Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu: Nguyên nhân cốt lõi và cách giải quyết – TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện không còn mới nhưng vẫn là vấn đề mà các gia đình Việt đang phải đối mặt. Nguyên nhân cốt lõi thường do sự khác biệt giữa quan niệm của hai thế hệ, tính cách cứng nhắc, bảo thủ của mẹ chồng và cách cư xử vụng về của nàng dâu.

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là vấn đề khó tránh khỏi khi bước vào cuộc sống hôn nhân

Tình trạng mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu hiện nay

Có thể nói, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở xảy ra ở mọi thời đại. Trước đây, chuyện mẹ chồng nàng dâu hiếm khi đẩy lên cao trào do con dâu luôn là người phải nhún nhường và chịu đựng.

Tuy nhiên hiện nay, các nàng dâu trở nên tự tin và quyết đoán hơn. Thay vì chịu đựng, không ít người mạnh dạn bày tỏ quan điểm và mong muốn được sống theo ý muốn của bản thân. Điều này góp phần thay đổi những quan niệm cổ hủ về phụ nữ nhưng cũng có thể gia tăng mâu thuẫn và khiến xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu trở nên sâu sắc hơn nếu không khéo léo trong cách cư xử.

Trong xã hội hiện nay, chuyện mẹ chồng nàng dâu vẫn là vấn đề không thể tránh khỏi khi bước vào đời sống hôn nhân. Thậm chí những mâu thuẫn này trở thành rào cản giữa các cặp vợ chồng. Thực tế cho thấy, không ít người phải lựa chọn giữa mẹ và vợ do cả hai không thể hòa hợp. Dù không nhiều nhưng đã có những cặp đôi phải ly dị, ly thận do chuyện mẹ chồng – nàng dâu.

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu thực sự đã trở thành vấn đề của xã hội nói chung và các cặp đôi nói riêng. Mâu thuẫn này sâu sắc đến nỗi khiến không ít nữ giới lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc chỉ kết hôn nếu được ở riêng và không phải sống chung với gia đình chồng. Vì vậy khi bước vào cuộc sống hôn nhân, bản thân người phụ nữ cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để giảm thiểu mâu thuẫn với mẹ chồng. Từ đó có thể tạo dựng cuộc sống hôn nhân êm đềm và bền vững.

Nguyên nhân cốt lõi của mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào thời đại và hoàn cảnh cụ thể. Dù vậy, cốt lõi của vấn đề vẫn là những nguyên nhân sau:

1. Quan niệm lạc hậu

Sự khác biệt giữa hai thế hệ khiến mẹ chồng, nàng dâu có quan niệm hoàn toàn khác nhau. Trước đây, quán xuyến việc nhà, chăm sóc bố mẹ và con cái được xem là nhiệm vụ của người phụ nữ. Trong khi đó, nam giới chỉ cần quan tâm đến công việc và tạo dựng thu nhập cho gia đình.

mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu hiện nay
Sự khác biệt về quan niệm sống là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu

Tuy nhiên ngày nay, vai trò của phụ nữ đã được khẳng định trong xã hội. Phụ nữ vẫn có thể học tập, làm việc và đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp. Chính vì vậy, việc nhà, chăm sóc con cái và bố mẹ phải được chia đều cho cả hai. Với những người mẹ chồng có quan niệm lạc hậu, việc đàn ông phải tham gia chuyện bếp núc, quét dọn nhà cửa là khó chấp nhận.

Chính điều này đã gây ra mâu thuẫn kéo dài giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nếu người chồng không có trách nhiệm và cho rằng việc nhà, việc chăm sóc con cái là của người vợ, mâu thuẫn vợ chồng là điều không thể tránh khỏi. Bản thân người phụ nữ độc lập về tài chính khó có thể nhường nhịn và chịu đựng những bất công trong cuộc sống. Vì vậy nếu mâu thuẫn không được giải quyết, chuyện đổ vỡ là điều tất yếu.

