Vietnamdefence.com

VietnamDefence – “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn,…; văn và võ đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao” – Phạm Văn Đồng.

“Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn, văn là chính trị, chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn ngàn thu (Bình Ngô Đại cáo), võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, yếu đánh mạnh, ít địch nhiều,… thắng hung tàn bằng đại nghĩa (Bình Ngô Đại cáo); văn và võ đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao”. Phạm Văn Đồng

I. QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH

Nguyễn Trai hiệu là Ức Trai, chào đời năm Canh Thân (1380) tại kinh thành Thăng Long, trong tư dinh của ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh (tức Nguyễn Ứng Long) và Trần Thị Thái.

Tổ tiên Nguyễn Phi Khanh vốn người làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng), sau dời về làng Nhị Khê (tức làng Ngọc Ổi cũ), huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Thời trai trẻ, Nguyễn Phi Khanh nổi tiếng hay chữ, nhưng vì nhà nghèo nên phải đi làm gia sư cho gia đình quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Khác với Nguyễn Phi Khanh, Trần Thị Thái sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc. Phả hệ nhà ngoại đã được chính Nguyễn Trãi dựng lại (Tham khảo thêm Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh), theo đó thì:

– Vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (1226 – 1258) có người con thứ ba (em của Tĩnh Vương Trần Quốc Khang và Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278) tên là Trần Quang Khải. Sinh thời, Trần Quang Khải được phong tới tước Chiêu Minh Đại Vương, vì thế, sử vẫn thường kị tên húy mà gọi ông là Chiêu Minh Đại Vương. Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải là một trong những danh tướng, từng lập công xuất sắc trong sự nghiệp chống quân xâm lược Mông – Nguyên (Tham khảo thêm Danh tướng Việt Nam (tập 1) của Nguyễn Khắc Thuần, phần viết về Trần Quang Khải). – Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải có khá nhiều con, tuy nhiên, nổi bật hơn cả là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái “mới 14 tuổi đã thi đậu Bảng Nhãn, triều (Trần) Thánh Tông đặc ân ban cho văn phục cốt tỏ ý đặc biệt yêu quý. (Ông được) khen là người có tài như Quản Trọng và Gia Cát Lượng, nên (triều đình) định dùng vào việc lớn, nhưng chưa kịp thì (Văn Túc) Vương đã qua đời sớm” (Nguyễn Trãi, Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh).

– Con của Văn Túc Vương Trần Đạo Tái là Uy Túc Vương Trần Văn Bích, người có nhiều công lao trong việc giúp rập triều Trần Minh Tông (1314 – 1329) , được phong tới hàm Nhập Nội Thái Bảo .

– Một trong những người con của Uy Túc Vương Trần Văn Bích là Trần Nguyên Đán ( 1326 – 1390). Sinh thời, Trần Nguyên Đán từng làm quan, trải thờ đến bốn đời vua Trần là Trần Dụ Tông (1341- 1369), Trần Nghệ Tông ( 1370 – 1372), Trần Duệ Tông (1372 – 1 377) và Trần Phế Đế (1377 – 1388).

Trần Nguyên Đán cũng là một trong những người có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ (cuối năm 1369, đầu năm 1370), nhờ vậy, được phong dần lên tới hàm Nhập nội Kiểm hiệu, Đại tư đồ, Bình chương Quân quốc trọng sự. Ngay từ khi mới tham gia triều chính, Trần Nguyên Đán đã nhìn thấy nguy cơ sụp đổ không thể nào tránh khỏi của triều Trần. Ông từng nhiều lần can ngăn nhà vua nhưng không được, vì thế, bèn lui về ở ẩn.

Nguyễn Trãi cho biết :

“Từ khi họ Hồ được tiến dụng thì giá ngầm cũng bắt đầu đông” (Ý nói rằng mưu thoán đoạt đã bắt đầu xuất hiện – NKT) . Công (chỉ Trần Nguyên Đán – NKT) nói :

– Phàm là bậc quân tử, thấy việc có thể làm là phải làm ngay, không để đến phút chót.

Thế rồi Công dựng động Thanh Hư ở núi Côn Sơn, huyện Phượng Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng – NKT) để làm chỗ lui về nghỉ ngơi. Động ấy làm xong, vua (Trần) Duệ Tông tự viết tặng ba chữ lớn là Thanh Hư Động vào phía trước mặt bia. Sau, (Thượng Hoàng Trần) Nghệ Tông lại còn tự chế ra bài minh, khắc vào lưng bia.

Công tuy nương náu chốn suối rừng mà chí tôn thờ xã tắc vẫn chưa một ngày nào nguôi . Việc đi, việc ở, hay việc động, việc tĩnh… Công đều có ý can gián, nhưng rốt cuộc (Trần) Nghệ Tông cũng không xét đến. Bởi lẽ này, uy thế của họ Hồ ngày càng thịnh, kẻ xu phụ cũng ngày càng đông, thế nước ngày một yếu, không sao vực nổi được nữa . Từ đó, ý định xin về trí sĩ của Công càng dứt khoát” (Nguyễn Trãi, Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh).

Tuy “dứt khoát” nhưng cũng phải đợi đến sau năm 1380 Trần Nguyên Đán mới có thể về ở hẳn tại Thanh Hư Động (Bằng cớ là Nguyễn Trãi chào đời trong tư dinh của Trần Nguyên Đán năm 1380, mà năm đó, tư dinh của Trần Nguyên Đán còn ở kinh thành Thăng Long)… Trần Nguyên Đán có tất cả 11 người con, kể cả trai lẫn gái, Trần Thị Thái là con gái thứ ba của ông (Nguyễn Trãi, Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh).

Trần Nguyên Đán là một nhà thiên văn và lịch pháp lừng danh của lịch sử nước nhà. ông là tác giả của bộ Bách thế thông khảo và nhiều trước tác khác. Là một nhà thông thái, Trần Nguyên Đán chẳng những có nhãn quan chính trị rất sắc bén mà còn là một người có nếp sống tiến bộ hơn hẳn so với xã hội đương thời. Ông muốn các con gái của ông cũng được học hành chữ nghĩa chu đáo như con trai .

