Excerpt from:
Shipley, K. G. & McAfee, J.G., (1998). Assessment in Speech-Language Pathology: A
Resource Manual (2nd ed.). San Diego, CA: Singular Publishing Group, Inc, p.369-384.
Có những người bị giới hạn về khả năng giao tiếp bằng lời nói do khuyết tật về nhận thức hoặc về thể chất. Những người này có thể cần đến những phương pháp giao tiếp thay thế cho lời nói. “AAC” (Augmentative or Alternative Communication) là chương trình làm tăng khả năng giao tiếp cho những người gặp khó khăn bằng lời nói do khuyết tật hay khiếm khuyết trí tuệ. Có nhiều cách giúp đỡ họ trong giao tiếp: từ những lựa chọn kỹ thuật thấp không đắt tiền như ngôn ngữ ra dấu bằng tay hay bằng bảng hình ảnh đến thiết bị giao tiếp kỹ thuật cao đắt tiền như máy chuyển tải lời nói. Những chương trình AAC có thể sử dụng ngắn hạn hay dài hạn, tùy thuộc khả năng và tiên lượng của từng cá nhân.
Việc đánh giá ngôn ngữ và lời nói có thể quyết định ích lợi của chương trình AAC và giúp nhận ra loại chương trình AAC nào thích hợp nhất cho mỗi cá nhân. Trong việc đánh giá dành cho những người bị khuyết tật nặng khi họ diễn tả ý muốn của mình, cần phải điều chỉnh tiến trình đánh giá cho thích hợp với sự giới hạn về ngôn ngữ hay thể chất của mỗi cá nhân. Sự đánh giá điển hình bao gồm tham vấn một nhóm các chuyên gia, như bác sĩ, nhà vật lý trị liệu, chuyên gia âm ngữ trị liệu, chuyên gia tâm lý, nhân viên xã hội, và giáo viên. Họ có thể cung cấp những hiểu biết để giúp quyết định một chương trình thích hợp nhất. Sự đánh giá chương trình AAC căn bản gồm bốn lãnh vực:
1) Xác định nhu cầu giao tiếp của cá nhân
2) Ðánh giá khả năng cảm giác và vận động của cá nhân
3) Ðánh giá khả năng ngôn ngữ và nhận thức của cá nhân
4) Tiên lượng chương trình AAC thích hợp nhất
Xác định nhu cầu giao tiếp của cá nhân:
Khi xác định nhu cầu giao tiếp của cá nhân, cần phải xem xét chương trình hiện tại của cá nhân, sự hiệu quả của chúng , những thành công hay trục trặc khi áp dụng những chương trình trước đây, cùng với những hoàn cảnh giao tiếp và trao đổi thông thường điển hình của cá nhân. Những thông tin trên có thể thu thập bằng cách hỏi cá nhân và những người chăm sóc giao tiếp hàng ngày với cá nhân, nhất là phụ huynh và giáo viên. Môi trường đánh giá càng tự nhiên càng tốt, giống như những kinh nghiệm hoạt động hàng ngày quen thuộc của cá nhân.
Ðánh Giá Khả Năng Cảm Giác và Vận Ðộng:
Cá nhân với khả năng giới hạn về lời nói có thể do khiếm khuyết về cảm giác và vận động. Những khiếm khuyết này cần được xác định để đưa ra những quyết định và đề nghị về chương trình AAC phù hợp nhất. Ðiều quan trọng là thay đổi cách tiến hành cuộc đánh giá tùy thuộc vào tình trạng khiếm khuyết để có thể xem xét kỹ lưỡng khả năng/ khiếm khuyết nhằm quyết định chương trình AAC phù hợp. Những khả năng về cảm giác và vận động cần phải đánh giá là: tư thế, thính giác, tìm kiếm và nhìn theo hình, khả năng phối hợp vận động. Khi đánh giá, phải đặt cá nhân ở một tư thế sao cho cá nhân có thể hoàn thành những yêu cầu một cách hiệu quả nhất. Một số đồ dùng như gối, cái chêm, hay băng cuốn xốp, hoặc những dụng cụ hỗ trợ khác có thể được sử dụng để giữ cá nhân ở một tư thế thoải mái nhất. Nên xem coi cá nhân có thể tự mình giữ vững tư thế tốt hay không, hay là cần phải sử dụng những đồ dùng hỗ trợ. Quan sát xem cá nhân có thể tự mình đi lại hay phải sử dụng xe lăn. Nhiều loại chương trình AAC có thể phù hợp với những tư thế khác nhau.
