Danh sách các nhà máy thủy điện ở tây nguyên

Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính gồm sông Sê San, Srêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai. Cùng với điều kiện địa hình, địa chất thuận lợi, các dòng sông trên đều có tiềm năng khá lớn về phát triển thủy điện. Đã có hàng trăm thủy điện lớn nhỏ được xây dựng và vận hành ở khu vực này. Dưới đây là 3 thủy điện có công suất lớn ở Tây Nguyên.

Thủy điện Yaly – một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên

Thủy điện Yaly, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, là công trình thủy điện lớn nhất trong hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sê San. Thủy điện Yaly có diện tích 20km2, nằm trên địa bàn 2 huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai và huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Công trình được khởi công vào năm 1993 và hoàn thành năm 2003. Nhà máy chính của Thủy điện này đặt tại xã Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Nhà máy Thủy điện Yaly có 4 tổ máy, công suất thiết kế đạt 720MW, chiếm gần một nửa tổng công suất ước tính khoảng 1.500MW của toàn bộ sông Sê San. Sản lượng điện bình quân của nhà máy theo thiết kế là 3 tỷ 680 triệu kWh/năm. Vùng đập tạo hồ nước đặt tại Thác Yaly trên sông Pô Kô ở Chư Păh, tỉnh Gia Lai là một trong những thác nước lớn nhất Việt Nam với độ cao 42m.

Xem thêm: Bản tin thủy văn thủy điện tháng 4/2022: Nguồn nước trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-30%

Thủy điện Yaly là công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam. Đập thủy điện là loại đập đá đổ, lõi chống thấm bằng đất sét, có cao trình đỉnh là +522,0 m, chiều dài đỉnh đập 1.142,0 m, đập cao 71,0 m. Tràn xả lũ gồm 6 cửa van cung. Mỗi cửa rộng 15 m.

Lòng hồ thủy điện Yaly rộng tới 64,5km2, phần lớn nằm trên địa phận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, thuộc lưu vực sông Pô Kô và Đăk Bla. Hồ chứa nước nơi đây đã tạo nên những cảnh quan tuyệt vời, trở thành một trong những điểm du lịch Gia Lai hấp dẫn với du khách xa gần khi có dịp đặt chân đến đây.

Đập tràn xả lũ trong công trình thuỷ điện Yaly

Thủy điện Yaly được khởi công vào năm 1993 và hoàn thành năm 2003

Thủy điện Sê San 4 có công suất 360 MW

Thủy điện Sê San 4 là công trình thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, được xây dựng trên sông Sê San, tại vùng đất xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Thủy điện Sê San 4 được khởi công xây dựng ngày 26/12/2004, với dung tích hồ chứa đạt 893,3 triệu m3 nước. Nhà máy thủy điện này có công suất 360 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 1042 triệu KWh.

Tổ máy số 1 của Thủy điện Sê San 4 đã vận hành phát điện vào ngày 28/9/2009. Tổ máy số 2 đã vận hành phát điện ngày 8/12/2009. Tổ máy số 3 vận hành phát điện ngày 20/3/2010.

Năm 2021, nhà máy Thuỷ điện Sê San 4 đã đạt kết quả sản xuất hơn 1,4 tỷ kWh, đạt 102,3% kế hoạch năm. Cùng với việc hoàn thành vượt chỉ tiêu sản xuất điện, các chỉ tiêu kỹ thuật khác như tỷ lệ điện dùng, tỷ lệ dừng máy do sự cố, hệ số khả dụng, tiết kiệm chi phí đều đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, công tác vận hành 3 tổ máy an toàn, hiệu quả, đúng phương thức huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. Năm 2022, nhà máy Thủy điện Sê San 4 đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất đạt 1,258 tỷ kWh.

Thủy điện Sê San 4 được xây dựng trên sông Sê San, tại vùng đất xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Hồ thủy điện Sê San 4

Thủy điện Đồng Nai 4 có công suất 340 MW

Thủy điện Đồng Nai 4 là công trình thủy điện xây dựng trên sông Đồng Nai (một con sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên thuộc tỉnh Lâm Đồng và đổ vào sông Sài Gòn, tại vùng đất thị trấn Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông và xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Giống như Thủy điện Sê San 4, thủy điện Đồng Nai 4 cũng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và PECC2 là đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế chính cho dự án.

Thủy điện Đồng Nai 4 có công suất 340 MW với 2 tổ máy, được khởi công xây dựng vào ngày 26/12/2004 và hoàn thành vào tháng 2/2013. Dung tích hồ chứa đạt 337 triệu m3. Tổ máy số 1 của nhà máy chính thức phát điện vào ngày 28/03/2012. Tổ máy số 2 phát điện vào ngày 24/6/2012.

Nhiệm vụ chính của Thủy điện Đồng Nai 4 là cung cấp lên lưới điện quốc gia sản lượng điện trung bình 1.109 triệu kWh/năm. Bên cạnh đó, thủy điện này còn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu và tạo đà phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.

Theo quy hoạch, thủy điện Đồng Nai 4 là bậc thang thủy điện thứ 6 tính từ thượng nguồn sông Đồng Nai (sau công trình Đơn Dương, thủy điện Đại Ninh, thủy điện Đồng Nai 1, thủy điện Đồng Nai 2, thủy điện Đồng Nai 3).

Đập Đồng Nai 4

Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 có công suất 340 MW với 2 tổ máy, được khởi công xây dựng vào ngày 26/12/2004

Thủy điện ở Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước

Khu vực Tây Nguyên là đầu nguồn của hầu hết các sông chảy ra biển Đông thuộc ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Khu vực này có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Srêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai. Các dòng sông trên đều có tiềm năng rất lớn về phát triển thủy điện.

Thời gian qua, các dự án thủy điện ở Tây Nguyên đã đem lại điện năng cho vùng và cho quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là cấp điện cho khu vực miền Nam.

Các dự án thủy điện tại đây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần điều tiết nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, hạn chế lũ lụt, phục vụ thủy lợi cho vùng dự án và vùng hạ lưu, phát triển kết cấu hạ.

Bên cạnh đó, các thủy điện ở Tây Nguyên còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của từng tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, như tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương ở những vùng sâu, vùng xa.

Tính đến hết năm 2020, theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương thì trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác, trong đó, 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn và 253 hồ vừa và nhỏ, tổng dung tích các hồ chứa khoảng 56 tỷ m3. Công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện khoảng 20.586 MW, chiếm 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.

Sự phát triển của các dự án thủy điện cũng đã làm thay đổi kết cấu hạ tầng cho nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi dự án được triển khai xây dựng và vận hành. Góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem thêm: Doanh thu thuần năm 2021 của thủy điện miền Nam tăng trưởng ấn tượng