Vì lẽ này, Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh được mời làm gia sư cho ông. Nguyễn Phi Khanh thì lo dạy cho Trần Thị Thái, còn Nguyễn Hán Anh thì lo dạy cho Trần Thị Thai. Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái lúc đầu chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ giữa một gia sư trẻ tuổi và tài hoa với một cô học trò xinh đẹp thuộc dòng dõi đại quý tộc, nhưng về sau thì tình yêu của hai người nảy nở và ngày một đằm thắm. Thế rồi Trần Thị Thái có thai. Hay tin này, Nguyễn Phi Khanh hoảng sợ mà bỏ trốn.

Dã sử chép rằng, khi biết được chuyện này, Trần Nguyên Đán chẳng những không giận mà còn nói trắng: “Vận nước sắp mất, biết đâu đó chẳng phải là trời xui nên như thế. Không chừng đấy lại là phúc lành cho nhà ta”. Nói rồi, cho người đi tìm Nguyễn Phi Khanh về và nói: “Việc này, người xưa từng có, nay nếu có thì có gì là lạ đâu? Hẳn là anh cũng đã biết chuyện nàng Trác Văn Quân với Tư Mã Tương Như (Trác Văn Quân là con gái của Trác Vương Tôn, người Trung Quốc đời Hán, góa chồng sớm nên về ở với cha tại đất Lâm Cùng. Tư Mã Tương Như là một danh sĩ nổi tiếng về thi phú và đàn ca. Một lần ông đi qua Lâm Cùng, cầm đàn gảy khúc Phượng cầu hoàng, làm cho Trác Văn Quân cảm động, bỏ nhà mà trốn theo Tư Mã Tương Như về đất Thành Đô. Hai người đã sống rất hạnh phúc đến hết đời). Nay nếu anh làm được như Tư Mã Tương Như, lưu danh cùng thiên cổ, thì đấy cũng chính là ý nguyện của ta”.

Cảm động trước tấm lòng vừa bao dung lại vừa rất sáng suốt của Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh đã ngày đêm dùi mài kinh sử. Năm 1374, ông đỗ Bảng nhãn. Rất tiếc là lúc bấy giờ, Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông (Trần Nghệ Tông làm Thượng Hoàng từ 1372-1394) cho rằng, Nguyễn Phi Khanh chỉ là con nhà dân thường mà dám lấy con gái nhà tôn thất nên không cho ông làm quan. Bởi lẽ này, ông về làng Nhị Khê mở trường dạy học. Ông có rất nhiều học trò.

Kết duyên cùng Nguyễn Phi Khanh, Trần Thị Thái đã sinh hạ được tất cả 5 người con trai, thứ tự trước sau là: Nguyễn Trãi ((Trần Thị Thái có thai trước khi Nguyễn Phi Khanh đỗ Bảng nhãn, tức là trước năm 1374. Vì thế có thể suy luận rằng, hoặc là Nguyễn Trãi không thể sinh vào năm 1380, hoặc là con đầu lòng của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái là con gái hay con trai mà mất sớm. Nay, chính sử thống nhất ghi năm sinh của Nguyễn Trãi là năm 1380), Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Ly, Nguyễn Phi Đằng và Nguyễn Phi Hùng.

Khi Nguyễn Phi Khanh đến làng Nhị Khê mở trường dạy học, Nguyễn Trãi vẫn ở lại tư dinh của ông ngoại cùng với mẹ và các em của mình. Khi Trần Nguyên Đán về ở hẳn tại Thanh Hư Động, Nguyễn Trãi cùng mẹ các em cũng đi theo. Nhưng chưa được bao lâu thì mẹ ông qua đời, tới năm 1390, Trần Nguyên Đán cũng mất, Nguyễn Trai chuyển đến ở hẳn với cha tại làng Nhị Khê. Từ đó, ông được cha trực tiếp dạy dỗ .

Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần và lập nên triều Hồ, Nguyễn Phi Khanh được ra làm quan với chức Đại lý Tự khanh, Hàn lâm viện Học sĩ, kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp. Đó là chức quan đầu tiên ông nhận sau 26 năm đỗ Bảng nhãn. Cũng ngay đầu năm này, nhà Hồ tổ chức khoa thi đầu tiên của triều đại mình. Khoa ấy Nguyễn Trãi dự thi và đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ). Ngay sau khi đỗ, ông được nhà Hồ trao chức Ngự sử đài Chánh chưởng. Từ đây, hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi cùng làm quan cho nhà Hồ.

Cuối năm 1406, nhà Minh xua quân sang xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo đã nhanh chóng bị thất bại. Giữa năm 1407, toàn bộ triều đình nhà Hồ, từ Thượng Hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương, đến tổng chỉ huy quân đội là Hồ Nguyên Trừng, cùng nhiều quan lại cao cấp, trong đó có Nguyễn Phi Khanh, bị quân Minh bắt giải về Trung Quốc.

Hay tin này, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng, bám theo đoàn xe tù đến tận ải Nam Quan (nay thuộc Lạng Sơn), mới ý định sang Trung Quốc để kiếm cách phụng dưỡng cha. Nhưng, tại ải Nam Quan, nhân lúc lính áp tải xe tù vắng mặt trong chốc lát, Nguyễn Phi Khanh đã nói riêng với Nguyễn Trãi rằng:

Con là người học rộng, tài cao, hãy tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại trung và đại hiếu, đâu cứ phải đi theo khóc lóc như đàn bà con gái mới là hiếu là trung. Nói xong, Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi quay về, chỉ cho Nguyễn Phi Hùng theo sang Trung Quốc mà thôi.

