ĐỒ MÃ TRONG ĐIỆN THỜ MẪU Ở HÀ NỘI

Thờ mẫu là một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Đó là một tinh hoa được chắt lọc suốt dọc dài lịch sử, là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc trong sự sáng tạo và phát triển không ngừng. Ở một khía cạnh nào đó, mẫu còn là một biểu tượng cho ý chí dựng nước và giữ nước, cho tinh thần yêu nước Việt Nam.

Câu thành ngữ “tứ phủ chầu bà, tam tòa thánh mẫu” đã được đúc kết từ một thực tiễn đời sống tâm linh. Không phải tục thờ mẫu chỉ phổ biến rộng rãi ở các điện, đền, phủ… mà còn lan tỏa đến các ngôi chùa Phật. Thánh mẫu đã ngự vào khuôn viên chùa Việt Nam, tại một trong các nhà phụ ở phía sau hoặc một tòa ngang. Sự thâm nhập đó đã tạo nên một dạng tiền phật, hậu mẫu trong hầu hết các ngôi chùa hiện nay. Ngược lại, trong điện thần cũng như cách thức phối tự ở các ngôi đền, phủ thờ mẫu, đôi khi ta thấy sự hiện diện của phật. Hơn nữa, tín ngưỡng thờ mẫu thực chất là một sản phẩm của tư duy nông nghiệp với ước vọng được mùa, cho nên các thần linh vừa là nét đẹp của tâm tưởng, vừa được gán cho một quyền năng tối thượng…

Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ mẫu phát triển rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, từ miền xuôi lên miền núi. Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng này, các nghi thức, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa khác cũng được nảy sinh, tồn tại và phát triển, tạo nên một diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú, sống động, góp phần vào việc làm giàu bản sắc và giá trị văn hóa dân tộc. Trong các nghi lễ của tín ngưỡng thờ mẫu, đồ mã là một lễ vật quan trọng không thể thiếu. Đồ mã ở điện Mẫu có hai loại: loại thường xuyên và loại phục vụ các lễ.

1. Đồ mã thường xuyên

Là những đồ mã được đặt trên ban thờ để thể hiện sự tôn kính và một mặt nào đó, cũng để nhằm mục đích trang điểm về màu sắc. Loại đồ mã này được làm rất cẩn thận vì chúng được bày, đặt trong một thời gian dài, có thể là một, hai năm hay ba, bốn năm mới thay một lần.

Nón tứ phủ thường là nón quai thao, đôi khi cũng là loại nón dạng thông thường, có điện còn thờ cả nón chiêng, nón tu lờ của người Thượng. Để biểu hiện cho từng vị thần tối thượng, nón thường được dán ô giấy màu ở tâm, tương ứng với mỗi phủ, quai nón cũng có màu thích hợp, điểm xuyết là những kim tòng (những gù rủ tua rua màu vàng). Những nón này thường được treo ở phía ngoài giữa chính điện hoặc chia đều ở hai bên.

