BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH – Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành

Xã hội càng phát triển, nhiều vấn nạn cũng có xu hướng phát triển theo, trong đó có tình trạng bạo lực học đường. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp và đang trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và cũng đã trở thành vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và toàn xã hội.

Hiện tượng bạo lực không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục với mức độ đáng báo động, đặc biệt là trong môi trường học đường. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,…

Để ngăn ngừa và nói không với bạo lực học đường, bài viết này tổng hợp những vấn đề sau:

  1. Khái niệm bạo lực học đường

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về mặt tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, gồm đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học; công kích nhau trên không gian mạng và mang vũ khí đến trường,….

  1. Thực trạng của bạo lực học đường

Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra trên khắp thế giới ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau.

Theo số liệu được bộ giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của bộ công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất, hiện nay giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Những số liệu đó thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

  1. Nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường

Bạo lực học đường gia tăng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khác nhau, trong đó:

– Nguyên nhân chủ quan: Do đặc điểm tâm lí lứa tuổi: tính hiếu thắng, muốn thể hiện bản thân; những mâu thuẫn phát sinh qua giao tiếp; học sinh học bị ảnh hưởng bởi cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo; bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm giáo dục con em về ý thức phòng tránh bạo lực.

– Khách quan: Các hình thức kỷ luật về bạo lực học đường chưa có tính răn đe giáo dục đúng mức; bị bạn bè lôi kéo; sống trong gia đình thường xuyên có hành vi bạo lực hoặc bị gia đình tạo nên áp lực điểm số, thành tích,…

  1. Hậu quả của bạo lực học đường

* Đối với học sinh và gia đình

– Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác, thậm chí là tính mạng của các em là nhạn nhân.

– Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp, sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh có thể kéo dài trong nhiều năm thậm chí là cả cuộc đời.

– Những em chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.

– Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất có thể, thậm chí, phải nghỉ học điều trị tâm lí hoặc học tập sa sút mà nghỉ học.

– Đặc biệt, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác, có nguy cơ lạm dụng rượu, thuốc lá, và các loại ma túy,…và trở thành thành phần bất hảo của xã hội.

– Không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng.

* Ảnh hưởng đến nhà trường

– Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm.

– Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng.

* Ảnh hưởng đến xã hội

– Ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống, những chuẩn mực đạo đức quý giá của cha ông để lại.

– Làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động.

– Làm mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống trong cộng đồng.

  1. Cách phòng tránh bạo lực học đường

* Đối với học sinh:

– Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo, tự hoàn thiện đạo đức, nhân cách tốt nhất.

– Chấp hành tốt nội quy trường lớp, hoà nhã với mọi người.

– Tránh xa bạo lực, nói không với tất các các dạng bạo lực mọi nơi, mọi lúc.

– Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.

– Học cách kiềm chế cảm xúc, ứng xử và vận dụng các kĩ năng mền linh hoạt.

– Tích cự tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằn tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.

* Đối với nhà trường:

– Tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường.

– Tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.

– Có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực, và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực.

– Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh, một cách có hiệu quả, tránh sự tuyên truyền khô khan, thiếu thực tế

– Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường.

* Đối với giáo viên:

– Thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống.

– Có biện pháp can ngăn giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với học sinh trong lớp chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy.

– Tích cực tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tập thể trong giờ hoạt động sân trường hoặc trong tiết sinh hoạt, nhăm tăng tình cảm của các em học sinh trong cùng lớp, cùng trường.

– Tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng lành mạnh.

– Phối hợp với gia đình và nhà trường để quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của học sinh.

* Đối với gia đình:

– Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái. Luôn làm gương trong mọi hành vi và lời nói trước con cái.

– Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học. Khi có thông tin liên quan vấn đề bạo lực, cần kịp thời thông báo đến giáo viên để được tư vấn và hỗ trợ.

Để tạo được môi trường học tập trong hạnh phúc, bình an và mỗi ngày đến trường là một niềm vui, cần hạn chế tối đa và nói không với bạo lực học đường. Muốn vậy, mỗi chúng ta hãy cùng nhau đồng hành, chia sẻ cảm thông với nạn nhân của bạo lực, cực lực lên án và có biện pháp xử lí thích đáng kẻ gây ra bạo lực trong nhà trường. Mong rằng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành luôn là môi trường học tập lí tưởng nhất mà các em và mỗi phụ huynh ước muốn.

Nguyễn Thị Hoa Mai

Ban Tư vấn tâm lý trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành