Tháng 5/2016, công ty truyền thông 88rising đăng tải video đầu tiên lên YouTube, đó là một ca khúc của rapper Desiigner mang tên “Panda”. Đây cũng là bước đi đầu tiên, trở thành nền tảng giúp 88rising mở rộng bản sắc, quảng bá văn hóa hip-hop châu Á trên đất Mỹ sau này.
Trong nhiều thập kỷ, hip-hop đã trở thành một nền văn hóa được giới trẻ nước Mỹ ưa chuộng. Tuy nhiên, cách đây một vài năm, với Sean Miyashiro – người sáng lập 88rising, anh không cho rằng hip-hop chỉ là của riêng nước Mỹ. Chàng thanh niên Sean ngay từ thời điểm ấy đã yêu nét âm nhạc của những rapper châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Indonesia. Đó cũng là lúc anh tự đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta không thử mở rộng thị trường hip-hop châu Á ra thế giới? Từ một suy nghĩ đơn giản, Sean đã từng bước tìm đến những nghệ sĩ châu Á đầy tiềm năng và triển vọng. 88rising đã bắt đầu như thế!
Gọi là một công ty truyền thông nhưng 88rising còn mở rộng hơn thế, đó là lời khẳng định của nhà sáng lập Sean Miyashiro. Trong bài phỏng vấn với Pitchfork, anh giải thích về công ty của mình: “Rất nhiều người vẫn còn thắc mắc rằng: 88rising rốt cuộc là gì vậy? Là kênh YouTube à? Hay là một hãng thu âm? Nói ngắn gọn thế này, 88rising là tất cả mọi thứ”.
“88rising không phải nơi để ép buộc mọi người thay đổi nhận thức về châu Á, đơn giản vì chúng ta đã và đang làm điều đó bằng cách tồn tại rồi”, Sean trả lời đầy tự tin.
Cùng với sự tự tin ấy, chỉ trong vòng 2 năm, 88rising đã nhanh chóng phát triển với một văn phòng được đặt tại Los Angeles (Mỹ) và một văn phòng khác tại Thượng Hải (Trung Quốc). Người ta gọi 88rising với cái tên đầy mỹ miều: Sự giao thoa văn hóa giữa Mỹ và châu Á.
Sau thời gian dài tự nghiên cứu và tìm hiểu, Sean và đội ngũ 88rising đã tìm ra được cách thức để đưa các nghệ sĩ châu Á đến gần hơn với những khán giả Mỹ. Tương tự như vậy, 88rising mang đến một tầm nhìn tuyệt vời về một châu Á đa dạng với âm nhạc, thời trang, truyền hình… Điều đó đồng nghĩa với việc công ty truyền thông này không chỉ mong muốn mang hip-hop châu Á đến với thế giới mà còn tham vọng quảng bá về cả một nền văn hóa.
Đương nhiên, nếu chỉ với tham vọng thì chưa chắc Sean đã có thể thành công. Từ những ngày đầu tiên, Sean Miyashiro đã luôn tỉ mỉ, cẩn thận và chỉn chu trong cách làm việc. Sự chỉn chu ấy thể hiện ở chính tên gọi và logo của 88rising. Trong tiếng Hán, “88” có nghĩa là “niềm vui nhân đôi”. Trong khi đó, con số này cũng tượng trưng cho một kiểu chào tại Đức Quốc xã, nhiều người cho rằng 88 cũng là biểu tượng cho sự nổi dậy.
Với 88rising, Sean đã gửi gắm toàn bộ thông điệp mà công ty muốn truyền tải đến công chúng: Sự trỗi dậy của châu Á.
Nói nhiều về việc ủng hộ những nghệ sĩ cũng như đưa văn hóa châu Á ra ngoài thế giới là vậy nhưng Sean khẳng định nguồn gốc không phải tiêu chí lựa chọn hàng đầu của anh.
“Đâu phải cứ là nhạc châu Á thì tôi sẽ thích?”, Sean thẳng thắn trả lời, “Nói riêng về mảng âm nhạc, nếu tôi không thích một sản phẩm nào đó thì tôi sẽ tuyệt nhiên không quảng bá dù là nhạc của nước nào đi chăng nữa. Lần đầu Higher Brothers (một nhóm hip-hop Trung Quốc) tìm đến chúng tôi, tôi thật sự bất ngờ khi nhạc rap của Trung lại hay đến thế. Tóm lại, chúng ta phải thích thì mới có thể làm được”.