Quả nón công đồng thường được treo ở vị trí trung tâm hoặc lùi sát vào chính điện của điện mẫu. Đây là một hiện vật có tính tổng hòa với nhiều màu sắc, cầu kỳ, đậm chất dân gian và rất đắt tiền. Về bố cục, quả nón này được chia làm nhiều cấp theo cương vị của hệ thần linh công đồng. Trên cùng là một chiếc lọng sáu cạnh gần giống như bảo cái (1) của nhà phật, nó như tượng trưng cho tầng trời. Ở các góc của quả nón đều có hình linh thú là rồng hoặc rắn nhô đầu ra làm điểm treo những lọng hai tầng nhỏ, lọng này có rủ kim tòng lớn. Để làm đẹp cho phía dưới của lọng cái, ở các mặt, người ta thường trang trí hoa văn và gắn quạt hoặc một vài hiện vật nào đó có liên quan đến việc làm sang cho thánh mẫu (màu quạt theo chức năng của vị thánh Mẫu chính tại đền). Ngay dưới hệ thống này thường có rất nhiều nón to nhỏ khác nhau. Đầu tiên là các nón của thánh mẫu, cấp hai là nón chúa, tiếp tới là nón của ngũ vị tôn quan, rồi mười hai thánh chầu, nón của ông hoàng (thường ba nón), nón cô (thường bốn nón, cũng có khi là mười hai nón nhỏ), nón cậu (thường có ba nón), dưới cùng ở chính tâm của cả hệ thống là một thuyền rồng của quan lớn Bơ phủ hay bình thường là thuyền của vua cha Bát Hải. Ở nhiều quả nón công đồng, ngoài thuyền của vua cha còn có chiếc mảng của cậu bé Thoải tức cậu Bơ… Nhìn chung, quả nón công đồng được quan tâm rất nhiều đến nghệ thuật nên hòa sắc khá nhuần nhuyễn, đồng thời để tránh sự đơn điệu khô cứng, người ta đã điểm xuyết những hoa cúc mãn khai hoặc là những lá thiêng, tạo sự vui mắt, dễ quyến rũ (2).

Những đồ mã trên ban thờ cũng rất phong phú. Ngoài hai cành hoa giống như trên điện phật thì trên ban thờ mẫu hầu như phải có vàng tứ phủ. Đây là loại vàng viên hình hộp được đóng thành bánh và xếp khối với bốn màu đỏ, xanh lá cây, trắng, vàng. Đương nhiên tỷ lệ này có phần không đều, tùy theo chức năng của vị thần mà số lượng ít nhiều tương ứng và màu sắc khác nhau. Một số đền có thể còn bày cả thuyền hoặc ngựa loại nhỏ hay những đôi hài cườm đặt trong các hộp kính như ở đền Ghềnh (Gia Lâm). Ở các đền quan lớn hay ông hoàng người ta còn làm bàn cờ, bàn đèn… bằng mã để thờ. Có thể nói, tùy theo từng vị thánh, người ta sắp những đồ thờ thích hợp.

Ngoài ra, đồ mã còn được thể hiện dưới dạng một loại cây vũ trụ, chủ yếu gắn với Mẫu Thượng và Mẫu Thoải. Bên cạnh bàn thờ Mẫu Thượng người ta thường đặt một cây xanh tượng trưng cho núi rừng với những lá rủ như lá liễu, điểm xuyết trên đó là hoa quả nhiều màu. Bên bàn thờ Mẫu Thoải thì thường có một cành hoa lớn với rất nhiều hoa dạng bông cúc màu trắng.

2. Đồ mã phục vụ các nghi lễ

Cũng giống như mọi tôn giáo tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ mẫu có rất nhiều lễ liên quan gồm có các lễ hội chính trong năm hay các lễ thức khác như mở phủ, mừng đồng… Và trong các hình thức lễ đó, đồ mã đóng vai trò quan trọng.

Đồ mã trong lễ phát tấu

Lễ phát tấu thường được tiến hành ngày hôm trước hoặc trước khi diễn ra bất kỳ lễ chính nào trong hệ đạo Mẫu. Tuy nhiên người đứng ra chủ trì lễ này không nhất thiết phải là ông đồng, bà đồng mà có thể chỉ cần thày cúng. Lễ phát tấu có ý nghĩa thỉnh thánh, thỉnh phật về chứng giám đàn giàng cho gia chủ trở thành tân đồng, một “tôi con”, “ghế đệm” của thần trong tứ phủ, hay về chứng đàn cúng tam phủ thục mệnh để giải vận hạn, ốm đau… Đồ mã được sử dụng cho lễ này là bộ mũ phát tấu gồm năm mũ quan, năm màu, đại diện cho năm phương: đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Kết hợp với chúng là năm ngựa nhỏ, mỗi con cao khoảng năm mươi phân, năm bộ quần áo và năm đôi giày Gia Định hoặc hia. Màu sắc của các vật dụng này tương ứng với màu của mũ. Tất cả đồ mã này được tiến dâng lên các quan sứ giả, thỉnh nhờ các ngài hay thanh đồng đi mời chư vị trong tứ phủ.

