Giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày hay trong công việc đều có những quy tắc cơ bản giúp giao tiếp trở nên tự nhiên và người nói đạt được mục đích giao tiếp. Và không phải ai sinh ra cũng có khả năng giao tiếp hoàn hảo, nhất là trước đám đông. Tuy nhiên, giao tiếp hay nói chuyện trôi chảy đều có thể rèn luyện được. Học cách nói chuyện lưu loát qua những bí kíp trong bài viết này và xem kỹ năng giao tiếp của bạn tiến bộ như thế nào nhé.
1. Biết rõ mình đang nói gì
Trong giao tiếp hàng ngày có thể có nhiều cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên mà nội dung của cuộc trò chuyện không nằm trong dự tính của bạn. Khi đó, khả năng ứng biến theo câu chuyện và lời nói của đối phương là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những trường hợp mà chúng ta thường khó bắt kịp với câu chuyện và không giao tiếp trôi chảy được.
Tuy nhiên, khi đã biết trước nội dung của cuộc nói chuyên, cuộc họp, trao đổi, bạn có thời gian để chuẩn bị cho nó. Lúc này, hãy tận dụng thời gian để chuẩn bị trước những gì bạn cần nói và sẽ được nghe. Ví dụ như tìm hiểu trước về chủ đề của một buổi webninar sẽ giúp bạn nhanh chóng bắt kịp với chia sẻ của người nói và chủ động với câu hỏi của mình.
2. Nói chuyện từ tốn, bình tĩnh
Để học cách nói chuyện lưu loát, hãy rèn cho mình thói quen nói chuyện thật bình tĩnh, từ tốn. Hãy kiểm soát tốc độ nói của bạn sao cho nó không quá nhanh hay quá chậm.
Cứ tưởng tưởng khi bạn vừa chạy vừa nói, thật khó để nói cho tròn vành rõ chữ mà không bị hụt hơi. Khi giao tiếp bình thường cũng vậy. Nếu nói quá nhanh, bạn sẽ dễ bị nuốt chữ, vấp, và hụt hơi, thậm chí âm lượng của giọng nói có thể bị tăng lên đột ngột, gây khó chịu cho người nghe.
Vì vậy, hãy nói rõ ràng và mạch lạc nhất có thể, từ từ để người nghe hiểu bạn đang nói gì. Luyện tập được tác phong nói chuyện từ tốn và lịch sự sẽ giúp bạn cải thiện khả năng ăn nói đáng kể.
3. Nói những câu ngắn, dễ hiểu
Dù bạn đang nói chuyện phiếm với bạn bè hay thuyết trình bảo vệ luận án tốt nghiệp, bí quyết để nói lưu loát là KHÔNG nói dài dòng, lòng vòng, sử dụng từ ngữ cao siêu, khó hiểu, trừ phi đó là từ chuyên ngành.
Hậu quả của việc nói dài dòng là bạn sẽ dễ quên mất mình phải nói gì hoặc lạc đề. Nhất là khi nói chuyện trước đám đông, việc “quên bài” sẽ dễ dàng đẩy bạn vào tình huống nói năng ngắc ngứ, lúng túng và thiếu chuyên nghiệp.
Đối với những người mắc hội chứng ngại giao tiếp trước đám đông (Glossophobia), đây là một cách hiệu quả để loại bỏ nỗi sợ và nói chuyện thoải mái hơn.
4. Nhấn mạnh, ngừng nghỉ trong khi nói
Nói chuyện cũng cần có ngữ điệu nếu muốn cách giao tiếp của bạn trở nên thú vị và gây sức ảnh hưởng.
Ví dụ như trong buổi thuyết trình, sẽ có những nội dung quan trọng cần được nhấn mạnh, lúc này bạn cần chuyển giọng như tăng âm lượng hoặc thêm biểu cảm trong giọng nói (cuối câu nghi vấn chẳng hạn) để tạo điểm nhấn. Nếu từ đầu đến cuối, bạn cứ giữ mãi một tông giọng duy nhất, đều đều xuyên suốt bài thuyết trình, nó sẽ khiến người nghe rất chán và buồn ngủ.
