Đi “soi” bù tọt – Báo Đồng Nai điện tử

Ở TP. Biên Hòa, có lẽ chỉ có quán Ngâu (góc đường Phan Đình Phùng nối với đoạn đường mới mở chạy ngang qua hồ nước công viên Biên Hùng) là có món bù tọt chiên vàng hết sức độc đáo. Điểm đặc biệt nữa là món bù tọt ở đây có quanh năm chứ không chỉ vào mùa mưa như nhiều người thường nghĩ. Mùa mưa này, ở các chợ lớn như Biên Hòa, chợ Lò Bò, chợ Đồn, chợ Tân Bửu… đều có bán bù tọt đã được lột da sẵn. Những chợ Tân Bình, Thạnh Phú, Bình Hòa …ở huyện Vĩnh Cửu thì gần như sáng nào cũng có người đem bù tọt ra bán…<?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office” />

Bù tọt là con gì?

Từ lâu, bù tọt đã là con vật hết sức quen thuộc với những người dân sống ở miệt đồng ruộng. Đặc biệt là đối với những người xuất thân từ vùng thôn quê, ấn tượng về những năm tháng tuổi thơ cùng bạn bè kéo nhau ra đồng soi bù tọt là kỷ niệm khó quên. Nhiều người còn xem việc đi bắt bù tọt là một cái thú. Món cháo bù tọt, đặc biệt món bù tọt xào xả ớt đã trở thành hương vị quê nhà. Vậy mà bây giờ, có không ít người, nhất là giới trẻ không biết bù tọt là con gì? Sự khác nhau giữa ếch, nhái với con bù tọt ra sao?

Ông Ba Tĩnh (Nguyễn Văn Tĩnh), Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) vốn là cao thủ trong việc soi bù tọt nói rành mạch: “Bù tọt nhỏ hơn ếch, nhưng lại lớn hơn nhái mà tụi này hay gọi là con ếch giò. Đặc điểm để nhận ra con bù tọt là nó có hai cái sọc xanh ở lưng. Xương bù tọt mềm hơn xương ếch nên khi ăn, người ta nhai cả xương. Bù tọt mà xào mướp thì ngon ngọt vô cùng. Đây là món ăn mà dân nhậu tụi này rất mê! Khoảng chừng một chục năm trước đây, bù tọt ở Thạnh Phú này nhiều lắm, chạng vạng tối, tôi ra đám ruộng mới dọn đã nghe bù tọt reo vang rền cả cánh đồng. Đó là lúc chúng nhảy lên bờ ruộng hoặc gò cao để ăn mồi. Chỉ cần soi đèn một lát là được vài ba kg. Nhưng “làm” bù tọt cực lắm! Bữa nào mê quá, tôi bắt cả nửa bao cát bù tọt, đem về nhà “làm” đến tảng sáng mới xong”.

Một “chuyên gia” bắt và nuôi bù tọt ở ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) là anh Nhổng (Hồ Văn Hóa) mới 31 tuổi, có kinh nghiệm “làm” bù tọt một cách rất… “tốc hành” thì cho rằng: “Bù tọt dễ bắt hơn ếch rất nhiều. Nhưng ai cũng sợ khâu làm thịt vì bù tọt lích nhích tốn rất nhiều công. Khi bắt bù tọt, tôi chỉ cần rọi đèn, nó mọp xuống chụp bỏ vào bao. Cỡ 2 kg bù tọt tôi “làm” chỉ trong 10 phút”…

Bí quyết làm bù tọt cực nhanh của “chuyên gia” Nhổng là rắc một mớ tro bếp vào bao đựng bù tọt. Đám bù tọt bị cay mắt sẽ giãy giụa tróc ra hết nhớt. Sau đó anh dùng kéo cắt đầu và các móng chân, tay rồi lột da một cách dễ dàng, mau lẹ. Anh Nhổng nói: “Bù tọt nhớt còn hơn lươn nên để sống rất khó làm. Làm cách này mau lắm!”.

Bắt bù tọt dễ hay khó?

Ông Ba Giàu (Trần Văn Giàu) ở xóm Mương thuộc xã Thạnh Phú là một nông dân sản xuất giỏi, vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh biểu dương gương người tốt việc tốt. Ông Giàu có biệt tài soi cá nổi tiếng khắp vùng Sông Mây. Chỉ với nghề tay trái là soi cá mà hàng tuần ông giao thêm cho vợ 5 phân vàng. Ông Ba Giàu cho rằng: “Bắt bù tọt dễ ợt hà! Nhưng dân soi cá có nghề như tui hoặc Tư Bu, Bảy Hòa, Sơn … ở xóm Mương này đâu có thèm soi bù tọt làm chi cho mất công. Mà hồi đó cá lóc, cá rô, cá trê nhiều lắm, đâu có ai mua bù tọt. Nay bù tọt lột da bán đầy chợ Thạnh Phú với giá 25.000 đồng/kg nên nhiều người mới đổ xô đi soi bù tọt”.