Đồ mã trong các lễ của tứ phủ

Người có căn đồng số lính (theo cách gọi của người hầu bóng là người có tính nết, cá tính khác thường một chút), thường thích dùng những màu cơ bản, mạnh mẽ, thích đồ dùng nghi lễ, ốm đau như giả vờ, dù chữa đủ thứ thuốc mà không khỏi…, Không ai có thể giải thích tại sao lại như vậy nên họ phải tìm đến của đền, cửa phủ nhờ các ông thày sửa lễ nghi cúng bái. Căn có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, mỗi mức lại có nghi thức trình đồng riêng, nhưng lần lượt các lễ thường diễn ra theo lối cổ: đầu tiên là đội bát hương, sau là trình lính rồi đến trình đồng mở phủ, hoặc tiễn căn, trình giầu và khoảng ba năm sau sẽ tổ chức tái phủ mừng đồng.

Trong tất cả lễ của tứ phủ không thể thiếu một lễ vật quan trọng đó là dàn mã. Thông thường dàn mã này khá giống nhau. Trước tiên phải kể đến bộ mũ, bao gồm: bốn mũ bình thiên với bốn màu đỏ, xanh, trắng, vàng để dâng bốn vị vua cha. Hai mũ của quan hầu cận là Nam Tào và Bắc Đẩu, đây là loại mũ cánh chuồn gồm một chiếc màu đỏ, một chiếc màu tím. Mũ chúa đàn, vị quan cai quản giám sát đàn lễ, hầu hết được làm là mũ kiểu đuôi trĩ màu trắng hay màu vàng tùy theo bản mệnh và tùy theo tháng diễn ra lễ. Tiếp theo là năm mũ cánh chuồn với năm màu đỏ, xanh, trắng, vàng, tím để dâng lên năm vị quan: quan đệ nhất – thượng thiên, quan đệ nhị – giám sát thượng ngàn, quan đệ tam – thoải phủ là quan tuần Lảnh Giang, quan đệ tứ khâm sai, quan đệ ngũ Tuần Tranh phủ Ninh Giang – Hải Dương. Dưới năm mũ quan là mũ đương niên, đương cảnh, tùy theo năm đó đương niên hành khiển là ai. Dưới nữa là cỗ mũ rồng của cửu tinh đại diện, cửu cung bát quái, màu sắc của cỗ mũ được làm theo bài vị các sao.

Ngoài ra nếu thanh đồng có căn Trần triều mà chưa được phép hầu Trần triều vì mới ra đồng, sau ba năm mở phủ mới được làm lễ hầu các bóng, các giá bên nhà Trần thì có thể dâng một nghìn vàng và một mũ đỏ của đức đại tương Trần triều

Long tu, tượng, mã (thuyền rồng, voi, ngựa) là những vật luôn phải có trong dàn mã. Voi, ngựa thường được làm khá lớn, là một nghi thức thể hiện sự tôn kính thần linh. Các họa tiết, hoa văn trang trí thêm bên ngoài làm cho các ông có hình thức rất độc đáo và giống thật hơn. Voi thường được làm bằng giấy màu vàng, ngựa màu đỏ còn thuyền rồng màu trắng. Long tu, tượng, mã không dâng riêng cho vị quan nào cả mà dâng chung cho tất cả các quan. Thuyền rồng biểu hiện cho thủy phủ, được dâng cho thế giới thủy cung. Voi biểu hiện cho sơn trang, dâng về sơn trang. Ngựa biểu hiện vùng đồng bằng, dâng cho các quan làm việc nơi đồng bằng. Tuy nhiên cũng có người cho rằng voi được dâng riêng cho chúa sơn lâm, ngựa được tiến cho đức thánh Trần, còn thuyền rồng thường là dâng vua cha Bát Hải. Ngoài ra, người ta còn làm chiếc mảng màu xanh để dâng lên các cô trên rừng, mảng màu trắng dâng cô Bơ với ý nghĩa để chở vua, chúa hay mẫu đi các nơi. Những chiếc mảng được kết bởi những ống nhỏ tượng trưng cho tre, nứa, trên mảng cũng có hình người đang chèo.

