LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019 ( Thời gian: 120 phút)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong quá trình phát triển, tre không ngừng sinh trưởng và phát triển bộ rễ vững chắc trong suốt 4 năm dài, nhờ vậy, tre có thể chống đỡ toàn bộ cấu trúc, trọng lượng và trụ vững trên mặt đất ngày này qua ngày khác. Hệ thống rễ này cho phép tre tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nhất của tự nhiên. Nhờ độ bền, sức mạnh và sự dẻo dai mà tre phát triển nhanh hơn so với những loài cây thân gỗ khác. Với những loại tre khác, không có hệ thống gốc rễ vững chắc, chúng vẫn có thể phát triển, tuy nhiên, chúng không thể có tuổi thọ lâu dài.
Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống. Nếu bạn muốn đạt được thành công, có những mối quan hệ tuyệt vời, hay có được mọi thứ bạn mong muốn, bạn cần phải có một nền tảng vững chắc, đó là tính cách, giá trị, thái độ sống của bạn. Tất cả đều bắt đầu từ phía bạn. Trở thành người phù hợp và làm những việc đúng đắn, bạn sẽ đạt được những gì bạn muốn.
Chỉ có bạn mới biết được sự phát triển của bản thân. Hãy tự tin bước đi trên con đường đã chọn. Đừng bận tâm đến con đường của người khác, vội vã chạy theo những thành quả trước mắt mà quên mất chất lượng cốt lõi bên trong. Có thể trong khi bạn chưa có gì trong tay, người khác đã đạt được nhiều thành tựu. Nhưng càng như vậy, bạn càng cần phải trang bị cho bản thân một nền tảng thật vững vàng.
(http://cafef.vn/3-bai-hoc-dang-suy-ngam-ve-thanh-cong-ma-toi-hoc-duoc-tu-cuoc-doi-cua-cay-tre-2018051917204652.chn) Hoàng Hoa
Theo Trí thức trẻ/Timewiser
- Việc đưa ra quá trình phát triển của cây tre trong văn bản có tác dụng gì?
- Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: Nếu bạn muốn đạt được thành công, có những mối quan hệ tuyệt vời, hay có được mọi thứ bạn mong muốn, bạn cần phải có một nền tảng vững chắc, đó là tính cách, giá trị, thái độ sống của bạn.
- Tại sao người viết khẳng định: Chỉ có bạn mới biết được sự phát triển của bản thân.
- Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu rõ lí do chọn thông điệp đó.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc “trang bị cho bản thân một nền tảng thật vững vàng” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Sóng, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức về tình yêu:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Đến hai khổ thơ cuối, tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Ngữ Văn 12, Tập một, tr.155 – 156, NXB Giáo Dục – 2008)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp tình yêu trong các khổ thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về sự vận động của hình tượng Sóng và em.
.———-HẾT———-
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần Câu/Ý Nội dung Điểm I Đọc hiểu 3.0 1 Tác dụng:
– Khẳng định tầm quan trọng của gốc rễ đối với cây tre.
– Từ đó liên hệ đến nền tảng để phát triển của con người.
0.5 2 Biện pháp tu từ cú pháp: liệt kê (Nếu bạn muốn đạt được thành công, có những mối quan hệ tuyệt vời, hay có được mọi thứ bạn mong muốn…).
Tác dụng: tạo giọng điệu mang tính khơi gợi; chỉ ra những mong muốn và điều kiện đạt được những mong muốn ấy.
1.0 3 Chỉ có bạn mới biết được sự phát triển của bản thân. Vì:
– Mỗi người sẽ hiểu rõ nền tảng, gốc rễ của bản thân để phác thảo những định hướng đúng đắn.
– Chỉ có bản thân mới hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của mình để cố gắng phấn đấu đạt được.
0.5
4 – Thông điệp tâm đắc: Hãy chú trọng đến giá trị cốt lõi bên trong.
– Lý do:
+ Giá trị bên trong là những tiêu chí chính xác nhất để đánh giá về một đối tượng.
+ Thông điệp giúp chúng ta rèn luyện cách nhìn từ tốn, thấu tỏ mọi việc.
