Biểu tượng quan trọng
Menorah, còn được đánh vần là menora, có nghĩa là chân đèn nhiều nhánh, được sử dụng nhiều trong các nghi lễ tôn giáo của đạo Do Thái. Đây là biểu tượng quan trọng ở cả Israel cổ đại và hiện đại. Menorah 7 nhánh ban đầu được tìm thấy trong Đền thờ Jerusalem. Đây cũng là một mô típ phổ biến của nghệ thuật tôn giáo thời cổ đại. Menorah 8 nhánh trong khi đó được người Do Thái sử dụng trong các nghi lễ trong lễ hội Hanukkah kéo dài 8 ngày.
Menorah lần đầu tiên được đề cập đến trong cuốn Kinh thánh, theo đó, thiết kế của chiếc đèn được Chúa tiết lộ cho nhà tiên tri Moses ở trên Núi Sinai. Chân đèn phải được rèn từ một miếng vàng duy nhất và có 6 nhánh, bao gồm “3 nhánh ở một bên và 3 nhánh ở bên còn lại”. Chiếc cốc trên đỉnh trục ở trung tâm được nâng lên cao hơn một chút để biểu thị ngày Sabbath – ngày nghỉ và là ngày thứ bảy trong đạo Do Thái giáo, với 6 ngọn đèn được chia đều ở 2 bên. Chiếc chân đèn này được thợ thủ công Bezalel rèn và đặt trong Lều Hội Ngộ – tấm lều được dựng lên như một chốn linh thiêng tạm thời để Chúa hiện diện. Những chiếc cốc trên chân đèn có hình những bông hoa gợi ý về cây sự sống.
Theo sách Các vua, tại Đền Solomon có 10 chân đèn bằng vàng, mỗi bên có 5 chân đèn ở lối vào khu điện thờ bên trong. Đền thờ thứ hai, được xây dựng sau khi người Do Thái từ cuộc lưu đày ở Babylon trở về, chứa một menorah về sau đã bị vua Antiochus IV Epiphanes thu giữ khi ông ta phá hủy Đền thờ vào năm 169 trước công nguyên. Sau đó, linh mục Judas Maccabeus đã ra lệnh xây dựng một chân đèn 7 nhánh mới và đặt bên trong Đền thờ.
Một số ghi chép cho hay, trong một thời gian dài, mỗi buổi tối, các Kohanim – hậu duệ của Aaron – anh trai của nhà tiên tri Moses – có nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ khác nhau trong đền đã thắp menorah. Vào buổi sáng, họ lại làm sạch chiếc menorah, thay thế các bấc và đưa dầu ô liu tươi vào cốc. Việc đốt dầu ô liu tươi có chất lượng tinh khiết nhất để thắp sáng đèn diễn ra hàng ngày. Các nhà sử học La Mã – Do Thái cho rằng, 3 trong số 7 ngọn đèn trên menorah được phép đốt vào ban ngày. Tuy nhiên, theo các giáo sỹ Do Thái, chỉ có chiếc đèn ở trung tâm mới được đốt cả ngày.
Các menorah là đối tượng nghi lễ quan trọng nhất trong ngôi đền cho đến khi nó bị những người La Mã đánh cắp vào năm 70 sau công nguyên. Khi quân La Mã phá hủy Đền thờ Jerusalem, họ đã phá tất cả của cải trong đó. Họ coi chân đèn menorah là một biểu tượng quan trọng của người Do Thái đến nỗi Hoàng đế Titus đã cho khắc họa chân đèn này tại khải hoàn môn ở Quảng Trường Rome để minh họa cho những chiến lợi phẩm mà họ đã mang đi sau khi chinh phục Jerusalem. Theo các nhà sử học Do Thái, chiếc menorah trong Đền thờ Jerusalem đã được trưng bày trong cuộc diễu hành mừng chiến thắng của người La Mã nhưng chiếc menorah được trưng bày trên khu kiến trúc Khải hoàn môn ở Rome, Italia không phải chân đèn này.
Sau khi các ngôi đền đã bị phá hủy, truyền thống của người Do Thái lúc bấy giờ cho rằng không nên lặp lại bất cứ điều gì từ các đền thờ nên các menorah không còn có 7 nhánh. Việc sử dụng các menorah 6 nhánh kể từ đó trở nên phổ biến. Đến thời hiện đại, một số giáo sĩ Do Thái đã trở lại với menorah 7 nhánh. Ngoài ra, còn có menorah 9 nhánh, gọi là Chanukkiyah (tiếng Do Thái). Tuy nhiên, menorah 7 nhánh vẫn được xem là một biểu tượng phổ biến biểu thị đạo Do Thái. Những hội đường Do Thái đương đại ngày nay thường đặt ngay phía trước một chân đèn 7 ngọn với kích cỡ như một đài tưởng niệm với những kiểu dáng rất trừu tượng.