Một đồ mã được quan tâm nữa là hình tượng ông Lốt của tứ phủ. Lốt biểu hiện cho các quan hầu cận mẫu, là các vị quan bảo vệ cho mẫu về đường âm, về đường dưới nước. Cũng giống như long tu, tượng, mã, lốt được đan bằng nan tre, bồi giấy và được trang trí bằng cách dán giấy tạo vẩy, dán hoa văn hoặc vẽ cách điệu phần đầu tạo ra tính chất trang nghiêm và dữ dội của Lốt. Trong dàn lễ các ông Lốt thường có bốn loại với bốn màu đỏ, xanh, vàng, trắng. Lốt tiến về thoải phủ nhiều khi có hình thức tam đầu cửu vĩ hoặc tam đầu nhất vĩ nhưng nhất thiết phải là màu trắng.

Một đồ mã nữa gắn với chúa núi rừng là hình chúa sơn trang cùng với hai chầu hầu cận, chầu Quỳnh, chầu Quế và 12 cô tiên nàng (cô sơn trang) theo hầu hai chầu/chúa. Đi cùng với nhóm đồ mã này là lễ vật dâng sơn trang gồm một mảng trắng, một thuyền đỏ và một thuyền xanh. Ngoài ra còn có một vỉ hải xảo và một mâm hài.

Trong dàn mã tứ phủ còn có năm mã hình nhân, có thể là nam hoặc nữ tùy theo giới tính của chủ lễ nhưng nhất thiết phải có đai chéo để thể hiện người có đồng, khác với hình nhân dùng cúng cho người âm, giải hạn hay cắt đoạn tình duyên…

Trong quan niệm dân gian của người Việt, những cô hồn, linh hồn chết không cha mẹ, không anh em, không có gia đình thờ phụng, thường đi lang thang khắp nơi để kiếm ăn và rất hay tụ tập ở các đám tế lễ, hội hè… Vì vậy, trong các nghi lễ hầu đồng, ngoài những đồ dâng cúng cho thần linh, bao giờ người ta cũng có phần dành cho những vong hồn. Trong các nghi lễ của tứ phủ cũng không thể thiếu một mâm đồ mã cho chúng sinh. Y phục thường là áo ngắn tay, quần dài hoặc quần đùi cắt đơn giản, kèm theo là giấy tiền xu, giấy vàng. Như vậy, người Việt không chỉ nhớ đến các vị thánh, nhớ về tổ tiên mà còn không quên cầu cúng cho vong hồn của những kẻ bất hạnh trên thế gian. Điều này toát lên một giá trị nhân văn cao cả trong truyền thống Việt Nam. Nó làm nên nền tảng cố kết trong tâm linh của dân tộc, cố kết cộng đồng với tinh thần thương yêu đùm bọc lẫn nhau không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong chính đời sống của các kiếp đời đã qua.

Cùng với tờ sớ phát tấu là hình ảnh bộ tranh Thập vật mà trong những giai đoạn trước đây chúng được dùng để cúng cho người đã khuất bao gồm: long xa (xe rồng), phượng liễn (kiệu phượng), tràng phan (phướn báu), đại hình (hình nhân thế mạng), bạch tượng (voi trắng), phi mã (ngựa bay), địa mã (ngựa đất), hiến mã (ngựa cúng), tòng giá (đi theo giá), ngân tiền, kim tiền (tiền vàng, tiền bạc).

