Bằng TESOL Là Gì? Tại Sao Nên Thi Chứng Chỉ TESOL?

Nhu cầu học tiếng Anh ngày càng tăng cao, chính vì thế mà ngành nghề giáo viên tiếng Anh trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Để trở thành một người giảng dạy tiếng Anh chuyên nghiệp và chính quy, chứng chỉ TESOL trở thành một trong những yếu tố bắt buộc.

Vậy TESOL là gì? Bạn có thể học TESOL ở đâu? Chứng chỉ này sẽ mang đến những kiến thức như thế nào để bạn trở thành người dạy tiếng Anh tại các trung tâm đào tạo? Cùng Glints tìm hiểu tất tần tật nhé!

Chứng chỉ TESOL là gì?

Chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế TESOL là viết tắt của cụm từ “Teaching English To Speakers of Other Languages”. Có thể tạm hiểu đây là hình thức giảng dạy tiếng Anh cho những người nói ngôn ngữ khác tiếng Anh.

Đây là bằng cấp quốc tế về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho những người muốn nâng cao trình độ giảng dạy. Khi đạt được tấm bằng này, bạn sẽ được công nhận là sở hữu kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp.

Tại sao nên thi bằng TESOL?

Có thể nói, chứng chỉ TESOL là “tấm vé vàng” để mở ra cơ hội việc làm tại các trường học, trung tâm quốc tế với mức lương cao. Bên cạnh kiến thức tiếng Anh, kỹ năng giảng dạy cũng sẽ giúp giáo viên nâng mức lương của mình lên gấp đôi, gấp ba.

Vì sao chứng chỉ TESOL lại có giá trị đến thế?

1. Bằng TESOL được công nhận trên 80 quốc gia và ít nhất 1000 trường học

Chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế TESOL được công nhận trên khắp 80 quốc gia và hơn 1000 trường học và trung tâm ngoại ngữ trên toàn thế giới. Điều này mang ý nghĩa rằng khi bạn sở hữu chứng chỉ TESOL, bạn hoàn toàn nắm chắc cơ hội giảng dạy tiếng Anh ở bất kỳ nơi đâu.

2. Chứng chỉ TESOL có giá trị vô thời hạn

Các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL,… đều có thời hạn trong khoảng 2 năm. Riêng với TESOL, bạn chỉ cần học một lần và sở hữu tấm bằng vô thời hạn. Không những thế, bạn còn được tự do học lại để cải thiện điểm số.

Là chứng chỉ có giá trị vĩnh cửu, TESOL giúp các học viên tiết kiệm thời gian và tiền bạc tối đa. Chi phí bỏ ra rất ít so với giá trị mà các học viên nhận lại được.

3. TESOL là bắt buộc với giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, TESOL là một trong những điều kiện bắt buộc tại các trung tâm Anh ngữ hay trường học quốc tế. Vì là chứng chỉ có giá trị quốc tế, thế nên phương pháp giảng dạy này sẽ mang đến sự mới lạ, thú vị cho cả người giảng dạy lẫn học viên.

4. Trang bị cho giảng viên kỹ năng xử lý tình huống

Bên cạnh kiến thức tiếng Anh, người đứng lớp phải có cả bản lĩnh giảng dạy. Bằng không, họ sẽ không kiểm soát nội dung, thời lượng giảng dạy. Khóa học TESOL chính là cơ hội để các giáo viên tương lai rèn giũa kỹ năng giảng dạy của mình. Từ đó tự tin giải quyết những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Đọc thêm: Chứng Chỉ Aptis Là Gì? Tại Sao Nên Có Chứng Chỉ Aptis Và Thi Bằng Aptis Ở Đâu?

Khóa học TESOL bao gồm những gì?

Chứng chỉ TESOL sẽ mang đến hệ thống kiến thức nền tảng và chuyên sâu dành cho người học. Vậy khóa học TESOL sẽ mang những kiến thức như thế nào để người học trở thành giáo viên tiếng Anh?

1. Phương pháp dạy Từ vựng – Ngữ pháp (Vocabulary – Grammar)

Ngữ pháp và từ vựng là hai yếu tố nền tảng của tiếng Anh. Thông qua phương pháp dạy Từ vựng – Ngữ pháp, người học sẽ biết đâu là cách dạy phù hợp nhất cho học viên của mình trong tương lai.

2. Phương pháp dạy 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết (Reading – Listening – Speaking – Writing)

Sau khi thấm nhuần kiến thức giảng dạy Từ vựng – Ngữ pháp, học viên TESOL sẽ được hướng dẫn cách giảng dạy 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết.

3. Cách thức Quản lý lớp học (Classroom management)

Để trở thành giáo viên tiếng Anh, người học TESOL còn được trau dồi kỹ năng Quản lý lớp học.

Một buổi học thành công sẽ bao hàm nhiều yếu tố mà người đứng lớp phải để tâm: học sinh, thời lượng bài học, thời lượng tiết học,… Kỹ năng Quản lý lớp học sẽ giúp giáo viên tạo nên một lớp học vui vẻ và bổ ích.

