Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp nhà đầu tư bỏ túi được những kinh nghiệm hữu ích về việc xử lý tài khoản đang trong tình trạng “kẹp hàng”.
Thị trường chứng khoán hiện đang là một trong những kênh đầu tư thu hút nhất năm 2021 khi đã tăng nóng liên tục trong thời gian qua. Tuy nhiên, những cú rơi của chỉ số VN-Index đầu tháng 7 vừa rồi khiến nhà đầu tư được một phen lao đao. Chuyện “kẹp hàng”, tức là việc nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu ở vùng giá cao và hiện đang chịu thua lỗ nặng nề vì vậy rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” không biết nên cắt lỗ hay trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ là chuyện không hiếm gặp.
Để xử lý tài khoản khi bị “kẹp hàng”, trước hết, chúng ta cần phân tích trạng thái thị trường. Nếu thị trường giảm quá nhanh, chúng ta cần xác định đó là điều chỉnh giảm cục bộ hay thị trường đang bước vào downtrend. Thông thường, những phiên điều chỉnh giảm cục bộ thì phiên tiếp theo sau đó sẽ là phiên hồi và volume thị trường sẽ rất lớn, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ tiếp lượng hàng cổ phiếu có trong danh mục.
Tuy nhiên, nếu như thị trường đang bước vào downtrend thì những phiên sau đó volume khá “đuối”. Đơn cử như những phiên giao dịch đầu tháng 7 vừa qua, khi có thời điểm VN-Index mất tới hơn 74 điểm, sau đó thị trường thể hiện khá yếu khi dòng tiền đi vào thấp hơn hẳn so với nhịp tăng hồi tháng 6.
Lúc này điều tiên quyết nhà đầu tư cần làm đó là: hồi là phải bán! Nếu không thể bán hết được lượng hàng đang có, hãy xử lý phần vay margin để tránh bị căng tài khoản. Trong bối cảnh thị trường rơi quá nhanh khiến các “chứng sĩ” không thể xử lý kịp thời, hãy xem xét và thực hiện một trong những cách dưới đây để cơ cấu lại danh mục.
Việc chấp nhận cắt lỗ khi đang “kẹp” là điều không hề dễ dàng bởi những quan điểm “chưa bán là chưa lỗ” hoặc “cổ phiếu rồi sẽ mau chóng hồi phục”. Những quan điểm trên là không sai, nhưng cần phải hướng đến đối tượng “kẹp” là nhà đầu tư dài hạn hay nhà đầu cơ lướt sóng.
Trên TTCK, phần đông nhà đầu tư là nhỏ lẻ và đầu cơ lướt sóng. Do đó, đối với phần đông nhà đầu tư nhỏ lẻ thì việc chấp nhận cắt lỗ càng nhanh càng tốt sẽ giúp họ bảo toàn được nguồn vốn. Tùy mức lỗ chấp nhận được của từng người mà sẽ có những mức quy định cắt lỗ khác nhau, ví dụ lỗ 5% cắt lỗ 1/3 tài khoản, 10% tiếp tục cắt lỗ thêm 1/3 tài khoản nữa…
Theo các chuyên gia trên TTCK, thua lỗ tối đa 7% có thể coi là mức phù hợp để cắt lỗ, tất nhiên con số này chỉ đúng với các nhà đầu tư ngắn hạn.
Tuy vậy, phương pháp chấp nhận đau thương và cắt lỗ có lẽ chỉ dễ thực hiện với mức thua lỗ nhỏ, dưới 10%. Còn nếu thua lỗ lớn, trên 10% mà vẫn bị “kẹp” thì nên suy nghĩ tới những phương án khác.
Cách này thực hiện như sau: Bán một phần/toàn bộ cổ phiếu đang lãi để bù lỗ cho những cổ phiếu đang bị “kẹp”.
Thực hiện theo cách trên sẽ khiến cảm giác “đau thương” khi cắt lỗ ở cách 1 giảm đi nhiều hơn, nhưng cách này cũng khiến những cổ phiếu khỏe bớt đi một phần sức mạnh. Tuy nhiên, rủi ro chỉ số tiếp tục giảm điểm vẫn còn hiện hữu, cổ phiếu dù tốt thế nào cũng khó tránh khỏi xu hướng chung của thị trường nên việc nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận là một cách để tài khoản dư sức mua và chúng ta có thể mua lại những cổ phiếu khỏe khi chúng đã giảm tới vùng giá hấp dẫn.
