Loại mít không hạt ở Cần Thơ có gì đặc biệt mà giá cao ngất vẫn không đủ hàng bán?

Giá cao ngất nhưng không đủ hàng

Thời điểm này, giá mít Thái siêu sớm ở miền Tây đang giảm mạnh, chỉ còn từ 9.000-11.000 đồng/kg đối với mít loại nhất bán tại vườn, còn đối với mít loại nhì, loại ba và mít kem thì thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng, mít không hạt của ông Mẫn có giá rất cao, khoảng 60.000 đồng/kg.

Ông Mẫn vui vẻ cho biết, hiện nay không đủ số lượng mít không hạt bán ra thị trường, kể cả mít giới thiệu cho khách đến tham quan vườn nhà cũng không đủ.

“Nghe phóng viên điện hôm nay đến nhà chơi, hỏi thăm về mít không hạt, tôi chuẩn bị sẵn 1 trái to để cắt, giới thiệu mà giờ chỉ còn một ít. Bởi có đoàn khách đến, đòi ăn thử, ăn xong lại xin thêm một ít đem về giới thiệu bạn bè, tôi cũng không nỡ từ chối nên tăng khách” – ông Mẫn nói.

Ông Trần Minh Mẫn và cây mít giống không hạt trong vườn. Ảnh: H.X

Theo ông Mẫn, hiện nay, ngày nào cũng có đoàn khách đến tìm hiểu về mít không hạt, ông vừa giới thiệu lại vừa nhận các cuộc gọi từ nhiều địa phương đến đặt mua cây giống về trồng. Ngoài đơn đặt hàng mua cây giống các vùng miền trên cả nước, ông còn nhận đơn hàng từ các quốc gia như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào…

“Năm trước khách bên Campuchia mua 20.000 cây giống, năm nay Campuchia cũng đặt mua 20.000 cây giống mít không hạt. Từ đầu năm đến nay, vườn ươm cây giống của tôi đã bán 120.000 cây với giá 60.000 đồng/cây. Hiện nay, mít không hạt được người dân ở ngoài miền Bắc mua nhiều hơn các năm trước” – ông Mẫn cho hay.

Mít không hạt của ông Mẫn được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, nhà hàng lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Mẫn còn thu mua mít không hạt từ những người mà ông từng bán cây giống với giá 40.000 đồng/kg (1 trái có thể bán với giá trên 1 triệu đồng), sau đó đem bán ra thị trường.

Có thời điểm thiếu hụt mít, thị trường chấp nhận mua những trái chưa chín, miễn sao có trái để giới thiệu, trưng bày. “Tuổi tôi đã cao rồi, không gì hơn ngoài việc đưa sản phẩm của quê hương đi xa, được người dân nhiều nơi tiếp nhận, thay thế cây mít truyền thống”-ông Mẫn chia sẻ.

Thành công nhờ giống mít hiếm

Lão nông 72 tuổi kể, năm 2007, do 1ha vườn sầu riêng của gia đình thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế. Trong lần đi dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ông được người bạn giới thiệu về một giống mít có nguồn gốc từ Myanmar. Thấy giống mít hiếm, chỉ còn lại 1 cây duy nhất nên ông xin người bạn cho chiết nhánh đem về quê trồng.

Khi cây lớn cho rất nhiều trái to (có trái nặng lên đến 20kg). Khi cắt trái ra, ông thấy lạ ở chỗ là không có hạt, múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh, tỏa mùi thơm nhẹ, không có mủ…

Để giới thiệu cho nhiều người biết về giống mít lạ này, ông Mẫn chủ động đem mít đi giới thiệu tại chợ nhỏ, rồi tặng cho các sở, ngành.

Năm 2010, ông Mẫn đem giống mít lạ tham gia Hội thi trái cây ngon – an toàn Nam Bộ và đã đoạt giải Nhất. Sau hội thi trên, giống mít lạ của ông Mẫn đã chính thức được đặt với cái tên là mít không hạt Ba Láng (tên địa danh, nơi ông Mẫn trồng loại mít này).

Cũng sau hội thi, ông Mẫn đã đưa loại mít lạ của mình gửi vào các siêu thị bán. Không chỉ bán trái mít chín, ông Mẫn còn nhân giống chia cho bà con trong vùng trồng, nhân rộng. Mít không hạt Ba Láng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Ông Mẫn khẳng định, nhiều năm qua, ông không hề kêu gọi người dân hãy mua cây giống của mình về trồng, cũng không quảng bá bằng cách này, cách kia lôi kéo khách hàng, kể cả nhà ông cũng không treo bảng hiệu bán mít không hạt và cây giống.

Phần lớn người dân trong và ngoài nước biết đến ông Mẫn và mít không hạt qua báo đài, nếu ai muốn tìm hiểu thì đến tận nhà ăn thử thấy ngon thì mua về ăn, hoặc đem cây giống về trồng. “Từ trước giờ, ai ăn thử mít không hạt của tôi đều khen ngon, chưa một ai chê. Tôi rất vui mừng vì kết quả này” – ông Mẫn nói.

Xây dựng quy trình trồng mít

Mít không hạt giá 60.000 đồng/kg nhưng không đủ bán. Ảnh: H.X

Ông Mẫn cho biết, mít không hạt là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít phải sử dụng phân thuốc. Tuy nhiên, để mít không hạt đạt được năng suất cao cần phải được trồng vùng đất cao, đồi núi, còn ở đồng bằng sông Cửu Long thì phải trồng trên mô cao. Ngoài ra, loại cây này rất chuộng phân chuồng, nên chỉ bón phân hóa học lượng ít khi cây trên một năm tuổi.

Ông Mẫn cũng đã nhờ một giảng viên ở Khoa Nông nghiệp ứng dụng của Trường ĐH Cần Thơ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, xây dựng quy trình cụ thể trồng mít không hạt. Muốn phát triển lâu dài với cây mít, theo ông Mẫn, người trồng phải trau dồi và học hỏi kỹ thuật và biết cách thu hoạch để mít cho trái quanh năm.

Ông Mẫn cho biết, mít không hạt không bao giờ bị xơ đen như mít Thái, bởi mít không hạt có cây đầu dòng, dùng để nhân giống. Còn mít Thái, rất khó kiếm cây đầu dòng và do nhân giống tràn lan ngoài thị trường nên hiện nay “không cây mít nào giống cây nào”, rất dễ bị xơ đen.

Nhờ lợi nhuận trong việc bán mít giống và mít trái trong các năm qua luôn đạt cao đã giúp gia đình ông Mẫn thoát nghèo, nuôi các con ăn học.