Thần thoại là gì? – Nguồn gốc thần thoại – Các tác phẩm thần thoại

Thần thoại là một trong những thể loại văn học đã xuất hiện từ rất xa xưa kể về thế giới thần linh, kể về nguồn gốc vũ trụ và thế giới muôn loài. Chính vì vậy thần thoại đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ những di sản văn hóa tinh thần của con người. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số kiến thức giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thể loại văn học thần thoại, nguồn gốc thần thoại cũng như một số tác phẩm thần thoại nổi tiếng của văn học Việt Nam cũng như văn học nước ngoài.

  • So sánh thần thoại và sử thi

1. Khái niệm thần thoại

Khái niệm: Thần thoại là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người.

Thần thoại là thể loại truyện kể ra đời sớm nhất kể về thế giới thần linh, thể hiện quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người xưa. Căn cứ vào chủ đề, có thể chia thần thoại thành hai nhóm: thần thoại kề về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (thần thoại suy nguyên); thần thoại kể về cuộc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá (thần thoại sáng tạo). Ra đời trong “tuổi ấu thơ” của loài người, do cách nhận thức thế giới bằng biểu tượng nên thần thoại mang tính nguyên hợp, chứa đựng các yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử,… Vì vậy, thần thoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ di sản văn hoá nguyên thuỷ của cộng đồng.

Thần thoại thường có cốt truyện đơn giản: có thể là cốt truyện đơn tuyến, tập trung vào một nhân vật hoặc là một tổ hợp nhiều cốt truyện đơn (tạo thành một hệ thần thoại”). Nhân vật chính của thần thoại là các vị thần hoặc những con người có nguồn gốc thần linh, có năng lực siêu nhiên, do vậy, thường được miêu tả với hình dạng khổng lồ, có kích thước ngang tầm vũ trụ. Chức năng của nhân vật trong thần thoại là cắt nghĩa, lí giải các hiện tượng tự nhiên và đời sống xã hội, thể hiện niềm tin của con người cồ sơ cũng như những khát vọng tinh thần có ý nghĩa lâu dài của nhân loại. Câu chuyện trong thần thoại gắn liền với thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều Cõi khác nhau. Lối tư duy hồn nhiên, chất phác mà sâu sắc cùng với trí tưởng tượng bay bồng, lãng mạn đã làm nên sức cuốn hút và sức sống lâu bền cho thần thoại.

2. Bản chất của thần thoại :

a. Thần thoại là một hình thức văn hóa tinh thần ra đời trong các xã hội nguyên thủy, trên cơ sở những tiền đề nhận thức luận sau :

Quan niệm vạn vật hữu linh, bái vật giáo, quan niệm tô – tem, quan niệm vạn vật tương giao.

Người nguyên thủy có khuynh hướng diễn đạt cái trừu tượng bằng cái cảm tính, cụ thể, do kém phát triển về mặt trừu tượng hóa.

Người nguyên thủy có quan niệm và thực hành ma thuật Bởi vì tư duy nguyên thuỷ chưa phát triển năng lực phân biệt, người nguyên thuỷ chưa phân biệt được cái chủ quan và khách quan, vật chất và tinh thần…

b. Những đặc điểm tư duy trên tạo thành lối tư duy thần thoại. Tư duy thần thoại được cụ thể hóa thành những quan niệm và truyện kể thần thoại.

c. Người xưa tin vào các sự kiện được kể lại trong thần thoại và thường gắn liền việc diễn xướng thần thoại với các hình thức nghi lễ (các hình thức thực hành tín ngưỡng).

3. Các nhóm chính của thần thoại Việt :

a. Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên: Thần trụ trời, Ông Trời, Nữ thần Mặt trăng, Mặt trời, Thần Mưa…

b. Thần thoại về nguồn gốc các loài, bao gồm cả động vật và thực vật: Cuộc tu bổ các giống vật, Thần Lúa,

c. Thần thoại về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam: Ông Trời, Mười hai bà mụ, Nữ Oa- Tứ Tượng, Lạc Long Quân- Âu Cơ

d. Thần thoại về các anh hùng thời khuyết sử, các anh hùng văn hóa, tổ sư các nghề : Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Nữ thần nghề mộc

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.