Nguyễn Trãi vâng lời cha mà quay lại, nhưng lập tức, ông bị giặc bắt. Tướng tổng chỉ huy quân xâm lăng của nhà Minh là Trương Phụ, biết Nguyễn Trãi có tài nên tìm cách dụ dỗ ông ra làm quan. Thấy Nguyễn Trãi kiên quyết từ chối, hắn đã tính đem ông đi chém đầu, nhưng viên Thượng thư Hoàng Phúc gian ngoan hơn, hắn can Trương Phụ đừng chém mà chỉ nên bắt Nguyễn Trãi giam lỏng ở kinh thành Thăng Long, hòng thuyết phục ông một cách từ từ (Đoạn viết về Nguyễn Trãi từ khi cha là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải về Trung Quốc, cho đến lúc ông bị giam lỏng tại kinh thành Thăng Long, chúng tôi dựa theo ghi chép của nhiều tài liệu dã sử cũng là theo cách tái hiện sự kiện này của nhiều người. Nhưng chi tiết đang bàn cãi, chúng tôi không trình bày ở đây, vì sợ gây nặng nề một cách không cần thiết).

II. VỀ TỤ NGHĨA TẠI LAM SƠN

“Rồng thiêng (chừ) bay trên Lam Kinh (Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú)

Hiện tại vẫn chưa rõ, Nguyễn Trãi đã thoát khỏi cảnh bị giam lỏng tại kinh thành Thăng Long bằng cách nào và vào thời điểm cụ thể nào, chỉ biết là ông đã tới gặp Lê Lợi và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay trong những ngày chuẩn bị khó khăn gian khổ nhất (Kết quả nghiên cứu của những năm gần đây, khoảng từ 1975 đến nay, cho phép kết luận như vậy). Ông đến Lam Sơn cùng một lượt với Trần Nguyên Hãn (Chuyện ly kì xung quanh việc Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi tìm đến Lam Sơn, xin tham khảo thêm phần viết về Trần Nguyên Hãn cũng ở sách này).

Tháng 2 năm Bính Thân (1416), Lê Lợi long trọng tổ chức Hội thề Lũng Nhai, Nguyễn Trãi có vinh dự được tham gia và có tên trong danh sách 19 người (18 người và Lê Lợi nữa là 19. Danh sách cụ thể xin tham khảo phần viết về Lê Lợi cũng ở trong sách này) của cuộc hội thề lịch sử này.

Bấy giờ, có bao nhiêu anh hùng hào kiệt từ khắp bốn phương tìm đến với Lam Sơn là có bấy nhiêu người bừng bừng ý chí quyết tâm xả thân vì nghĩa cả cứu nước cứu dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng nhất thiêng liêng ấy, mỗi người còn có một hành trang riêng. Với Nguyễn Trãi, hành trang riêng ấy chinh là cuốn Bình Ngô sách – tác phẩm kết tinh những suy nghĩ sâu sắc tuyệt vời của ông về kế sách đánh đuổi quân Ngô (tức giặc Minh).

Bình Ngô sách tuy đã thất truyền, nhưng theo lời đề tựa của Ngô Thế Vinh (1803 – 1856) (người huyện Nam Chân, nay là huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà, đỗ Tiến sĩ năm 1829) trong Ức Trai di tập thì đó là sách đã “hiến mưu chước lớn, không nói đến việc đánh vào thành mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người”.

Lê Lợi đánh giá rất cao giá trị của Bình Ngô sách, do vậy, đã phong cho Nguyễn Trãi chức Tuyên phụng Đại phu, Hàn lâm Thừa chỉ và luôn giữ Nguyễn Trãi ở bên cạnh để tiện bàn mưu tính kế. Đáp lại niềm tin cậy lớn lao của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã không ngừng có những cống hiến ngày càng xuất sắc cho Lam Sơn.

III. CHIẾN LƯỢC GIA THIÊN TÀI, LINH HỒN CỦA NHỮNG VÕ CÔNG HIỂN HÁCH MÀ LAM SƠN ĐÃ GIÀNH ĐƯỢC

“Vua từ khi khởi binh cho đến khi dẹp được giặc Ngô và giành lại được nước nhà, bao nhiêu văn thư qua lại ở trong quân ngũ đều do Nguyễn Trãi làm cả” (Lam Sơn thực lục, quyển 2).

Với Bình Ngô sách Nguyễn Trãi đã có công xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi vẻ vang của Lam Sơn. Căn cứ vào những ghi chép tản mạn của thư tịch cổ, chúng ta cũng có thể bước đầu tái hiện những nội dung căn bản của Bình Ngô sách đã bị thất truyền như sau: – Về lực lượng và quy mô của khởi nghĩa Lam Sơn, theo Nguyễn Trãi, là phải tập hợp và huy động cho bằng được sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân cả nước, bất kể giàu nghèo hay sang hèn, bất kể cư ngụ ở vùng rừng núi, trung du hay đồng bằng, bất kể già trẻ, gái trai… miễn làn có lòng ngưỡng mộ cơ nghiệp của tổ tiên và lòng căm thù quân đô hộ phương Bắc. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi cuối cùng của Lam Sơn. – Để có thể tập hợp và huy động được sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân cả nước vào sự nghiệp đánh đuổi quân Minh, theo Nguyễn Trãi, là phải thực hiện chiến lược đánh vào lòng người. Đây là một sáng tạo lớn của Nguyễn Trãi, có giá trị làm phong phú kho tàng khoa học và nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta. Chiến lược này bao hàm mấy nội dung chủ yếu sau:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo khử bạo” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại cáo)

“Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Bắc, Nam bờ cõi đã chia, Phong tục mỗi nơi mỗi khác” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại cáo)

và hai là phải làm sao để nhân dân nhận thức được một cách đầy đủ và sâu sắc rằng, cứu nước cũng tức là cứu nhà, muốn giải phóng mình khỏi kiếp bị đọa đày thì trước hết phải đồng tâm hiệp lực giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của quân Minh.