2. Mẹ chồng không hài lòng về con dâu

Mẹ chồng luôn muốn tìm cho con trai một người vợ hiền lành, đảm đang và giỏi quán xuyến việc nhà. Nếu con trai lấy người vợ không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, mẹ chồng thường có thái độ khó chịu và luôn chú ý đến những thiếu sót của con dâu.

Trên thực tế, ngay cả khi người con dâu có nhiều điểm mạnh như giỏi giang, thu nhập ổn, tháo vát,… mẹ chồng vẫn luôn tìm được những điểm chưa hoàn thiện để phàn nàn, chỉ trích. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp con dâu thật sự có quá nhiều khuyết điểm, cách cư xử thiếu thấu đáo khiến mẹ chồng không hài lòng.

3. Hoàn cảnh gia đình không tương xứng

Mặc dù quan điểm sống của xã hội đã trở nên thoáng hơn nhưng việc “môn đăng hộ đối” vẫn rất được quan tâm khi kết hôn. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu có thể nảy sinh do hoàn cảnh của hai gia đình không tương xứng. Thường gặp nhất là gia đình của con dâu không khá giả, thiếu thốn và mẹ chồng có suy nghĩ con dâu lấy con trai của mình vì tiền bạc.

Ngoài ra, gia đình con dâu quá giàu có cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Ở trường hợp này, mẹ chồng có thể cho rằng con dâu thiếu sự tôn trọng với nhà chồng, không quán xuyến việc nhà do được gia đình nuông chiều quá mức. Dù thời đại có thay đổi, sự chênh lệch về hoàn cảnh của hai gia đình cũng đều là nguồn cơn của mâu thuẫn nếu mẹ chồng, nàng dâu không thật sự thấu hiểu nhau.

4. Mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống vợ chồng

Nguyên nhân thường gặp dẫn đến mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu là do mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái. Thực tế, không ít mẹ chồng đưa ra quyết định thay con cái về nhiều vấn đề như kế hoạch lễ cưới, trang trí phòng tân hôn, thời điểm sinh con, quản lý tài chính,… Tuy nhiên ngày nay, các cặp đôi thường muốn sống một cách độc lập và tự đưa ra quyết định thay vì sống theo sự sắp đặt của gia đình.

Nguyên nhân mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống cũng khiến cho mối quan hệ với con dâu trở nên xấu dần đi

Việc can thiệp quá sâu vào cuộc sống vợ chồng khiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu dần nhen nhóm và có thể đẩy lên cao trào nếu cả hai vợ chồng không thống nhất về cách giải quyết. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều nàng dâu ngại sống chung với gia đình chồng và muốn ở riêng ngay sau khi kết hôn.

5. Khác biệt về cách nuôi dạy trẻ nhỏ

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cũng có thể bắt nguồn từ quan điểm khác biệt về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ. Mẹ chồng thường nuôi dạy con cái dựa trên kinh nghiệm và quan niệm dân gian. Tuy nhiên trên thực tế, một số quan niệm dân gian hoàn toàn không phù hợp với thời đại. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Với sự hỗ trợ của sách vở và chuyên gia, nàng dâu luôn muốn chăm sóc con theo cách của bản thân. Nếu mẹ chồng can thiệp quá sâu, mâu thuẫn và tranh cãi là điều không thể tránh khỏi.

Nguyên nhân mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Quan niệm chăm sóc, nuôi dạy trẻ khác biệt cũng là nguồn gốc của mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu

Nhiều mẹ chồng cho rằng, bà đã có kinh nghiệm sinh con và nuôi dạy con khỏe mạnh, thành đạt trong khi con dâu mới lần đầu làm mẹ để áp đặt phải nuôi dạy trẻ theo những quan niệm lạc hậu. Trong trường hợp không thống nhất được cách nuôi dạy và chăm sóc trẻ, mẹ chồng và nàng dâu khó có thể duy trì được sự hòa thuận như trước.

Hơn nữa ở giai đoạn sau khi sinh, bản thân nàng dâu trở nên nhạy cảm hơn. Nếu thường xuyên bị mẹ chồng chì chiết, phàn nàn và không nhận được sự quan tâm từ chồng, nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu, stress, suy nhược cơ thể,… là rất cao.

6. Do cách cư xử của người chồng

Mặc dù là mâu thuẫn xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu nhưng cách cư xử của người chồng cũng có thể nguồn cơn của mâu thuẫn, tranh cãi. Người chồng có vai trò là cầu nối giúp mẹ và con dâu trở nên thấu hiểu và gắn kết hơn. Nếu có cách cư xử khéo léo, mọi mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu hoàn toàn có thể hóa giải.

Nguyên nhân mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Cách cư xử của người chồng cũng có thể dẫn đến những tranh cãi, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu

Ngược lại, nếu người chồng có cách cư xử thiếu thấu đáo, mâu thuẫn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí, người chồng buộc phải lựa chọn giữa mẹ và vợ. Thực tế, đa phần những người đàn ông thiếu trách nhiệm với gia đình, không biết chia sẻ việc nhà với vợ, quá nghe lời mẹ,… đều phải đối mặt với mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân và khiến vấn đề giữa mẹ chồng – nàng dâu bị đẩy lên cao trào.

Trong khi, người đàn ông biết chia sẻ, lắng nghe và tinh tế sẽ giúp cả mẹ và vợ trở nên thấu hiểu, biết cách nhường nhịn và hoàn thiện mình để giữ sự êm ấm, hòa thuận trong gia đình.

Cách giải quyết, hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu

Chuyện mẹ chồng nàng dâu là vấn đề muôn thuở. Mặc dù những câu chuyện này xảy ra rất thường xuyên nhưng khi đối mặt, không phải ai cũng có thể giải quyết một cách hợp lý.

Hạnh phúc gia đình chỉ được tạo nên khi tất cả các thành viên đều yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Chính vì vậy, bản thân mẹ chồng và nàng dâu cần có cách ứng xử phù hợp để hóa giải hiểu lầm và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Với những ai đang phải đối mặt với mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, những bí quyết sau sẽ giúp bạn hóa giải mâu thuẫn, xung đột một cách dễ dàng hơn:

1. Hướng giải quyết cho con dâu

Trong một số cuộc mâu thuẫn, đôi khi lỗi thuộc về ai không thật sự là vấn đề quan trọng. Việc tranh cãi để xác định ai đúng – ai sai có thể đẩy mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đến bờ vực thẳm. Tuy nhiên, nàng dâu cũng không nên lờ đi các mâu thuẫn để giữ sự êm ấm cho gia đình. Những khúc mắc không được gỡ rối có thể gây ức chế tâm lý lâu dài dẫn đến nhiều mâu thuẫn sâu sắc hơn trong tương lai.

giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Bạn nên chia sẻ với chồng để tìm ra hướng giải quyết khi mâu thuẫn với mẹ chồng

Cách giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng dành cho nàng dâu:

