NUÔI THỎ CON VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT – VB Pharma

Với chăn nuôi thỏ, việc chăm sóc thỏ trưởng thành là điều vô cùng dễ dàng và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, cách nuôi thỏ con lại hoàn toàn khác, đòi hỏi bạn cần phải trang bị một số kiến thức nhất định trong việc chăn nuôi. Dưới đây là một vài điểm quan trọng nhất trong số đó.

Thỏ mẹ có thể nuôi được bao nhiêu con một lứa?

Thông thường, thỏ mẹ có thể đẻ từ 3-10 con, ít hay nhiều tùy vào giống cũng như độ tuổi của thỏ. Thực tế, có những thỏ mẹ nuôi con rất khéo, nhưng cũng có rất nhiều con nuôi con vụng, chỉ nuôi ba bốn con mà lớn không đều. Vì vậy, tốt nhất bạn chỉ nên để thỏ mẹ nuôi tối đa là 5-6 con. Nếu bầy nào quá đông, bạn hoàn toàn có thể nhờ những ổ ít con hơn nuôi giúp.

Cách dồn con khi thỏ đẻ quá nhiều

Như đã nói ở trên, cách nuôi thỏ con vô cùng quan trọng và bạn nên san bớt thỏ con qua những ổ ít con hơn nhờ nuôi hộ. Tuy nhiên, việc dồn con cũng đòi hỏi bạn cần phải có kỹ thuật nhất định, nếu không thỏ mẹ sẽ phát hiện ra con lạ và dẫn đến cắn chết cả bầy. Vì vậy nên chọn hai bầy thỏ con có cùng kích cỡ. Khi thực hiện cần rửa tay sạch tránh để lại mùi hôi trên thỏ cũng như nên làm vào ban đêm để thỏ mẹ không thể phát hiện. Để đảm bảo an toàn, bạn nên chú ý động thái của thỏ mẹ và có biện pháp xử lý kịp thời.

Các giai đoạn phát triển của thỏ con

Chăm sóc thỏ sơ sinh :

– Sau khi thỏ đẻ xong, phải kiểm tra đàn con xem chúng có nằm tập trung không, có được phủ lông ấm không, bao nhiêu con và có con nào chết không. Nếu thấy thỏ con phân tán trong ổ thì phải thu chúng nằm gọn vào một nơi, lấy đồ lót phủ kín xung quanh thỏ con.

– Nhu cầu nhiệt độ môi trường xung quanh ổ đẻ lúc mới đẻ là 30- 320C. Hàng ngày phải kiểm tra ổ đẻ và đàn con, loại bỏ những phần lót ổ bị ướt. Sau một tuần thì thay hoàn toàn đồ lót ổ và sau 3 tuần thì bỏ ổ đẻ cho con ra ngoài lồng. Mùa đông rét buốt cần để ổ đẻ vào nơi ấm áp, kín gió, có thể phải đốt sưởi để thỏ con không bị chết lạnh.

– Thỏ mẹ chỉ vào ổ cho con bú một lần trong ngày đêm là đủ no. Đôi khi mẹ vào ổ bới đàn con, nằm trong ổ “đi bậy” làm bẩn đồ lót ổ, có khi do sợ hãi vội nhảy vào ổ đẻ dẫm đạp vào đàn con làm chúng mất yên tĩnh.

Do đó sau khi đẻ một ngày nên đưa ổ đẻ có nắp đậy kín ra khỏi lồng chuồng thỏ mẹ, buổi sáng sớm hàng ngày mới đưa vào và mở nắp để con mẹ nhảy vào cho con bú. Như vậy đàn con bú rất chóng no, con mẹ thoải mái, đàn con yên tĩnh, ổ đẻ sạch sẽ, đàn con ít bị nhiễm bệnh

– Thỏ mẹ đôi khi ăn thỏ con hoặc không cho con bú là do mẹ không có đủ sữa, khát nước.

– Trường hợp này thường xảy ra ở những thỏ mẹ đẻ lứa dầu, nuôi con vụng. Nếu thỏ mẹ nào ăn con lặp lại lần thứ hai thì phải loại bỏ.

– Hàng ngày, phải kiểm tra đàn con kỹ lưỡng, phải xem chúng có bú no không nếu con nào chết phải nhặt bỏ ra ngay. Nếu thỏ con đói sữa phải tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời. Có thể phải cho thỏ con bú nhờ mẹ khác.

Thỏ mẹ nuôi con cần rất nhiều thức ăn và đủ nước uống để sản xuất sữa nhiều. Cho nên phải đáp ứng thoả mãn nhu cầu thức ăn và nước uống. Thỏ con phát triển rất nhanh.

