Nên hay lên, làm sao để nói đúng, viết đúng? | Tạp chí Tuyên giáo

Âm đầu đứng ở vị trí thứ nhất trong âm tiết, có chức năng mở đầu âm tiết. Có những khi chúng ta không nhìn thấy nó dưới dạng chữ viết, như trong an, ấm, êm, im,… Điều đó không có nghĩa là các âm tiết này thiếu vắng âm đầu. Ở vị trí đó, có một âm gọi là âm tắc thanh hầu, được phát âm bằng động tác khép kín khe thanh, sau đó mở ra đột ngột, gây nên một tiếng bật. Các âm đầu còn lại đều được thể hiện bằng một hoặc một vài chữ viết, ví dụ, âm /k/ được thể hiện bằng ba chữ c, k, q; còn âm /n/ thì chỉ thể hiện bằng một chữ n, âm /l/ thể hiện bằng một chữ l.

Các âm đầu này tạo thành một hệ thống, chúng khu biệt với nhau nhờ sự khác nhau của vị trí cấu âm và phương thức cấu âm. Về phương thức cấu âm, có thể chia thành: âm tắc – âm xát; âm ồn – âm vang. Về vị trí cấu âm, có thể chia thành: âm môi – âm đầu lưỡi – âm mặt lưỡi – âm gốc lưỡi – âm thanh hầu.

Xét về vị trí cấu âm, âm /n/ và /l/ có cùng vị trí, đều là âm đầu lưỡi. Xét về phương thức cấu âm thì có sự khác biệt, âm /n/ là âm tắc, âm /l/ là âm xát. Sự khác nhau này ở chỗ khi phát âm /n/, luồng hơi thoát ra qua mũi; khi phát âm /l/, đầu lưỡi tiếp xúc với lợi, chặn lối thoát của không khí, làm cho không khí phải lách qua khe hở ở hai bên cạnh lưỡi. Chính vì thế /n/ còn được gọi là phụ âm mũi, /l/ được gọi là phụ âm bên.

Tuy nhiên, biết cách phát âm đúng là một chuyện, còn khi nào sử dụng nvà khi nào sử dụng llại là một chuyện khác. Ở đây, chúng ta xét trường hợp từ nên và lên, trường hợp gây lúng túng cho rất nhiều người khi nói và viết. Để nói và viết đúng chính tả, người nói, người viết cần hiểu rõ nghĩa của các từ ngữ mà mình sử dụng.

Từ nên có thể là động từ hoặc quan hệ từ. Với tư cách là động từ, nên trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2006) trình bày khá nhiều nghĩa. Tuy nhiên, có hai nghĩa quan trọng nhất là (1) tạo tác: nên người, nên ông nên bà, có chí thì nên, làm nên sự nghiệp, trở nên ngoan ngoãn; (2) dùng trước một động từ khác, với ý khuyên nhủ, nếu làm thì tốt hơn: nên ngủ sớm, nên ăn chín uống sôi, việc đó không nên… Với tư cách là quan hệ từ, nênthường nằm trong cặp quan hệ từ chỉ nguyên nhân-kết quả: Vì mưa nên không đi học, Cách sông nên phải lụy đò (cd),…

Từ lên có thể là động từ hoặc phó từ. Với tư cách là động từ, lên là động từ chỉ sự di chuyển hướng về phía cao hơn, đằng trước hoặc phát triển về số lượng: lên núi, lên hàng đầu, lên mụn nhọt, lên lớp, lên mấy tuổi,… Cũng vì mang nghĩa này, lên thường được kết hợp với các động từ có hàm nghĩa hướng về phía cao hơn, như: dâng lên, dựng lên, lóe lên, lồi lên, ngửng lên, ngước lên, nổi lên,… hoặc kết hợp với các danh từ chỉ vị trí cao, ở phía trên, như: lên bờ, lên nhà trên, lên ngọn cây, lên xe,…Với tư cách là phó từ, lên biểu thị ý thúc giục, động viên: Cố lên! Ăn nhanh lên!

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nên dùng để thể hiện một hành động không cụ thể, ví dụ như: Họ đã viết nên những trang sử vẻ vang; còn lên dùng để thể hiện một hành động cụ thể, có thể nhìn thấy được, như: Có chàng trai viết lên cây!

Hoàng Nhung