Mấy ngày qua, trong nội ô TP. Bạc Liêu có một số con đường bị ngập nước không phải do bị mưa lũ mà do triều cường.
Thật ra không phải đến năm nay, TP. Bạc Liêu nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung bị ảnh hưởng bởi triều cường. Trước năm 1975, có nghĩa là cách nay gần 40 năm cũng từng bị. Và điều kỳ lạ là mực nước dâng cũng không khác mấy cho dù trong ngần ấy thời gian, đã nhiều lần mặt lộ được nâng lên.
Những người ở cố cựu cho biết mặt đường so với 40 năm trước cao hơn cả thước. Điều này rất dễ thấy khi so sánh với những ngôi nhà dọc theo đường. Nhiều ngôi nhà đã được tôn nền lên cao từ bằng cho đến cao hơn mực cửa sổ thì mới ngang bằng mặt lộ hôm nay. Còn trong nhà, thì phải nâng nền lên cao bằng mặt bếp.
Vậy phải chăng do mặt bằng của nội ô sụp xuống chăng? Không! Mà đó là do mực nước sông dâng lên cao hơn trước. Có nguyên nhân là do sông rạch có nhiều đê đập chắn nước nên nước không chảy thẳng ra biển được. Hoặc do mương cống có nhiều rác rưởi nên nước không thoát ra sông được. Nhưng nguyên nhân này chỉ có thể xảy ra vào mùa mưa còn xảy ra ngay vào thời điểm hiện nay thì rõ ràng không phải do mưa. Nguyên nhân chính, có ý nghĩa thời sự nhất là do ảnh hưởng bởi nước biển dâng – một hiện tượng đang xảy ra trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt, khi vào thời điểm những tháng cuối năm, do ảnh hưởng những con nước rong vào những ngày (mùng 3, mùng 4 và 17, 18 âm lịch) thì mực nước này dâng cao hơn.
Ở góc độ ngôn ngữ, trong số những từ chỉ mực nước sông, có từ dễ hiểu nhưng cũng có từ khó hiểu.
Để chỉ mực nước khi nước sông vào ra biển, có từ “nước lớn”, “nước ròng”. Đây là hiện tượng thủy triều tính theo ngày và các sông ở Bạc Liêu theo chế độ bán nhật triều, nghĩa là mỗi ngày có 2 lần con nước lớn ròng.
Nhưng lại còn có hiện tượng thủy triều tính theo tháng, cũng 2 lần trong tháng. Đó là hiện tượng nước rong như đã nêu trên. Sau những ngày nước rong là những ngày nước kém.Về từ nguyên, chưa có cách giải thích nào cho hữu lý đối với 2 từ: “nước ròng”, “nước rong”. Đó là 2 hiện tượng nước khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau mà về ngữ âm chỉ khác một cái dấu.
Có người cho rằng 2 từ ấy có nguồn gốc từ tiếng Malayu (Mã lai). Nhưng chẳng lẽ cái gì cũng có nguồn gốc ngoại lai cả sao? Tại sao không kiến giải rằng 2 từ ấy tiếng Malayu bắt nguồn từ tiếng Việt (miền Nam)? Nhưng cho dù có nguồn gốc từ đâu thì đều chứng tỏ ở cả 2 địa bàn ấy đều có hiện tượng nước rong, nước ròng.
Ở Bạc Liêu, một số công trình xây dựng cách đây khoảng 100 năm, chủ yếu là những ngôi nhà cổ, khi thực dân Pháp hoặc điền chủ cho xây dựng đều có tính toán đến cao trình (cốt) của nền. Do làm nền cao bằng cách đắp nền tốn nhiều công sức nên hầu hết những công trình ấy đều cất theo dạng nhà sàn, nghĩa là mặt nền nhà đều cách mặt đất một khoảng từ 8 – 10 tấc, cho dù được làm bằng vật liệu xây dựng nặng như xi măng, gạch, sắt… Cụ thể như nhà tham biện cũ (trụ sở Liên hiệp Hội VHNT hôm nay, Bệnh viện cũ, Thư viện cũ…). Đến nay, sau hơn 100 năm, nền nhà trụ sở Liên hiệp Hội VHNT vẫn còn cao hơn mặt đường, mặc dù mặt đường được nâng lên cả thước. Sở dĩ như thế là vì khoảng trống của sàn nhà đã được lấp bằng, mặt nền nhà tiếp giáp luôn với mặt đất, không còn cách nhau một khoảng như trước. Bệnh viện cũ đã được xây mới, nhiều khu nhà cũ đã bị phá dỡ nhưng vẫn còn một dãy đang là khu hộ sản hiện nay và dĩ nhiên khoảng nhà sàn đã bị lấp bằng. Điền chủ khi xây dựng ngôi nhà tạm ở xa ngôi nhà chính nhưng ở gần đồng ruộng cũng hay cất nhà sàn cho tiện, nhân dân hay gọi đó là nhà lầu (xuất xứ của địa danh Nhà Lầu ở xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân).
Sở dĩ phải cất nhà sàn như thế là nhằm để tránh hiện tượng nước dâng, nước rong xảy ra. Trong trường hợp này, nước dâng không phải do nguồn gốc là nước biển dâng (như ngày nay) mà còn do hiện tượng mưa lớn, nước ở sông rạch rút ra biển không kịp nên mực nước dâng cao làm ngập đường sá, nhà cửa… Và đến những tháng giáp Tết âm lịch, từ tháng 9, 10 trở đi, tuy không còn mưa nhưng do ảnh hưởng từ thủy triều, nước biển dâng cao hơn những tháng khác trong năm.
Vấn đề đặt ra là qua khoảng 100 năm, mặt bằng nền nhà, nền lộ đã cao hơn trước 1m, vậy thì 100 năm sau ở đô thị Bạc Liêu, những công trình xây dựng sẽ ra sao khi có mặt nền không cao hơn mặt đường bao nhiêu và tác động của hiện tượng nước biển dâng lại mạnh hơn trước (nếu không có cách phòng tránh hữu hiệu)?
T.C
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!