Thông tin về Cookies

Bất kỳ sản phẩm nào trước khi tung ra thị trường cũng cần trải qua quá trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt và chặt chẽ, nhờ vậy, sản phẩm sẽ đến tay khách hàng với sự hoàn hảo và chất lượng nhất. Để thực hiện quy trình quan trọng đó, công lớn phải kể đến bộ phận QC (Quality Control).

Vậy QC là gì? Công việc chính và tầm quan trọng của họ trong doanh nghiệp lớn thế nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

QC là gì? QC viết tắt của từ gì

QC, viết tắt của Kiểm soát chất lượng, là một quá trình kiểm thử để đảm bảo sản phẩm được sản xuất ra tuân theo một bộ tiêu chí chất lượng xác định hoặc đáp ứng được nhu cầu khắt khe của khách hàng. Tuy nhiên, cần tránh nhầm lẫn QC với QA. Trong khi QA thiết lập các tiêu chuẩn và các quy trình về quản lý chất lượng thì QC là người trực tiếp kiểm tra tại từng công đoạn phát triển sản phẩm.

Để trở thành QC (nhân viên kiểm soát chất lượng) cần học gì?

Tuỳ vào định hướng lĩnh vực bạn muốn theo đuổi (làm cho Công ty công nghệ, Công ty thực phẩm,…) để chọn ngành học phù hợp:

  • Ngành Quản trị chất lượng: Có lẽ, đây là ngành học gần nhất với định hướng trở thành QC. Bạn sẽ được học các kiến thức liên quan đến định hướng và kiểm soát về chất lượng nói chung bao gồm lập chính sách chất lượng và mục tiêu chất lượng, hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng.

  • Ngành Công nghệ thông tin: Trong thời đại công nghệ số, nhu cầu tuyển dụng QC để kiểm định chất lượng của phần mềm ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Vì thế, nếu có ý định trở thành QC trong lĩnh vực này, bạn có thể học nhóm ngành CNTT để được trang bị các kiến thức nền tảng và chuyên sâu.

  • Ngành Công nghệ Thực phẩm: Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, vì vậy việc tuyển dụng đội ngũ QC để đảm bảo chất lượng là cực kỳ cần thiết. Nếu mong muốn dấn thân vào lĩnh vực này, bạn có thể chọn theo đuổi ngành Công nghệ Thực phẩm để trau dồi kiến thức về bảo quản, chế biến, đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm các khóa học ngắn hạn tại các trung tâm uy tín để lấy chứng chỉ QA QC.

> Ngành Công nghệ thông tin: Học gì, học ở đâu, và cơ hội nghề nghiệp

Công việc chính của nhân viên QC làm gì?

Thông thường, nhân viên QC được chia thành 3 vị trí khác nhau. Mỗi vị trí sẽ đảm nhận những công việc khác nhau. Cụ thể:

Nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào (IQC):

  • Kiểm tra xem nguyên vật liệu đầu vào có tốt và chất lượng không

  • Khi nguyên vật liệu được đưa vào trong quá trình sản xuất, cần theo dõi quá trình sử dụng đầu vào đó

  • Giải quyết các vấn đề phát sinh với nhà cung ứng, đánh giá nhà cung ứng

  • Tham gia vào việc phát triển sản phẩm mới, sản phẩm mẫu

Nhân viên kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất (PQC):

  • Cùng với nhân viên QA triển khai quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm

  • Trong quá trình phát triển sản phẩm, kiểm tra tiến độ thực hiện các công đoạn, đảm bảo không phát sinh lỗi

  • Tham gia giải quyết yêu cầu cũng như các khiếu nại của khách hàng về chất lượng của sản phẩm

  • Tham gia vào việc phát triển sản phẩm mới, sản phẩm mẫu

Nhân viên kiểm soát chất lượng đầu ra (OQC):

  • Lập các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm

  • Trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng và cho thông qua với sản phẩm đạt chuẩn

  • Thu thập, phân loại sản phẩm lỗ và chuyển yêu cầu sửa chữa cho PQC

  • Tham gia giải quyết yêu cầu cũng như các khiếu nại của khách hàng về chất lượng của sản phẩm

Trở thành QC cần có những kỹ năng gì?

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, bạn có thắc mắc mình cần trau dồi thêm những kỹ năng gì để hoàn thành thật tốt công việc của nhân viên kiểm tra chất lượng không? Hãy cùng tìm hiểu top 5 kỹ năng sau nhé!

  • Kỹ năng giám sát chất lượng và tư duy logic: Là người trực tiếp quản lý và kiểm tra chất lượng nên đây là kỹ năng hàng đầu mà một QC cần trau dồi. Bạn cần có đôi mắt nhạy bén, nhanh chóng phát hiện các lỗi sai nhỏ nhất để kịp thời khắc phục và sửa chữa.

  • Kỹ năng quản lý: Sở hữu kỹ năng này giúp bạn làm chủ được thời gian và công việc của mình, đồng thời quản lý các nhân viên cấp dưới (nếu có).

  • Kỹ năng xử lý sự cố: Trong quá trình phát triển sản phẩm, sự cố, dù đến từ yếu tố bên trong hay bên ngoài, cũng là điều không thể tránh khỏi. Lúc này, QC đóng vai trò là người đưa ra các phương án để khắc phục.

  • Kỹ năng sử dụng công nghệ: Đối với vị trí nhân viên kiểm tra chất lượng, đây là một kỹ năng cần thiết vì bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều máy móc kỹ thuật trong quá trình làm việc. Bạn cần biết cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các dụng cụ đo đạc và kiểm tra chất lượng sản phẩm chuyên dụng cũng như có khả năng tin học văn phòng tốt.

  • Kỹ năng ngoại ngữ: Thành thạo 1 trong các ngôn ngữ phổ biến hiện nay như Anh, Trung, Nhật,.. sẽ giúp bạn đọc hiểu các tài liệu nước ngoài liên quan đến sản phẩm, như các thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng,…

Tại sao nên thử sức với vị trí nhân viên kiểm soát chất lượng?

Không thể phủ nhận rằng đây là một công việc khá tiềm năng. Với nhu cầu cạnh tranh trong thị trường khắc nghiệt như hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều cố gắng tung thật nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, họ cũng phải đảm bảo sản phẩm chỉn chu và hoàn hảo nhất khi tới tay khách hàng, vì thế, các Công ty chắc chắn sẽ cần một đội QC chuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nếu có kiến thức về công nghệ, bạn hoàn toàn có thể apply vào các Công ty IT outsourcing với mức lương hấp dẫn.