Việc chúng ta thực hiện đảo hàng trong danh mục từ cổ phiếu A yếu sang cổ phiếu B “xịn” hơn, trạng thái vẫn là cầm chừng ấy hàng không đổi.
Ưu điểm của phương pháp này là nhà đầu tư có thể chọn được cổ phiếu tốt hơn, nhưng nhược điểm đó là rủi ro thị trường vẫn còn nên có thể cổ phiếu mới mua cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng giá giảm. Tuy nhiên, những cổ phiếu tốt khi thị trường đi vào uptrend sẽ là những cổ phiếu tăng mạnh nhất, khi đó nhà đầu tư có thể lấy lại những phần đã mất.
Đây là cách mà nhiều nhà đầu tư thường hay làm nhất: Gồng lỗ.
Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những F0 mới tham gia thị trường thường có suy nghĩ cổ phiếu sẽ không thể giảm sâu hơn được nữa nên quyết định sẽ “cố thủ” với cổ phiếu đó đến khi nào giá trị cổ phiếu quay về giá vốn lúc mua. Thời gian mà cổ phiếu quay về giá cũ sẽ thường từ vài tháng, hoặc có khi tới cả năm.
Với cách này, nhà đầu tư chỉ nên làm khi sử dụng vốn cá nhân 100%, tài khoản không bị căng và những cổ phiếu nắm giữ phải là những cổ phiếu cơ bản tốt: vốn hóa doanh nghiệp lớn, kết quả kinh doanh ổn định, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, giá vốn ban đầu ở mức thấp… Còn những cổ phiếu yếu: vốn hóa thấp, thanh khoản thấp,… nhà đầu tư tốt nhất nên dọn chúng ra khỏi danh mục!
Với những nhà đầu tư còn dư nhiều tiền mặt, có thể thực hiện cách bình quân giá cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro. Khi giá cổ phiếu đã giảm tới một ngưỡng nào đó, chúng ta có thể thực hiện mua thêm cổ phiếu đó để giá vốn giảm xuống.
Phương pháp này đã quá nổi tiếng, vì không chỉ khi thị trường downtrend chúng ta mới mua bình quân giá mà ngay cả khi thị trường trong trạng thái uptrend chúng ta vẫn có thể thực hiện. Bình quân giá theo thời gian loại bỏ yếu tố tâm lý ra khỏi quyết định đầu tư. Bất kể giá cổ phiếu tăng giảm thế nào giữa những ngày qua, nhà đầu tư biết chính xác lúc nào cần nhấn nút “mua” và sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền.
Warren Buffett từng nói: “Nguy cơ lớn nhất là nhà đầu tư nhút nhát hoặc mới bắt đầu sẽ nhảy vào thị trường vào thời điểm thị trường cực kỳ hưng phấn và sau đó vỡ mộng khi xảy ra thua lỗ trên giấy tờ”. Mua rẻ bán đắt có lẽ là châm ngôn nổi tiếng nhất của thị trường chứng khoán nhưng rất hiếm người làm được việc này. Vậy nên, bình quân giá theo thời gian loại trừ khả năng mua đắt bán rẻ.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này đó là giá cổ phiếu có thể giảm sâu hơn, vì vậy chỉ nên bình quân giá khi những rủi ro từ thị trường đã giảm và những cổ phiếu bình quân là những cổ phiếu tốt.
Cách này cũng tương tự như cách 5, vẫn là bình quân giá nhưng nâng cao hơn đó là lấy hàng gốc làm kho hàng để trading, tức là bắt đáy xong lấy hàng sẵn có bán luôn. Cách này có ưu điểm đó là giá vốn cổ phiếu sẽ giảm nhưng sức mua tài khoản không bị quá căng, tỷ lệ tài khoản được giữ nguyên ở mức an toàn.
Dù thực hiện cách nào đi nữa nhưng có một lời khuyên chung cho tất cả những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán: Nếu đang ôm cổ phiếu được đánh giá tốt, nhưng đang giảm sâu mà lại sử dụng margin thì việc “chịu đòn” chờ bão tan là không khả thi. Khi đó, có lẽ cần ưu tiên hơn đến việc thu hồi vốn.
Hy vọng bài viết trên của NVC team có ích với các bạn!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!