Hài Lông loại lan đã quá quen thuộc với những người chơi lan hài. Lan Hài Lông thu hút mọi người không chỉ bởi vẻ đẹp đơn thuần mà còn cả sự quý hiếm khó tìm kiếm trên thị trường.
Lan Hài Lông có tên khoa học là Paphiopedilum hirsutissimum. Ở nước ta chúng được tìm thấy nhiều tại những nơi có khí hậu mát mẻ như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng…
Mặt hoa lan hài lông
Hiện tại lan hài lông có 2 mặt hoa chính như chúng ta đã thấy ở trên. Bên cạnh đó còn có thêm một số biến thể mặt hoa rất đặc biệt nữa. Trước khi đi vào tìm hiểu loài lan này chúng ta cùng ngắm nhìn một số hình ảnh về chúng qua những thước hình sau nhé.
Một số đặc điểm của lan hài lông
Trong tự nhiên, người ta tìm thấy loài này sống trên chất mùn dưới gốc cây hoặc trên đá có phủ rêu. Nơi có độ ẩm cao và có mưa phùn vào từng đợt trong mùa Đông và Xuân, mưa rào vào Hạ sang Thu.
Một cây lan hài lông khi trưởng thành sẽ có lá dài 30-45cm, rộng 3-4 cm. Mặt trên màu xanh sẫm hơn mặt dưới.
Hoa của lan hài lông có phần cánh hoa gần cuống mép xoăn lại. Phần đầu cánh màu tím đỏ, mép có lông. Cánh môi hình mũ, đầu tù, màu vàng lục đến xanh nhạt, có nhiều chấm màu tím. Ngoài ra còn có một loại lan hài lông xanh hết một màu trông rất đẹp. (Cùng một số biến thể khác nữa, nhưng không nhiều). Một ngồng hoa cho 1 bông, dài 17-25cm và có lông rậm. Kích thước hoa 10-14cm, nở rải rác vào khoảng tháng 3-6 dương lịch.
Cách trồng lan hài lông
Khi trồng lan hài thì chúng ta nên kê các chậu lan trên giàn thép. Hoặc kê lên gạch để chậu không chạm đất nhằm hạn chế sinh vật có hại. Lan hài lông không chịu được nhiều nắng, ưa râm mát. Vì thế nên đặt chậu dưới gốc cây hoặc dưới lưới che, tuy nhiên sắp xếp sao cho có nắng sớm chiếu xiên vào cây 1-2 tiếng mỗi ngày thì rất tốt. Nếu nắng buổi trưa trực tiếp chiếu vào thì cây sẽ cháy lá.
Chọn chậu trồng lan hài lông
Mình thường trồng lan hài bằng chậu đất nung có lỗ. Có nhiều người thì trồng bằng chậu gốm, sứ chỉ có 1 lỗ thoát nước ở đáy cũng được. Trồng chậu gốm sứ thì nhìn đẹp hơn. Giá thể ít bị thất thoát khi tưới tuy nhiên cần chú ý đến độ thoát nước. Nên dùng các giá thể cỡ lớn hoặc đặt 1 cục xốp to dưới dưới đáy để thoát nước tốt. Khi trồng chậu đất thì không lo khoản úng nước tuy nhiên thường xuyên phải bổ sung giá thể vì giá thể hay bị lọt qua lỗ chậu khi tưới.
Nên trồng 1-2 cây lan hài lông vào 1 chậu. Mục đích để dễ quản lý giá thể, đảm bảo độ ẩm đều trong một chậu. Khi cây có hoa ta cũng dễ dàng chọn các chậu có hoa ghép thành một chậu lớn để chơi, trưng.