Nhiều tầng ý nghĩa
Các menorah là một trong những biểu tượng lâu đời nhất của đạo Do Thái và nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Một số ghi chép cho rằng, menorah 7 nến là biểu tượng đẹp trong đời sống tinh thần của một cá nhân vì nó được thắp sáng bởi ngọn lửa trong 7 linh hồn của Thiên Chúa. Số 7 là một mô típ trong đạo Do Thái, nó biểu lộ cho sự hoàn hảo hay sự viên mãn của Chúa. Menorah 7 nến đại diện cho Chúa và 7 ơn của Ngài, bao gồm sự khôn ngoan, hiểu biết, tư vấn, năng lực, kiến thức, biết kính sợ Chúa và niềm vui trong Chúa.
Còn các sử gia Do Thái cho rằng, 7 nhánh của menorah đại diện cho 7 hành tinh cổ điển theo thứ tự, bao gồm Mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, Mặt trời, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ. Các Menorah cũng tượng trưng cho sự sáng tạo thế giới trong 7 ngày của Thiên Chúa, với ánh sáng trung tâm đại diện cho ngày Shabbat – ngày thứ 7 để nghỉ ngơi. Menorah cũng được coi là tượng trưng cho bụi gai cháy theo cách nhìn của nhà tiên tri Moses trên núi Horeb. Một nhà tư tưởng Do Thái cổ đại đã so sánh “sự hài hòa” của các nhánh của menorah với “một công cụ âm nhạc, thực sự thần thánh”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng 6 nến là biểu tượng của 6 nhánh trong việc học của con người. Tất cả 6 nhánh quay lại đối mặt với ngọn nến trung tâm – đại diện cho sự khôn ngoan của Chúa. Nói cách khác, sự sắp đặt này mang ý nghĩa rằng tất cả việc học tập của con người chỉ có giá trị khi nó được bật để đối mặt với sự chiếu sáng của Chúa. Nếu không có sự chiếu sáng của Ngài, tất cả các kiến thức của con người chỉ là bóng tối hoặc là sự chuyển giao quyền lực. Vì thiết kế độc đáo của nó với một nến trung tâm, các menorah tồn tại như một biểu tượng của ánh sáng của Chúa lan rộng khắp thế giới với sứ mệnh là ánh sáng cho các dân tộc.
Các menorah 7 nhánh còn nhắc nhở chúng ta về việc 7 là số của Chúa – Chúa đã sáng tạo ra thế giới trong 7 ngày và Chúa cũng thiết lập 7 ngày lễ kỷ niệm thông qua các năm. 7 cây nến trên chiếc menorah đại diện cho 7 ngày lễ nói về sự ra đời, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa. Trong đó, cây nến đầu tiên đại diện cho Lễ Vượt qua; cây nến thứ hai là đại diện của Lễ Bánh Không men, cây nến thứ ba là Quả đầu; cây nến thứ tư chỉ Lễ Hiện xuống; cây nến thứ năm nói đến Lễ Thổi kèn; cây nến thứ sáu là ngày của Sự Chuộc tội; cây nến thứ bảy – là ngọn nến trung tâm – chỉ Lễ Lều tạm.
Ngoài các menoral 7 nhánh phổ biến, người Do Thái còn có menorah 9 nhánh được gọi là chanukkiyah với 8 nhánh xung quanh một nhánh chính. Biểu tượng này liên quan đến Hanukkah – Lễ hội ánh sáng – kéo dài 8 ngày của người Do Thái. Số 8 này xuất phát từ câu chuyện của các giáo sỹ Do Thái kể lại rằng, sau khi đội quân La Mã mạo phạm người Do Thái ở đền Jerusalem năm 70, lượng dầu ô liu còn lại để đốt ngọn lửa trong ngôi đền lẽ ra chỉ đủ cho một ngày nhưng thật kỳ diệu, nó đã cháy được đến 8 ngày!
Theo thời gian, các menorah trở thành một phần của nghệ thuật truyền thống của người Do Thái. Ngày nay, menorah là biểu tượng rất quen thuộc. Những hình biểu trưng cho menorah được trang trí trên các ngôi mộ, các bức tường và sàn của các hội đường Do Thái trên toàn thế giới.
Trong thời kỳ đầu hiện đại, menorah đã nhường chỗ cho Ngôi sao David nhưng đến thế kỷ 19, nó được sử dụng trở lại làm biểu tượng của những người theo chủ nghĩa Phục quốc. Chân đèn 7 nhánh được khắc họa trên Khải hoàn môn ở Rome đã trở thành biểu tượng chính thức của nhà nước Israel trong thế kỷ 20. Cùng với việc là biểu tượng của đạo Do Thái từ thời cổ đại cho đến nay, menorah cũng là biểu tượng trên huy hiệu của nhà nước Israel hiện đại.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!