Tuy là những vật cúng cho thế giới bên kia, nhưng bộ tranh Thập vật hoàn toàn giản tiện mà vẫn rất cao sang, thấm nhuần tinh thần Phật giáo và ước mơ về cõi siêu sinh tịnh độ, nơi linh hồn được siêu thoát, phiêu diêu, được hưởng một cuộc sống no đủ về tinh thần cũng như về vật chất.

Trên đây là những đồ mã thường có trong các lễ của tứ phủ, nhưng riêng ở lễ tái phủ mừng đồng, hầu hết các thanh đồng đều đặt làm thêm hai hoặc ba tòa hình tượng chúa sơn trang màu đỏ, trắng và vàng. Tất nhiên không thể thiếu hình tượng 12 cô sơn trang, vỉ hải xảo, hài và các dây vàng theo màu tòa chúa kèm theo. Nếu không có điều kiện sửa lễ to như vậy, thanh đồng vẫn phải chuẩn bị lễ vật tương đương như lễ mở phủ trình đồng. Đây như là một quy định bắt buộc của nhà thánh.

Đồ mã trong các lễ của tam phủ và các lễ khác trong năm

Tam phủ ở đây gồm thiên phủ, địa phủ và thoải phủ. Hai nghi lễ chính trong các lễ của tam phủ là tam phủ thục mệnh và tam phủ đối khám. Tam phủ thục mệnh là để độ dương, giải bệnh tật thân thể, vận hạn cho người đang sống. Còn tam phủ đối khám là để độ âm, giải bệnh về đường âm, giải vận nghiệp cho người chết, ví dụ như cắt đoạn tình duyên, cắt đoạn trùng tang, giải oan phá ngục… Đồ mã được sử dụng trong hai nghi lễ này tương đối giống đồ mã của tứ phủ cũng có long tu, tượng, mã, lốt, nhưng trong cỗ mũ thì mũ bình thiên chỉ có ba mũ tượng trưng thiên, địa và thủy và cũng chỉ có ba hình nhân.

Mặc dù đồ mã ở hai nghi lễ giống nhau nhưng màu sắc của chúng lại khác nhau. Đồ mã trong tam phủ thục mệnh được làm theo câu nói “thiên thanh, địa bạch, thủy hùng hoàng”, điều này khác hẳn với màu sắc của tứ phủ. Như vậy, trong tam phủ thục mệnh sẽ có ba mũ bình thiên xanh, trắng, vàng, với mũ xanh được đặt ở giữa, các mũ chúa ứng với màu mũ bình thiên, những mũ còn lại giống như bên tứ phủ. Có voi, ngựa, thuyền rồng nhưng ngựa ở đây là màu xanh. Lốt cũng chỉ có ba lốt xanh, trắng, vàng nhưng cũng có lốt tam đầu cửu vĩ. Đấy là theo lối cổ còn bây giờ người ta thường chỉ dùng có một lốt tam đầu cho khóa lễ. Ở Tam phủ đối khám, màu sắc lại giống bên tứ phủ, vẫn là thiên – đỏ, địa – vàng và thoải – trắng nhưng theo các cụ truyền lại thì mũ bình thiên màu vàng tượng trưng cho địa phủ phải được đặt ở giữa. Tuyệt nhiên không có tòa sơn trang trong nghi lễ này.

Ngoài ra, đồ mã còn được sử dụng ở các ngày lễ khác trong năm và vào ngày tiệc của các thánh. Bốn lễ chính trong năm, ngay cả người không trong hàng ngũ đồng bóng phải cúng lễ, là thượng nguyên, vào hè, ra hè và tất niên. Trong lễ thượng nguyên, người ta thường tiến mã về rừng núi để xin lộc sơn lâm. Trong bộ mũ, nếu có tiền thì chuẩn bị bốn cỗ mũ bình thiên đại diện cho bốn đức vua cha, nếu không chỉ cần một cỗ mũ đại diện cho thiên phủ là đủ. Đàn lễ vào hè cũng như vậy nhưng không có mũ Nam Tào, Bắc Đẩu mà thay vào đó là mũ quan văn, quan võ của Thủy Tề. Người ta còn dâng mũ chúa ôn để kêu ngài giảm các bệnh dịch trong ba tháng hè. Trong dàn mã còn có ông Lốt tam đầu cửu vĩ, thuyền rồng để chở vận hạn ra sông, các con giống như gà, chó, lợn… Theo ông đồng, nếu cẩn thận còn làm ông Thiên Lôi, bà La Sát để phòng trừ sấm sét. Ở lễ ra hè và tất niên đồ mã có hay không có cũng được. Bên cạnh đó người ta còn dâng cả vàng tứ phủ.

