Từ đường Phạm Văn Đồng – một trong những con đường lớn của TP Đà Nẵng hướng ra phía biển, xe chúng tôi bon bon đến một con đường khá rộng, khang trang với nhiều cây cảnh đô thị, nhà hàng, khách sạn…chạy song song cùng với bãi biển đó là đường Hoàng Sa. Đường Hoàng Sa dài 15,51 km bắt đầu từ ngã ba đường Võ Văn Kiệt, đường Trường Sa đến Bãi Bắc thuộc bán đảo Sơn Trà. Người đồng nghiệp chân tình, chẳng nề hà dưới trời nắng gắt đưa chúng tôi đến Bảo tàng TP, vào các cửa hàng sách báo, thư viện để chúng tôi tra cứu, tìm kiếm những thông tin về huyện đảo Hoàng Sa.
Thông tin mà chúng tôi tra cứu được, điều khẳng định đầu tiên đó là: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử toàn thế giới đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Và tất cả những khẳng định này chúng ta đều có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử có liên quan.
Trở lại lịch sử, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của Nhà nước Việt Nam- Đội Hoàng Sa, là bằng chứng hùng hồn về sự xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa ra đời ở cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Về sau Đội còn đảm trách việc xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa. Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ là ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của con cá voi, (tương truyền do binh Đội Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) và thờ lính Hoàng Sa. Ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi – thần linh ở miếu này, được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.
Tại huyện đảo Lý Sơn, vẫn còn Âm Linh Tự, tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải, tức phường An Hải xưa. Đến ngày nay tại các nhà thờ tộc họ, các đình làng ở xã An Vĩnh và cả làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo Cù Lao Ré) vẫn còn tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính Đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ vào ngày 20-2 âm lịch hàng năm. Ngày nay tại các nhà thờ tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đều có tổ chức tục lễ như thế và hiện tại gia đình các tộc họ cũng còn giữ bài văn khao lề thế lính Hoàng Sa, gồm một nửa chữ Hán, một nửa chữ Nôm.
Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông, từng khu vực có lực lượng hoặc do chúa Nguyễn, chúa Trịnh hoặc quân Tây Sơn làm chủ. Với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre năm 1884, chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa, với dòng chữ: “République Francaise – Royaume dAnnam – Archipels des Paracels 1816 – Ile de Pattle 1938”. Việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Genève 20-7-1954, buộc quân Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam tháng 4-1956. Vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã tích cực tổ chức các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 22-8-1956, song song với việc đưa lực lượng hải quân ra quần đảo Trường Sa để chiếm giữ, bảo vệ quần đảo này trước những hoạt động xâm lấn của kẻ thù, Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức một số hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, như: Tổ chức đoàn nghiên cứu thủy văn do Saurin dẫn đầu; cho phép kỹ nghệ gia Lê Văn Cang tiến hành khai thác phốt phát ở Hoàng Sa. Từ năm 1957, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cử một đại đội thủy quân lục chiến ra quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thay thế cho quân của đại đội 42 thuộc tiểu đoàn 142. Ngày 13-7-1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã gọi là xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; tại Nghị Định số 709-BNV-HCĐP-26 ngày 21-10-1969 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, xã Định Hải được sáp nhập vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Ngày 17-1 đến ngày 20-1-1974, trong lúc đất nước ta đang có chiến tranh, Trung Quốc đã cho quân đánh và chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 2-7-1976, sau khi đất nước thống nhất, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 04-02-1982, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵn (nay là Đà Nẵng).
Ngày nay, trên mảnh đất Hoàng Sa thiêng liêng này, hằng ngày vẫn có ngư dân các tỉnh miền Trung ra đánh bắt, khai thác hải sản. Những con tàu mang Quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên biển Đông. Những người dân, những con tàu bám biển Hoàng Sa họ chính là những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.
Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!