Được coi là loại “siêu trái cây” có chứa nhiều lợi ích về dinh dưỡng, nếu quả kiwi được nhập khẩu từ New Zealand đã quen thuộc với đa số người tiêu dùng với giá từ 200-500.000 đồng/kg, thậm chí cả triệu đồng đối với loại kiwi berry thì loại kiwi rừng lại khá lạ lẫm đang được rao bán với “siêu rẻ”, thu hút sự quan tâm của nhiều chị em.
Kiwi rừng trở thành thứ quả lạ gây sốt trên chợ mạng với những lời quảng cáo thu hút.
Chỉ cần gõ tìm kiếm “kiwi rừng” trên các chợ mạng, lập tức hàng trăm bài viết quảng cáo kiwi rừng hiện lên. Phần lớn, người bán đều cho rằng, quả kiwi rừng có nguồn gốc tự nhiên tại Việt Nam, có vị chua chua ngọt ngọt, giòn tan, chấm muối ớt hay dầm sữa chua đều rất ngon. Thậm chí có người nhấn mạnh: hàng rừng nên không thuốc thang gì, ăn một lần cho biết.
Theo quan sát, những bài viết bán kiwi rừng với hình dáng và màu sắc giống hệt loại kiwi nhập khẩu đã nhận được sự quan tâm, đặt hàng của cả trăm người, đa số đều là người chưa từng sử dụng, mua vì “lạ” và rẻ.
Đây được cho là loại quả mọc tự nhiên và hình dáng giống hệt quả kiwi thông thường được bày bán tại siêu thị.
Đặt mua 3kg kiwi rừng với giá 50.000 đồng/kg trên chợ mạng, chị Phạm Thị Huệ (trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) tỏ vẻ thất vọng: “Họ nói kiwi rừng chua thanh không chua gắt, có thể chấm muối ớt hoặc xay sinh tố, làm mứt, làm thạch… Vì chưa ăn bao giờ lại tin lời họ nói nên tôi đặt mua 3kg, về ăn thử thì không thể chấp nhận được”.
Theo chị Huệ, loại kiwi rừng này có hình dạng giống hệt quả kiwi nhập khẩu thường thấy có vỏ màu nâu sậm và có lông, ruột màu xanh, có nhiều hạt nhỏ liti màu đen bao quanh trục dọc. Tuy nhiên, khi ăn thì vừa chua, vừa đắng, chát, ăn xong còn đọng lớp nhám trong miệng và ngứa lăn tăn.
“Quá thất vọng nhưng tiếc của, tôi ngồi hì hụi gọt vỏ mất cả buổi chiều rồi mang đi ngâm đường nhưng vẫn đắng và chát nên đổ đi luôn”, chị Huệ nói.
Nhiều người tỏ ra thất vọng khi sự thật không như quảng cáo.
Không ngoại lệ, chị Tú Quyên (trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đặt mua 4kg kiwi rừng với giá 40.000 đồng/kg theo lời quảng cáo “trên trời” của người bán, tuy nhiên khi về sử dụng thì không thể ăn hết ½ quả.
“Họ bảo chua chua ngọt ngọt, chua thanh chứ không chua gắt, tôi ham rẻ và lạ nên đặt mua về ăn thử 1 miếng mà không nuốt trôi khỏi cuống họng bởi nó chua hơn chanh và sấu”, chị Quyên thở dài.
Hơn nữa, theo chị Quyên, người bán đăng quả kiwi rất to nhưng nhận về tay thì bé đúng như quả cà chua bi. “Tôi cặm cụi ngồi gọt mỏi cả tay, mang ngâm đường với tỉ lệ 1:1, để 3 ngày sau nếm thử vẫn chua loét kèm vị chát, lợn cợn ở cổ, vừa buồn cười vừa tức.
Thực tế quả kiwi rừng rất nhỏ và rất chua.
Theo anh Vi Văn Quân (trú tại Đắk Nông), quả kiwi này mọc hoang rất nhiều tại các vùng rừng núi khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, chủ yếu được mọi người hái về ngâm rượu khi quả đã già, gần chín. Thời gian gần đây, nắm bắt xu hướng chuộng “của lạ” của người tiêu dùng, nhiều người đã đi hái về rồi quảng cáo sai sự thật để bán kiếm lời.
“Kiwi rừng nổi tiếng là chua hơn chanh, khi còn non quả có vị đắng và chát, quả già thì cực kỳ chua, thậm chí một số người ăn còn thấy ngứa ở cuống họng. Nếu chia tỷ lệ chua ngọt làm 10 phần thì độ chua của kiwi rừng chiếm 9,5 phần nên ít ai ăn vậy được”, anh Quân nói.
Đa số loại quả này thường dùng để ngâm rượu hoa quả.
Chia sẻ về công thức ngâm rượu, anh cho biết, quả kiwi rửa sạch, phơi cho ráo nước rồi bổ đôi cho vào bình thủy tinh. Tiếp đó cho đường phèn hoặc đường kính vào theo tỷ lệ: 2:1. “Tức là 2kg kiwi thì cho 1kg đường, ngâm trong vòng 10- 15 ngày, sau đó ta đổ rượu vào ngâm ngập kiwi theo tỷ lệ 1kg kiwi ngâm với 3 lít rượu. Sau 50-60 ngày là có thể bỏ ra dùng được”.
(Theo Dân Việt)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!