1.0
II Làm văn 1 Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về việc “trang bị cho bản thân một nền tảng thật vững vàng” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được gợi ở phần Đọc hiểu. 2.0 a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về việc: “trang bị cho bản thân một nền tảng thật vững vàng” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
0.25
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy cảm hứng từ văn bản trong phần Đọc hiểu); nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
* Giải thích
– “Nền tảng”: những yếu tố cơ bản làm nên hình ảnh của một con người; quyết định về sự thành bại của họ trong cuộc sống như: tính cách, thái độ sống, phẩm chất đạo đức, tư tưởng chi phối hành động… Nền tảng vững chắc: củng cố những giá trị tốt đẹp, cần thiết cho bản thân để vững bước trên đường đời.
– Ví dụ: người học sinh cần trau dồi về đạo đức, kiến thức; những bậc vĩ nhân đều đi lên từ sự góp nhặt rất nhỏ cho nền tảng của bản thân; trái lại là những thanh niên đầy đủ điều kiện mà lại sống hời hợt, bất cần, chỉ chạy theo giá trị bên ngoài…
* Bàn luận
– Nêu ý nghĩa: Khi có một nền tảng vững chắc con người có thể tự tin đương đầu với mọi khó khăn, thử thách; nền tảng sẽ là điểm tựa giúp thăng tiến trong mọi lĩnh vực đời sống; nền tảng mang đến cảm hứng, những sự lựa chọn đúng đắn trên đường đời; đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay nền tảng vững chắc giúp họ bước vào thời đại 4.0 với những giá trị nhân văn sâu sắc đồng thời là bản lĩnh, sự tự tin vào bản thân trong kỉ nguyên công nghệ hiện đại.
– Phê phán: Những con người coi thường những giá trị nền tảng, gốc rễ; thiếu ý thức để xây dựng, củng cố nền tảng cho bản thân hoặc xây dựng một cách tạm bợ, chắp vá; những thói quen xây nhà từ nóc, thói đi tắt đón đầu, đốt cháy giai đoạn tùy tiện mà không dựa trên những giá trị bền vững; quan niệm chỉ coi trọng thành quả trước mắt mà không chú ý đến nguyên nhân sâu xa bên trong.
c.3. Câu kết đoạn: Nêu những bài học thiết thực cho bản thân (cố gắng góp nhặt từng phẩm chất, giá trị dù nhỏ bé nhất để góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc; gắn ước mơ, khát khao cao đẹp với ý thức xây dựng giá trị cốt lõi cho bản thân; rèn luyện nền tảng trong nhiều mặt: giá trị nhân bản; kĩ năng bản lĩnh…).
1.00 d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25 e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25 2 Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu qua khổ 1-2 và 8-9 trong bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh). Từ đó, rút ra nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em 5,0 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
(0,25) 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu qua khổ 1-2 và 8-9 trong bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh). Từ đó, rút ra nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em. (0,25) 3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài: 0.25
– Giới thiệu tác giả XQ và tác phẩm “Sóng”, nêu vấn đề chính: Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu qua khổ 1-2 và 8-9.
– Nêu ý phụ: rút ra nhận xét về sự vận động giữa hình tượng sóng và em.
3.2.Thân bài: 3.50
a. Khái quát sơ lược về tác phẩm cần cảm nhận: 0.25 đ
b. Cảm nhận vẻ đẹp của tình yêu 2.25
* Khổ 1 – 2: Nhân vật trữ tình soi mình vào sóng để nhận thức về tình yêu.
– Những dạng thức tồn tại của sóng cũng là những trạng thái tâm hồn đầy mâu thuẫn, phức tạp trong tình yêu của em: dữ dội – dịu êm; ồn ào – lặng lẽ…
– Con sóng luôn muốn tìm đến đại dương bao la để thỏa sức vẫy vùng vì không chịu được sự nhỏ bé hạn hẹp của những dòng sông. Em cũng thế, cũng luôn muốn tìm thấy một tình yêu bao dung, rộng lớn để có thể “hiểu nổi mình”.