Cần phải xem xét khả năng nhìn theo hình và tìm kiếm hình của cá nhân. Nhìn theo hình nghĩa là khả năng nhìn theo một vật thể hay một người chuyển động. Ðiều quan trọng là phải tiếp tục nhìn theo đối tượng đó mà không bị chia trí khi sự vật xung quanh thay đổi. Tìm kiếm hình nghĩa là tìm một vật thể và định vị nó giữa những vật thể khác. Cả hai khả năng này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đánh giá và xác định những chương trình sẽ sử dụng. Cần phải đánh giá khả năng nhìn theo hình theo chiều dọc, chiều ngang, chiều chéo ở cả hai hướng. (Ví dụ chiều dọc là từ dưới lên và từ trên xuống.) Xác định khả năng tìm kiếm chữ, đồ vật và/hay mô hình được sử dụng cho chương trình giao tiếp. Cần phải sử dụng nhiều vật thể khác nhau và lập lại nhiều lần. Ðánh giá:
-
Cá nhân có thể tập trung nhìn một đồ vật hay không
-
Ðôi mắt có chuyển động nhịp nhàng và liên tục hay không
-
Ðôi mắt có rung khi nhìn một vật thể hay không
-
Khi nhìn một vật thể, cá nhân có thấy được toàn bộ hay không
-
Ðôi mắt có chuyển động cùng nhau hay không
-
Mức độ nhìn theo hình và tìm kiếm hình như thế nào (chậm, nhanh, lúc chậm lúc nhanh)
-
Khoảng cách từ mặt đến vật thể để có thể nhìn thấy rõ ràng
-
Cá nhân bắt đầu tìm kiếm và nhìn theo vật thể ở vị trí nào (từ giữa, từ phải qua, từ trái qua, từ trên xuống, hay từ dưới lên)
-
Cá nhân có một cách ổn định (dù đúng hay sai) để nhìn theo vật thể
-
Số lượng vật thể cá nhân có thể nhìn theo
Có thính giác chính xác là điều quan trọng một khi khiếm khuyết về thị giác. Thông thường, sự đánh giá về thính giác được tiến hành bởi một chuyên gia về thính giác.
Tiến trình đánh giá cũng bao gồm việc xác định khả năng và khiếm khuyết về vận động của cá nhân cũng như tác động của chúng đến hiệu quả của chương trình AAC. Cần xem xét cụ thể:
-
Sự chẩn đoán y tế ban đầu
-
Những phản ứng không bình thường có liên quan đến liệt cơ hay không
-
Có tình trạng tay rung hay không
-
Có dễ bị mệt mỏi hay không/ Mức độ mệt mỏi như thế nào
Ðể áp dụng chương trình AAC, cá nhân phải sử dụng được vài bộ phận cơ thể, tốt hơn là sử dụng được một tay, di chuyển chủ động, nhất quán, và có kiểm soát. Nếu có khiếm khuyết về một trong hai tay, thì có thể sử dụng đầu, cằm, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, hay những bộ phận khác. Thậm chí có thể sử dụng chớp mắt có kiểm soát hay chuyển động của lưỡi để sử dụng chương trình AAC.
Ðánh giá khả năng ngôn ngữ và nhận thức:
Rất cần thiết đánh giá khả năng ngôn ngữ và nhận thức để xác định mức độ hiện tại về nghe hiểu và khả năng nói/diễn tả. Bằng cách này, có thể hiểu thêm về sự nhìn nhận của cá nhân đối với thế giới xung quanh, và từ đó có thể dự đoán chính xác chương trình AAC để giúp cho sự giao tiếp của cá nhân đạt hiệu quả cao nhất. Ðể xác định mức độ nhận thức, phải quan sát khả năng và khiếm khuyết của cá nhân trong lãnh vực sau đây:
-
Tỉnh táo: Cá nhân có chú ý đến xung quanh và có biết thời gian và không gian. Về cơ bản, có tám mức độ tỉnh táo. Những mức độ này được sử dụng để xác định mức độ tỉnh táo:
1) không phản ứng trước những kích thích
2) phản ứng chung trước những kích thích
3) phản ứng khoanh vùng trước những kích thích
4) bị bối rối và bực bội
5) bị bối rối trong hoàn cảnh không thích hợp, nhưng không bực bội
6) bị bối rối trong hoàn cảnh thích hợp
7) phản ứng tự động và thích hợp
8) phản ứng có mục đích và thích hợp
-
Mức độ mệt mỏi
-
Thời gian có thể tập trung: Xác định cá nhân có thể chú ý đến một hoạt động hay một cuộc đàm thoại trong bao lâu
-
Nhận thức về nhân quả: Quan sát xem cá nhân có hiểu được sự liên quan giữa một hành vi và kết quả, như bấm một nút sẽ bật lên máy radio.
