Giải pháp bảo vệ năng suất dưa leo trong mùa mưa

Giải pháp bảo vệ năng suất dưa leo trong mùa mưa

Ngày đăng: 21-08-2018 | Chuyên mục: Nghiên cứu – Ứng dụng KH&CN | Tác giả: Huỳnh Hữu Đoàn – Trạm Trồng Trọt và Bảo vệ Thực vật Châu Thành

Dưa leo là loại rau dễ trồng, mau thu hoạch và cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể trồng dưa leo quanh năm, nhưng nông dân thường trồng nhiều vào mùa mưa để tiết kiệm công tưới vì dưa leo là loại cây trồng tiêu thụ rất nhiều nước nếu thiếu nước, năng suất và chất lượng giảm hẵn. Tuy nhiên, trồng dưa leo trong mùa mưa tiềm ẩn nhiều rủi ro do bệnh hại phát triển mạnh, phần lớn nông dân chọn giải pháp phun thuốc hóa học phòng trừ đã làm chi phí tăng cao và khả năng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong trái ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi. Vì thế, để sản xuất dưa leo sạch, năng suất cao đòi hỏi nông dân nhận biết các loại dịch hại (phổ biến nhất là bệnh héo xanh, bệnh sương mai và bệnh phấn trắng) và nắm vững biện pháp quản lý hiệu quả, an toàn mới có thể bảo vệ được năng suất dưa leo. Đáng quan tâm nhất là bệnh héo xanh. Bệnh héo xanh là bệnh quan trọng và phổ biến trên rau màu nói chung và dưa leo nói riêng. Bệnh héo xanh nông dân còn gọi là bệnh chạy dây, gây hại giai đoạn cây còn nhỏ cho đến khi thu hoạch, bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Triệu chứng điển hình là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo thường xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây tươi lại nên nông dân thường nghĩ là cây thiếu nước, nhưng hiện tượng này chỉ lặp đi lặp lại khoảng 2-3 ngày, sau đó cây chết hẵn. Nhìn kỹ phần gốc sát mặt đất vỏ cây bị nhũn và có những mụn nhỏ sần sùi, cắt ngang gốc cây bệnh sẽ thấy mạch dẫn bị thâm nâu, ấn mạnh vào chổ gần mặt cắt sẽ có chất dịch vi khuẩn màu trắng đục tiết ra. Phương pháp xác định bệnh rất đơn giản, nông dân có thể tự làm được, lấy một mẫu thân được cắt gần gốc cho vào trong ly nước trong, sao cho không chạm vào đáy ly. Nếu có vi khuẩn bệnh héo xanh, quan sát sau vài phút một dòng nước giống như sữa chảy ra từ bề mặt cắt, những giọt dịch như sữa này chứa rất nhiều vi khuẩn.

Triệu chứng héo xanh do vi khuẩn.

Triệu chứng gần gốc dây dưa có những mụn sần

sùi đặc trưng của bệnh héo xanh.

Vi khuẩn tấn công cây dưa qua vết thương của rễ, xâm nhiễm vào bó mạch, tiết ra độc tố làm thối hỏng, tắc nghẽn bó mạch khiến cây không vận chuyển được nước và dinh dưỡng nuôi thân và lá dẫn đến cây héo rũ và chết. Tùy theo giai đoạn sinh trưởng, nguồn bệnh, cơ giới đất, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, điều kiện ngoại cảnh mà bệnh có thể xuất hiện ở những thời điểm khác nhau, tác hại cũng khác nhau. Vi khuẩn trong đất nên việc phòng trị rất khó. Bệnh thường phát triển nặng trên chân ruộng thoát nước kém, có nhiều tàn dư chưa hoai mục, bón phân không cân đối, tưới quá nhiều nước, ẩm độ cao. Ngoài ra, việc vứt các cành, thân bị bệnh ở mương rãnh nước cũng là nguyên nhân làm bệnh lây lan. Vi khuẩn có thể tồn dư trong tàn dư cây bệnh, trong đất rất lâu, đây chính là nguồn lây truyền bệnh cho vụ sau. Không riêng gì dưa leo mà trên bất kỳ cây trồng nào, bộ lá rất quan trọng, chúng tổng hợp năng lượng cung cấp cho cây trong quá trình ra hoa, đậu quả, nếu bộ lá mất khả năng quang hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Trên dưa leo, bảo vệ bộ lá tốt là có thể duy trì thêm nhiều lứa trái nữa. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất, trên lá dưa leo xuất hiện nhiều loại bệnh, trong đó phổ biến nhất là bệnh sương mai và bệnh phấn trắng.

Triệu chứng bệnh sương mai gây hại dưa.

