Tính cá thể, Cá thể hoá, Tập thể, Biệt hoá – Định nghĩa của B.S. Carl Jung – GnosisVN

Khái niệm về tính cá thể (tiếng Anh: Individuality) thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của Samael Aun Weor. Từ này xuất phát từ các công trình của bác sĩ tâm lý Carl Jung.

Trong bài này, chúng tôi cung cấp định nghĩa của tính cá thể và một số cụm từ liên quan trích dẫn từ bộ sưu tập các công trình của Carl Jung cũng như phân tích các khái niệm này theo bối cảnh Gnosis. Những lý giải ở đây được viết theo hiểu biết cá nhân của các biên tập viên GnosisVN mà không đến trực tiếp từ Carl Jung hay Samael Aun Weor.

Định nghĩa trong từ điển tâm lý học APA

Trong thuyết phân tâm học của Carl Jung, “cá thể hóa” (tiếng Anh: Individuation) chỉ quá trình phát triển một tính cách hợp nhất, càng ngày càng kết hợp nhiều khía cạnh từ tiềm thức, bao gồm cả vô thức cá nhân lẫn vô thức tập thể. Quá trình cá thể hóa này giải quyết những mâu thuẫn nội tại, ví dụ như mâu thuẫn giữa những xu hướng giao tiếp kiểu hướng nội và hướng ngoại.

(Nguồn: APA Dictionary of Psychology).

GnosisVN: Tiềm thức tồn tại vì có những khía cạnh tâm lý chúng ta không thể chấp nhận được. Nói cách khác thì trong tâm trí có những xu hướng suy nghĩ, cảm xúc, và hành động mà chúng ta cho là vô lý hay là xấu. Chúng ta dọn dẹp những suy nghĩ không mong muốn đó vào tiềm thức để tránh phải đối mặt với chúng. Cá thể hóa là quá trình phát hiện và công nhận sự tồn tại của những khía cạnh không mong muốn đó. Quá trình này giải quyết mâu thuẫn vì khi ý thức được về những khuyết điểm tâm lý thì chúng ta không còn hành xử theo thói quen cũ một cách vô thức nữa; chúng ta có thể thay đổi và hành động một cách trí tuệ hơn.

Định nghĩa của bác sĩ tâm lý Carl Jung

Tính cá thể (Tiếng Anh: Individuality)

Khi nói đến tính cá thể, ý tôi là tính riêng biệt và độc nhất của cá nhân trong mọi khía cạnh tâm lý. Tất cả những đặc điểm tâm lý không thuộc về tâm lý chung của tập thể đều là tính cá thể, nói cách khác những đặc điểm này chỉ gắn liền với một cá nhân mà không phải một nhóm các cá nhân. Bản thân các yếu tố tâm lý không phải là tính cá thể, mà tính cá thể là một tổ hợp độc đáo và duy nhất của các yếu tố tâm lý này.

(Nguồn: Collected Works of C. G. Jung, Volume 6: Psychological Types).

Thế nào là con người không có tính cá thể?

Hãy quan sát bi kịch của những người yêu nhau: Bao nhiêu là thề hẹn! Bao nhiêu là nước mắt! Bao nhiêu ý định tốt! Rồi thì sao? Tất cả những gì còn lại chỉ là ký ức buồn.

Họ lấy nhau, rồi thời gian trôi qua, người chồng yêu một người phụ nữ khác hoặc người vợ yêu một người đàn ông khác, và lâu đài giấy của họ sụp đổ. Tại sao? Bởi vì con người vẫn chưa có được trung tâm ý thức cố định của mình.

Cái Tôi bé nhỏ hôm nay đã thề thốt một tình yêu vĩnh cửu bị thay thế bằng cái Tôi nhỏ bé khác không liên quan gì đến lời hứa đó. Thế thôi. Chúng ta cần trở thành những cá thể, và ta chỉ có thể làm được điều này bằng cách tạo ra một Trung tâm Ý thức cố định.

