác bao gồm Vietnam Holding với khoảng 10,5%. Vào tháng 11/2017, Vietnam Azalea Fund đã bán cổ phần của mình tại Traphaco.

Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của Traphaco là 400 triệu USD, mục tiêu tăng thêm lên hơn 450 triệu USD trong thập kỷ tới. Tháng 5/2017, Traphco lần đầu tiên lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất cả nước do Forbes Việt Nam bình chọn, một minh chứng cho quỹ đạo phát triển của mình.

Phân tích SWOT

Điểm mạnh

* Mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam * Cam kết của chính phủ trong việc phát triển lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm

Điểm yếu

* Cạnh tranh với Dược Hậu Giang – doanh nghiệp có vốn hóa thị trường cao hơn * Tập trung phần lớn vào các loại thuốc cổ truyền

Cơ hội

* Hỗ trợ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quy định của phương Tây * Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể, với dân số đông và đang gia tăng

Thách thức

* Khi đất nước phát triển, nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm hoặc thảo dược giá rẻ có thể giảm xuống do nhu cầu về dược phẩm chất lượng cao tăng lên cùng với việc thu nhập tăng * Việt Nam sẽ vẫn là mối quan tâm của các đối thủ trong khu vực.

Chiến lược

Do công ty tham gia vào tất cả các cấp của chuỗi cung ứng dược phẩm, nên sự thành công của công ty trong lĩnh vực này là nhờ chiến lược hội nhập theo chiều dọc – khiến công ty trở thành đối tác hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài quan hệ đối tác, công ty cũng quan tâm đến hoạt động mua bán và sáp nhập để mở rộng hơn nữa mạng lưới hoạt động trong nước. Chiến lược này hiệu quả vì dịch vụ phân phối ở Việt Nam – một nước đang phát triển có thể là một thách thức, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài.

Ngoài Việt Nam, công ty còn phân phối sản phẩm sang các thị trường khác như Campuchia và Lào, mặc dù phần lớn doanh thu của công ty đến từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Danh mục sản phẩm của công ty bao gồm các loại vitamin và khoáng chất, thảo dược bổ sung và các sản phẩm bôi ngoài da khác nhau, thuốc kháng histamine, thuốc kháng nấm và kháng sinh cùng nhiều loại khác.

Ngoài ra, Traphaco còn sản xuất và phân phối nhiều loại sản phẩm tiêu dùng, bao gồm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Cuối năm 2017, công ty bắt đầu sản xuất một sản phẩm thuốc nhỏ mắt mới. Traphaco cũng đang tập trung mở rộng danh mục đầu tư sang các sản phẩm men vi sinh dành cho trẻ em và các loại thực phẩm tương tự.

Vì tập trung vào các loại thuốc truyền thống nên khả năng tiếp cận của công ty trên toàn thị trường là tương đối hạn chế. Tuy nhiên, Traphaco tự hào có mạng lưới phân phối mạnh mẽ gồm 23 chi nhánh (dự kiến tăng lên 40) và hai cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP.

Mục tiêu dài hạn của Traphaco là phát triển hơn nữa năng lực sản xuất, phân phối, nghiên cứu và phát triển và mở rộng quy mô tại địa phương.

Công ty đặt mục tiêu có thêm một cơ sở sản xuất (một nhà máy đã được khai trương vào tháng 11 năm 2017) và đầu tư nâng cấp các cơ sở khác của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn GMP của EU và toàn cầu khác.

Tổng công ty dược Việt Nam – Vinapharm

Được thành lập từ năm 1971, Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) tiền thân là Tổng Công ty Dược được hình thành thông qua việc hợp nhất 3 cục trực thuộc Bộ Y tế: Cục Phân phối Dược phẩm, Cục Dược và Cục Sản xuất. Năm 2014, công ty đã được cấp chứng nhận Thực hành phân phối tốt (GDP) và Thực hành bảo quản tốt (GSP).

Vinapharm là công ty cổ phần từ năm 2016 và kiểm soát một số nhà sản xuất dược phẩm. Trong số này có 9 nhà máy sản xuất dược phẩm (5 nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh, 3 nhà máy ở Hà Nội và 1 nhà máy ở Hải Phòng) và một số công ty sản xuất sản phẩm y tế khác.

