Hướng dẫn cách điền sơ yếu lý lịch mẫu 1a cho cán bộ công chức

1. Cách viết thông tin sơ lược lý lịch

Phần thông tin sơ lược lý lịch là phần mở đầu của mẫu sơ yếu lý lịch này, là phần liệt kê những thông tin cơ bản về những thông tin, con số quan trọng gắn liền với một công dân, một con người trong quá trình sinh sống và làm việc. Cùng work247.vn điểm qua một số những cách thức viết thông tin sao cho chính xác nhất trong mẫu lý lịch dành cho cán bộ, công chức này.

– Họ và tên: được yêu cầu phải viết in hoa tên của bản thân mình trong phần sơ lược.

– Tên gọi khác: trong trường hợp bạn có tên gọi khác ngoài tên chính thức của bản thân thì mới ghi, không thì bỏ trống.

– Nơi sinh: bạn ghi rõ địa chỉ cụ thể nơi sinh theo thông tin trong giấy khai sinh của mình cho chính xác.

– Quê quán: mục quê quán này bạn phải ghi quê của bố hoặc ông nội cụ thể từng xã, huyện, tỉnh và trong một số trường hợp người này không có cha mẹ thì có thể ghi nơi ở của người giám hộ, người nuôi dạy từ bé.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ghi đúng địa chỉ được thông tin trên sổ hộ khẩu gia đình, có thể trùng hoặc không trùng với nơi ở hiện nay là thông tin về địa điểm sinh sống hiện tại.

– Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: nếu trước khi được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, bạn đã có công việc ổn định để sinh sống thì hãy ghi tên nghề nghiệp đó vào đây đồng thời điền ngày được tuyển cũng như tên đơn vị bạn làm việc. Trong trường hợp không làm việc và sống dựa vào gia đình, người khác thì ghi là “không nghề nghiệp”.

– Chức vụ (chức danh) hiện tại: ghi tên vị trí công việc trong Đảng, nhà nước, đoàn thể hiện tại đang nhận, kể cả các chức danh kiêm nhiệm và mô tả công việc chính được giao ở ngay bên dưới.

– Ngạch công chức (viên chức): điền đúng hạng ngạch công chức, viên chức của mình khi được nhận vào đơn vị làm việc, đồng thời bạn cũng phải điền hết các số và chứ số có liên quan đến thông tin bậc lương, phụ cấp tương đương với ngạch công chức của bạn.

– Có khá nhiều mục về trình độ chuyên môn, kỹ năng. Trong đó trình độ phổ thông chính là trình độ văn hóa, tùy vào chương trình học của bạn mà ở đây sẽ ghi 10/10 hay 12/12. Trình độ chuyên nghiệp thì bao gồm nhiều mức: tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp,… Trình độ lý luận chính trị có thể chia thành cấp cao, trung cấp, cơ cấp và tương đương. Phần quản lý nhà nước cũng được chia ra nhiều chức vụ, gắn liền với các hạng ngạch công chức. Trình độ tin học và ngoại ngữ đều được ghi rõ ràng về cụ thể tên môn và trình độ tương đương chứng chỉ.

– Tiếp đến là các ngày tham gia các đoàn thể như ngày vào đảng, ngày nhập ngũ, ngày xuất ngũ,… Cấu trúc chung của phần này là ghi ngày theo cấu trúc dd/mm/yyyy. Ví dụ: Ngày nhập ngũ: 21/08/2000

– Danh hiệu được phong tặng cao nhất: nếu bạn đã từng nhận được các huân huy chương do nhà nước trao tặng

-Tình trạng sức khỏe: dựa trên đánh giá của giấy khám sức khỏe, bạn có thể biết được và điền tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân (VD: Tốt).

– Sở trường công việc: nêu ra công việc mà bạn có thể hoàn thành xuất sắc nhất và ít người có thể làm được như thế trong quá trình công tác ở đơn vị được giao phó.

2. Trình bày đặc điểm lịch sử bản thân

Phần kê khai thông tin này giống như một sườn bài bao gồm đầy đủ thông tin về cuộc đời bạn cho đến thời điểm viết sơ yếu lý lịch mẫu 1a này. Bạn sẽ phải kể rõ ràng và chi tiết từ nhỏ bạn đã tham gia học tập tại các trường học nào, và thời gian là từ khi nào đến khi nào. Trong quá trình học tập, bạn có đạt được thành tích nổi trội nào hay không, hãy liệt kê hết tất cả những thông tin đó trong tiểu sử của bạn.

Sau này, nếu như bạn đã từng làm việc ở một đơn vị khác trước khi trở thành công chức thì bạn cũng phải ghi cả thông tin mình đã từng làm những công việc gì, ở đâu, trong khoảng thời gian nào tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức nào cùng với nội dung công việc cũng như thành tích, xử phạt trong quá trình làm việc, lao động tại cơ quan đó. Đây cũng là phần bạn phải ghi nếu bạn là người có tiền án tiền sự, từng bị bắt, kết án, thì phải khai rõ các thông tin về sự việc này.

