Phân biệt phòng khám chuyên khoa và phòng khám đa khoa

1. Phòng khám chuyên khoa

a. Khái niệm

Phòng khám chuyên khoa là hình thức của phòng khám tư nhân, thực hiện hoạt động khám chữa bệnh nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh ở một mức độ nhất định trong phạm vi hoạt động chuyên môn được phép.

b. Loại hình

Phòng khám chuyên khoa, bao gồm: Phòng khám nội tổng hợp; Phòng khám chuyên khoa ngoại; Phòng khám chuyên khoa phụ sản; Phòng khám chuyên khoa nam học; Phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt; Phòng khám chuyên khoa tai – mũi – họng; Phòng khám chuyên khoa mắt; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;…

c. Điều kiện mở phòng khám chuyên khoa

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

  • Giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh.

  • Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa.

– Cơ sở vật chất:

  • Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh.

  • Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh (tối thiểu 10 m2), nơi đón tiếp người bệnh (trừ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông). Ngoài ra, đối với một số chuyên khoa nhất định, phòng khám chuyên khoa phải có thêm buồng, phòng đặc thù và phải đáp ứng điều kiện về diện tích theo điều kiện nhất định của pháp luật.

  • Phải bố trí khu vực tiệt trùng riêng biệt để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại.

  • Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật.

  • Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.

– Thiết bị y tế:

  • Trừ trường hợp phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký thì các phòng khám khác bắt buộc phải có.

  • Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.

  • Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật:

  • Là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký.

  • Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó.

2. Phòng khám đa khoa

a. Khái niệm

Phòng khám đa khoa là một cơ sở chăm sóc sức khỏe chủ yếu là dành cho việc chăm sóc bệnh nhân ngoại trú hay nói cách khác, một phòng khám nói chung là một kiểu bệnh viện cung cấp chẩn đoán hoặc điều trị một cộng đồng chung mà bệnh nhân thường không ở lại qua đêm. Phòng khám có thể được tư nhân điều hành và được quản lý công khai, hình thành do tài trợ, và thường bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ yếu của cộng đồng địa phương, trái ngược với các bệnh viện lớn nơi thực hiện các phương pháp điều trị chuyên ngành và cho bệnh nhân nội trú cho ở lại qua đêm.

b. Đặc điểm

Phòng khám được điều hành bởi một hoặc một số bác sĩ đa khoa hoặc người quản lý hành nghề Vật Lý Trị Liệu. Một số phòng khám hoạt động bởi người sử dụng lao động, tổ chức chính phủ hoặc các bệnh viện và một số dịch vụ lâm sàng bên ngoài của các công ty tư nhân, chuyên cung cấp dịch vụ y tế.

c. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa

– Quy mô phòng khám đa khoa:

  • Có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi.

  • Có bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh).

– Cơ sở vật chất:

  • Có phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu).

  • Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn.

– Thiết bị y tế: Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

– Nhân sự:

  • Số lượng bác sĩ khám bệnh, chữa bệnh hành nghề cơ hữu phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sĩ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám đa khoa.

  • Người phụ trách các phòng khám chuyên khoa và bộ phận cận lâm sàng (xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh) thuộc Phòng khám đa khoa phải là người làm việc cơ hữu tại phòng khám.