Dưa hấu là một loại trái cây vô cùng phổ biến hiện nay. Chúng không chỉ mọng nước mà còn rất ngọt và giàu dinh dưỡng cho cơ thể. Bản thân dưa hấu vốn là loài thực vật dây leo, ưa khí hậu nóng ẩm và rất dễ trồng khi cây còn non. Để có thể giúp bạn tự mình trồng dưa hấu tại nhà bằng hạt dễ dàng mà đúng kỹ thuật, tốn ít công chăm sóc, hãy tham khảo các bước thực hiện dưới đây.
Dưa hấu là loại trái cây vô cùng phổ biến và rất dễ trồng
Chuẩn bị trước khi trồng dưa hấu
1. Chọn lựa giống dưa hấu
Hiện nay trên thế giới có nhiều giống dưa hấu khác nhau, từ hình dạng cho đến màu sắc, loại có hạt hoặc không hạt. Cụ thể như sau:
– Dưa hấu hình cầu tròn: Giống Ice box hoặc Sugar baby.
– Dưa hấu hình bầu dục: Giống Congo, Charleston Grey, Jubilee.
Giống dưa hấu Sugar baby
2. Thời vụ để trồng
Thông thường dưa hấu sẽ có hai thời vụ trồng trong mỗi năm, đó là vụ Đông Xuân và vụ Xuân Hè.
– Vụ Đông Xuân thường bắt đầu từ tháng 10 dương lịch và kéo dài đến tháng 12 là có thể thu hoạch. Hoặc nếu bạn muốn ra quả vào trước Tết thì có thể trồng từ tháng 11 trở đi.
– Vụ Xuân Hè thường bắt đầu từ tháng 2 dương lịch và kéo dài đến tháng 4.
3. Vị trí gieo trồng
Dưa hấu là loại trái cây ưa ánh sáng Mặt Trời, cần có không gian thoáng mát và rộng rãi để cây có thể tự do phát triển, một phần là bởi dưa hấu là cây dây leo. Do đó mà bạn nên trồng cây tại nơi thật rộng rãi và có nhiều ánh sáng. Tránh trồng dưa hấu tại nơi chật hẹp, ẩm thấp sẽ khiến ảnh hưởng đến chất lượng ra quả.
4. Làm đất để trồng dưa hấu
Loại đất thích hợp để trồng dưa hấu nên là các loại đất mùn, độ tơi xốp tốt, giàu dinh dưỡng và dễ dàng thoát nước. Bạn có thể bón phân cho đất để cải thiện độ dinh dưỡng nếu như đất đang xấu. Hãy đảm bảo độ pH của đất luôn ổn định và nằm trong khoảng từ 6-6,8. Nếu bạn định trồng dưa hấu trong thùng xốp hoặc trong chậu thì cần phải đục lỗ để đảm bảo nước có thể thoát ra ngoài được.
Cách trồng dưa hấu tại nhà trong chậu đúng kỹ thuật
Nhiều gia đình không có đất trồng rộng rãi như đất nông nghiệp, vậy nên có thể lựa chọn cách trồng dưa hấu trong chậu nhằm tiết kiệm diện tích cũng như đảm bảo khả năng chăm sóc tốt cho cây, nhằm cho ra trái ngọt để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình.
1. Chuẩn bị chậu trồng cây
Dưa hấu là cây dây leo phát triển nhanh chóng, bộ rễ khỏe. Do đó bạn cần lựa chọn các chậu có kích thước từ khá cho đến lớn để có thể đựng được nhiều đất và đảm bảo cây có thể sinh trưởng dễ dàng. Lưu ý rằng chậu cây cần phải có các lỗ nhỏ nhằm giúp thoát nước cho đất, tránh gây ngập úng cho cây.
2. Ủ hạt giống
Trước khi bắt đầu gieo hạt, bạn cần phải ủ hạt giống để đảm bảo chúng có thể phát triển tốt và nhanh chóng. Đầu tiên hãy phơi khô hạt giống ngoài nắng khoảng 1-2 tiếng, sau đó đem ngâm trong nước ấm từ 3-4 giờ. Vớt hạt ra, lau sạch sẽ rồi ủ vào trong một chiếc khăn ẩm, bên ngoài khăn bạn có thể bọc thêm một ít rơm rạ hoặc vỏ trấu. Tưới nước dưỡng ẩm cho khăn thường xuyên, sau khoảng 3 ngày là hạt giống bắt đầu nảy mầm. Khi này bạn hãy đem hạt vào trồng trong các bầu ươm. Sau khoảng 2 tuần, cây non sẽ hình thành và xuất hiện một vài chiếc lá, lúc này bạn hãy cho cây non ra chậu để trồng trực tiếp.
Hạt dưa hấu lên mầm non sau khi được ủ
3. Tưới nước
Khi cây non bắt đầu cho ra chậu để trồng, bạn hãy thường xuyên tưới nước để giúp cây mau lớn, đảm bảo tưới đủ ít nhất 2 lần/ngày. Tuy nhiên không tưới quá nhiều mà chỉ tưới đủ cho đất có độ ẩm nhất định.
4. Bón phân
Vào giai đoạn đầu khi mới trồng, bạn có thể không cần bón thêm phân nếu đất trồng đã đủ dinh dưỡng cần thiết. Khi cây bắt đầu vào giai đoạn ra hoa, chuẩn bị tạo quả, bạn sẽ cần phải bổ sung thật nhiều dinh dưỡng cho cây, cụ thể như sau:
– Dùng phân lân bón sát gốc vào ba thời điểm: Ngay khi mới trồng, 25 ngày kể từ khi bắt đầu trồng và thêm 25 ngày nữa kể từ sau khi bón phân lần thứ hai.
– Sử dụng phân supe, NPK để bón thúc cho cây mỗi tuần 1 lần khi cây đang trong giai đoạn ra hoa và chuẩn bị tạo quả.
5. Làm giàn cho cây dưa hấu
Bạn có thể bắt đầu làm giàn cho cây dưa hấu khi trồng trong chậu kể từ khi bắt đầu trồng cây được 1 tháng. Mục đích của việc làm giàn cho cây là để giúp đỡ cho phần thân được cao lên so với mặt đất. Từ đó quả dưa khi hình thành sẽ được giàn giữ lại và chịu lực chứ không để quả mọc bò trên mặt đất như bình thường. Điều này khiến cho cây dưa hấu có thể sinh trưởng một cách thoải mái, quả được phát triển tốt nhất, cho ra trái ngon và có vị ngọt hơn.
Cách trồng dưa hấu trong chậu
Để làm giàn cho cây dưa hấu, bạn có thể sử dụng các thanh tre hoặc gỗ tùy ý, có chiều dài từ 1 đến 1,5m. Các thanh được cố định cắm xung quanh chậu, đan lấy nhau và được buộc lại bằng dây thép. Sau đó bạn có thể buộc thân leo của cây dưa hấu vào cọc chống để chúng cố định và leo bám dần qua các cọc đó. Sau này khi quả dưa hấu đã phát triển to lớn hơn, bạn có thể dùng các túi lưới to để bọc bên ngoài quả và treo cố định chúng trên giàn.
6. Phòng chống chuột và sâu bệnh
Do dưa hấu có vị ngọt cho nên chúng là miếng mồi thơm để chuột và các loại côn trùng có thể tấn công, phá hoại, làm hỏng cây của bạn. Vậy nên bạn cần có biện pháp che chắn ngay từ đầu, giúp ngăn chặn côn trùng xuất hiện và chuột có thể cắn cây.
Cách thu hoạch dưa hấu
Sau khi đã trồng từ 3 tháng trở lên, dưa hấu khi này đã chín và có thể cho thu hoạch được rồi. Để biết xem quả dưa của bạn đã chín hay chưa, dùng tay gõ nhẹ lên trên và nghe ngóng. Nếu như bạn nghe thấy âm thanh hơi trầm và đục tức là quả đã chín hoàn toàn. Ngoài ra, bạn có thể quan sát tua xoắn ở gần cuống của quả dưa xem chúng có khô hay không, nếu chúng bị khô thì tức là thu hoạch được rồi. Để thu hoạch, bạn dùng kéo cắt bỏ phần cuống dây leo, thường thì cứ mỗi chậu cây dưa hấu sẽ cho bạn từ 3-4 quả dưa nếu được chăm sóc tốt.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!