  • Chia sẻ với chồng: Khi có mâu thuẫn với mẹ chồng, nàng dâu nên thẳng thắn chia sẻ với chồng để được lắng nghe và chia sẻ. Nửa kia đã sống chung với mẹ chồng trong nhiều năm nên sẽ hiểu hơn về tính cách, quan điểm và sở thích của mẹ. Vì vậy, thông qua chia sẻ với chồng, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tính cách và nắm bắt được tâm lý của mẹ chồng. Qua đó có thể ứng xử khéo léo, phù hợp hơn để mẹ chồng hài lòng.
  • Tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân: Những người mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân thường thiếu kinh nghiệm trong việc nắm bắt tâm lý của mẹ chồng và không biết cách giải quyết mâu thuẫn. Đối với mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, không thể giải quyết cứng nhắc mà cần có sự khéo léo, mềm mỏng. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bạn bè, người thân đã có kinh nghiệm để có thể giải quyết vấn đề một cách êm đẹp.
  • Luôn tôn trọng mẹ chồng: Thực tế, mẹ chồng sẽ có những quan điểm lỗi thời và lối sống, thói quen không phù hợp với xã hội hiện tại. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ, lối sống và quan điểm của người ở thế hệ trước rất khó có thể thay đổi. Do đó thay vì thẳng thắn bác bỏ ý kiến của mẹ chồng, cần thể hiện sự tôn trọng thông qua lời nói, hành động và lựa chọn thời điểm thích hợp để trò chuyện với mẹ. Sự chân thành, tôn trọng sẽ giúp mẹ chồng hiểu được thành ý và ngày càng yêu quý bạn hơn thay vì giữ thái độ thù địch.
  • Hoàn thiện bản thân: Ngày nay, phụ nữ tập trung cho việc học và nghề nghiệp thay vì dành thời gian để nấu nướng, chăm sóc nhà cửa, chồng con,… Quan niệm nữ công gia chánh đã không còn phù hợp khi phụ nữ có thể tự chủ về tài chính và có vị trí vững chắc trong xã hội. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hoàn thiện mình để có những kỹ năng phục vụ cho gia đình như nấu nướng, dọn dẹp, quản lý tốt chi tiết, may vá đơn giản,… Sự thay đổi tích cực từ nàng dâu sẽ khiến mẹ chồng hài lòng hơn, qua đó có thể hòa giải được những mâu thuẫn và thay đổi các định kiến không đúng về bản thân.
  • Giữ sự riêng tư trong cuộc sống vợ chồng: Vì khác biệt giữa hai thế hệ nên đôi khi mẹ chồng sẽ không hiểu được suy nghĩ của bạn và chồng. Vì vậy, cả hai nên thống nhất một số vấn đề nên giữ riêng tư để tránh nảy sinh mâu thuẫn và xung đột.

Mẹ chồng có thể không yêu thương bạn như mẹ đẻ nhưng dù sao bạn vẫn cần giữ thái độ đúng mực, luôn tôn trọng và quan tâm mẹ chồng trong mọi hoàn cảnh. Để hòa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu thật sự không dễ dàng. Tuy nhiên nếu nỗ lực, bạn hoàn toàn có thể giữ cho gia đình êm ấm và nhận được sự công nhận từ mẹ chồng.

2. Cách hóa giải dành cho mẹ chồng

Ngoài hướng giải quyết từ con dâu, mẹ chồng cũng cần nhìn nhận lại vấn đề đề có thể hòa giải mâu thuẫn và giữ cho con cái cuộc sống hôn nhân êm ấm, hạnh phúc. Thực tế, những lời nói, hành động của mẹ đều mong muốn cái được hạnh phúc. Tuy nhiên, quan niệm mỗi thời mỗi khác. Thay vì áp đặt con cái, chỉ nên đưa ra lời khuyên và để con cái được sống với cách mà bản thân chúng mong muốn.

Dù yêu thương và bảo bọc con nhưng mẹ cũng không thể đồng hành cùng con trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, mẹ chồng nên học cách chấp nhận những thiếu sót của con dâu và giúp các con ngày một hoàn thiện để xây dựng mái ấm hạnh phúc. Thái độ cay nghiệt, độc đoán không chỉ gây ra sự nặng nề trong không khí gia đình mà còn khiến con cái xa rời bố mẹ và ngại chia sẻ những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Mẹ chồng nên bao dung và khuyến khích con dâu dần hoàn thiện bản thân thay vì chì chiết, trách móc

Hiện nay, quan niệm về cách làm vợ đã thay đổi khá nhiều so với ngày xưa. Do đó, thay vì giữ thái độ cực đoan, mẹ chồng nên học cách chấp nhận và thấu hiểu. Bởi mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dầu chính là nguồn cơn của nhiều hệ lụy, rạn nứt. Nếu không được giải quyết, mâu thuẫn sẽ trở nên sâu sắc, đục khoét khiến cho sợi dây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo.