(Samael Aun Weor – Biện chứng Tâm thức)

GnosisVN: Khi nào hành động trong trạng thái vô thức, tức là khi đang không ở trạng thái nhớ Bản thể hay còn gọi là trạng thái tự quan sát, thì chúng ta đang hành động một cách máy móc, như thể là mình đã được “lập trình” bởi những kinh nghiệm trong quá khứ và chỉ phản ứng lại với sự kiện bên ngoài theo những chương trình có sẵn trong tâm trí. Đó là trạng thái sống hàng ngày của hầu hết mọi người trên thế giới. Điều lạ nhất là không ai nhận ra rằng mình đang hành động theo những chương trình máy móc bởi những lúc hoạt động theo chương trình, hay nói một cách khác là theo thói quen, chính là lúc họ cảm thấy thoải mái và tự do nhất.

Vì kinh nghiệm quá khứ của mọi người khác nhau cho nên mỗi người có một chương trình riêng. Tuy nhiên, khi còn đang hành động theo chương trình thì chúng ta vẫn chưa có tính cá thể vì chương trình đó không đến từ cá nhân chúng ta; nó được lập trình vào tâm trí bởi những đối tượng xung quanh.

Ví dụ: khi nào cháu được điểm cao ở trường thì sẽ được bà ngoại khen nhiều. Vì cháu thích cảm giác được bà khen cho nên khi lớn lên, cháu trở thành một nhà khoa học nổi tiếng và cảm thấy rất tự hào về trình độ học tập của mình. Tuy nhiên, thành công của nhà khoa học này là do bà đã “lập trình” từ lúc nhỏ. Hơn nữa, chương trình “trở thành nhà khoa học” đó không phải là sáng kiến của bà. Bà đã làm thế theo chương trình “nuôi con giỏi dạy con ngoan” đã được các cụ lập trình vào tâm trí từ lúc bà còn nhỏ. Toàn bộ gia đình đang sống theo một kịch bản được lập trình bởi thế hệ trước và không ai trong đó nhận ra rằng họ không thực sự có tự do.

Đôi khi trẻ con nhận ra được rằng bố mẹ đang cố gắng lập trình một kịch bản vào tâm trí nó. Khi đến tuổi dậy thì, nếu con cảm thấy không thoải mái với cảm giác liên quan đến chương trình của bố mẹ thì họ sẽ phản đối và cố gắng sống theo một kịch bản đối ngược để có cảm giác rằng mình đang cá thể hóa bản thân. Tuy nhiên, khi phản đối chương trình của bố mẹ thì họ vẫn chưa thực sự được cá thể hóa vì họ đang phản đối và hành động một cách vô thức. Nói cách khác thì “chương trình của bố mẹ” cộng với “cảm giác không thoải mái với bố mẹ” ra một chương trình mới phản đối với bố mẹ. Về bản chất, chương trình phản đối này là do bố mẹ lập, chứ không phải là sáng kiến tự do của cá nhân con. Chương trình ban đầu là chương trình bố mẹ cố tình lập vào và chương trình phản đối là chương trình bố mẹ lập một cách vô thức và gián tiếp.

Chúng ta chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi chương trình máy móc và đạt tới tính cá thể đích thực: đó là sống trong trạng thái nhớ Bản thể. Chương trình nào không đến từ Bản thể là chương trình của tập thể, của bố mẹ, ông bà, bạn bè, cô giáo, hàng xóm, v.v.

Sống theo ý của bố mẹ, ông bà, hàng xóm, v.v. không phải là sai nhưng chúng ta đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi chọn lối sống một cách vô thức. Một con người có tính cá thể thực sự sẽ ý thức được về hành động của bản thân và đưa ra các quyết định cho cuộc sống dựa trên ý thức tỉnh thức. Họ có thể chọn một lối sống hợp với ý kiến của người khác hoặc là không vì họ là người tự do.