  • Để phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù của dân tộc, nghĩa quân Lam Sơn phải triệt để lợi dụng những vết rạn nứt, những mâu thuẫn và đặc biệt là những xung đột trong nội bộ chúng.

– Về phương châm tiến hành, Nguyễn Trãi cho rằng, chiến lược đánh vào lòng người phải được thực hiện bằng cách phối hợp một cách nhịp nhàng giữa ba mặt trận rất lợi hại khác nhau là: chính trị, binh vận và ngoại giao. Tác dụng phi thường của cả ba mặt trận này sẽ thật khó mà hình dung hết được:

“Ngã mưu phạt nhi công tâm, bất chiến tự khuất” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại cáo)

(Nghĩa là: Ta bày kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn khuất phục được đối phương). Tất nhiên, chính trị, binh vận và ngoại giao không thể thay thế cho quân sự. Con đường đúng đắn duy nhất của dân tộc ta lúc bấy giờ là phải dũng cảm cầm lấy vũ khí mà đứng lên. Nhưng cùng với quân sự, các mặt trận chính trị, binh vận và ngoại giao sẽ góp phần to lớn vào việc làm cho đội ngũ của kẻ thù bị rệu rã ngay từ bên trong, năng lực ứng phó sẽ dần dẫn bị tiêu hủy. Thất bại là điều không sao tránh khỏi. – Nguyễn Trãi không chỉ là người vạch ra chiến lược mà còn là người trực tiếp chỉ huy thực hiện một cách tài ba. Ông là tác giả của Quân trung từ mệnh tập, tác phẩm tập hợp những văn kiện quân sự xuất sắc, viết trong thời kỳ tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Tham khảo thêm nguyên bản chữ Hán hoặc bản dịch Việt văn, in chung trong Nguyễn Trãi toàn tập). Đích thân Nguyễn Trãi đã từng “bao phen lăn mình vào miệng cọp”, tức là dũng cảm vào tận sào huyệt của kẻ thù để đấu trí với chúng.

Thực tiễn sôi động của những năm đầu thế kỷ XV cho thấy rằng, tiếng nói và ngòi bút tuyệt vời của Nguyễn Trải có sức mạnh chẳng kém gì “cả vạn quân thiện chiến”. Hàng chục thành trì kiên cố của giặc, kể cả sào huyệt nguy hiểm cuối cùng của chúng là thành Đông Quan, đều phải hạ vũ khí đầu hàng bởi loại hình tấn công đặc biệt này.

Từ khi dựng cờ xướng nghĩa ở Lam Sơn cho đến ngày giành được thắng lợi trọn vẹn trên khắp cả nước, Bộ chỉ huy Lam Sơn đã có hai cuộc hội nghị quân sự rất quan trọng. Cuộc hôi nghị quan trọng thứ nhất tổ chức vào tháng 10 năm 1424 với nội dung chủ yếu là bàn luận kế sách nhằm xoay chuyển tình thế, đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển sang một giai đoạn mới hơn và cao hơn. Trong cuộc hội nghị này, Nguyễn Trãi là người đã ủng hộ một cách rất nhiệt thành đối với kế hoạch chiến lược táo bạo và thông minh của danh tướng Nguyễn Chích. Bản thân sự ủng hộ đó cũng đã chứng tỏ tầm hiểu biết về chiến lược quân sự của Nguyễn Trải rất sâu sắc. Và, thực tiễn sinh động của cuộc tấn công vào Nghệ An đã minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của Nguyễn Chích cũng như của Bộ chỉ huy Lam Sơn, trong đó có Nguyễn Trãi. Cuộc hội nghị quân sự quan trọng thứ hai tổ chức vào mùa thu năm 1427, ngay tại ngoại vi thành Đông Quan. Trong cuộc hội nghị này, Nguyễn Trải là một trong những người đề xướng kế hoạch vây thành diệt viện, và kế hoạch đó đã được Bộ chỉ huy Lam Sơn hoàn toàn nhất trí. Bởi kế hoạch đúng đắn này, quân Minh bị dồn vào thế quẫn bách để rồi cuối cùng là bị đại bại thảm hại: Vương Thông bị vây hãm trong thành Đông Quan; đạo viện binh hùng hậu nhất: gồm đến 10 vạn tên do Liễu Thăng cầm đầu bị tiêu diệt hoàn toàn; đạo viện binh thứ hai gồm 5 vạn tên do Mộc Thạnh chỉ huy bị đánh cho tan tác; tất cả lực lượng quân lính còn lại đều phải nhục nhã cút khỏi nước ta.

Đúng là:

“Đánh một trận sạch không kình ngạc, Đánh hai trận tan tác chim muông” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại cáo)

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại đầu thế kỷ XV là thắng lợi chung của toàn thể nhân dân ta, của Bộ chỉ huy Lam Sơn, của các tướng lĩnh Lam Sơn tài giỏi, của những người lính Lam Sơn kiên cường. Trong số những tên tuổi sáng chói vào hàng bậc nhất của sự nghiệp lớn này, có Nguyễn Trãi. Ông là nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài, nhà ngoại giao xuất sắc và cũng là nhà văn hóa lớn.

Danh thơm của Nguyễn Trãi đã vượt khỏi biên giới của nước nhà, hội nhập vào đội ngũ những người có công làm rạng rỡ cho văn hiến chung của nhân loại. Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trân trọng ghi tên Nguyễn Trãi vào hàng danh nhân của nhân loại. Ông là người Việt Nam thứ hai có vinh dự lớn lao này (Tính đến nay, nước ta có tất cả ba người được UNESCO trân trọng ghi tên vào hàng danh nhân của nhân loại là: Nguyễn Du (1965), Nguyễn Trãi (1980) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990)).

IV. VUI BUỒN CHỐN THÂM CUNG

“Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu, Thế gian nan cánh sổ anh hùng” (Nguyễn Trãi, Đề kiếm. Hai câu trên có nghĩa: Khi đã chỉnh đốn xong càn khôn thì thế gian mấy ai còn nghĩ tới bậc anh hùng).