Giá thể trồng lan hài lông
Giá thể trồng lan hài thì đa dạng. Tiện gì dùng nấy, miễn là cứng, ít hoai mục giữ ẩm tốt, thoáng cho rễ là được.. Lan hài lông có thể thích nghi với nhiều loại giá thể như: vỏ thông, than củi, xỉ than tổ ong, sỏi xây dựng, đá bọt, đá thấm thủy,… Có thể pha trộn hỗn hợp lại với nhau để trồng. Hoặc thậm chí chỉ dùng 1 loại trồng cũng được. Không có vấn đề gì cả
Nếu bạn thắc mắc nếu trồng lan hài lông với giá thể 100% là đá hay xỉ than thì rễ lấy dinh dưỡng ở đâu? Đương nhiên ta phải bón phân cho cây, phân NPK có bán ngoài cửa hàng. Hay ta có thể bón phân gia súc tự xúc ngoài đường về xử lý với vôi phơi khô
Mình thì hay trồng lan hài lông bằng đá thấm thủy và vỏ thông. Khi trồng mình đập đá thành viên to nhỏ khác nhau to cỡ ngón chân cái đến nhỏ hơn. Giá thể trồng hài lông phải to nhỏ lẫn lộn vậy mới thoáng để rễ hài hít thở.
Ở dưới đáy chậu lót 1 ít đá to. Sau đó trộn đá và vỏ thông còn lại theo tỷ lệ bằng nhau, đổ vào đến khoảng nửa chậu. Đặt cây đứng vào rồi đổ tiếp hỗn hợp đó cho đến miệng chậu. Chú ý đừng để giá thể đầy quá lấp cả thân cây. Phải hơi nhô gốc ra một chút, nếu không sẽ hỏng lá gốc nhé. Có thể Rắc một chút phân gia súc khô, vỏ thông, xơ dừa cắt miếng nhỏ, rêu rừng, phân chậm tan lên trên mặt chậu (có gì dùng nấy). Chỉ cần ít thôi nhé! đừng ham bỏ nhiều, sau vài tháng ta lại bổ sung thêm phân sau.
Bón phân và tưới nước cho lan hài lông
Về tưới nước, ngày tưới 1 lần, ngày mưa hoặc ẩm thì không cần tưới. Ta có thể kiểm tra bằng cách cầm 1 viên giá thể lên nếu thấy đã khô hoàn toàn thì có thể tưới, còn ẩm mát thì thôi. Để giúp cây hài lông ra hoa, nên tưới nước mạnh và để nơi nhiệt độ mát vào mùa Hạ sang Thu. Trước mùa hoa 4-5 tháng ta bón NPK giàu P (lân) 10-30-10 1 lần 1 tuần để kích hoa. Đồng thời giảm tưới, tưới thưa đi khoảng 4-5 ngày/lần. Còn nếu mưa thì kệ cho mưa, sau ngày mưa 4-5 ngày mới lại tưới. Vì giữ ẩm liên tục không nghỉ sẽ làm cho hài không ra hoa.
Khoảng tháng 6-9 dương lịch vào mùa mưa, nên phun thuốc phòng nấm bệnh (Topsin, Kamsu 2L…) 1 lần/tháng. Nếu cây hài lông đã bị bệnh thì phun theo chỉ dẫn trên nhãn 1 lần/tuần cho đến khi khỏi bệnh. Khoảng 15 ngày tưới nước vôi trong 1 lần mục đích là để trung hòa độ pH trong giá thể. Lan hài phát triển tốt khi pH=7. Việc chỉ tưới phân hóa học hoặc những cơn mưa ở thành phố có axit làm giảm pH chất trồng rất nhanh. pH xuống thấp làm hỏng rễ lan hài từ đó cây không hút được nước và dinh dưỡng và lụi dần đến chết.
Trên đây là một số kinh nghiệm trồng lan hài lông tại vườn nhà. Hy vọng bài viết sẽ là tại liệu tham khảo cho các bạn. Nhất là những bạn đang bắt đầu tìm hiểu về loài lan tuyệt đẹp này.
Bài viết liên quanTOP 23 loài lan hài Việt nam nên sưu tầm
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!