Có lẽ đó cũng là lí do những nghệ sĩ của 88rising luôn được đánh giá cao. Sean thật sự yêu thích âm nhạc của họ và anh muốn lan tỏa niềm yêu thích ấy đến với nhiều người hơn. Giữa những nghệ sĩ và 88rising không bao giờ có sự ép buộc, luôn luôn có một ranh giới gọi là tự do trong tầm kiểm soát. Anh để mặc cho nghệ sĩ thỏa thích sáng tạo, để rồi sau đó cùng tìm ra công thức cho sự hoàn hảo của bài hát.
Trong dàn nghệ sĩ tài năng của 88rising, điển hình nhất có lẽ là rapper đến từ Indonesia Rich Brian. Năm 2016, Rich Brian ra mắt MV đầu tay mang tên Dat Stick và bất ngờ trở thành một cơn sốt, một hiện tượng mạng xã hội. Cùng với video thử phản ứng của các rapper khi lần đầu xem Dat Stick, 88rising đã không chỉ quảng bá tên tuổi của Rich Brian mà còn mang văn hóa hip-hop châu Á đến gần hơn với cộng đồng người Mỹ.
Ở thời điểm đó, khán giả Mỹ ngạc nhiên khi nhìn thấy một anh chàng châu Á lại có thể rap tài tình đến thế, người ta không ngờ rằng âm nhạc châu Á cũng đã phát triển đến như vậy. Với chỉ một video, tên tuổi của Rich Brian cũng như 88rising đã lan tỏa rộng rãi, trở thành một đế chế mới nơi hip-hop châu Á đang từng bước khẳng định mình.
Tại Mỹ lúc này, việc một rapper châu Á, cụ thể là Indonesia có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy là điều chưa từng có tiền lệ. Và tất nhiên, 88rising tự hào khi được trở thành tổ chức đầu tiên tạo nên điều này.
“Nếu những người đi trước từng làm điều gì như chúng tôi, có lẽ tôi đã không hào hứng đến thế. Tôi cảm tưởng như thế giới đã chờ đợi điều này từ chúng tôi rồi, họ chờ đợi một làn sóng châu Á tràn đến, kiểu vậy đó”, Sean hài hước chia sẻ.
Quả thật, từ mong ước đưa hip-hop châu Á ra tầm thế giới, Sean cùng đội ngũ 88rising đã nảy ra nhiều ý tưởng hơn, mang tầm vóc hơn so với mục đích ban đầu. Nhờ đó, 88rising hội tụ một dàn nghệ sĩ đa quốc gia, với lối riêng biệt không ai giống ai tạo nên một thế giới âm nhạc châu Á đủ màu sắc. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng khán giả 88rising hướng đến cũng rộng rãi hơn so với những ngày đầu tiên.
Còn nhớ vào tháng 3/2019, những người hâm mộ Việt đã “đứng ngồi không yên” khi rapper Suboi được mời tham dự trong bộ phim tài liệu mới về Hip-Hop mang tên Asian Rising – The Next Generation of Hip-Hop (tạm dịch Sự lên ngôi của châu Á – Thế hệ tiếp theo của Hip-hop). Ngoài đại diện Việt Nam Suboi, bộ phim còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi trong làng Rap như Rich Brian (Indonesia), Higher Brothers (Trung Quốc), Keith Ape (Hàn Quốc), Awich (Nhật Bản), Jin Dogg (Nhật Bản).
Bộ phim chính là cách 88rising làm rõ quan điểm của mình về sứ mệnh lan tỏa văn hóa châu Á ra thế giới. Cùng với lời kể của những rapper đình đám, 88rising chứng minh sức mạnh và sự phát triển của công nghệ như một nền tảng có thể thu hẹp khoảng cách, văn hóa và phá vỡ các khuôn mẫu khi kết nối, truyền cảm hứng: “Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu”.
Đúng với cái cách mà nó được thành lập, 88rising mang đến hơi thở mới nhưng vẫn mang nét đặc trưng của âm nhạc châu Á. Đi theo chặng đường của 88rising, người ta nhận ra rằng châu Á không chỉ nổi bật với làn sóng Hallyu Hàn Quốc, với Kpop vẫn đang chiếm ưu thế. Hơn hẳn thế, 88rising là tiếng nói của giới trẻ, là minh chứng cho một nền âm nhạc mang đầy lòng tự tôn châu Á.
Bài viết: Hà Linh (Theo The New Yorker, Pitchfork)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!