Bệnh sương mai do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. Bệnh xuất hiện từ lúc cây được 3 lá thật đến cuối vụ. Bệnh xuất hiện từ khi ra hoa đến đậu trái. Bệnh thường bắt đầu từ tầng lá phía dưới rồi lan dần lên trên. Bệnh xuất phát từ mặt dưới lá. Vết bệnh là những đốm vàng nhạt phân bố đều trên mặt lá. Đặc trưng vết bệnh hình đa giác góc cạnh rất rỏ. Sáng sớm quan sát kỹ mặt dưới lá có lớp bụi màu hơi tím, sũng ướt và dễ mất đi dưới ánh sáng mặt trời. Đây là đặc điểm dùng để nhận biết bệnh này trực tiếp từ đồng ruộng. Lớp bụi này chính là cơ quan sinh sản của nấm và phát tán nhờ gió. Khi già, vết bệnh đổi màu cam, nâu đỏ đến nâu sậm, xung quanh vết bệnh có viền vàng. Lá bị bệnh khô vàng, rách, co rúm lại và rụng sớm, trên cây chỉ còn lại những lá non, cây phát triển kém, trái nhỏ. Bệnh có thể lây lan sang cả thân, cành. Bị nặng cây có thể chết. Bệnh phát sinh, phát triển nhanh trong điều kiện ẩm độ không khí cao, trời râm mát, đặc biệt là buổi sáng có sương mù lúc đó bệnh có thể tấn công cả lá non ở tầng trên. Nếu thời tiết khô hanh, bệnh lây lan chậm và chỉ xuất hiện ở tán lá dưới. Bệnh xuất hiện quanh năm trên ruộng dưa, nhưng nặng nhất là trong mùa mưa. Trong một vụ, bệnh thường gây hại nặng giai đoạn trổ hoa đến mang trái. Nông dân rất dễ nhầm lẫn với bệnh sương mai là bệnh phấn trắng. Bệnh phấn trắng do nấm Erysiphe cichoracearum gây ra. Bệnh xuất hiện phá hại ngay từ thời kỳ cây con. Bệnh gây hại trên thân và lá nhưng chủ yếu trên lá. Triệu chứng đầu tiên trên lá có một vài đốm nhỏ màu vàng nhạt. Ngay sau đó các bào tử được hình thành với triệu chứng của các đốm mốc màu trắng của các bào tử đính được sinh ra trên bề mặt vết thương. Sau đó vết bệnh lan rộng dần và bao phủ toàn bộ bề mặt lá bởi một lớp phấn trắng dày đặc như rắc bột mì, bao trùm cả phiến lá. Dần dần lớp nấm chết đi làm hoại tử lá, lá bệnh úa vàng, chuyển sang màu nâu, khô cháy và dễ rụng. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô và chết. Nấm phấn trắng phần lớn tập trung ở mặt trên lá. Cây bị bệnh sinh trưởng yếu, phẩm chất kém, năng suất thấp, cây mau già cỗi. Vết bệnh thường phát triển đầu tiên ở các lá già, những lá ở phía trong tán và ở tầng dưới. Bệnh phấn trắng phát triển nhanh khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện vết bệnh thường kéo dài từ 3-7 ngày, một lượng lớn bào tử được sinh ra thời điểm này. Ẩm độ cao, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Nấm bệnh lây lan nhờ gió, nước tưới. Nấm bệnh phấn trắng gây hại trên rất nhiều loại cây nhất là nhóm rau họ bầu bí.

Nấm bệnh phấn trắng bao phủ dày đặc trên lá.

* Biện pháp phòng trừ Đối với các loại bệnh hại nên áp dụng biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ để phòng bệnh sẽ tốt hơn đặc biệt là đối với bệnh héo xanh. – Sau khi thu hoạch xong nên cho nước vào ngâm 1-3 tuần, sau đó cày phơi đất hạn chế mầm bệnh phát triển. Lên luống cao, đất phải thoát nước tốt. Bón vôi (20-25kg/công). Bón phân hữu cơ kết hợp nấm Trichoderma bón trước khi gieo. – Luân canh với các cây trồng khác họ, không nên trồng các cây họ bầu bí liên tục nhiều vụ. – Tỉa bỏ những cành nhỏ vô hiệu, làm thông thoáng giàn dưa, làm sạch cỏ gốc để hạn chế sự lây lan. – Khi phát hiện trên ruộng dưa có xuất hiện bệnh thì nên nhổ bỏ, mang ra xa tiêu huỷ, tránh thải xuống mương nước vì nguồn nước tưới nhiễm mầm bệnh là điều kiện phát tán lây lan, rắc vôi vào gốc đã nhổ. – Bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm. – Trường hợp xác định là bệnh héo xanh thì chọn nhóm thuốc trừ vi khuẩn như New Kasuran 16.6BTN, Starner 20WP, Biobac 50WP,… cần phát hiện sớm, phun thuốc khi thấy trên ruộng có vài dây dưa bị bệnh. Đối với những vùng dưa leo thường xuyên nhiễm bệnh sương mai, có thể ngừa bằng những loại thuốc gốc đồng như Champion 77WP, COC 85WP,… phun khi cây dưa có 3-4 lá thật hoặc khi bệnh mới chớm sử dụng nhóm thuốc hoạt chất Fosetyl aluminium, Metalaxyl,… Đối với bệnh phấn trắng sử dụng nhóm thuốc hoạt chất Hexaconazole, Chlorothalonil, Imibenconazole,… Chú ý: Nên phun ướt đều 2 mặt lá, phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Nếu sử dụng thuốc gốc đồng phải phun đúng nồng độ thuốc được khuyến cáo, không phun quá liều vì lá dưa rất mẫn cảm với đồng. Dưa leo là loại rau ăn tươi và được thu hoạch liên tục vì thế khi sử dụng thuốc hóa học nên đảm bảo đúng thời gian cách ly để an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.