Bài viết sau đây là của bạn Đỗ Thanh Mai, lớp phó học tập chuyên Toán-Tin trường THCS Chuyên Nguyễn Du 2005, và chuyên Toán Lê Hồng Phong khóa 2005-2008. Biết nhau từ lúc còn mài đít trên ghế trường Nguyễn Du, tui rất khâm phục và ngưỡng mộ (và đôi chút ganh tị) lớp phó học tập đầy uy quyền và cực kì thông minh này. Du học NUS, được những tập đoàn hàng đầu thế giới Amazon, Apple, Google và Twitter mời làm việc là một loạt những thành tích mà Mai đã giành được. Sau đây là những trải nghiệm, khó khăn và thử thách mà Thanh Mai đã đi qua để có được ngày hôm nay. Cùng xem và học hỏi nhé!
Mọi chuyện bắt đầu thế nào để bạn đi du học?
Năm 17 tuổi, lần đầu tiên mình gặp một chị tên Trang Nguyen học Harvard về nghỉ hè và giúp trong một chương trình tình nguyện. Ngày ấy giấc mơ du học vừa xa và vừa gần. Xa như việc mình cố gắng ôn luyện đi du học mà không nói gì với gia đình. Gần vì mình đã gặp được một người bằng xương bằng thịt được học bổng y ở Harvard đây.
Năm 18 tuổi, mình thi đậu National University of Singapore (NUS) khoa Engineering. Trước đó, mình cũng có được vài học bổng bán phần ở những nước khác nhưng mình chủ trương là nhà không có một đồng để đóng học phí nên chỉ nộp vào những trường có chính sách ‘blind policy.’ Những trường này sẽ xét đơn và tuyển sinh mà không cần chứng minh tài chính từ gia đình. Sau khi nhận vào, họ sẽ có chính sách, học bổng và hỗ trợ cần thiết để sinh viên học xong trả nợ. Với vốn tiếng Anh ít ỏi và thành tích ngoại khoá chỉ gói gọn trong phong trào trường lớp vì phần lớn thời gian học dành cho luyện toán chuyên, không ngạc nhiên là mình rớt như sung khi đăng ký hay viết luận vào các trường ở Mỹ. Singapore là một bước đệm rất tốt vì những hỗ trợ tài chính từ trường, môi trường học cạnh tranh, cởi mở và nhiều cơ hội bước tiếp. Ở Singapore khiến mình tự tin và tiếp cận với nhiều luồng văn hoá mới.
Năm 19 tuổi, mình hí hoáy nộp đơn đi học Thạc sỹ bằng đôi giữa Singapore và Pháp khi ở năm hai đại học. Đây là chương trình đặc biệt liên thông thạc sỹ thẳng từ bậc cử nhân. Mình biết chân trời ở ngoài kia còn rộng lớn. Chương trình học ở kỹ sư Pháp nghĩa là được học một ngôn ngữ mới, học khoa học căn bản, và tiếp tục khám phá. Bài học lớn nhất mình rút ra trong khoảng thời gian này gói gọn trong một chữ ‘resourcefulness’ – là phải nỗ lực tận dụng và sử dụng hết những cơ hội và tài nguyên quanh mình. Tài nguyên đó có thể là những mối quen biết với các anh chị năm trên, các khoá học online, các giáo sư hay đơn giản là phòng hỗ trợ sinh viên. Chỉ cần mình năng động, chịu khó tìm hiểu, mình sẽ được đền đáp dù phải vấp ngã nhiều. Nếu các bạn đã đi du học thì vẫn nên tìm kiếm những chương trình giao lưu để đi thêm nhiều nước nữa. Sau này khi đi làm, mình có thể đi nhiều nơi nhưng sẽ không gì so sánh được với khoảng thời gian đi học. Đi du học không phải là một điểm đến mà chỉ là khởi đầu của một hành trình.