4. Cách thức Kiểm tra và đánh giá năng lực tiếng Anh của học viên (Assessment)

Bằng cách kiểm tra và đánh giá năng lực tiếng Anh của học viên một cách chuẩn xác, giáo viên đứng lớp sẽ biết nên truyền đạt kiến thức ở mức độ nào.

5. Cách thức Sử dụng giáo trình và tài nguyên giảng dạy (Using teaching material)

Khi giảng dạy, người đứng lớp phải tham khảo và sử dụng nhiều giáo trình cũng như tài nguyên giảng dạy. Họ sẽ chắt lọc chúng để mang đến những kiến thức phù hợp nhất đến với học viên. Khóa học TESOL sẽ mang đến cách thức Sử dụng giáo trình và tài nguyên giảng dạy để các giáo viên tiếng Anh tương lai nghiên cứu kiến thức chuẩn xác.

6. Cách thức Tổ chức các hoạt động trong lớp (Activities)

Một lớp học không nên là sự truyền đạt kiến thức một chiều. Thay vào đó, người giảng dạy và học viên nên tương tác với nhau. Chính vì thế mà các hoạt động trong lớp là điều vô cùng cần thiết.

7. Cách thức Soạn bài, giáo án (Lesson plan)

Để tránh trường hợp “cháy” giáo án khi giảng dạy, các giáo viên phải biết cách thức soạn bài, lên giáo án. Từ đó mới đảm bảo lượng kiến thức mang đến phù hợp với người học. Cách thức soạn bài, giáo án sẽ giúp các giáo viên tương lai chuẩn bị bài dạy phù hợp.

Điều kiện học TESOL

Điều kiện học TESOL và thi lấy bằng khá đơn giản:

  • Tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành tiếng Anh
  • Nếu tốt nghiệp chuyên ngành khác: bắt buộc phải có điểm IELTS 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ tương đương khác…
  • Đối với trường hợp không nằm trong hai đối tượng trên: bạn cần làm bài test đầu vào và đạt tối thiểu IELTS 6.0

So sánh chứng chỉ TESOL vs. TEFL

TEFL có nghĩa là chứng chỉ Dạy tiếng Anh cho người nói các ngôn ngữ khác (Teaching English as a Foreign Language). Đây là chứng chỉ được sử dụng toàn cầu để giảng viên có thể dạy tiếng Anh ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cùng là cánh cửa dẫn đến với công việc giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ thứ hai, sự khác nhau giữa chứng chỉ TEFL và chứng chỉ TESOL là gì?

  • TEFL có đặc tính linh hoạt cho việc giảng dạy ở nước ngoài, hoặc một nước dùng tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ, TESOL thì tập trung vào việc giảng dạy tiếng Anh tại một nước mà học sinh không phải là người bản ngữ sử dụng tiếng Anh, như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc…
  • TESOL phổ biến hơn ở Mỹ, TEFL phổ biến hơn ở Anh và Úc.
  • TESOL là khoá học dành cho những người muốn học và giảng dạy tiếng Anh chuyên sâu. Còn TEFL phù hợp với người muốn thử sức, làm quen với ngành, hoặc thêm cơ hội ra nước ngoài tìm việc làm.
  • Số thời gian để hoàn thành chứng chỉ TEFL là 120 giờ, còn số thời gian để có được chứng chỉ TESOL là 150-650 giờ.
  • Bằng TESOL mất nhiều thời gian học hơn và được công nhận là một ngành ở nhiều trường đại học lớn. Vì vậy, chi phí cho một khoá học TESOL tầm $780 – $20,000, tuỳ vào việc bạn chọn học Thạc sĩ hay khoá học ngắn.

Nhìn chung, TESOL có phạm vị giảng dạy rộng hơn, bao gồm cả trong và ngoài nước, và các đối tượng học sinh cũng nhiều hơn là chứng chỉ TEFL.

Học TESOL ở đâu?

TESOL là chứng chỉ mang tầm vóc quốc tế, thế nên hầu như mọi nơi trên thế giới đều có chương trình học TESOL chính quy. Dưới đây là một số trường học, trung tâm mà bạn có thể tham khảo:

Tại Việt Nam:

  • Đại học Hà Nội
  • Đại học Quốc Gia
  • Trung Tâm Đào Tạo Chứng Chỉ Tesol Quốc tế AIT TESOL
  • iTD Academy

Tại Vương quốc Anh:

  • University of Nottingham
  • University of Huddersfield
  • University of Westminster, London
  • University of Southampton
  • Teesside University, Middlesbrough

Tại Úc:

  • University of Wollongong
  • La Trobe University
  • University of New South Wales – NSW
  • Macquarie University
  • Griffith University

Tại Mỹ:

  • University of Missouri
  • Indiana University Purdue University Indianapolis
  • University At Buffalo, The State University of New York
  • Binghamton University, State University of New York – The Graduate School

Kết

Mang đến những cơ hội to lớn cho người học, việc sở hữu chứng chỉ TESOL chính là quyết định đúng đắn. Để trở thành giáo viên tiếng Anh giỏi trong tương lai, hãy nhanh tay tham gia học TESOL ngay từ bây giờ.

Tham khảo:

  1. Teaching English as a second or foreign language

Tác Giả