– Sóng luôn tồn tại như một quy luật bất biến trên cõi đời, khi nào trái đất còn quay thì đại dương vẫn còn bao la, xanh thẳm, dù xưa hay nay “vẫn thế”. Tình yêu cũng trở thành quy luật bất biến trong đời sống nhân loại nhất là tình yêu luôn gắn với tuổi trẻ hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt thành như tình yêu của em.
* Khổ 8 – 9: Tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử
– Khi đứng trước đại dương, em – cái tôi trữ tình của người con gái đang yêu – nhận ra rằng biển cả dù lớn thì cũng đều có giới hạn: bến bờ. Từ đó trong lòng em gợn lên những suy tư, trăn trở, lo âu khi nhận ra sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người (khổ 8 “Cuộc đời tuy dài thế…”).
– Biển cả dẫu có giới hạn như cuộc đời mỗi người nhưng những con sóng lại không bao giờ ngơi nghỉ cũng như tình yêu đã trở nên bất diệt, song hành mãi mãi cùng nhân loại. Từ những chiêm nghiệm ấy, em đã ao ước, khát khao hướng đến một tình yêu trường tồn, vĩnh hằng; cái tôi yêu đương đã sẵn sàng dâng hiến để trở nên bất tử. (khổ 9 “Làm sao được tan ra…”).
* Những đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ năm chữ nhịp ngắn, giàu nhạc điệu; hình ảnh ẩn dụ đồng hiện giữa “sóng” và “em”; từ ngữ, hình ảnh khơi gợi nhiều cảm xúc.
c. Bàn luận mở rộng: Nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em 1.0đ
* Sự vận động của hình tượng sóng.
– Ở hai khổ đầu sóng chỉ đơn thuần là một chi tiết nghệ thuật được nhân vật trữ tình chiêm ngưỡng với những suy ngẫm sâu xa để từ đó phát hiện giữa sóng và em có những tương đồng đến kì lạ: đầy phức tạp, bí ẩn nhưng đã khái quát hóa thành quy luật trường tồn.
– Đến hai khổ cuối, sóng không còn đóng vai một đối tượng khơi gợi cảm xúc nữa mà thật sự đã trở thành một hình tượng song hành, đồng hiện cùng với hình tượng “em”. Khát vọng của em đã tan ra thành “trăm con sóng”; giai điệu của sóng cũng là lời bài hát ca ngợi một tình yêu trường tồn để âm giai của cả em và sóng cùng hòa nhịp đến vĩnh hằng “ngàn năm còn vỗ”.
* Sự vận động của hình tượng “em”.
– Em ở hai khổ thơ đầu là một cái tôi đang nung nấu một tình yêu cháy bỏng, đầy cung bậc cảm xúc. Cái tôi ấy dễ dàng rung động trước hình ảnh giàu tính biểu cảm với tình yêu như sóng và cái tôi ấy cũng ẩn chứa bao giai điệu đẹp của khát vọng, của những nỗi bồi hồi trong trái tim của một cô gái trẻ.
– Đến hai khổ cuối, qua một hành trình đồng hành cùng sóng với những bí ẩn không lời đáp, với nỗi nhớ, với khát khao vượt qua tất cả để hướng về nhau, cái tôi tình yêu trong em dường như đã có sự trưởng thành. Không còn là một cái tôi đầy xúc cảm phức tạp nữa mà suy tư của em đã tập trung cho những lo âu, trăn trở về một cuộc đời ngắn ngủi, hữu hạn có thể biến tình yêu thành điểm chết tuyệt vọng. Đó vẫn là một cái tôi đầy mãnh liệt, khao khát nhưng không phải từ một ái tình liều lĩnh, bất chấp mà là cái tôi muốn hòa vào sự bất tử của thiên nhiên để hát mãi khúc tình ca.
– Em và sóng từ hai hình tượng tách bạch, đơn lẻ đã có sự hòa quyện, đồng điệu trong ngòi bút đầy tinh tế. Sự vận động của hai hình tượng cũng là sự chuyển biến trong mạch cảm xúc của Xuân Quỳnh, nhà thơ vốn dĩ đã đầy khao khát yêu thương.
3.3.Kết bài: 0.25
– Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
– Nêu bài học liên hệ: hướng tới tình yêu trong sáng; sự trưởng thành trong tình yêu.
(4.00) 4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25) 5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
( 0,25)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!