Năm 21 tuổi, mình lên đường sang Pháp, theo chương trình bằng đôi và hai năm kế tiếp ở Pháp hoàn toàn thay đổi mình. Nước Pháp đã cho mình nhiều cơ hội và thật nhiều kỷ niệm đẹp về những người Việt Nam ở Pháp vừa tài giỏi, vừa rộng lòng giúp đỡ du học sinh, và những người Pháp cởi mở, hiếu khách, mở rộng cửa đón sinh viên du học vào cuộc sống và văn hóa như chính con cái của họ. Mình thử product design, start-up, tiếp cận mảng machine learning/AI và khám phá nước Mỹ qua một chương trình đi thực tập ngắn hạn trong kỳ hè. Bài học lớn nhất mình rút ra sau ‘resourcefulness’ là ‘resilience.’ Số lần mình khóc vì sợ không đủ tiền, vì áp lực thi cử, vân vân đếm không hết. Thế cũng may, vì mình chỉ khóc cho đã rồi lại đâu vào đấy. Thất bại nhiều thì không phải là thành ‘chai mặt đâu’. Bạn vẫn thấy đau mỗi lần thất bại, vẫn sợ hãi, nhưng bạn biết là mình sẽ lại đứng lên.
Bạn nói về ‘resilience’, khoảng thời gian khó khăn nhất là gì và bao lâu để bạn hồi phục?
Có vài lần đáng nhớ:
1. Hồi chuẩn bị sang Pháp, đã thi đậu vào trường ở Pháp rồi nhưng tìm mãi không ra học bổng. Một tuần trước khi lên đường, đến văn phòng xin lỗi thầy phải rút hồ sơ vì nhà không đủ tiền, buồn lắm. May mắn thay, trường bên Pháp lại cho tiền và khi sang Pháp, mình lại xin thêm được một học bổng nhỏ nữa. Cứ phải đi thì con đường mới mở ra.
2. Lần đầu sang Mỹ đi thực tập, kiếm được kha khá. Sau đó, không may người yêu của mình (chồng mình bây giờ) bị tai nạn giao thông. Mình thì không phải nạn nhân nhưng hồi đó sợ lắm. Người yêu đã xuất viện rồi, mà ngày nào cũng khóc vì áp lực nơi xứ người và sợ bị ông chủ của cái xe kiện. Sau đó về lại Pháp trắng tay, lại phải lấy thêm tiền ở Pháp đi trả nợ. Giờ nghĩ lại mình rất khờ để bị người ta chèn ép bắt trả rất nhiều tiền vì không hiểu luật lệ. Nói là hồi phục để chăm người yêu và lo cho mọi thứ ổn thoả thì là trong một nốt nhạc. Nói là hồi phục hoàn toàn thì không, mãi đến giờ vẫn sợ và lo cho anh ấy.
3. Bị đuổi việc vì chưa đủ kinh nghiệm và văn hoá không hợp. Nói là hồi phục để tiếp tục phỏng vấn và đi tìm việc mới thì mình hồi phục trong một nốt nhạc. Hồi phục hoàn toàn thì chắc không bao giờ. Mình cũng mất đâu khoảng 2-3 tháng để nhớ lại và dám đối mặt với vấp ngã đó.
Sau khi tốt nghiệp, con đường nào rồi sau đó đi làm ở những công ty như Apple, Amazon, và Twitter?
Đợi đến khi gần tốt nghiệp mới nghĩ đến việc đi làm là khá muộn. Mình cũng đã là muộn nên những em sau này mình đều khuyên nên định hướng ngay từ năm đầu đại học.
Năm 23 tuổi, mình về lại Singapore để hoàn thành phần còn lại của chương trình Thạc sỹ. Học xong, vừa học, mình vừa tìm kiếm cơ hội đi làm và thực tập. Nộp đơn xin việc rớt như sung, nhưng may mắn thay cũng được một vị trí thực tập ở Apple với trụ sở ở Singapore. Ngoài ôn luyện, mình còn nhờ bên phòng Hướng nghiệp của NUS giúp mình làm mock interview (phỏng vấn thử). Việc tập dượt kỹ năng trả lời phỏng vấn và chuẩn bị chu đáo giúp mình thành công ngay lần đầu với Apple. Mình làm ở Apple Singapore một thời gian thì cũng nung nấu cơ hội sang Mỹ vì lúc đó chồng chưa cưới đang ở Mỹ. Vì kết quả làm việc, mình được đồng nghiệp giúp đỡ để nộp đơn sang Apple tại Mỹ. Sau này, mình chọn vào Amazon vì ở Seattle sẽ gần chồng mình hơn.
