Bộ phim mới lên sóng của đài jTBC Gangnam Beauty (Mỹ Nhân Gangnam) là một câu chuyện tình cảm, lãng mạn nhưng phản ánh rõ thực trạng về cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ đang gây nhức nhối trong xã hội hiện đại của người trẻ Hàn. Đây là bộ phim được chuyển từ webtoon cùng tên của tác giả Gi Maeng Gi kể về cô gái Kang Mi Rae (Im Soo Hyang), một người đẹp nhân tạo.
Người ta thường nói “Nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt” để nêu lên quan niệm về chuẩn mực vẻ đẹp của người phụ nữ. Thế nhưng trớ trêu thay, Kang Mi Rae sinh ra đều không có ba “thứ” quan trọng đó. Vì béo, cô bị bạn bè chê cười nên quyết tâm giảm cân để sở hữu được “nhất dáng”; nhưng cái thứ ba là khuôn mặt thì Mi Rae có cố gắng thế nào cũng không thay đổi được. Cô lầm lũi sống trong những ngày tháng mặc cảm về gương mặt xấu xí của mình.
Để rồi đến khi trưởng thành, Mi Rae đã dũng cảm gặp “ông tiên” hành nghề bác sĩ thẩm mỹ, chịu đau đớn để được “làm phép” biến đổi thành một cô gái xinh đẹp, hoàn hảo. Nhưng miệng lưỡi thế gian, sự kỳ thị của một xã hội hà khắc lại nguyền rủa Mi Rae là “con quái vật thẩm mỹ”. Mi Rae sẽ kiên cường, tự tin tồn tại trong môi trường đó như thế nào? Liệu cô có thể chiến thắng định kiến và viết nên cái kết cổ tích cho chính cuộc đời mình?
Mặc dù dùng câu chuyện về vẻ đẹp nhân tạo làm “nguyên liệu chính”, Gangnam Beauty vẫn là một nồi lẩu thập cẩm thơm ngon, béo ngậy với đầy đủ hương vị. Đó là chuyện tình tay ba, tay tư của sinh viên, là đời sống đại học vui nhộn, những mối quan hệ rắc rối, phức tạp khiến đời sống của Mi Rae thêm phần thú vị và đầy biến động.
Thông qua hai tập đầu tiên, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy cách phát triển ý tưởng của Gangnam Beauty đã quen thuộc. Có quá nhiều tác phẩm đình đám như Sắc Đẹp Ngàn Cân, Birth of a Beauty… cũng từng lựa chọn đề tài này và phản ánh chân thực câu chuyện về người phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi cuộc đời.
So với những tác phẩm trên, Gangnam Beauty không có đủ chất liệu ám ảnh và ý nghĩa giàu tính nhân văn về sự biến đổi từ nhận thức đến cuộc sống của “Người đẹp Gangnam” mà chỉ loay hoay khai thác chuyện tình sinh viên đậm chất hường phấn. Tuy nhiên, nếu như phim bám sát nguyên tác nổi tiếng và có những cải biên mới mẻ, hợp lý thì có thể, những tập tiếp theo của phim sẽ thú vị và hấp dẫn khán giả hơn.
Một hạn chế nữa của Gangnam Beauty nằm ở khâu quảng bá khi phim không có sự xuất hiện của các ngôi sao, những tên tuổi đang hot hiện nay giống như Thư Ký Kim Sao Thế của đài tvN. Thay vào đó, tuyến vai chính của Gangnam Beauty được trao cho các diễn viên trẻ, triển vọng đang “thử nghiệm” khả năng diễn xuất.
Nữ chính Kang Mi Rae do Im Soo Hyang đóng là một kiểu vai bánh bèo điển hình, không có sự nữ cường, tự tin vốn có mà là sự rụt rè, sợ hãi bị lộ tẩy, thụ động, chỉ biết chờ hoàng tử là nam chính Do Kyung Suk (Cha Eun Woo) đến cứu. Diễn xuất của Im Soo Hyang dường như “đơ toàn tập” từ biểu cảm gương mặt đến hành động. Cũng có thể do cô nàng phải hóa thân thành người đẹp nhân tạo chưa kịp hồi phục nên mọi cảm xúc từ mỉm cười đến rơi nước mắt của Mi Rae đều thô cứng, không chút tự nhiên.
Trong khi đó, nam chính Cha Eun Woo của nhóm nhạc thần tượng Astro với nhan sắc lấn át cả nữ chính vẫn còn diễn xuất “non kém” và gượng gạo. Trong phim, Cha Eun Woo hóa thân thành anh chàng Kyung Suk đẹp trai, lạnh lùng nhưng sở hữu một trái tim ấm áp, chất chứa nhiều tâm sự. Tuy nhiên, Kyung Suk của Cha Eun Woo cũng chỉ là một “bức tượng” đẹp đẽ nhưng vô hồn.
Phản ứng hóa học giữa cặp đôi chính thực sự là nhạt như nước lã. Khoảng cách 7 tuổi giữa Im Soo Hyang và đàn em Cha Eun Woo khiến Mi Rae giống như một người chị “e ấp” bên Kyung Suk mặt búng ra sữa, dù trong phim, họ là những người bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó thì dàn diễn viên phụ cũng không có điểm gì nổi bật hay nét đặc sắc riêng. Những tuyến nhân vật thiện ác quá điển hình khiến câu chuyện trở nên nhạt nhẽo, ít có điểm nhấn và sự đột phá. Dẫu sao, phim cũng chỉ mới bắt đầu và hy vọng rằng, những diễn biến tiếp theo sẽ đặc sắc, hấp dẫn hơn.
Gangnam Beauty đã miêu tả, phản ánh về thực trạng coi trọng vẻ đẹp ngoại hình, đánh giá qua bề ngoài mà bỏ quên phẩm chất, cốt cách tạo nên cái nết, nét đẹp vĩnh cửu thực sự của con người. Qua đó, bộ phim cũng phê phán xã hội Hàn Quốc khi tôn sùng cái đẹp nhưng lại “đỏng đảnh” đòi hỏi đẹp tự nhiên mà dè bỉu, khinh thường cái đẹp nhân tạo. Những định kiến, áp đặt của cộng đồng khiến những cô gái như Mi Rae phải chịu tổn thương về mặt tinh thần và thể xác để sống sao cho vừa lòng thiên hạ mà đánh mất bản chất thực sự của chính mình từ gương mặt, vóc dáng đến cách sống.
Một thế hệ người trẻ Hàn đang chạy theo trào lưu tiêu chuẩn về cái đẹp với mặt nhỏ, dáng thon, làn da trắng bệch để tồn tại, để được công nhận. Hiện thực này sẽ gây nên hậu quả gì trong năm tháng thanh xuân của những sinh viên xứ kimchi? Đón xem Gangnam Beauty vào thứ Sáu – thứ Bảy hàng tuần trên đài jTBC để biết rõ kết cục.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!