Người Hải Phòng chúng tôi…

Cuốn sách đầu tiên viết về tính cách của người Hải Phòng là cuốn “Ức trai Dư địa chí” do nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi soạn thảo xong từ năm 1435 đời vua Lê Thái Tông, kèm theo phần chú giải, bình luận của các ông Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích. Riêng phần đánh giá khái quát đặc trưng tính cách dân chúng theo vùng miền do ông Lý Tử Tấn soạn thảo.

Ngày ấy, Hải Phòng thuộc Hải Dương được gọi vắn tắt là xứ Đông, phía Đông kinh đô Thăng Long. Sách viết rằng: “Đạo Hải Dương đất tốt, người hung hãn. Thời thái bình thì thuận tòng, thời loạn thì cường ngạnh, từ Đinh Lý đến giờ vẫn thế. Chức trấn phủ ở đạo ấy không thể không kén chọn người”.

Dư địa chí” là cuốn sách giá trị lớn, thuộc hàng kinh điển, đích thân nhà vua ngự lãm chọn người viết, vì thế tầm ảnh hưởng thật rộng và sâu sắc. Từ ngày được dịch ra quốc văn, được xuất bản năm 1960, các nhà nghiên cứu về Hải Phòng đều tin cậy dẫn giải. Không ít người căn cứ vào mấy lời “hung hãn, cường ngạnh” ấy để quy kết hành vi quá khích trong văn hóa ứng xử của một số thanh thiếu niên khi xem bóng đá hay những đồn thổi trong dư luận về “giang hồ đất Cảng” có “căn cơ gốc rễ”, là “thuộc tính” được sử sách chỉ ra từ xưa.

Công nhân thành phố Cảng. Ảnh: Lưu Thành Đạt.

Năm trăm năm trôi qua kể từ khi cuốn sách ra đời với lịch sử thăng trầm của đất nước, của dân tộc, người đời thấy rõ đánh giá của quan lớn Lý Tử Tấn là hời hợt. Ngài nhìn nhận, đánh giá con người có lẽ chỉ thông qua những cuộc khởi nghĩa của nông dân làm rung chuyển, thậm chí lật đổ cả một triều đình phong kiến đến hồi lụi bại. Những nơi Lý Thị (Lý Tử Tấn, tên ghi trong sách) đánh giá là “hung hãn, cường ngạnh” lại là nơi anh hùng, quật khởi trong mọi thời đại. Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Nữ tướng Lê Chân, người khai phá vùng đất Hải Phòng ngày nay đã nổi dậy chống quân xâm lược Đông Hán dưới cờ Hai Bà Trưng.

Vậy bản chất, tính cách của con người Hải Phòng là thế nào? Đó là một vấn đề lớn, một kiến giải đòi hỏi những nhà khoa học nhiều ngành chung tay nghiên cứu mới có thể giải đáp nổi.

Tôi thử dẫn ra đây nhận xét của tác giả Tom Linken đăng tải trên trang Tri Hồ (Trung Quốc): “… Vài năm sau khi thành phố Hải Phòng được thành lập, năm 1897 dân số thành phố là 18.480 người. Người Hải Phòng tiêu biểu cho những người dân chài gan dạ, dũng cảm “ăn sóng, nói gió” (“thốn phong, thổ lãng” nghĩa đen là nuốt gió, nhả sóng)”.

Nửa cuối thế kỷ 19, sau khi bị Pháp xâm lược, Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, cư dân trở nên đa dạng và phức tạp với nhiều đặc trưng không giống nhiều địa phương khác. Cùng với Sài Gòn, Hải Phòng là nơi giao thương quốc tế về thương mại, tiếp nhận cuộc di dân từ muôn phương: Hà Nội, Hà Tây, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ còn có người Nam bộ, Trung bộ ra tập kết. Họ lấy vợ, lấy chồng, lập gia đình với người địa phương. Khi thống nhất đất nước, họ cùng gia đình về lại quê hương.

