Đường cao tốc đã dần khẳng định được tính ưu việt trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền. Hiện nay hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam được đầu tư phát triển với trên 500km, gồm 05 tuyến: Hà Nội – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương, TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Đây có thể coi là một trong những kênh kết nối giữa trung tâm thủ đô, thành phố lớn với các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên những hiểu biết về đường cao tốc cũng như những hiểu biết về quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên cao tốc không phải người tham gia giao thông nào cũng tinh tường. Với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, cùng chung tay xây dựng “văn hóa giao thông”, chúng tôi xin chia sẻ một số kiến thức được pháp luật quy định về đường cao tốc và tham gia giao thông trên đường cao tốc như sau:
1. Khái niệm
Khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Đường cao tốc” là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
2. Quy định về tham gia giao thông trên đường cao tốc (Điều 26, Luật Giao thông đường bộ 2008 ):
– Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật Giao thông đường bộ còn phải thực hiện các quy định sau đây:
+ Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
+ Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
+ Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
+ Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
– Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
– Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
– Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
3. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khi tham gia giao thông trên đường cao tốc :
* Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm :
Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe, lui xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định ghi trên biển báo hiệu về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc (Điểm i, khoản 4, điều 5, Nghị định 171/2013/NĐ-CP)
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm:
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (Điểm a, khoản 7, điều 5, Nghị định 171/2013/NĐ-CP)
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng (Điểm c, khoản 11, điều 5, Nghị định 171/2013/NĐ-CP).
* Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm:
Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (Điểm e, khoản 4, điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP
* Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với các hành vi vi phạm:
– Điều khiển xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h, máy kéo đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (Điểm c, khoản 4, Điều 7, Nghị định 171/2013/NĐ-CP)
– Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định ghi trên biển báo hiệu về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc (Điểm đ, Khoản 4, điều 7, Nghị định 171/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm những hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 01 tháng. (Điểm a, khoản 9, điều 7, Nghị định 171/2013/NĐ-CP)
* Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (Điểm e, khoản 4, điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ-CP)
* Đối với người đi bộ
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. (Khoản 3, điều 9, Nghị định 171/2013/NĐ-CP)
* Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Đi vào đường cao tốc trái quy định (Điểm b, khoản 4, điều 10, Nghị định 171/2013/NĐ-CP).
BBT
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!