Mẩn ngứa về đêm – Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Nếu ai đã từng trải qua tình trạng mẩn ngứa về đêm sẽ hiểu được cảm giác bứt rứt, khó chịu mà nó đem lại. Nó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giấc ngủ và tác động xấu tới sức khỏe nói chung. Hãy cùng đi tìm nguyên nhân và cách xử lý vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Mẩn ngứa về đêm là bệnh gì?

Bị nổi mẩn ngứa vào ban đêm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ em tới người già. Tình trạng này khiến người bệnh phải thức giấc giữa đêm hoặc khó đi vào giấc ngủ. Các biểu hiện bao gồm: Ngứa về đêm, xuất hiện các đốm đỏ sần hoặc phẳng trên da… Các vị trí ngứa cũng rất đa dạng. Đó có thể là ngứa da mặt vào ban đêm, ngứa tay chân về đêm, ngứa toàn thân hoặc một vùng cơ thể… Không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng sống mà đây rất có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cần điều trị kịp thời.

Mẩn ngứa về đêm

2. Nguyên nhân gây mẩn ngứa về đêm

Việc thỉnh thoảng hay thường xuyên nổi mẩn ngứa vào ban đêm gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là tác động từ môi trường bên ngoài hoặc bệnh lý bên trong cơ thể.

2.1. Nhịp độ sinh học của cơ thể

Vào ban đêm, cơ chế hoạt động tự nhiên của cơ thể có sự đổi khác hơn so với ban ngày. Nhiệt độ cơ thể và lưu lượng máu tới da tăng lên vào trời tối khiến da ấm lên và dễ ngứa hơn. Lúc này cơ thể sẽ tiết ra nhiều cytokine – chất làm tăng viêm đồng thời giảm sản xuất corticosteroid – hormone giảm viêm. Đây chính là yếu tố làm bùng phát viêm nhiễm vào ban đêm trên da. Bên cạnh đó, da cũng dễ mất nước hơn vào ban đêm nên dễ khô và ngứa hơn.

Ngoài ra, vào ban đêm chúng ta dừng lại mọi hoạt động khác. Tinh thần lúc này không chịu tác động bởi công việc hoặc môi trường xung quanh. Nó sẽ khiến cho cảm giác ngứa ngáy khó chịu trên da vốn bị xao nhãng vào ban ngày trở nên rõ rệt hơn.

2.2. Thay đổi nội tiết tố

Đối với phụ nữ, những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến da trở nên khô hơn, xuất hiện những đốm đỏ và gây ngứa. Nguyên nhân là do biến đổi đột ngột của hormone estrogen trong giai đoạn này. Ngoài ra, những biến động của nội tiết tố còn gây ra trường hợp sau sinh bị mẩn ngứa về đêm.

2.3. Yếu tố tâm lý

Căng thẳng kéo dài, lo âu quá độ, trầm cảm là nguyên nhân khiến cơ thể bị ngứa về đêm mà ít ai ngờ tới. Các dấu hiệu dễ nhận biết là: Đau đầu, bồn chồn, ngứa khắp người, tim đập nhanh, ra nhiều mồ hôi, tiểu nhiều…

2.4. Dị ứng thời tiết, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thuốc

Một số tác nhân gây kích ứng da tồn tại trong đồ ăn, thức uống, hóa mỹ phẩm mà người bệnh sử dụng. Tình trạng quá mẫn này tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Có những loại sản phẩm, thực phẩm gây dị ứng với người này mà không phải người khác. Hải sản, sản phẩm chăm sóc da có mùi hương nồng thường là “thủ phạm” gây dị ứng.

Sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm không khí khi thời tiết chuyển mùa cũng sẽ khiến cơ thể phản ứng lại, gây mẩn ngứa. Bên cạnh đó, những yếu tố như bụi, khói, lông vật nuôi tồn tại trong không khí cũng có thể gây mẩn ngứa.

Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ là mẩn ngứa về đêm. Cụ thể là: Thuốc tránh thai, Sulfamides, Penicilline…

>>Xem thêm: Các dấu hiệu dị ứng hải sản đừng bỏ qua

2.5. Mẩn ngứa về đêm do vi trùng, siêu vi

Chăn ga, gối không được vệ sinh thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho các vi trùng, siêu vi, nấm sinh sôi. Đó có thể là: Rận, chấy… Chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới làn da.

2.6. Thiếu máu

Thiếu máu sẽ gây ngứa râm ran ở chân vào ban đêm. Đi kèm với đó là cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, móng tay dễ gãy… Thiếu máu gây ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của cơ thể. Do đó cần tìm cách khắc phục ngay tình trạng này.