Trong các ngày tiệc của các thánh thì tiệc thánh nào dâng mã và vàng ấy. Những đồ mã này được bày một mâm riêng, còn mâm vàng để hầu thì đầy đủ hết các loại vàng mẫu, quan, chầu, cô, cậu, cho đến vàng lá, vàng chúng sinh. Thông thường khi tiệc của thánh nào thì người ta trảy hội ở đền của vị thánh đó và dâng đồ mã ở đó luôn. Nếu không có điều kiện đến tận nơi, thanh đồng có thể lễ vọng. Nếu là tiệc mẫu, tiệc chầu thì ngoài xiêm y, đồ trang sức, hài, nón, mâm vàng,… có khi người ta còn dâng cả tòaấơn trang để đi hầu mẫu. Tiệc quan hay ông hoàng thì dâng ngựa cùng hòm tráp, áo, mũ, khí cụ và vàng quan. Theo nhiều ông đồng, hầu hết họ chỉ dâng đồ mã vào tiệc của quan đệ nhị, quan tam phủ và quan tuần tranh thôi. Trong tiệc của các cô, các cậu, họ cũng thường dâng lễ theo sở thích. Điều quan trọng là màu sắc đồ mã dâng trong các ngày tiệc này cũng theo màu tứ phủ.

3. Sự sắp đặt đồ mã trong các lễ và nghi thức hóa mã

Không thể tùy tiện sắp đặt đồ mã trong các nghi lễ vì nó có những quy định bắt buộc cung nào vào sở ấy. Ban công đồng được xem là cơ quan trung ương của các bóng, các giá, là nơi diễn ra hầu đồng, là nơi hội đồng các Thánh chứng minh đàn lễ nên người ta bày bộ mũ và mã phát tấu ở đó. Các bộ mã này cũng được bày theo thứ tự trên dưới, trước sau ngay ngắn. Ngoài ra còn có mâm sớ và mâm vàng dâng tứ phủ.

Trong dàn mã tứ phủ, long tu, tượng, mã là bộ mã có kích thước lớn nhất và là những lễ vật có tính chất bắt buộc. Thông thường để định hình và tính kích cỡ của dàn mã là dàn tiểu, trung hay đại người ta căn cứ vào chiều cao của mã voi và ngựa. Với dàn hạ, ngựa voi cao 1m; dàn trung, ngựa voi cao 1,5m và với dàn đại, ngựa voi cao từ 1,8m đến 2m. Ba lễ vật này được bày theo thứ tự từ trái sang phải: đầu tiên là ngựa, kế tiếp là thuyền rồng ở giữa và cuối cùng là voi, tất cả đều được quay đầu vào điện thờ. Tuy nhiên có một quy định chung là cả ngựa, thuyền rồng và voi đều được bày ở ngoài sân. Ở nhiều nơi có diện tích nhỏ như các điện thờ riêng thì tùy theo diện tích điện thờ mà bày.

Năm hình nhân tiến về tứ phủ thường được bày hai bên cánh gà cùng với Lốt. Tuy nhiên, qua thực tế một số buổi lễ ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy ông Lốt thường được bày cùng với mã sơn trang bên ban thờ chúa sơn trang. Chúng tôi có hỏi ông đồng thì được biết như vậy là không đúng, vì theo các cụ xưa là Lốt nào đi với hình nhân ấy. Có nghĩa là các ông Lốt sẽ được đặt dưới chân các hình nhân tương ứng về màu theo kiểu: “Hoa thơm mỗi người một tý/ Đồng bóng mỗi người một màu”.