Cả anh Nhổng lẫn ông Ba Tĩnh và ông Hai Đức (Trần Văn Đức, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú đều cho rằng: “Soi bù tọt dễ hơn soi ếch, nhái rất nhiều. Vì bù tọt dạn đèn, bước đến gần nó vẫn nằm im, dễ chụp”.

Thực ra do tập tính sống và kiếm ăn vào ban đêm nên bù tọt kém thích nghi với ánh sáng. Vì vậy ánh đèn soi làm bù tọt lóa mắt và giảm chức năng phòng vệ nên đành nằm im để bị bắt. Còn dân soi bù tọt có kinh nghiệm thường chọn vào khoảng trời chạng vạng tối, vừa dứt cơn mưa có các loại côn trùng xuất hiện cũng là lúc bù tọt ra khỏi hang rộ nhất kiếm mồi để đi soi. Một kinh nghiệm nữa cho thấy nơi có nhiều bù tọt sinh sống và đi kiếm ăn nhiều nhất là ở những chân ruộng lừng, nơi rạ vừa được đốt cháy, gặp trời mưa làm cho mặt ruộng xâm xấp nước. Ở tuổi 60 và có thâm niên soi bù tọt, ông Hai Đức cho biết: “Bù tọt đẻ vào đầu mùa mưa như ếch và một năm đẻ đến 2-3 lứa nên bù tọt ở đồng ruộng nhiều vô kể, bù tọt là loại mà ai muốn bắt cũng được”.

Thế nhưng hai mẹ con bà Tám ở khu 3, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa thì cho rằng: “Bắt bù tọt khó hơn bắt ếch! Nó trơn lùi và nhảy rất lẹ. Lớ quớ chụp hổng được!”. Cô Võ Thị Na, 23 tuổi con gái của bà Võ Thị Nga, mà người dân ở khu vực Lò Vôi này thường gọi là mẹ con bà Tám chuyên sống bằng nghề bắt bù tọt, nói một cách dứt khoát như vậy. Hỏi kỹ ra mới biết là hai mẹ con bà Tám “hành nghề” bắt bù tọt khác với thiên hạ. Họ ra đồng từ mờ sáng và chỉ bắt bù tọt vào ban ngày bằng cách chụp tay. Và địa bàn hành nghề của hai mẹ con bà Tám là dọc theo hệ thống mương lát xi-măng của trạm bơm. Vậy mà có sáng hai mẹ con bà Tám cũng chụp được 2 – 3kg bù tọt để bán cho bà con lối xóm với cái giá chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Mà hàng xóm của bà Tám chẳng bao giờ mua cả kg bù tọt. Họ mua người 2.000 đồng, kẻ 5.000 đồng … Được chính quyền xã Bình Hòa cấp cho căn nhà tình thương, mười mấy năm nay hai mẹ con bà Tám sống đắp đỗi qua ngày bằng công việc … đi chụp bù tọt.

Trong căn nhà nhỏ của mẹ con bà Tám trống hoác không có giường tủ, bàn ghế gì cả. Bà Tám phải ngồi võng tiếp khách, nhưng hai mẹ con tỏ ra rất vui tính. Bà Tám nói: “Bù tọt nhảy lẹ, nên khó bắt lắm. “Ví theo nó mệt muốn chết, mà mùa mưa này lúa lên cao không dám vào ruộng người ta bắt bù tọt đâu, phải chuyển sang bắt cua, ốc…”.

Là dân chuyên sống với công việc bắt bù tọt nhưng kiểu cách “chụp” bù tọt của hai mẹ con bà Tám ở Bình Hòa thuộc vào loại cá biệt. Vì phổ biến vẫn là đi soi bù tọt. Do vậy ở những chợ vùng ven với Biên Hòa như Tân Hạnh, Bến Gỗ, Chợ Đồn, Tân Bửu … Sáng nào bù tọt cũng được bày bán ê hề. Nhiều bà nội trợ khéo tay cầm số tiền ít ỏi trên tay đi chợ mỗi ngày vẫn hay chọn mặt hàng bù tọt để mua vì giá rẻ mà nấu canh chua, xào xả ớt, xào mướp … đều ngon. Ngay với dân nhậu ở Biên Hòa chừng hơn một chục năm nay vẫn còn khoái cái món bù tọt chiên vàng, cháo bù tọt ở quán Ngâu.

Bùi Thuận