Nhà đầu tư nên làm gì trong thị trường gấu? – VnExpress Kinh doanh

Giữ tâm lý bình tĩnh, đầu tư phù hợp, tránh bán tháo hay mua trung bình giá giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro trong thị trường giá xuống

Thị trường gấu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khi thị trường chứng khoán giảm từ 20% trở lên so với mức đỉnh trước đó và có xu hướng tồn tại trung bình dưới một năm. Ví dụ, tại thời điểm đầu tháng 10/2022, VN-Index giảm 28% so với đầu năm và là tháng giảm điểm thứ 5 liên tiếp.

Thị trường gấu khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tâm lý hoảng loạn, muốn rời bỏ thị trường. Ảnh: GoBankingrates

Thị trường gấu là thời điểm đáng sợ đối với các nhà đầu tư khi chứng kiến giá trị danh mục đầu tư sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường giảm luôn là một phần của quá trình đầu tư. Nếu xét về dài hạn, thị trường về lâu dài vẫn đi theo hướng tích cực. Do đó, nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư phù hợp, kỷ luật, tránh hành động theo cảm xúc. Dưới đây là những hành động giúp nhà đầu tư có thể vượt qua giai đoạn thị trường suy thoái kéo dài:

1. Kiểm soát cảm xúc

Khi thị trường rơi vào trạng thái xuống giá, nhiều nhà đầu tư bắt đầu hoang mang, thậm chí hoảng loạn. Theo William O’Neil – một doanh nhân, nhà môi giới chứng khoán nổi tiếng, trên thị trường chứng khoán hay bất cứ lĩnh vực nào khác, nhà đầu tư thường có thiên hướng hành động theo cảm xúc cá nhân. Khi không kiểm soát được cảm xúc, nhà đầu tư rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm, bán tháo cổ phiếu hoặc mua vào những cổ phiếu vừa tăng trưởng nóng trong thời gian trước.

Chính vì vậy, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là cần kiểm soát được cảm xúc. Theo kinh nghiệm của William O’Neil, cách tốt nhất để hạn chế giao dịch theo cảm tính là thiết lập nên các quy tắc giao dịch dựa trên việc nghiên cứu thị trường trong quá khứ, không phải từ cảm xúc hay định kiến cá nhân. Càng hiểu sâu về diễn biến thị trường trong quá khứ, nhà đầu tư sẽ càng dễ dàng nhận ra những cơ hội trong tương lai.

Đồng thời, để chế ngự được cảm xúc và vượt qua giai đoạn khó khăn thị trường gấu, nhà đầu tư nên hạn chế theo dõi danh mục đầu tư thường xuyên, thậm chí đóng app (ứng dụng) để chờ thị trường hồi phục.

2. Không trung bình giá hay bán tháo

Các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới – F0 thường chạy theo hiệu ứng FOMO, mua ở mức cao trong sự hưng phấn của thị trường tăng giá và hoảng loạn bán ra ở mức thấp trong sự ảm đạm của thị trường giá xuống. Những hành động tự phát không tuân thủ kỷ luật như bán ra khi thị trường đang giảm mạnh khiến nhà đầu tư có nguy cơ mất vốn vĩnh viễn.

Trong giai đoạn thị trường gấu, nhà đầu tư không margin, mà hạ tỷ trong margin và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để giữ an toàn tài khoản, bảo vệ vốn.

Ngoài ra, trong giai đoạn giá xuống, nhà đầu tư F0 không nên cố gắng dự đoán thời điểm mua vào để bắt đáy, trung bình giá hay bán tháo thu hồi số vốn còn lại đối với những cổ phiếu có giá trị đầu tư, vì cổ phiếu tuy đã rẻ những vẫn có thể rẻ hơn, hoặc vẫn có thể xuất hiện những nhịp hồi xen kẽ đối với một số cổ phiếu.

3. Cân bằng lại danh mục đầu tư

Trong suốt một thị trường tăng giá dài, cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm giá nhanh hơn so với việc đầu tư trái phiếu hoặc tiền mặt, khiến danh mục nhà đầu tư không phù hợp với phân bổ tài sản. Một trong những nguyên tắc của đầu tư là “không bao giờ bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ”, điều này đặc biệt quan trọng trong thị trường gấu.

Để giảm thiểu tổn thất, nhà đầu tư nên cân bằng lại danh mục đầu tư, phân bổ vào các loại tài sản khác nhau. Theo Investopedia, nhà đầu tư nên cân bằng lại danh mục đầu tư để tránh rủi ro, như kết hợp 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu. Cách phân bổ tài sản như thế này là một chiến lược đầu tư thận trọng và mang lại tiềm năng sinh lời trong dài hạn.

4. Lên kế hoạch đầu tư dài hạn

Nhà đầu tư cần xây dựng một kế hoạch đầu tư rõ ràng mang tính chất lâu dài, nhất quán xuyên suốt quá trình đầu tư. Hình thức đầu tư trong thời gian dài, thường kéo dài từ 3 đến 10 năm hoặc có khi là cả đời. Nhà đầu tư sẽ tập trung mua một vài cổ phiếu/ trái phiếu và nắm giữ trong thời gian dài để cổ phiếu sinh lời, sau đó có thể bán đi hoặc trở thành một phần của công ty.

Trừ trường hợp cổ phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ có xu hướng rớt giá mạnh không có khả năng vực lại, bị đình chỉ giao dịch thì nhà đầu tư mới nên chuyển hướng. Việc xây dựng và phát triển các danh mục đầu tư không thay đổi sẽ giúp cho các nhà đầu tư có một nguồn vốn sẵn có, lâu dài, đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Với chiến lược xây dựng danh mục đầu tư không thay đổi, nhà đầu tư cần thường xuyên tái cân bằng danh mục nhằm đảm bảo tỷ trọng từng loại tài sản.

5. Đầu tư phòng thủ

Các cổ phiếu phòng thủ như các mặt hàng chủ lực của người tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và tiện ích, hay các công ty có bảng cân đối và kinh doanh chất lượng cao hơn… có nhiều khả năng vượt qua giai đoạn thị trường suy yếu. Nếu có vị thế tài chính mạnh mẽ, bao gồm lượng tiền mặt lớn để đáp ứng chi phí hoạt động, các công ty này có thể sớm phục hồi mạnh mẽ.

Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn chiến lược đầu tư “săn cổ tức” (chủ yếu bằng tiền mặt). Bởi vì, cổ tức tiền mặt là một trong hai nguồn lợi tức chính của nhà đầu tư, bên cạnh lợi tức khi cổ phiếu tăng giá.

Thực tế, xu hướng đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức tiền mặt được nhiều nhà đầu tư giá trị theo đuổi, tiêu biểu là Benjamin Graham, “cha đẻ” của thuyết đầu tư giá trị. Ông cho rằng, cổ tức tiền mặt mang lại nguồn thu nhập khá ổn định và giúp nhà đầu tư hưởng lợi nhuận kép nếu lãi suất giảm mạnh.

Ngoài ra nhà đầu tư có thể xem xét một tài khoản ủy thác được quản lý chuyên nghiệp, như một số quỹ mở. Khi thị trường gặp thách thức, các quỹ được quản lý chuyên nghiệp có thể có tiềm năng tốt hơn.

Thị trường gấu là hiện tượng bình thường theo chu kỳ của chỉ số chứng khoán. Trong giai đoạn thị trường gấu, nhà đầu tư cần có tâm lý vững vàng, chiến thuật hợp lý trước khi vội vàng rút các khoản đầu tư. Điều này có thể tránh nguy cơ thua lỗ khi thị trường bò tót quay trở lại.