Thậm chí nhiều nhà quan sát đã nhận định rằng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám đã được nâng tầm và trở thành nghệ thuật cách mạng.
Sẵn sàng chờ thời cơ, mau lẹ chớp thời cơ
“Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công”. Với câu chuyện thời cơ, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, vị lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh – có lẽ là người nhận thức rất sớm và luôn đau đáu nhất. Bởi Người hiểu, trong tình cảnh đất nước khó khăn, thua thiệt về mọi mặt, cụ thể trong câu chuyện tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chớp thời cơ chính là giải pháp tốt nhất để giành được thắng lợi nhanh chóng, gọn, ít tổn thất nhất có thể.
Bỏ lỡ thời cơ là có tội với lịch sử, nhưng chớp thời cơ hành động một cách vội vã, thiếu sự phân tích khoa học, làm ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, đến chủ quyền quốc gia thì càng có tội hơn. Đây cũng chính là thông điệp mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhắn gửi lại cho hậu thế thông qua bài học về nắm vững thời cơ cách mạng.
Cũng từ quan điểm ấy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn giữ quan điểm phải nhận định chính xác về thời cơ, theo dõi chặt chẽ, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chờ thời cơ, thúc đẩy cho thời cơ phát triển nhanh chóng và mau lẹ chớp thời cơ khi thời cơ đã chín muồi.
Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và lan rộng khắp châu Âu, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 (11/1940) đã được tổ chức tại Ðình Bảng (Bắc Ninh), Hội nghị nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.
Tháng 5/1941, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tiếp tục đã dự báo: “Ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Nghị quyết của Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn quyết liệt. Quân đội Xô Viết phản công quân Ðức thắng lợi trên nhiều mặt trận. Ở mặt trận Thái Bình Dương, lực lượng Pháp hoạt động ráo riết, chờ quân Ðồng Minh đổ bộ vào các nước Ðông Dương sẽ nổi lên đánh Nhật, khôi phục lại quyền thống trị của chúng. Đảng và Bác Hồ nắm bắt nhanh thời cơ này bằng việc ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về “Sửa soạn khởi nghĩa” để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước mới.
Tháng 10/1944, khi chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu đi đến hồi kết, Bác Hồ nhận định: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”.
Tối 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, cũng đêm hôm đó Ban Thường vụ Trung ương họp phiên mở rộng, đưa ra nhận định: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4/1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân.
Cơ hội ngàn năm có một đã không thể bị bỏ lỡ
Tháng 7/1945, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đi đến hồi cuối, phát xít Nhật bại trận mất tinh thần và giữa tháng 8/1945 đã đầu hàng Đồng Minh. Thời điểm này 16.000 quân Anh chưa vào miền Nam và 200.000 quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; còn chính quyền tay sai thì như rắn mất đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm bắt rất rõ về khả năng đầu hàng của quân Nhật cũng như tinh thần cách mạng sôi sục của quần chúng nhân dân, vì thế Người cho rằng phải chớp thời cơ “nghìn năm có một” này. Người ra chỉ thị : “… dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Đầu tháng 8/1945, phát xít Đức, Ý thua ở châu Âu, đến ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Đây là khoảng trống quyền lực cần phải chớp thời cơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc Cách mạng 19/8, nếu chậm khoảng 2 tháng nữa nguy cơ đổ máu sẽ nhiều hơn. Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ thời cơ, tận dụng thời cơ một cách tối đa để Cách mạng tháng Tám thành công.
(Thiếu Tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an)
Đây cũng chính là thời điểm, Đảng, Bác Hồ hiểu rất rõ rằng khoảng thời gian hai mươi ngày, từ ngày 15/8/1945 (Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh) đến ngày 5/9/1945 (quân đồng minh kéo vào nước ta để giải giáp quân Nhật) là khoảng thời gian chín muồi nhất để tiến hành tổng khởi nghĩa, rằng: “cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”.
Người khẩn trương chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14/8 đến 15/8) và Đại hội quốc dân (ngày 16/8 đến 17/8) tại Tân Trào, thành lập ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam – Chính phủ lâm thời sau khi cách mạng thắng lợi. Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào chủ trương phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Đại hội quốc dân Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng.
Cũng ngay sau đó, ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Cũng chính từ chủ trương “không thể để lỡ cơ hội”, một quyết định rất nhanh, rất nhạy bén nhưng cũng rất sáng suốt được Đảng và Bác Hồ đưa ra: Không câu nệ, tỉnh, huyện hay xã mà địa phương nào điều kiện chín muồi thì thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước.
Chủ trương quyết đoán là vậy nên chỉ chưa đầy nửa tháng, từ 13-25/8/1945, các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi mà không tổn thất lớn về lực lượng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám trong mắt nhìn của các nhà quan sát, các sử gia, trở thành một trong những cuộc cách mạng thần tốc nhất trong lịch sử nhân loại.
Hà Anh
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!