Tập thể (Tiếng Anh: Collective)

Tôi định nghĩa tập thể là tất cả những nội dung của tinh thần không thuộc về một cá nhân mà thuộc về số đông, cụ thể là của một xã hội, một dân tộc, hay của nhân loại nói chung. Những nội dung đó bao gồm những cái mà Lévy-Bruhl gọi là biểu tượng tâm lý tập thể của các nền văn hóa nguyên thủy. Bên cạnh đó, [nội dung tập thể cũng bao gồm] các khái niệm chung về công lý, nhà nước, tôn giáo, khoa học, v.v., của con người văn minh hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ khái niệm và cách nhìn nhận sự việc mới được định nghĩa là tập thể, mà còn có cả những cảm nhận nữa. Lévy-Bruhl đã chứng minh rằng, trong các nền văn hóa nguyên thủy, biểu tượng tập thể đồng thời cũng là những cảm nhận tập thể. Do cảm nhận tập thể này không chỉ mang tính lý trí mà còn có tính cảm xúc, nên ông nói rằng các biểu tượng đó mang tính “huyền bí”. Ở các dân tộc văn minh, một số ý tưởng tập thể – Đức Chúa Cha, công lý, tổ quốc, v.v. – cũng được gắn liền với những cảm nhận tập thể. Phẩm chất tập thể này không chỉ gắn với một số yếu tố, nội dung tâm lý nói riêng mà là toàn bộ chức năng tâm lý. Ví dụ: toàn bộ cơ chế tư duy có thể vận hành một cách tập thể khi nó có giá trị khái quát và tuân theo các quy luật logic. Tương tự, toàn bộ cảm giác cũng có thể vận hành một cách tập thể khi nó tương đồng với cảm giác chung và tuân theo những kỳ vọng chung, những ý thức đạo đức chung, v.v. Cũng theo cách đó, xúc giác và trực giác sẽ có tính tập thể khi chúng đồng thời là phẩm chất của một nhóm đông. Phản đề của tập thể là tính cá thể.

(Nguồn: Collected Works of C. G. Jung, Volume 6: Psychological Types).

Biệt hóa (Tiếng Anh: Differentiation)

Biệt hóa có nghĩa là sự phát triển của những sự khác biệt, sự tách biệt các thành phần ra khỏi cái tổng thể. Trong tác phẩm này tôi sử dụng khái niệm biệt hóa chủ yếu liên quan đến các chức năng tâm lý. Chừng nào một chức năng vẫn còn quá hòa trộn với một hoặc nhiều chức năng khác – tư duy với cảm giác, cảm giác với xúc giác, v.v. – và không có khả năng tự nó hoạt động riêng rẽ, thì nó đang ở trạng thái nguyên thủy, tức là không được biệt hóa, không tách biệt khỏi cái chung như một phần riêng biệt và tồn tại độc lập.

Tư duy không biệt hóa không có khả năng suy nghĩ biệt lập khỏi các chức năng khác; nó thường xuyên bị lẫn lộn với xúc giác, cảm giác và trực giác. Cũng như vậy, cảm giác không biệt hóa sẽ bị lẫn lộn với những xúc giác và huyễn tưởng, chẳng hạn như sự tính dục hóa của suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện ở chứng loạn thần kinh. Theo quy tắc, chức năng không biệt hóa cũng được biểu thị bởi trạng thái mâu thuẫn tâm lý và mâu thuẫn hành vi, tức là, mọi biểu hiện đều kéo theo sự phủ định của chính nó, dẫn đến sự hạn chế đặc thù trong việc dùng các chức năng không biệt hóa. Một đặc điểm khác là sự hòa trộn giữa các thành phần riêng rẽ của chức năng tâm lý, do đó, sự cảm thụ không biệt hóa bị vô hiệu bởi sự liên kết của các giác quan khác nhau [ví dụ như rối loạn cảm giác kèm [1]], và cảm giác không biệt hóa bị vô hiệu do lẫn lộn giữa yêu và ghét. Trong phạm vi mà một chức năng tâm lý phần lớn hoặc hoàn toàn ở trạng thái vô thức, khi ấy nó cũng sẽ không biệt hóa; nó không chỉ liên kết các thành phần của nó với nhau mà còn kết hợp với các chức năng khác.