2.7. Mắc các bệnh lý về da

Nổi mẩn ngứa khắp người vào ban đêm có thể xuất phát từ yếu tố bệnh lý mà trực tiếp nhất là các bệnh về da như: Chàm, vẩy nến, hắc lào, viêm da cơ địa, hăm, mụn sữa, viêm nang lông, ung thư da… Trong đó, bệnh chàm gây ra các mảng da bị viêm, đỏ, nứt nẻ và thô ráp. Bệnh vảy nến xuất hiện chủ yếu ở khuỷu tay, đầu gối, là kết quả của việc tích tụ các tế bào da, tạo nên các mảng giống như vảy, nó thể gây nứt da, chảy máu.

Riêng trẻ bị mẩn ngứa về đêm thường bởi hăm, mụn sữa do dùng bỉm hoặc mồ hôi, sữa đọng lại trên da bé. Viêm da cơ địa cũng thường gây ngứa về đêm ở trẻ em.

Ung thư da tuy là một nguyên nhân không phổ biến nhưng không nên loại trừ. Những điểm bất thường tự nhiên xuất hiện trên da chính là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm này. Có thể kể đến như:

– Nốt ruồi màu sắc, kích thước, hình dạng bất thường.

– Đốm đỏ trên da có thể phẳng hoặc sần sùi, khiến da ngứa về đêm.

– Vết loét trên da khó lành.

2.8. Mẩn ngứa về đêm do mắc bệnh lý gan thận

Khi chức năng gan, thận bị suy giảm khả năng loại bỏ độc tố cũng không còn được như bình thường. Độc tố tích tụ lâu ngày sẽ biểu hiện ra bên ngoài với các triệu chứng như: Nổi mẩn ngứa về đêm, vàng da, tiểu rắt… Thận đảm nhiệm chức năng loại bỏ cặn bã, thanh lọc máu. Nếu thận bị suy, độc tố tích tụ nhiều trong máu gây ra hiện tượng mẩn ngứa trên da. Đặc biệt, nóng gan sẽ khiến chất độc được ưu tiên đào thải qua tuyến mồ hôi khiến da ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ.

2.9. Tiểu đường

Ở những bệnh nhân tiểu đường, lượng đường huyết sẽ tăng mạnh. Từ đó tác động vào dây thần kinh gây rối loạn tuyến bài tiết trên da dẫn đến cảm giác ngứa ngáy khó chịu vào ban đêm. Đi kèm là triệu chứng chán ăn, cơ thể mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều…

2.10. Các vấn đề về tuyến giáp

Những người mắc bệnh lý về tuyến giáp thường bị khô da, mẩn ngứa, phù nề. Đặc biệt cường giáp, suy giáp là nguyên nhân gây ngứa cho người bệnh. Cần thăm khám phát hiện khi có các dấu hiệu đi kèm như mắt sưng, mạch đập nhanh, tăng giảm cân không kiểm soát…

2.11. Ung thư

Bên cạnh ung thư da, mẩn ngứa nổi cục về đêm có thể là dấu hiệu của một số bệnh ung thư khác như: Ung thư máu, ung thư hạch… Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị ung thư hạch có dấu hiệu ngứa da trầm trọng, mạn tính, đặc biệt là vào buổi tối.

3. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Một số trường hợp nổi mẩn đỏ ngứa về đêm sẽ chỉ diễn ra thoáng qua hoặc dần đỡ sau khi áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan khi gặp tình trạng dưới đây hãy tới gặp bác sĩ ngay:

– Mẩn ngứa kéo dài hơn 1 tuần hoặc diễn biến ngày càng tăng nặng

– Ngứa dữ dội gây mất ngủ triền miên

– Sốt

– Giảm cân không rõ nguyên nhân

– Mệt mỏi

4. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng, hỏi về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng và thực phẩm đã ăn gần đây. Một số chỉ định xét nghiệm cũng sẽ được thực hiện như test da, xét nghiệm máu, nước tiểu…

5. Điều trị mẩn ngứa về đêm

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mẩn ngứa vào ban đêm, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Đối với lý do từ bệnh lý, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh. Khi bệnh được cải thiện thì tình trạng phát ban mẩn ngứa về đêm sẽ dần biến mất. Ngoài ra, để điều trị triệu chứng có thể tham khảo một số cách dưới đây.

5.1. Thuốc Tây trị mẩn ngứa về đêm

Bác sĩ điều trị sẽ là người quyết định loại thuốc, thời gian và liều lượng sử dụng. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc. Một số loại thuốc giúp giảm ngứa, mẩn đỏ và giúp người bệnh dễ ngủ hơn.