-
Kỹ năng nhận ra ý nghĩa của biểu tượng. Cá nhân có nhận ra được những biểu tượng như hình ảnh của đồ vật thông thường hay không, và có thể liên tưởng hình ảnh đó với đồ vật thật hay không. Ðánh giá về khả năng đọc viết.
-
Trí nhớ
Sự hiểu biết về tình trạng nhận thức của cá nhân sẽ giúp chúng tôi có những đánh giá và đề nghị về chương trình AAC thích hợp nhất. Sự hiểu biết về khả năng nghe hiểu và diễn đạt cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá ngôn ngữ cần phải thay đổi cho thích hợp đối với những khiếm khuyết về thể chất hay ngôn ngữ nói. Ví dụ, có thể để cho cá nhân nhìn bằng mắt thay vì dùng ngón tay để chỉ trong tiến trình đánh giá. Cũng có thể tạo ra những hoạt động kích thích riêng biệt cho mỗi cá nhân để đạt được những phản ứng kỳ vọng. Ví dụ, để đánh giá khả năng làm theo những mệnh lệnh đơn giản hay phức tạp, đưa ra những yêu cầu phù hợp với khả năng thể chất của mỗi cá nhân. Quan sát xem cá nhân có hiểu được những hướng dẫn bằng lời nói hay không, hay phải kèm theo những dấu hiệu.
Khả năng nhận biết vật thể và hình ảnh của cá nhân cần được xem xét trước khi tiến hành những đánh giá về ngôn ngữ. Ðiều này sẽ giúp xác định những phản ứng sai là do vấn đề ngôn ngữ hay đơn thuần là do những giới hạn thể chất. Sau đó, có thể tiến hành nội dung giao tiếp phức tạp hơn để lựa chọn chương trình AAC thích hợp dựa trên khả năng ngôn ngữ, nhận thức, cảm giác, và vận động của cá nhân. Khi đánh giá, cần phải xác định cá nhân có thể liên kết mô hình với vật thể thật và khái niệm hay không, có thể sử dụng nhiều mô hình để diễn đạt ý mình muốn hay không (như tôi muốn ăn cơm) và có thể phân loại mô hình, hình ảnh, hay vật thể hay không. Cũng cần phải đánh giá khả năng đọc viết. Quan sát kích thước và vị trí tư thế của tác nhân kích thích.
Xác định chương trình AAC thích hợp nhất:
Một khi đã thu thập và đánh giá những thông tin cần thiết, sẽ quyết định chương trình AAC thích hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của cá nhân. Ðây là một sự quyết định phức tạp, nên được đưa ra bởi một chuyên gia- hay nhóm chuyên gia- với những kiến thức và kinh nghiệm đối với chương trình AAC và với những thiết bị sẵn có. Thông thường, có thể đưa ra nhiều lựa chọn. Thậm chí đối với những quyết định được xem xét kỹ lưỡng nhất, cũng cần phải thử nghiệm trong thực tế và sau đó thay đổi cho phù hợp. Những đánh giá liên quan:
-
Sự thích hợp của chương trình AAC
-
Khả năng sử dụng chương trình AAC của cá nhân
-
Sự tiến bộ trong khi phát triển kỹ năng giao tiếp
-
Khả năng sử dụng chương trình AAC của những người giao tiếp với cá nhân
Trong một vài trường hợp, kết quả cho thấy cá nhân không thích hợp với chương trình AAC. Nhưng dù sao cá nhân cũng nên được cơ hội thử nghiệm chương trình AAC. Hãy nhớ là đừng bao giờ nói không được. Kết qủa đánh giá ban đầu có thể không xem xét hết những nhân tố làm cho chương trình AAC có hiệu quả.
Sự lựa chọn chương trình AAC có hiệu quả nhất cho cá nhân là một quá trình liên tục và thông thường không hoàn thành trong một lần đánh giá. Có nhiều nhân tố cần được xem xét bao gồm khả năng sử dụng chương trình nào đó, sự sẵn sàng sử dụng nó, và những sự thay đổi của khiếm khuyết, nhu cầu, và trưởng thành.
Ðiều cần thiết nhất khi lựa chọn chương trình AAC là ý muốn và sự sẵn sàng sử dụng của cá nhân. Mặc dù gia đình, giáo viên, và người giao tiếp với cá nhân nghĩ rằng chương trình AAC đó có thể đáp ứng nhu cầu giao tiếp của cá nhân, nhưng nếu cá nhân từ chối áp dụng nó, chương trình đó sẽ không có ích gì.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!