Biệt hóa bao gồm sự tách biệt một chức năng khỏi các chức năng khác, và sự tách biệt giữa các thành phần trong cùng một chức năng. Nếu không có biệt hóa thì sẽ không thể có định hướng, do việc định hướng của một chức năng tới một mục tiêu phụ thuộc vào việc loại bỏ mọi thứ không liên quan. Việc hợp nhất với các thành phần không liên quan sẽ loại trừ định hướng; chỉ có chức năng biệt hóa mới có khả năng có định hướng.

(Nguồn: Collected Works of C. G. Jung, Volume 6: Psychological Types).

Tính cá thể, Cá thể hoá, Tập thể, Biệt hoá - Định nghĩa của B.S. Carl Jung - GnosisVN
cảm giác kèm tự vị → màu

[1] Cảm giác kèm (tiếng Anh: synesthesia) là một hiện tượng trong đó sự kích thích một giác quan đồng thời tạo ra cảm giác ở một giác quan khác. Hai cảm giác đồng thời này xảy ra một cách tự động, không cố tình, không điều khiển được, vô thức, rõ ràng, và nhất quán qua thời gian. Có hơn 50 loại cảm giác kèm. Phổ biến nhất là cảm giác kèm của chữ cái và màu sắc, trong đó một người nhìn thấy màu sắc khi thấy chữ cái, chữ số hay là từ được in trên giấy. Cảm giác kèm của không gian và thời gian cũng rất phổ biến. Trong đó người ta cảm nhận ngày, tháng, giờ, và các đơn vị thời gian khác như thể chúng nó tồn tại ở địa điểm cụ thể trong không gian xung quanh. Ví dụ như tháng giêng nằm ở vị trí 30 độ về bên trái so với đường trung tâm. Những loại cảm giác kèm hiếm hơn bao gồm: “xúc giác qua gương”, là cảm giác kèm khi một người cảm nhận được xúc giác trên cơ thể mình khi nhìn một người khác được sờ; và cảm giác kèm của “vị giác với nhận thức về ngôn từ”, trong đó người ta cảm nhận một hương vị cụ thể khi nghe thấy một từ nhất định. Theo ước tính thì khoảng 5% số người có giác quan bị pha trộn theo một cách nào đó.

(Nguồn: APA Dictionary of Psychology).

GnosisVN: Khi đọc định nghĩa của từ biệt hoá ở trên, có thể thấy Carl Jung cho rằng biệt hoá là một quá trình phát triển tích cực. Đặc thù của tâm trí không biệt hoá là sự mâu thuẫn. Jung có nói rằng “cảm giác không biệt hoá bị vô hiệu do lẫn lộn giữa yêu và ghét”. Đó là vấn đề chính của tâm trí không biệt hoá: những người chúng ta yêu nhất lại chính là người chúng ta làm tổn thương nhiều nhất. Quá trình biệt hoá xảy ra khi chúng ta ý thức được về hoạt động của tâm trí.

Cá thể hóa (Tiếng Anh: Individuation)

Khái niệm của sự cá thể hóa có vai trò quan trọng trong trường phái tâm lý học của chúng tôi. Nhìn chung, nó là quá tình trong đó các cá thể được hình thành và biệt hóa; cụ thể, nó là sự phát triển của một cá thể tâm lý trở nên khác biệt khỏi cái chung, cái tâm lý tập thể. Do đó, cá thể hóa là quá trình biệt hóa với mục tiêu phát triển tính cách cá nhân.

Cá thể hóa là điều cần thiết và tự nhiên như một cơ chế ngăn ngừa những tổn hại tới hoạt động thiết yếu của cá thể khi một người hạ tiêu chuẩn cá nhân xuống cấp của tiêu chuẩn tập thể. Do tính cá thể là một luận đề tâm lý và sinh lý có trước, nên nó cũng được biểu hiện qua các góc độ tâm lý. Vì vậy, mọi sự hạn chế đều dẫn đến sự phát triển không tự nhiên, còi cọc của tính cá thể.