Nói không ngừng nghỉ như một cái máy cũng dẫn đến hậu quả tương tự. Ngoài ra, nó còn khiến bạn nhanh mệt do hụt hơi. Ngừng nghỉ, ngắt quãng đúng lúc vừa giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi vừa giúp người nghe dễ theo dõi được cuộc hội thoại.
Đọc thêm: Kỹ Năng Thuyết Trình Là Gì? Bí Quyết Giúp Bạn Tự Tin Thuyết Trình Trước Đám Đông
5. Luyện tập nói một mình
Cách này cũng giống như khi bạn học nói một ngôn ngữ, cần có sự thực hành. Khi tập nói với chính bản thân mình, bạn sẽ tự mình lắng nghe giọng nói của bản thân và nhận ra những lỗi sai mà khi nói chuyện với người khác bạn không phát hiện được.
Bạn có thể thu âm lại bài nói của mình để dễ dàng đánh giá và tìm ra lỗi sai, cũng là cách để thấy rõ sự tiến bộ qua mỗi lần luyện tập của bạn.
6. Tập trung vào những gì mình nói
Một trong những lý do khiến bạn không thể giao tiếp một cách lưu loát là vì có quá nhiều sự xao nhãng trong lúc nói. Xao nhãng có thể đến từ các tác nhân bên ngoài như tiếng ồn nơi công cộng, v.v. Tuy nhiên, một loại xao nhãng nguy hiểm hơn rất nhiều là những suy nghĩ từ trong đầu bạn.
Cụ thể là khi bạn đang nói về chủ đề này nhưng đầu bạn lại bị xâm chiếm bởi hàng tá suy nghĩ ngổn ngang khác. Điều này hay xảy ra khi chúng ta không thực sự chú tâm vào cuộc nói chuyện đang diễn ra hoặc có quá nhiều mối bận tâm trong ta lúc đó.
Cách nói chuyện lưu loát tốt nhất ở đây là dẹp hết suy nghĩ không liên quan sang một bên và nói những gì bạn và đối phương đang cần nói. Hãy giải quyết từng cái một.
7. Đọc nhiều, nghe nhiều
Có một câu nói như thế này: “Người đọc nhiều là người nói chuyện rất thú vị.”
Bí quyết này không có tác dụng ngay lập tức nhưng nó thực sự là điều mà chúng ta nên làm nếu muốn học cách ăn nói lưu loát.
Một trong những bí kíp luyện thi IELTS Speaking mà bao nhiêu thế hệ học sinh được học đó chính là luyện đọc và nghe thật tốt. Vì khi đọc nhiều, chúng ta sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức, biết thêm nhiều chủ đề, từ vựng hay ho để vận dụng vào bài nói. Nghe nhiều cũng vậy và nó còn giúp ta cải thiện phát âm của mình.
Áp dụng kỹ thuật này vào học cách nói chuyện lưu loát cũng rất hiệu quả.
8. Sự tự tin có thể rèn luyện được
Tự tin là bí quyết để giao tiếp trôi chảy, nói năng lưu loát. Để rèn luyện sự tự tin, bạn có thể học từ cách thuyết trình trước đám đông.
Những bí quyết kể trên cũng chính là những cách thiết thực nhất để hình thành sự tự tin trong bạn. Ví dụ như khi đọc nhiều và hiểu nhiều, bạn sẽ có thêm kiến thức để tự tin trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình về một vấn đề trong phạm vi hiểu biết hoặc phản biện lại một lập luận nguỵ biện nào đó.
Tạm kết
Trên đây là những cách nói chuyện lưu loát mà bạn có thể áp dụng để tăng hiệu quả giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày hoặc trong công việc, học tập. Ghé Glints Blog để tìm đọc thêm nhiều bài viết hữu ích về cải thiện cách ăn nói trong giao tiếp nhé.
Tác Giả
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!