+ Ban đầu thỏ con chỉ ngủ, ít hoạt động ngoài lúc bú mẹ. Thỏ con sơ sinh sau 15 giờ mới bắt đầu bú mẹ. Trong 18 ngày đầu, thỏ con sống và phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ.

+ Hàng ngày phải kiểm tra thỏ con có được bú no không. Nếu thỏ no thì da căng, phẳng, 5-8 ngày đầu thấy bầu sữa màu hồng, căng phình ra ở khoang bụng, nằm yên tĩnh trong ổ ấm.

Khi thỏ con đói , cần xem vú mẹ có viêm không, mẹ có sữa không, thỏ con có bị hoặc thỏ mẹ không cho con bú để có biện pháp khắc phục kịp thời như nuôi ghép, cho bú nhờ, điều trị bệnh

+ Khi chúng được 2 tuần tuổi thì lông bắt đầu mọc phủ kín mình, mở mắt và đi được.

+ Khi đàn con được 18-21 ngày tuổi thì ra ổ, chúng đã biết ăn thức ăn với mẹ. Từ lúc này cần tập cho thỏ con chuyển tiếp dần từ sữa mẹ sang thức ăn cứng.

+ Lúc 23-25 ngày tuổi cơ thể đã hấp thụ được 50% nhu cầu dinh dưỡng từ thức ăn của mẹ. Từ ngày thứ 26 sữa mẹ chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu dinh dưỡng của thỏ con. Cho nên từ khi thỏ con ra ổ cần hết sức chú ý đến đàn con bú mẹ và ăn được bao nhiêu để cung cấp thêm tiêu chuẩn khẩu phần ăn cho con mẹ tránh thỏ con chết đói và suy dinh dưỡng.

+ Thức ăn thô xanh phải là loại rau lá cỏ non để thỏ con tập ăn được. Từ đó trở đi, thỏ con giảm dần sữa mẹ và ăn được thức ăn ngày càng nhiều. Vì vậy, khẩu phần ăn của thỏ mẹ phải được tăng dần lên.

Tiếp đến sẽ là thời kỳ cai sữa thỏ:

Phụ thuộc vào chế độ nuôi dưỡng, phương thức nuôi mà lượng sữa mẹ cao nhất vào ngày 15-21 của chu kỳ và giảm dần đến ngày thứ 35-42 thì cạn hẳn. Cho nên có thể cai sữa vào lúc 28-42 ngày tuổi. Lúc đó thỏ con đã ăn được thức ăn tinh, thô rồi.

Nếu con mẹ đẻ dày (phối có chửa ngay sau khi đẻ) hoặc thỏ mẹ mắc bệnh, gầy yếu thì nên cai sữa sớm hơn. Nếu con mẹ đẻ thưa, nhiều sữa hoặc thể lực đàn con còn yếu thì cai sữa muộn hơn. Nhưng không nên cai sữa sớm trước 28 ngày dễ làm cho thỏ mẹ tắc sữa và cũng không nên cai sữa muộn sau 42 ngày gây ảnh hưởng đến sinh sản của thỏ mẹ lứa sau.

Có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến thỏ con khi cai sữa.

+ Thỏ con lúc này rất nhậy cảm với các bệnh tật vì nó đã mất sự bảo vệ của mẹ và hết nguồn kháng sinh tự nhiên từ sữa mẹ.

+ Hơn nữa thỏ thay lông lần đầu vào lúc 5-8 tuần tuổi, như vậy trùng với thời điểm cai sữa, nên sẽ tăng thêm tác nhân stress.

+ Khi cai sữa thường lại phải cân cá thể, phải vận chuyển sang lồng chuồng, chỗ nuôi khác cũng gây ảnh hưởng đến thỏ non

+ Sau cai sữa, thỏ con phải ăn hoàn toàn thức ăn cứng, hết sữa mẹ

Tất cả các yếu tố trên đã tác động cùng một thời đIểm, làm giảm sức đề kháng cơ thể của chúng. Đó là lý do mà tỷ lệ thỏ con sau cai sữa chết nhiều.

Có 3 phương pháp cai sữa:

+ Cai sữa truyền thống: Khi đến tuổi cai sữa, đưa toàn bộ đàn con sang chuồng mới để nuôi vỗ béo.

+ Nuôi thỏ con một giai đoạn: khi cai sữa, để thỏ con theo từng đàn riêng ngay tại lồng chuồng thỏ mẹ và chuyển thỏ mẹ đi ngăn lồng chuồng khác. Phương thức này tốt hơn phương thức cai sữa truyền thống.

+ Nuôi thỏ con bán giai đoạn: Đưa thỏ mẹ đi lồng chuồng khác, để đàn con nuôi tại chỗ thêm 2-3 tuần rồi mới chuyển đi nuôi chuồng khác.