Rõ ràng, một nhóm xã hội gồm các cá nhân bị kìm hãm không thể là một tổ chức lành mạnh và có sức sống; chỉ một xã hội có khả năng bảo tồn sự gắn kết giữa mọi người dân, bảo tồn những giá trị tập thể của mình và đồng thời cho phép cá thể có được sự tự do tối đa thì mới có tiềm năng duy trì sức sống lâu dài. Cá thể không chỉ là một thực thể đơn lẻ, tách biệt, vì sự tồn tại của nó bao hàm cả những mối quan hệ tập thể. Theo đó, quá trình cá thể hóa cần phải dẫn đến các mối quan hệ tập thể sâu rộng hơn, chứ không phải sự cô lập.

[…]

Sự cá thể hóa không thể nào được coi là mục tiêu duy nhất của giáo dục tâm lý. Để có thể coi nó là một mục tiêu, thì trước tiên cá thể phải được học cách thích ứng với tiêu chuẩn tập thể đến một mức độ cần thiết tối thiểu. Nếu một cái cây muốn bộc lộ được đầy đủ bản chất của mình thì trước tiên nó phải nảy nở được trên mảnh đất mà nó đã được gieo trồng.

Sự cá thể hóa luôn đối lập với các chuẩn mực tập thể ở một mức độ nào đó. Do nó đồng nghĩa với việc tách biệt và biệt hóa khỏi cái chung và xây dựng nên cái riêng – không phải là một cái riêng cần được tìm kiếm, mà là cái riêng vốn đã ăn sâu vào cấu trúc tinh thần của cá thể. Tuy nhiên, sự đối lập với chuẩn mực tập thể mới chỉ là bề nổi, bởi khi xem xét kỹ hơn sẽ có thể thấy rằng lập trường của cá thể không trái ngược với nó, mà chỉ có định hướng khác.

Hành vi của cá thể không bao giờ có thể đối lập trực tiếp với chuẩn mực tập thể, bởi sự đối lập của một chuẩn mực tập thể chỉ có thể là một chuẩn mực khác, nhưng trái ngược. Tuy nhiên hành vi của cá thể, theo định nghĩa, không thể nào là một chuẩn mực. Một chuẩn mực là sản phẩm tổng hòa của các hành vi cá thể. Tính đúng đắn cũng như hiệu quả của chuẩn mực này được xác định phụ thuộc vào sự tồn tại theo thời gian của nhiều hành vi cá thể có nhu cầu thích nghi với một chuẩn mực. Một chuẩn mực không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khi nó có hiệu lực tuyệt đối. Một xung đột thực sự với chuẩn mực tập thể chỉ xảy ra khi một hành vi của cá thể được nâng thành một chuẩn mực, mà đây chính là mục tiêu của chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Hiển nhiên, mục tiêu này có hại và xấu xa đối với đời sống. Vì thế, nó không liên quan gì đến sự cá thể hóa. Cá thể hóa dù có thể đột phá trên một con đường cá thể riêng, nhưng chính vì thế nó cần chuẩn mực cho định hướng của nó với xã hội và cho mối quan hệ thiết yếu giữa cá thể đó và xã hội. Vì vậy, cá thể hóa dẫn đến sự coi trọng tự nhiên đối với chuẩn mực tập thể, nhưng nếu định hướng của nó hoàn toàn mang tính tập thể thì chuẩn mực sẽ ngày càng trở nên thừa thãi và giá trị đạo đức sẽ dần đổ vỡ. Cuộc đời con người càng được định hình bởi chuẩn mực tập thể bao nhiêu thì sự suy đồi đạo đức cá nhân của họ càng lớn bấy nhiêu. Sự cá thể hóa về cơ bản giống với sự phát triển của tiềm thức khi ra khỏi trạng thái nguyên thủy của danh tính. Vì vậy nó là sự tiếp nối của khía cạnh tiềm thức và làm giàu cho đời sống tâm lý tỉnh thức.

(Nguồn: Collected Works of C. G. Jung, Volume 6: Psychological Types).