Xem thêm: Mách bạn mẫu phiếu đánh giá công chức đầy đủ và chính xác nhất

3. Viết mục tham gia tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp,…

Đây là phần để bạn khai báo các tổ chức bạn đã từng là thành viên theo thứ tự thời gian. Từ những mốc thời gian khi còn bé, tham gia đội thiếu niên, đoàn thanh niên cho đến khi trưởng thành tham gia vào tổ chức Đảng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp như công đoàn thì thời gian là bao giờ, các tổ chức này là gì, bạn có giữ chức vụ gì hay không là những thông tin bạn phải kể thật chi tiết trong bảng mô tả của bộ sơ yếu lý lịch này.

4. Liệt kê quá trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ và tin học

Phần khai báo thông tin về quá trình đào tạo này không khác là bao so với cách viết phần trình độ học vấn trong các bản CV xin việc thông thường. Bạn sẽ bỏ qua những cấp học phổ thông để đi vào các thông tin chi tiết về chuyên môn ngành nghề, bạn đã từng được đào tạo kiến thức chuyên môn về ngành nghề nào, ở cơ sở đào tạo nào, chường trình đào tạo là gì, hình thức đào tạo như thế nào và đầu ra bạn có nhận được bằng cấp, chứng chỉ nào không. Đây là những thông tin quan trọng trong việc đánh giá năng lực trong công việc chuyên ngành của một cán bộ công chức.

Xem thêm: Hướng dẫn cách viết mẫu đơn xin nghỉ việc của viên chức

5. Khen thưởng và kỷ luật

Nếu bạn đã từng nhận được các quyết định khen thưởng, tuyên dương bằng hình thức bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương thì sẽ ghi thông tin cụ thể về nội dung và hình thức khen thưởng, thời gian và quyết định khen thưởng một cách chi tiết nhất có thể.

Ngược lại, nếu đã từng có tiểu sử bị kỳ luật, bạn cũng phải ghi rõ những chi tiết về nguyên nhân, lý do bị kỷ luật và hình thức kỷ luật của đơn vị là gì kèm theo thời gian cố định cũng như quyết định kỷ luật của cấp trên.

6. Quan hệ gia đình, thân tộc

Ngoài những thông tin về bản thân, sơ yếu lý lịch mẫu 1a dành cho cán bộ công chức còn yêu cầu phải liệt kê các thông tin liên quan đến 3 nhòm quan hệ gia đình và thân tộc gần gũi nhất đối với một con người.

Đầu tiên là quan hệ gia đình trực tiếp của chính người kê khai bao gồm vợ hoặc chồng và các con. Các thông tin cần được nêu rõ bao gồm mối quan hệ với bản thân người cán bộ, công chức, họ và tên, năm sinh, nghề nghiệp, sinh sống ở đâu, các đặc điểm về tiểu sử cuộc đời, có từng bị bắt, bị kết án, làm việc trong chế độ cũ, ngụy quyền hay không và những thông tin về cuộc sống hiện tại đang học tập, làm việc ở đâu, tại những cơ quan, tổ chức nào, chức vụ gì.

Các thông tin cần viết vào phần quan hệ gia đình, thân tộc còn lại cũng tương tự như những gì cần được kê khai ở phạm vi vợ chồng, con cái. Chỉ khác là đối với hai nhóm sau, các đối tượng được mở rộng ra nhiều hơn bao gồm gia đình ban đầu bao gồm ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột của bản thân người làm sơ yếu và một nhóm khác là những người trong gia đình, thân tộc của người chồng, người vợ của đối tượng làm sơ yếu lý lịch gồm có ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột của vợ/chồng.

Xem thêm: Mẫu sơ yếu lý lịch viên chức mới đạt chuẩn nhất hiện nay

7. Tự nhận xét

Đây là phần để bạn, người viết sơ yếu lý lịch tự đánh giá về quá trình sinh hoạt và công tác của mình như thế nào, về thái độ chấp hành các quy định, luật pháp, nhận xét về phẩm chất đạo đức, chính trị, lối sống, năng lực,… Ở phần này, bạn có thể tự do hơn trong việc trình bày có thể bằng đoạn văn hoặc gạch đầu dòng tùy ý muốn.

Về cơ bản, sau khi hoàn tất hết tất cả các nội dung trên, bạn đã có cho mình một bản khai sơ yếu lý lịch mẫu 1a dành cho các cán bộ, công chức. Tài liệu này sẽ được lưu trữ trong cơ quan làm việc của bạn và được bảo mật tuyệt đối khỏi những sự khai thác thông tin từ bên ngoài. Mong rằng bạn sẽ chuẩn bị tốt cho mình một lý lịch sạch đẹp cả về nội dung và hình thức sau khi đọc bài viết này.