Ngay sau khi vừa giành lại được độc lập, được sự ủy thác của Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết bài Bình Ngô Đại cáo và Nguyễn Trãi đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đặc biệt này. Bình Ngô Đại cáo là một trong những áng thiên cổ hùng văn, có giá trị thiêng liêng như là bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai của nước nhà (Ngoài Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ đọc ngày 2/9/1945, thì bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt viết năm 1077 và bài Bình Ngô Đại cáo do Nguyễn Trãi viết năm 1428 cũng được coi là có ý nghĩa như Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam).

Năm 1428, triều Lê tiến hành định công ban thưởng cho những người có công trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh. Bấy giờ, có tất cả 221 người được thưởng, trong số đó có 93 người được ban tước vị theo thứ tự 9 bậc cao thấp khác nhau (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 10, tờ 67-a). Rất tiếc là Nguyễn Trãi chỉ được sắp vào số 1 trong 26 người của hàng thứ 7, với tước vị khiêm nhường là Á Hầu mà thôi (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 10, tờ 67-a).

Một thời gian rất ngắn sau đó, Nguyễn Trãi được trao chức Hành khiển, đứng đầu ban văn trong triều đình. Nhưng, tước vị ấy, chức quyền ấy không đủ để Nguyễn Trãi có thể tiếp tục bộc lộ tài năng đa dạng của mình. Ông sống trong những ngày vui buồn khó tả.

Nếu như khi xông pha trận mạc, tướng lĩnh Lam Sơn gắn bó chặt chẽ với nhau, thì khi thái bình, một bộ phận rất đáng kể của họ chỉ biết lo vun vén cho cá nhân. Nguyễn Trãi đau lòng trước một loạt những sự kiện xấu diễn ra ngay trong chốn cung đình, đặc biệt là mấy sự kiện lớn sau đây:

– Sự kiện ngày 16 tháng 5 năm 1434

“Ngày 16, sai Tuyên phủ sứ là Nguyễn Tông Trụ, Trung thư Hoàng môn Thị lang là Thái Quân Thực, cùng với Kỳ lão là Đái Lương Bật, mang tờ biểu văn và phương vật sang cầu phong bên nhà Minh. Quan giữ chức Hành khiển là Nguyễn Trãi soạn xong tờ biểu văn thì quan giữ chức Nội mật Viện là Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ là Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ. Nguyễn Trãi giận nói:

– Các ngươi chỉ là hạng bề tôi hay vơ vét, nạn hạn hán hiện nay đều do các ngươi gây nên cả.

(Nguyễn) Thúc Huệ đem chuyện tố cáo với quan Đại tư đồ là Lê Sát và Đô Đốc Vấn (tức Phạm Vấn – NKT). (Lê) Sát và (Phạm) Vấn tức lắm, trách rằng:

– Thiên tai không phải do bọn ấy gây ra, lỗi là ở Vua và Tể tướng thôi. Sao ông nỡ trách nhau nặng lời như thế. (Nguyễn) Trãi từ tạ nói:

– (Nguyễn) Thúc Huệ chỉ nhờ chút tài vơ vét thuế má trong thiên hạ mà chiếm được địa vị then chốt trong triều đình. Mỗi khi có sổ sách tâu vào hắn đều muốn vơ của dân về cho quan, cốt hợp ý Vua. Cho nên, tôi nhân có việc này mà nói ra đó thôi, đâu dám chê bai gì đến Vua và Tể tướng.

(Lê) Sát tuy vẫn không nguôi giận, nhưng tờ biểu văn thì vẫn giữ nguyên như cũ, không thay đổi gì (Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 11, tờ 9 b và tờ 10a).

– Sự kiện ngày 24 tháng 5 năm 1434

Sự kiện này tuy không trực tiếp liên quan đến Hành khiển Nguyên Trãi, nhưng cũng đủ để khiến cho ông phải đau buồn mãi không thôi. Sử cũ chép:

“Bấy giờ, triều đình điều động đám thợ ở Cục Tất tác đến làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề. (Có người thợ là Cao) Sư Đãng nói vụng rằng:

– Thiên Tử thất đức để đến nỗi xảy ra hạn hán. Đại thần ăn của đút, lại cất cử dùng những kẻ không có công lao. Có gì đáng gọi là thiện mà làm chùa to thế.

(Lời ấy) bị người khác tố giác. Quan Đại tư đồ là Lê Sát giận lắm. Quan giữ chức Thẩm hình Viện là Nguyễn Đình Lịch nói:

– Hắn dám nói càn đến việc nước, phải đem ra chém.

(Các ngôn quan là) Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ đều xin tha tội chết. Vua đã sắp nghe theo, nhưng Lê Sát lại nói:

– Trước đã nghe lời bọn (Nguyễn) Thiên Hựu mà không giết Nguyễn Đức Minh (một viên giám sinh đọc và xé bài thơ nặc danh vào tháng 2 năm 1434 – NKT), khiến chúng bỏ thơ nặc danh vu khống cho nhau, nay lại định tha cả tên này thì biết lấy cái gì cho kẻ khác sợ?

Bọn (Nguyễn) Thiên Hựu không dám nói thêm gì nữa. Ngày hôm ấy đem chém (Cao) Sư Đãng, xong thì trời bỗng nổi cơn mưa nhỏ. Ngày hôm sau, Lê Sát vào nói ở trong triều rằng:

– Nếu nghe lời bọn ngôn quan thì làm gì có cơn mưa ấy.

Lê Ngân nói:

– Giết nhiều kẻ ác thì mưa nhiều, chỉ tiếc là xương người chất đầy đường mà thôi”. (Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 11, tờ 10 a-b).

