Cách xử lý khi bị bóc phốt – O₂ Education

Kiện ra tòa buộc đối tượng vi phạm xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xúc phạm là lựa chọn tốt nhất khi bị bôi nhọ, bóc phốt trên Facebook.

1. Bình tĩnh và giữ im lặng

Khi bị bóc phốt, việc đầu tiên là bạn cần bình tĩnh và giữ im lặng. Tuyệt đối không lên tiếng thanh minh, giải thích mà hãy giữ đầu óc bình tĩnh, không lên mạng đọc những lời bình luận, chửi rủa, phán xét của người khác.

2. Lập vi bằng, tố cáo đến cơ quan điều tra

Trước hết người bị xúc phạm cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những status hoặc bình luận có nội dung được cho rằng xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. “Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết”.

Trường hợp có địa chỉ của người bêu xấu, người bị xúc phạm có thể gửi thư hoặc văn bản yêu cầu gỡ ngay các status hoặc bình luận không đúng sự thật. Nếu người bêu xấu không thực hiện yêu cầu, người bị xúc phạm nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.

3. Kiện ra tòa là cách xử lý khi bị bóc phốt tốt nhất

Việc lên mạng phát ngôn là quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân, nhưng phát ngôn như thế nào vừa thể hiện ứng xử văn hóa vừa không vi phạm pháp luật không phải ai cũng làm được.

Có nhiều người lấy danh nghĩa tự do ngôn luận, đấu tranh chống tham nhũng để chửi bới, thóa mạ người khác một cách vô căn cứ. Cộng đồng mạng, nhiều người không nắm được vụ việc cũng nhảy vào bình luận cứ như là người trong cuộc.

Cách xử lý khi bị bóc phốt

Hiện pháp luật Việt Nam về cơ bản có đủ quy định để bảo vệ người dân khi bị xúc phạm, bôi nhọ trên Facebook. Vấn đề còn lại là họ sử dụng các công cụ pháp lý này sao cho hiệu quả trong việc đòi lại công bằng.

Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày hoặc chậm nhất là 2 tháng, cơ quan công an phải có văn bản trả lời.

  • Nếu kết luận của cơ quan công an xác định hành vi của người đưa thông tin lên mạng xã hội là bịa đặt thì tùy mức độ vi phạm, thiệt hại xảy ra để xử lý trách nhiệm hình sự, xử phạt hành chính người đưa thông tin.
  • Nếu kết luận của cơ quan công an xác minh thông tin trên mạng xã hội là đúng, nhưng rơi vào trường hợp thuộc bí mật đời tư thì người bị xúc phạm vẫn có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường, buộc xin lỗi vì bị xâm phạm bí mật đời tư.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít trường hợp những kẻ nói xấu không dùng trang cá nhân, hay danh tính thật, mà lập một trang ảo để nói xấu, bôi nhọ người khác. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không dựa vào tên trên mạng để xác minh hành vi vi phạm, mà có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác. Vì vậy, dù người vi phạm có sử dụng nick ảo hoặc tên người khác để che giấu thì vẫn có thể bị phát hiện, xử lý.