Nếu làm lại, bạn sẽ khuyên bản thân của tuổi 18 điều gì?
Mình chỉ nghiệm lại một điều: Trên đời có hai loại người, một là may mắn biết được mình muốn làm gì ngay tuổi 20; hai là mãi chưa biết rõ mình muốn gì. Đối với những bạn biết rõ đam mê của mình thì tập trung chính là từ khoá của thành công. Mình thì không may mắn như thế, định hướng của mình rất lơ mơ năm mình 18, 20. Đúng hơn là cái gì mình cũng thích – từ làm việc kỹ thuật cao, làm nghệ thuật, mở công ty hay đi làm từ thiện ở các tổ chức phi lợi nhuận. Mình sẽ lại khuyên mình của năm 18, 20 là nên bắt tay vào làm và đừng mơ mộng hay lo lắng nhiều quá.
Khi bạn đã làm thì nên làm từng thứ một và phải tiếp cận kinh nghiệm thực tế càng sớm càng tốt. Môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng gắt, ngay từ năm một phải nghĩ đến chuyện sẽ làm gì khi tốt nghiệp và thử làm ở những tầm nhỏ hơn.
Đã làm ở Apple, Amazon, được nhận vào Google, và bây giờ là làm ở Twitter, bạn nhận ra điều gì?
Mình sẽ khuyên bản thân là đi làm ở những công như Apple, Google, etc. không phải là điểm đến cuối cùng. Ở thời điểm này, mình nhận ra là tự do tài chính và khả năng sử dụng đồng tiền để tái đầu tư mới là quan trọng. Và mình sẽ tiếp tục nỗ lực cho hành trình phía trước.
Gì nữa không?
Mọi người đều nghĩ competition (cạnh tranh) là cần thiết để thành công, nhưng mình nhận ra rằng để thành công, cạnh tranh là hoàn toàn vô nghĩa nếu mình chỉ khư khư nghĩ đến ganh đua mà không tạo ra được một giá trị của riêng mình. Trong môi trường kinh doanh, cạnh tranh mà không có giá trị mới chỉ làm lợi nhuận ít đi, sản phẩm và giá trị bị copy và mọi người thì mệt mỏi.
Khi còn là sinh viên/học sinh, hay nhân viên đi nộp đơn xin việc, sẽ có những lúc bạn phải cạnh tranh với người khác trong cùng một hệ qui chiếu (cùng một bài kiểm tra, cùng một đề tài học). Khi đi làm thì cạnh tranh bằng lương bổng, cấp độ, và cuộc sống của mình trở nên gò bó vào một khuôn khổ của xã hội. Nếu có thể, trong khả năng của mình, phải chăng nên tạo ra một hệ qui chiếu mới – để thành công là tìm một con đường của riêng mình, không chỉ là cạnh tranh và sống theo một chuẩn mực của ai khác.
Những gì mình và các anh chị đi trước trải qua có lẽ không bao giờ lập lại y như thế. Điều các duy nhất các bạn nhớ sau bài viết dài dòng này chỉ đơn giản là: có nhiều con đường đến thành công, và các bạn phải tìm được một con đường như thế của riêng mình.
Cảm ơn bạn Mai đã giành thời gian tâm huyết viết nên bài viết bổ ích về hành trình du học và làm việc ở xứ người. Hi vọng Alex sẽ nhận được những bài viết chia sẻ khác của các bậc tiền bối khác để mọi người có thêm nhiều thông tin đa dạng hơn, không chỉ có kinh nghiệm của mình Alex.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!