– Sự kiện tháng 3 năm 1435

Có 7 tên trộm tái phạm tội nhưng tất cả đều còn ít tuổi. Hình quan chiếu luật mà nói là nên xử chém. Đại tư đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, lòng lấy làm ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi. (Nguyễn) Trãi trả lời:

– Pháp lệnh chẳng thể bằng nhân nghĩa. Điều đó đã quá rõ. Nay một lúc mà giết những 7 người thì e rằng như thế không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thi có câu rằng, “an nhữ chỉ” (nghĩa là hãy yên với chỗ đứng của mình). Sách Tả Truyện cũng có câu “tri chỉ nhi hậu hữu định” (nghĩa là phải biết dừng lại rồi mới vững). Thần xin cắt nghĩa chữ chỉ để bệ hạ nghe: Chỉ có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình. Như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ. Thi thoảng, bệ hạ có ngự ra nơi khác thì cũng không thể ở đó mãi mà phải trở về trong cung, có thế mới yên chỗ đứng của mình được. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy. Phải coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng cũng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần.

Bấy giờ, bọn Lê Sát mới nói:

– Ông có nhân nghĩa, ắt có thể cảm hóa được kẻ ác nên người thiện. Xin giao chúng cho ông và phiền ông cảm hóa cho. Nói xong, bèn bảo (Nguyễn) Trãi và Phan Thiên Tước nhận những tên tù ấy.

(Nguyễn) Trãi nói:

– Bọn chúng đều là hạng trẻ con ranh mãnh và rất ương ngạnh. Pháp luật của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ bọn chúng tôi đức mỏng. Cảm hóa thế nào được. Thế rồi đem xử chém 2 tên, còn thì bắt đi đày” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 11, tờ 25-b và tờ 26-a).

– Sự kiện tháng 5 năm 1435

“Vua ở trong cung, vui đùa suồng sã với bọn hầu cận. Các đại thần tâu xin dùng bọn Lê Trãi (tức Nguyễn Trãi) và Trình Thuần Du, cùng với vài ba đại thần nữa, thay phiên nhau vào hầu Vua học tập ở tòa Kinh Diên, nhưng Nhà vua trả lại tờ tâu, không chấp thuận” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chỉnh biên, quyển XVI, tờ 26). “Nhà vua cưỡi voi, cho voi chạy lồng lên khắp cả hậu cung. Khi ấy, nhân có người tiến dâng con hươu rừng, Vua liền cho voi chọi nhau với con hươu rừng ấy. Con hươu bị tấn công thì vùng lên, húc bừa vào voi. Voi sợ lùi lại phía sau rồi sa xuống giếng mà chết. Bọn (Phan) Thiên Tước và Lê Sát dâng lời can ngăn. Vua lặng im” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chỉnh biên, quyển XVI, tờ 27). Sự hoang chơi của Nhà vua trẻ tuổi đã tạo cơ hội cho bọn tham quan ô lại ra sức tìm cách đục khoét của dân. Những dấu hiệu nguy hiểm của sự tha hóa ngày một nhiều, khiến cho Nguyễn Trãi càng thêm buồn nản .

– Sự kiện soạn nhã nhạc cho cung đình (năm 1437)

Tháng 1 năm 1437, Nguyễn Trãi được lệnh cùng với viên hoạn quan Lương Đăng soạn nhã nhạc cho triều đình. Sau khi vẽ xong mẫu của chiếc khánh bằng đá, Nguyễn Trãi tâu vua rằng: “Thời loạn thì trọng võ, thời bình thì chuộng văn, nay đúng là lúc (chuộng văn) nên phải chế ra lễ nhạc. Nhưng nếu không có gốc thì không thể đứng vững, nếu chẳng có văn thì không thể lưu hành, mà thái bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc, thần vâng chiếu chỉ mà soạn nhạc, đâu dám không dốc hết sức để mà làm. Chỉ tiếc là sức học nông cạn, sợ trong chỗ thanh luật không được hài hòa. Xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.

Vua tiếp nhận và khen ngợi, xong, sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn, lấy đá ở núi Kính Chủ để làm khách” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 11, tờ 36-a). Tháng 5 năm 1437, đến lượt Lương Đăng dâng lời tâu về nhạc. Lời tâu ấy phần nhiều là khác hẳn vơi ý kiến của Nguyễn Trãi. Nhưng Lê Thái Tông, vị vua quá trẻ (lúc này mới lên 14 tuổi) chưa đủ sức đề thẩm định sự hay dở và tốt xấu, nên đã nghe theo lời của Lương Đăng, bất chấp sự can gián của một loạt quan lại trong triều như Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Liễu và cả Nguyễn Trãi nữa. Về sau, các sử gia của Quốc sử Quán nhà Nguyễn đã có lời phê rất xác đáng rằng:

“Để cho hoạn quan và kẻ hầu trong cung tham dự chính sự, tất nhiên là sẽ có nguy cơ đáng lo ngại. Điều này cần ngăn chặn, không thể để cho nảy nở ngày một lớn. Huống chi, lễ nhạc là việc trọng đại, nước nhà lúc ấy chẳng lẽ đã hết người giỏi hay sao mà lại phải dùng đến bọn hoạn quan như Lương Đăng?” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 27, tờ 26).

Phải đợi đến những năm từ năm 1439 trở đi, khi mà vua Lê Thái Tông bắt đầu tới tuổi trưởng thành, kỷ cương phép nước bắt đầu được chỉnh đốn, Nguyên Trãi mới được sống những ngày hả hê. Ông ở Côn Sơn, chỉ thỉnh thoảng mới về triều đình bàn việc. Nhưng, vui chưa trọn vẹn thì tai họa cũng đã đến gần.

V. VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN

“Nhất sinh sự nghiệp thù kham tiếu, Doanh đắc phù sinh lạc thế gian” (Nguyễn Trãi, Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)

Hai câu trên có nghĩa là: Sự nghiệp một đời thật là đáng cười, Chỉ thu được một kiếp trôi nổi giữa thế gian mà thôi. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở thành Chí Linh (nay thuộc Hải Dương). Lúc ấy, đất nước đang hồi thái bình, Nhà vua thì đang ở độ tuổi thanh xuân sung sức, cho nên, không ai nghĩ rằng đó là cuộc tuần du cuối cùng của Nhà vua, nhưng tiếc thay, sự thực lại là như vậy. Vua Lê Thái Tông đã đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên (nay thuộc huyện Gia Hương, tỉnh Bắc Ninh) vào đêm mồng 4 tháng 8 năm 1442, khi đang trên đường trở về kinh đô, hưởng dương 19 tuổi. Sau cái chết đột ngột của Nhà vua, một vụ án lớn đã xảy ra và kết quả là cả ba họ của Nguyễn Trãi đã bị tru di một cách thảm khốc. Sử thường gọi đó là vụ án Lệ Chi Viên. Sử cũ viết:

“Ngày 27 (tháng 7 năm 1442 – NKT), Vua tuần du về phía Đông, đến thành Chí Linh để thân duyệt quân đội. Nguyễn Trãi mời Vua về ngự ở chùa Côn Sơn (tức chùa Tư Quốc cũ, do thiền sư Pháp Loa, người đời Trần dựng lên – NKT). Chùa nay nằm trong làng của Nguyễn Trãi. Vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức, đến khu mộ Bạch Sư thuộc Cầu Bông, xã Đại Toán, huyện Quế Dương thì thuyền ngự không sao đi được nữa. Quan quân lấy hết sức mà kéo, thuyền vẫn nằm yên, cứ y như có người đang níu thuyền lại. Vua bèn sai Trung sứ đi hỏi khắp các vị bô lão quanh vùng, xem đất này có vị thần nào không. Các vị bô lão thưa rằng:

– Xưa có người là Bạch Sư rất tinh thông pháp thuật, khi mất chôn ở bờ sông, thường rất linh hiển, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm.

Trung sứ hỏi:

– Tế thần bằng gì ?

Các vị bỏ lão trả lời:

– Tế bằng bê con.

Trung sứ về tâu Vua. Vua sai đem bê con đến tế thần. Tế xong thuyền mới đi được.

Tháng 8, ngày mồng 4, Vua về đến Lệ Chi Viên (tên Nôm là Trại Vải – NKT), thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh- NKT) thì bỗng bị bạo bệnh rồi mất. Trước, Vua vẫn thích vợ của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, tên là Nguyễn Thị Lộ. Thị Lộ đẹp người lại có tài văn chương, Vua gọi vào cung, cho làm Lễ nghi Học sĩ, ngày đêm hầu cận. Khi đi tuần du miền Đông về, qua Lệ Chi Viên (xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức), Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa linh cữu về. Ngày mồng 6 thì đến kinh sư, vào đến cung là nửa đêm, lúc ấy mới phát tang. Ai cũng nói là Nguyễn Thị Lộ giết Vua” (Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 11, tờ 55 a-b và tờ 56-a).

“Ngày 16 (tháng 8 năm 1442 – NKT), giết quan Hành khiển là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, (vua Lê) Thái Tông trông thấy thì lấy làm thích, liền cợt nhả với thị. Nay, Vua đi tuần miền Đông, lại ghé nhà Nguyễn Trãi chơi rồi sau mới bị bạo bệnh mà mất, cho nên, khép Nguyễn Trãi vào tội ấy” (Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 11, tờ 56-b) .

Vì sao Nguyễn Trãi lại phải chết một cách oan khuất và thảm khóc như thế ? Có lẽ không một ai dễ dàng chấp nhận rằng, đó là sự thật chua chát của chính loài người, cho nên, người đời mới có câu chuyện Rắn báo oán rất ly kỳ, đổ hết mọi sự xấu xa cho hồn ma của rắn.

Chuyện này được dã sử chép như sau:

“Tương truyền, khi chưa hiển đạt (đúng ra là khi chưa ra làm quan – NKT), ông (đây chỉ Nguyễn Phi Khanh, thân sinh của Nguyễn Trãi – NKT) dạy học trò ở làng Nhị Khê. Một hôm, ông trỏ cái gò nhỏ ngoài đồng và bảo học trò rằng:

– Ngày mai, các anh phải ra phạt cỏ cái gò ấy để lấy đất dựng nhà mà học.

Học trò vâng lời. Tảng sáng hôm sau, ông mơ thấy một người đàn bà tới nói với ông rằng:

Tôi còn yếu người mà con thì còn nhỏ, xin ông hãy thư thư cho vài ba bữa nữa để tôi còn kịp dọn đi nơi khác. Tỉnh dậy, ông vội chạy ra đồng xem thì học trò đã dọn gò đất xong rồi. Họ bắt được hai quả trứng. Ông hỏi thì họ nói :

– Vừa rồi thấy có con rắn, chúng con đánh nó cụt đuôi và nó đã chạy mất. Ông cầm hai quả trứng đem về cất giữ. Đến đêm ông chong đèn đọc sách thì có con rắn trắng bò trên xà nhà. Máu từ đuôi nó chảy xuống, rơi đúng chữ đại (nghĩa là đời), thấm ướt đến ba tờ giấy liền ông tự hiểu và than rằng:

– Nó sẽ báo oán ta đến ba đời.

Hai trứng rắn nở ra được hai con, một dài, một ngắn. Ông sai đem thả xuống sông Tô Lịch ở làng bên. Nay, những rắn ấy đều được tôn làm thần sông.

Sau khi đã hiển đạt, hàng ngày từ triều đình trở về, đi qua phố Hàng Chiếu, ông vẫn thường gặp một người con gái nhan sắc rất mặn mà. Hai bên dùng thơ vui đùa rồi yêu mến nhau. Ông cưới cô ấy về làm thiếp (chỗ này dã sử nhầm chuyện của Nguyễn Phi Khanh ra chuyện Nguyễn Trãi – NKT).