Vị thế nhà cung cấp độc quyền quốc gia và chiến lược hội nhập theo chiều dọc của Vinapharm trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào vị thế vững chắc trên thị trường của công ty.

Phân tích SWOT

Điểm mạnh

* Danh mục sản phẩm đa dạng, bao gồm các sản phẩm dược, các mặt hàng sức khỏe người tiêu dùng, thiết bị y tế và các loại thuốc truyền thống * Hầu hết các công ty nước ngoài không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam

Điểm yếu

* Phần lớn các đơn vị nhà nước của tổng công ty có quy mô nhỏ * Hầu hết các đơn vị gặp khó khăn về tài chính * Cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe kém phát triển cản trở việc tiếp cận thuốc men * Cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu đầu tư tài chính đáng kể * Cần nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu thô cho sản xuất dược phẩm

Cơ hội

* Các kế hoạch đại tu môi trường quản lý dược phẩm trong nước, tập trung vào sản xuất thuốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu của đất nước * Có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ bất kỳ sự gia tăng nhu cầu nào trong nước và các biện pháp do chính phủ thúc đẩy để tăng sản xuất trong nước * Cải thiện môi trường pháp lý sau khi gia nhập WTO để thu hút đầu tư nước ngoài

Thách thức

* Chính sách giá phức tạp * Việt Nam ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động kinh tế, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận và tiềm năng đầu tư của công ty * Cạnh tranh từ các nhà sản xuất trong khu vực với công suất lớn hơn và tiêu chuẩn cao hơn, một số nhà sản xuất cũng đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất địa phương * Các quy định bảo hiểm y tế mới cản trở việc tiếp cận dược phẩm * Sản xuất trong nước và kinh doanh dược phẩm gặp khó khăn do giá dược liệu, thuốc trên thị trường thế giới tăng cao.

Chiến lược

Tổng công ty Dược Việt Nam thể hiện mong muốn tham gia vào các quan hệ đối tác quốc tế trong những năm gần đây. Vinapharm đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ với các công ty của Trung Quốc và Mỹ để hiện đại hóa các nhà máy và danh mục đầu tư của mình.

Vinapharm là một trong số ít các cơ sở trong nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện nghiên cứu sinh học. Điều này càng thêm củng cố vị thế của công ty trên thị trường.

Ngoài ra, một nhà máy thiết bị gia dụng và chăm sóc cá nhân ở phía Bắc thành phố cảng Hải Phòng và Nhà máy tuyển nổi Apatit ở phía Bắc tỉnh Lào Cai, cũng như một số nhà máy sản xuất phân bón và kháng sinh, cũng nhận được tài trợ. Điều này sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất của nó.

Chính phủ đang thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp để đáp ứng nhu cầu dược phẩm. Các nhà chức trách kỳ vọng thuốc sản xuất trong nước sẽ chiếm 60% thị trường vào năm 2010, dự kiến tăng lên 70% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Để đạt được những mục tiêu này, cuối năm 2016, Vinapharm đã tái cơ cấu hoạt động theo mô hình công ty holding.

Hiện hai cổ đông lớn của công ty nắm giữ trên 80% vốn (Bộ Y tế nắm 65% và Tập đoàn Đầu tư iệt Phương sở hữu 17%). Công ty đang tìm cách bán thêm cổ phiếu của mình để huy động vốn nhằm mục đích mở rộng hơn nữa.

Tập đoàn cũng đang hướng tới việc phát triển một mạng lưới các nhà máy địa phương để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, mặc dù chưa có xác nhận về tiến độ.

Kết

Trên đây là sơ lược về các đơn vị dẫn đầu trong thị trường dược phẩm Việt Nam. Hiểu về các công ty đầu ngành này sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về thị trường, đặc biệt là sự cạnh tranh trong đó.

Và đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để cùng trao đổi thêm thông tin về thị trường Việt Nam. Babuki chúc các bạn thành công!

Nguồn: Fitch Solutions

Lược dịch và hiệu đính: Hương Bùi (Babuki)