Mã sơn trang bao giờ cũng phải bày bên ban thờ chúa sơn trang, thường là vuông góc với ban thờ. Tòa chúa sơn trang được bày ở chính giữa, phía trước là chầu Quỳnh, chầu Quế. Tiếp đến là 12 cô sơn trang được bày đều sang hai bên hoặc có khi xếp thành hình vòng cung trước mặt chúa. Phía sau chúa là thoi rừng, thoi núi. Bên cạnh đó là mảng xanh, thuyền trắng, thuyền đỏ, một mâm vàng sơn trang, một mâm hài gồm một đôi to, hai đôi trung và 12 đôi nhỏ, một vỉ hải xảo.

Việc hóa (đốt) đồ mã trong các nghi lễ cũng phải tuân theo quy định. Theo lối cổ, khi chứng đàn thì “quan nào về mở phủ quan ấy”. Sau khi các quan về chứng đàn, long tu, tượng, mã phải được quay đầu ra để chờ mang đi hóa. Quan lớn tuần tranh, ngài được thờ chính ở Ninh Giang (Hải Dương), không nhận đàn, không mở phủ, coi như không có quyền “ký giấy” nên đứng làm ngoại giao, ngài nhận chuyển dàn mã đi. Sau giá quan tuần, tất cả đồ mã được mang đi hóa, trừ mã sơn trang.

Như vậy, việc bày mã và hóa mã trong các nghi lễ tứ phủ không được tùy tiện, phải luôn tuân theo những quy định bắt buộc. Hơn nữa, đồ mã tứ phủ – lễ vật tôn kính dâng lên các vị thần, không chỉ đơn thuần là những thứ đồ bằng giấy để hóa sau mỗi đàn lễ, mà còn chứa đựng cả thế giới quan tâm linh và bản sắc văn hóa của người Việt. Thực chất chúng là cái dẫn giải cho việc hành lễ, là phương tiện của việc hành lễ và biểu hiện sự giao thoa giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa cái vật chất và cái phi vật chất. Khi con người ta còn chấp nhận cảnh giới, chấp nhận trần sao âm vậy thì họ sẽ còn sử dụng đồ mã để dâng cho thần linh, gửi cho người đã khuất, cốt sao để tâm được yên.

Trong vài ba chục năm gần đây, vai trò ngày một phát triển của thương mại đã góp phần đẩy nhanh hiện tượng “thánh một cân, trần một yến”, khiến cho đồ mã lên ngôi trong tiêu cực xã hội. Không ai phủ nhận việc đốt vàng mã là một phong tục đẹp đã hình thành, phát triển qua chiều dài lịch sử và trở thành một sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nhưng làm thế nào để một phong tục với các giá trị văn hóa tinh thần vốn dĩ trong trẻo này không bị biến dạng, không gây lãng phí, không phá hại môi trường và không trở thành một tệ nạn gây nên những bức xúc? Điều này đòi hỏi nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa phải có các biện pháp hạn chế việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm đồ mã tràn lan trên thị trường và nơi công cộng.

_______________

1. Bảo cái là một trong bát kiết tường còn gọi là bát thụy tướng, tương truyền là vật phẩm của chư thiên cúng dường cho Đức Phật Thích Ca lúc ngài giáng thế và sau này, Mật giáo thường dùng các hình tượng này tạo thành hình tượng để cúng dường Phật. Thường dùng vàng, bạc, đồng, gỗ hoặc là hình vẽ.

2. Hoàng Lan, Đồ mã trong tín ngưỡng dân gian Việt, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 3-2002, tr.39-41.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012

Tác giả : Trương Minh Hằng – Giang Nguyệt Ánh