Thời Pháp đô hộ, Hải Phòng có đông người Pháp thuộc hàng nhân sĩ trí thức, tạo ra những ảnh hưởng to lớn. Nhiều quan chức, quân nhân, các danh nhân, công thương gia cũng lấy vợ lập gia đình với người Hải Phòng. Có thể dẫn ra một số ví dụ điển hình như nhà dân tộc học, nhân chủng học nổi tiếng Georges Condominas. Georges Condominas sinh năm 1921 tại Hải Phòng, mất năm 2011 tại Paris là nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp có uy tín trên thế giới trong các lĩnh vực dân tộc học và nhân chủng học. Ông sinh ra và sống thời thơ ấu tại Hải Phòng. Georges Condominas được đánh giá là một trong những nhà dân tộc học xuất sắc nửa sau thế kỷ 20, là người đại diện cho một thế hệ, một trường phái “điền dã” kinh điển trong nghiên cứu khoa học xã hội. Năm 1949, ông là người đầu tiên phát hiện, nghiên cứu và công bố ra thế giới bộ đàn đá thời tiền sử có niên đại khoảng 3000 năm được tìm thấy tại khu vực Nduk Liêng Krăk thuộc tỉnh Đăk Lăk ngày nay. Các tác phẩm nổi tiếng của Condominas như “Chúng tôi ăn rừng”, “Không gian xã hội vùng Ðông Nam Á”, “Biên niên của Sar Luk”, “Làng Mnông Gar” được ấn hành bằng tiếng Việt tại Việt Nam. Nơi Georges Condominas được sinh ra nằm trên khu phố tây thuộc địa bàn quận Hồng Bàng ngày nay. Cha ông là người Pháp, mẹ ông là người Việt Nam lai Trung Quốc, Bồ Đào Nha.

Triết gia, nhà văn Michel Henry sinh ra tại Hải Phòng vào năm 1922.

Triết gia, nhà văn nổi tiếng của Pháp là Michel Henry cũng sinh ra tại Hải Phòng vào năm 1922. Lên 7 tuổi, Michel Henry mới trở về Pa-ri. Ông là một chiến sĩ chống phát xít, sau này là giáo sư triết học nổi tiếng ở Đại học Montpellier của Pháp, là tác giả của 5 cuốn tiểu thuyết và số lượng đáng kể tác phẩm về triết học. Năm 1976, Michel Henry được trao giải thưởng Renandot về tiểu thuyết. Michel Henry qua đời năm 2002 tại Albi, Pháp. Bên cạnh đó còn có nghệ sĩ Fan Yang đạt 19 kỷ lục thế giới sinh năm 1962, người Hungary gốc Pháp, mẹ là người Hải Phòng. Fan Yang là kỷ lục gia thế giới về trình diễn bong bóng xà phòng.

Bên cạnh đó, kể đến người Hoa ở Hải Phòng, từng là cộng đồng người gốc nước ngoài đông đảo nhất, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển công thương nghiệp thành phố. Trong đó, kiến trúc Bảo tàng Hải Phòng ngày nay chính là Ngân hàng Pháp – Hoa hoạt động từ năm 1919. Người Hoa lấy vợ Hải Phòng tương đối phổ biến.

Xâu chuỗi lại tất cả những yếu tố kinh tế, xã hội, lịch sử từ xưa đến nay làm nên những nét riêng mang tính bản sắc văn hóa của người Hải Phòng. Dù là người gốc Hải Phòng “xịn” hay được sinh ra, lớn lên trên vùng đất Hải Phòng, hoặc người ở muôn nơi đến và yêu mến, bám trụ lại thành phố để sinh sống, lập nghiệp rồi gắn bó, tất cả đều có chung những nét tính cách chỉ riêng người Hải Phòng mới có: Sự khao khát đổi mới (tinh thần khai phóng), yêu tự do, trung thực, ngay thẳng, nhạy bén (cả trong thương trường lẫn nhiều lĩnh vực khác). Những nét tính cách ấy chính là bản sắc để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ, kiến trúc và sinh hoạt thường ngày của người dân thành phố. Người Hải Phòng nay tỏa đi muôn nơi, trong nước và thế giới vẫn luôn mang theo những cá tính riêng của thành phố biển với niềm tự hào như câu nói thường trực “Người Hải Phòng chúng tôi…”./.

Tiến sĩ Lã Trọng Long/Theo Báo Hải Phòng

(Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng)