* Ván khuôn khi thi công phải đảm bảo các yêu cầu sau:
– Vững chắc; đạt chiều dày cần thiết; không bị biến dạng do trọng lượng của bê tông, cốt thép và tải trọng trong quá trình thi công.
– Ván khuôn phải kín để không bị chảy nước xi măng trong quá trình đổ bê tông và đầm lèn bê tông.
– Ván khuôn phải đúng hình dáng và kích thước cấu kiện.
– Cây chống phải đảm bảo về chất lượng và quy cách, mật độ cây chống phải được tính toán cụ thể; gỗ chống phải được chống xuống chân đế bằng gỗ và được cố định chắc chắn tránh xê dịch trong quá trình thi công.
– Ván khuôn có thể là loại gỗ hay tole có kích thước tiêu chuẩn cho từng loại cấu kiện bê tông cần đúc.
– Mặt khác, riêng ván khuôn sàn có thể lót bạt trên ván nhằm tránh tối đa việc mất nước xi măng.
– Khi thi công ván khuôn cần chú ý đến khả năng chịu lực của gỗ ván và đà giáo.
* Thi công ván khuôn móng:
– Việc gia công, lắp dựng ván khuôn phải phù hợp với đặc thù từng loại móng. Các thanh chống chống lên thành đất phải được kê trên những tấm gỗ có chiều dày ít nhất 3cm nhằm giảm lực xô ngang khi đổ bêtông.
– Đối với móng cọc (cọc ép hoặc cọc khoan nhồi) có thể dùng gạch cháy làm ván khuôn để xây đài móng và giằng móng.
– Tim móng và cổ cột phải luôn được định vị và xác định cao độ.
* Thi công ván khuôn cột:
– Ván khuôn cột gồm hai phần chủ yếu là phần khuôn để tạo ra cột có hình dạng và kích thước theo thiết kế và phần gông để giữ ván khuôn ổn định chắc chắn.
– Đối với cột có kích thước nhỏ (có cạnh dài h <= 400mm), ván khuôn cột được đóng sẵn thành hộp 3 mặt có kích thước theo thiết kế và được lắp dựng vào vị ví của cột, sau đó ta ghép dần ván khuôn mặt còn lại của cột và đổ bê tông từ dưới lên sao cho từng lớp cách nhau khoảng 40-60cm.
– Đối với cột lớn (có cạnh dài h > 500mm), mỗi mặt có thể ghép nhiều mảng, sau khi ghép các mảng ván theo hình dạng của cột thì dùng gông để cố định, gông có thể làm bằng gỗ hay thép. Khoảng cách giữa các gông khoảng từ 0,40-0,60m. Chân ván khuôn cột có chừa một cửa nhỏ để vệ sinh trước khi đổ, kích thước cửa khoảng 30x40cm và có nắp đậy được gia công sẵn.
– Đối với những cột cao nếu đổ bêtông trực tiếp từ đầu cột xuống, bêtông sẽ bị phân tầng. Đổ bêtông từng lớp 40- 60cm tiến hành đầm dùi xong mới đổ lớp tiếp theo.
– Nếu phải đổ từ trên đầu cột sẽ dùng vòi đưa vào cột sao cho khi đổ chiều cao rơi của bêtông không được vượt quá 1m.
– Đầu cột nối với dầm phải đóng nẹp đứng và nẹp ngang để gác ván khuôn dầm.
– Phương pháp lắp đặt ván khuôn cột:
+ Trước hết xác định tim ngang và dọc của cột, vạch mặt cắt của cột lên mặt nền, sàn. + Ghim khung, cố định chân cột với những đệm gỗ đã đặt sẵn trong khối móng để làm cữ dựng ván khuôn cột. + Dựng lần lượt các mảng phía trong đến mảng phía ngoài rồi đóng đinh liên kết 4 mảng với nhau, lắp các gông, nêm chặt. + Dùng dây dọi kiểm tra tim và độ thẳng đứng của cột. + Neo giữ, chống cho cột thẳng đứng (cố định ván khuôn cột). + Với cột có kích thước lớn, cốt thép dày thì có thể dựng trước một mặt hoặc dựng hộp ván khuôn 3 mặt, điều chỉnh, cố định ván khuôn, sau khi lắp dựng xong cốt thép thì dựng mặt ván khuôn còn lại, dùng gông để gông chặt các mảng ván lại với nhau
* Thi công ván khuôn dầm, sàn:
– Ván khuôn dầm có dạng hộp dài, được ghép bởi hai mảng ván thành và một mảng ván đáy, ván đáy đặt lọt vào giữa hai ván thành, chiều dày của ván đáy là 2-3cm, chiều dày của ván thành 2-3cm, mặt trên ván thành bằng mặt bêtông.
– Thi công ván khuôn dầm phải tạo độ vồng 3/1000 nhịp của dầm.
– Có thể chống giữ ván thành bằng gông mặt, thanh chống xiên bên ngoài, hoặc néo bằng dây thép kết hợp với những thanh văng chống tạm bên trong, tùy theo chiều cao của dầm.
– Để đảm bảo cây chống vững chắc, không lún, người ta đặt cây chống trên những tấm ván lót dày 2-3cm, những tấm ván này đặt trên mặt phẳng ổn định, ở giữa ván lót và chân cây chống có nêm điều chỉnh.
– Ván khuôn sàn được thi công cùng lúc với dầm, thành của coppha dầm sẽ dùng để kê mép của coppha sàn. Pan sàn thả bằng xà gồ 40×80 gỗ cách khoảng 450mm và được chống bởi thanh chống đứng và hệ dàn giáo.
– Chân của hệ chống phải được gia cố bằng ván hoặc nền phải được lu đầm kỹ trước khi chống. Lưu ý đến hiện tượng sàn bị lún trong quá trình đổ bêtông khi gặp trời mưa làm hỏng nền đất chống
* Thi công ván khuôn cầu thang xoắn (nếu có)
– Xác định vị trí tâm thang trên mặt bằng
– Xác định vị trí từng bậc thang trên hình chiếu bằng
– Dùng dây rọi để tịnh tiến vị trí các bậc thang lên cao độ thiết kế
– Coppha dầm thang được đóng bằng ván ép dày để dễ uốn theo chiều xoắn của cầu thang
– Bậc thang hình dẻ quạt đóng bằng ván, chống đỡ bằng cây chống và dàn giáo
– Chú ý phải có sàn thao tác khi thi công ván khuôn cầu thang
– Yêu cầu của coppha cầu thang là phải kín, khít, chắc chắn và có cong mềm mại tự nhiên, không được gãy khúc.
KS.Ừng Ngọc Thông – Chi Nhánh THIET THACH Q.Phú Nhuận (bài viết có sử dụng tư liệu bên ngoài làm nguồn tham khảo)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!