– Thuốc kháng histamine: Chlorpheniramine, Diphenhydramine, Fexofenadine… Loại thuốc này ức chế cơ thể sản sinh ra histamine. Từ đó giúp giảm bớt các nốt mẩn trên da, giảm ngứa do quá mẫn.

– Kem bôi ngoài da steroid: Dùng để bôi trực tiếp lên vùng da bị mẩn ngứa, có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, chúng có thể làm mỏng da, thay đổi màu sắc da…

– Thuốc chống trầm cảm: Mirtazapine, Doxepin… Đây là chất ức chế hấp thu serotonin, thường được chỉ định cho tình trạng ngứa mạn tính.

– Thuốc ổn định nội tiết dùng trong trường hợp rối loạn nội tiết.

– Thuốc bổ máu: Dùng trong trường hợp thiếu máu

– Kem dưỡng ẩm không chứa cồn: Bác sĩ có thể chỉ định loại kem này như một biện pháp bổ sung. Nó cấp ẩm cho da, làm dịu cơn ngứa.

5.2. Trị liệu tâm lý

Nếu tình trạng bệnh xuất phát từ yếu tố tâm lý thì bác sĩ có thể chỉ định một liệu trình trị liệu tâm lý. Phương pháp này sẽ giúp người bệnh điều chỉnh được cảm xúc, giảm suy nghĩ tiêu cực, giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nó đòi hỏi sự phối hợp và quyết tâm của người bệnh.

5.3. Mẹo dân gian chữa mẩn ngứa về đêm

Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu, người bệnh có thể áp dụng một số cách chữa mẩn ngứa về đêm đơn giản, lại tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng các cách này, đặc biệt là không được tự ý sử dụng với trẻ em.

Tắm nước lá khế: Lấy một nắm lá khế tươi rửa sạch, cho vào nồi nước đun với 1 thìa muối hạt. Sau khi sôi 15 phút thì chắt lấy nước để nguội rồi tắm.

Đắp lá trầu không: Rửa sạch một nắm lá trầu không, thái nhỏ. Sau đó đem giã nhuyễn. Dùng hỗn hợp này đắp lên vùng da bị ngứa về đêm trong 15 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Uống trà gừng mật ong: Mật ong và gừng có khả năng kháng khuẩn, nó cũng tăng cường độ ẩm cho da. Người bệnh chỉ cần thái lát gừng hãm với nước ấm sau đó hòa thêm 1 thìa mật ong vào để uống. Nó giúp thư giãn tinh thần và giảm ngứa.

Xông lá kinh giới: Người mẩn ngứa về đêm có thể đun sôi một nắm lá kinh giới sạch. Sau đó lấy nước này để xông hơi trong 10 phút.

6. Cách phòng tránh

Để phòng tránh tình trạng người mẩn ngứa về đêm, hãy lưu ý một số vấn đề sau:

– Mặc đồ ngủ thoải mái, thoáng mát. Chất liệu được khuyến khích là cotton, lụa.

– Giữ nhiệt độ phòng ở mức lý tưởng thường là 28 độ C và độ ẩm 60%. Không nên để phòng ngủ quá nóng.

– Không ăn quá no, uống trà đặc hoặc cà phê trước khi đi ngủ.

– Tránh các loại hóa mỹ phẩm, thực phẩm có thể gây kích ứng da. Hãy đọc kỹ thành phần của sản phẩm. Không nên ăn thực phẩm dễ gây kích ứng da như: Hải sản, thức ăn cay nóng, rượu bia…

– Hạn chế tiếp xúc môi trường khói bụi, lông vật nuôi, tia UV…

– Giữ vệ sinh môi trường sống, thường xuyên làm sạch ga, gối hoặc bất kỳ bề mặt gì tiếp xúc với da.

– Giữ vệ sinh cơ thể. Cắt ngắn móng tay để ngăn ngừa việc gãi ngứa vô thức trong giấc ngủ.

– Tránh tối đa căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái.

Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin tham khảo cần thiết về tình trạng mẩn ngứa về đêm. Khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà mà không đem lại hiệu quả hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường hãy tới ngay các cơ sở y tế. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào có liên quan hãy gọi tới tổng đài 0343 44 66 99 để được tư vấn.

XEM THÊM

  • Mề đay nên ăn gì và kiêng gì? Lời khuyên hữu ích từ chuyên gia
  • Mẩn ngứa ở cổ là gì? Nguyên nhân và cách điều trị theo bác sĩ
  • Nổi mề đay có được ăn trứng không và những lưu ý