Trong năm Thiệu Bình (niên hiệu của vua Lê Thái Tông, dùng từ năm 1434-1439 – NKT), người con gái ấy được ra vào nơi cung cấm, được vua Lê Thái Tông cho làm Nữ Học Sĩ. Khi Vua băng, triều đình đem cô ra để tra khảo thì cô khai là Nguyễn Trãi sai cô giết vua. Bởi lẽ này mà ông mới bị trị tội. Khi đem hành hình, người con gái ấy liền hóa thành con rắn, bò xuống nước rồi đi đâu mất” (Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục).

Đâu là lõi lịch sử của câu chuyện ly kỳ đượm màu dị đoan nói trên. Trở lại ghi chép tản mạn của sử cũ về hành trạng của Nguyễn Trãi những năm làm quan dưới thời Lê và về những chi tiết phản ánh “bí sử” của hậu cung, chúng ta có thể dựng lại sự kiện này như sau:

Năm mới 16 tuổi, vua Lê Thái Tông đã chính thức làm lễ sắc phong lần lượt trước sau cho 5 phụ nữ trong hậu cung là:

– Dương Thị Bí: Hoàng hậu. Hiện chưa rõ gốc tích của bà. Tháng 6 năm 1489, bà sinh hạ Lê Nghi Dân. Tháng 1 năm 1440, Lê Nghi Dân được lập làm Thái tử, vì lẽ này, bà kiêu hãnh và có phần ngạo mạn. Tháng 1 năm 1441, vua Lê Thái Tông giáng ngôi Hoàng hậu của bà, truất luôn ngôi Thái tử của Lê Nghi Dân.

– Nguyễn Thị Anh: Hoàng hậu, được lập sau khi bà Dương Thị Bí bị giáng. Bà là người xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn (nay thuộc Thanh Hóa). Tháng 6 năm 1441, bà sinh hạ ra Lê Bang Cơ, người về sau là vua Lê Nhân Tông. Tháng 11 năm 1441, Lê Bang Cơ được lập làm Thái tử (thay cho Lê Nghi Dân) và bà cũng được sách lập làm Hoàng hậu.

– Ngô Thị Ngọc Dao: Tiệp dư. Bà là người xã Động Bàng. huyện Yên Định (nay thuộc Thanh Hóa), con gái của Thái bảo Ngô Từ. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), bà sinh hạ ra Lê Tư Thành. Suốt 18 năm trời, từ năm 1442-1460, hai mẹ con bà phải sống rất gian nan bởi sự hiềm nghi, thù ghét của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Năm 1460, sau khi Lê Nghi Dân bị triều thần giết chết, Lê Tư Thành được tôn lên ngôi, đó là vua Lê Thánh Tông. Bà Ngô Thị Ngọc Dao cũng được tôn làm Hoàng Thái hậu.

– Lê Ngọc Dao: Nguyên phi. Bà là con gái của Đại tư đồ Lê Sát. Tháng 7 năm 1437, khi Lê Sát bị giết, bà cũng bị phế xuống làm dân thường.

– Lê Nhật Lệ: Huệ phi. Bà là con gái của Tể tướng Lê Ngân. Tháng 12 năm 1437, khi Lê Ngân bị giết, bà cũng bị giáng xuống hàng Tu dung.

Như vậy, có 5 bà được sách phong thì 3 bà đã bị phế hoặc bị giáng. Hai người còn lại là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Để bảo vệ ngôi Thái tử cho con và địa vị Hoàng hậu cho chính mình, bà Nguyễn Thị Anh đã không ngừng tìm đủ mọi cách để hãm hại bà Ngô Thị Ngọc Dao.

Biết được việc làm thất đức này, Nguyễn Trãi đã thông qua người thiếp của mình được Vua yêu là Nguyễn Thị Lộ, ra sức ngăn cản, không để Nhà vua mắc mưu gian mà giết hại bà Ngô Thị Ngọc Dao. Chuyện ấy đến tai Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, khiến bà rất căm tức, chỉ trông có dịp thuận lợi để trả thù mà thôi. Và dịp may hiếm có ấy đã đến.

Ngay sau khi Lê Thái Tông qua đời, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh hạ lệnh bắt giam Nguyễn Thị Lộ rồi tra khảo rất dã man. Trước sau, những kẻ tra khảo chỉ hỏi NguyễnThi Lộ có mỗi một câu, rằng có phải chính Nguyễn Trãi đã đưa thuốc độc cho Nguyễn Thị Lộ giết Nhà vua hay không. Không chịu nổi đòn roi, Nguyễn Thị Lộ đành nhận là phải.

Dựa vào lời khai này, Nguyễn Thị Anh đã hạ lệnh chém đầu Nguyễn Thị Lộ và tru di dòng họ Nguyễn Trãi. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (nhằm ngày 19/9/1442) là ngày oan nghiệt của gia tộc Nguyễn Trãi, cũng là ngày u ám của lịch sử thế kỷ XV: Ngày án tru di đối với gia tộc Nguyễn Trãi được thi hành. Hôm đó chỉ có một người hầu thiếp của Nguyễn Trãi, gốc họ Phạm, đang mang thai ba tháng, đã may mắn chạy thoát được. Bà đã trốn vào tận vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa và ở đó, bà đã sinh hạ một người con trai, đặt tên là Nguyễn Anh Vũ.

Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), vua Lê Thánh Tông (con của vua Lê Thái Tông, do bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh hạ) đã xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng NguyễnTrãi tước Tán Trù Bá và phong cho Nguyễn Anh Vũ chức Đồng Tri châu.

Hiện nay, ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) có khu lưu niệm Nguyễn Trãi và gia tộc của ông. Các thế hệ giàu lòng ngưỡng mộ đối với tổ tiên, từ khắp mọi miền của đất nước, đã không ngớt kéo về Côn Sơn để tưởng nhớ Nguyễn Trãi – người con quang vinh của lịch sử nước nhà.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam – Tập 2: Danh tướng Lam Sơn / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.