Bà bầu có nên đi xông đất, chúc Tết đầu năm?

Mỗi dịp Tết đến, bà bầu có đủ thứ phải lo, không chỉ lo Tết nhất ở nhà chồng, nhà mẹ đẻ, làm sao có nhiều sức khỏe để con phát triển tốt mà còn phải lo đến cả những quan niệm, kiêng kỵ ngày đầu năm, từ kiêng tắm tất niên, kiêng quét nhà, kiêng mặc quần áo trắng đen, kiêng làm vỡ đồ vật đến kiêng đi chùa, đặc biệt là phong tục kiêng xông nhà, chúc Tết đầu năm mới.

Theo phong tục, bà bầu xông nhà đầu năm là điều tối kị đối với gia chủ. Thậm chí cả ngày mùng 1 Tết, nhiều gia chủ cũng không vui khi thấy bà bầu đến chúc Tết bởi mọi người cho rằng “sinh dữ, tử lành”, việc bà bầu tới nhà sẽ mang lại những điềm không may.

Hơn nữa, người ta cho rằng thân thể người phụ nữ khi mang bầu không “sạch sẽ”, nếu đến chúc Tết, cả năm đó gia đình sẽ làm ăn không thuận lợi dễ thất bát. Vậy quan niệm này có đúng?

Bà bầu có nên đi xông đất, chúc Tết đầu năm? - 1

Bà bầu không nên đi xông nhà, chúc Tết đầu năm? (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, trong phong thủy không cấm bà bầu đi xông nhà chúc Tết nhưng bà bầu vẫn không nên đi. Bà bầu chỉ nên đi mua mở hàng ngày đầu năm mới bởi quan niệm mua 1 bằng 2 mang lại nhiều may mắn. Đồng thời, bà bầu không nên đến những nhà có tang chế.

“Nói chung những người có vận khí xấu như người vừa mới li dị, hay làm ăn phá sản hoặc bà bầu không nên đi xông đất đầu năm”, chuyên gia phong thủy Song Hà chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia phong thủy Nguyễn Quang Minh cho biết, Tết đến bà bầu nên ở nhà nghỉ ngơi, dưỡng thai cho em bé khỏe mạnh. Bà bầu có thể đi chúc Tết nhưng nên đi sau gia đình đã xông nhà.

“Người ta quan niệm phụ nữ có khí âm, năm mới phải có khí dương mới tốt và may mắn được. Bà bầu không nên đến đám ma, đám cưới, đi chùa đầu xuân năm mới mà nên giữ cho em bé luôn yên tĩnh, để khi sinh nở không bị phạm gì”, chuyên gia cho hay.

Bà bầu có nên đi xông đất, chúc Tết đầu năm? - 2

Khi mang bầu, cấu trúc sinh học của người phụ nữ thay đổi, dòng điện sinh học cũng thay đổi sẽ khiến mọi người bị nhiễm dòng điện sinh học, cấu trúc sinh học phá vỡ đi. (Ảnh minh họa)

Cũng nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú – Nhà Nghiên cứu văn hóa lý giải về quan niệm này: “Nhìn dưới góc độ khoa học, trong âm dương, người phụ nữ có 2 nét gẫy, đàn ông có một nét liền. Khi người phụ nữ có bầu tức là có thêm một nét nữa phá vỡ cấu trúc sinh học đi. Trong cấu trúc sinh học, người phụ nữ khi có bầu cũng biến đổi khác đi và khi có cấu trúc sinh học khác đi, dòng điện sinh học cũng thay đổi.

Nếu mọi người ra ngõ gặp bà bầu sẽ nhiễm dòng điện sinh học đó, cấu trúc sinh học sẽ bị phá vỡ đi hoặc thay đổi theo”.

“Còn dưới góc độ huyền thoại, theo thuyết nhà Phật là thuyết đầu thai, khi người phụ nữ có bầu, em bé chưa ra đời vẫn còn đầu thai trong bụng, tức là mang một lực lượng siêu nhiên thần thánh, khi gặp sẽ không may mắn.

Ngoài ra, mọi người quan niệm bà bầu không nên đi xông nhà, chúc Tết vì bà bầu sức khỏe yếu, đi xông nhà vào nửa đêm sẽ không hay lắm. Tiếp theo xét theo dân gian, người Việt có câu chửa đẻ cửa mả là không hay và không may”, PGS.TS cho biết.