Là người có kinh nghiệm sống dày dặn hơn, mẹ chồng nên bao dung, tha thứ những thiếu sót của nàng dâu và khéo léo trong cách cư xử để con dâu hiểu được tâm lý của người làm mẹ. Từ đó xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa mẹ chồng – nàng dâu và giúp cho cuộc hôn nhân của các con trở nên vững vàng, bền chặt hơn.

3. Sự hỗ trợ từ người chồng

Người chồng có vai trò rất quan trọng trong việc hóa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Khi nhận thấy vợ và mẹ có mâu thuẫn, nên chủ động chia sẻ với cả hai để được nắm bắt được tâm lý, từ đó suy xét và đưa ra hướng giải quyết hợp lý.

Sự khéo léo của người chồng sẽ giúp người vợ hiểu hơn thành ý, sự quan tâm của mẹ. Đồng thời giúp mẹ hiểu được con dâu luôn cố gắng, hoàn thiện để làm hài lòng mẹ chồng và luôn nỗ lực để xây dựng gia đình hạnh phúc, êm ấm. Tóm lại tùy vào nguồn gốc của vấn đề, người chồng cần phải có cách nhìn nhận khách quan và cư xử khéo léo, tinh tế để hóa giải mâu thuẫn, tránh đẩy mâu thuẫn lên cao trào dẫn đến nhiều tình huống đáng tiếc.

giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Để giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu, cần phải có sự hỗ trợ của người chồng

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở nhưng không bao giờ cũ. Ở mỗi thời đại và hoàn cảnh, mâu thuẫn lại phát sinh với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nhìn chung, cốt lõi của vấn đề vẫn là sự khác biệt về quan niệm sống và những định kiến vô hình về nhau. Vì vậy, thay vì giữ định kiến và thái độ thù địch, mẹ chồng và nàng dâu nên bao dung để thấu hiểu và hòa hợp.

4. Đồng hành cùng chuyên gia tâm lý trị liệu để hòa hợp mối quan hệ

Nếu bạn đã thực hiện rất nhiều các giải pháp trên nhưng vẫn không dung hòa được mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bạn có thể nhờ cậy các chuyên gia tâm lý trị liệu hỗ trợ. Hiểu một cách đơn giản, họ sẽ sử dụng ngôn ngữ và những quy trình trị liệu để giúp bạn gỡ rối những vấn đề, áp lực, căng thẳng, luồng suy nghĩ đang rối tung trong tâm trí, giúp bạn nhìn thấu vấn đề, nguyên nhân thực sự là gì và tự bạn sẽ đưa ra giải pháp phù hợp để xây dựng mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu một cách bền vững.

Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là một trong những đơn vị uy tín hàng đầu ứng dụng tâm lý trị liệu để hòa hợp mối quan hệ. Với đội ngũ chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, tận tâm với khách hàng, rất nhiều cặp vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh em trong gia đình đã trở nên hòa hợp hơn nhờ phương pháp này.

Việc xây dựng mối quan hệ hòa hợp dựa trên sự thấu hiểu và yêu thương bản thân cũng như người khác đúng cách, thay đổi cảm xúc, suy nghĩ, hành động theo hướng tích cực và phù hợp với hoàn cảnh. Để biết thêm thông tin chi tiết về giải pháp tâm lý trị liệu của Trung tâm NHC Việt Nam, các bạn có thể liên hệ qua hotline: 096 589 8008 hoặc để lại câu hỏi, lời nhắn cho chuyên gia tại đây.

Tham khảo thêm:

  • Ngoại tình trong tư tưởng đúng hay sai? Kéo dài bao lâu?
  • Làm thế nào để thoát khỏi ngoại tình tư tưởng?