10 món chè giải nhiệt mùa Hè: Ngọt – mát – đẹp và dễ làm tại nhà Ẩm Thực Thông Thái

Thời tiết nắng nóng mà có bát chè mát mát, ngon ngon thì còn gì bằng.

10 món chè giải nhiệt mùa Hè: Ngọt - mát - đẹp và dễ làm tại nhà

Chè là món ăn được rất nhiều người yêu thích. Vị thanh ngọt, mát lạnh của những ly chè thơm ngon, cùng với nhiều hương vị khác nhau sẽ đánh bay cái thời tiết nóng bức ngày hè. Hãy cùng thử ngay 10 món chè giải nhiệt mùa hè vừa ngon, bổ lại vừa độc, lạ dưới đây nhé!

1. Chè nấm tuyết hạt sen

Chè có hương vị giòn giòn của nấm tuyết, bùi bùi của hạt sen, của táo tàu và đặc biệt là vị ngọt thanh mát tự nhiên từ đường phèn khiến nhiều người thích thưởng thức món chè nấm tuyết hạt sen vào những ngày nắng nóng cực độ.

Cách làm chè nấm tuyết hạt sen cũng khá đơn giản, chỉ cực ở phần chuẩn bị nguyên liệu mà thôi. Nấm tuyết bạn đem rửa sạch rồi ngâm trong nước 20 phút cho mềm, cắt bỏ phần chân nấm. Táo tàu và hạt câu kỷ tử rửa sạch để ráo nước, hạt sen loại bỏ tâm sen để không bị đắng. Nấm tuyết sau khi đã ngâm mềm thì tách thành những nhánh nhỏ cho vào nồi đổ 150ml nước.

Bật bếp nấu cho sôi lên thì để lửa nhỏ, nấu khoảng 20 phút.Tiếp theo bạn cho hạt sen vào nấu khoảng 15 phút để hạt sen chín mềm. Cho táo tàu vào nồi chè nấu cho sôi khoảng vài phút thì cho đường phèn vào. Lượng đường bạn có thể tùy chỉnh sao cho độ ngọt như ý. Sau cùng bạn cho hạt câu kỷ tử vào nấu cho sôi lên 2 phút nữa là tắt bếp.

Chè hạt sen nấm tuyết có thể thưởng thức khi nóng hay lạnh tùy theo sở thích, nếu thích ăn lạnh bạn cho nồi chè vào tủ lạnh khoảng 2-3 tiếng là có thể múc chè ra bát thưởng thức. Chè hạt sen nấm tuyết vừa mát bổ lại rất tốt cho sức khỏe.

2. Sâm bổ lượng

Sau chè nấm tuyết hạt sen thì sâm bổ lượng chính xác là món chè còn phổ biến hơn nhiều, vì nó tập hợp nguyên liệu còn nhiều hơn cả chè nấm tuyết hạt sen, bổ dưỡng hơn. Bắt nguồn từ Quảng Đông, Trung Quốc thì sâm bổ lượng có tác dụng giải nhiệt, bồi bổ cơ thể, là sự kết hợp hoàn hảo từ các nguyên liệu tự nhiên.

Sơ chế các nguyên liệu như bo bo, hạt sen, củ sen, củ năng… từ tối hôm trước thì sáng hôm sau làm qua vài công đoạn nữa là bạn hoàn toàn có thể làm ra một nồi sâm bổ lượng “ngon lành cành đào” rồi! Bo bo ngâm với nước sôi qua đêm (4 đến 5 giờ) cho nở mềm rồi bắc lên bếp luộc với 200ml nước khoảng 15 phút cho chín mềm.

Củ sen gọt vỏ cắt lát mỏng khoảng 1cm, củ năng gọt vỏ, cắt làm đôi nếu củ quá to, đem cả 2 rửa sạch. Cho củ sen, củ năng vào nồi đun cùng với 2 lít nước ở lửa vừa. Khi nước sôi hạ lửa nhỏ, hầm khoảng 10 phút để củ sen và củ năng vừa chín tới. Hạt sen ngâm với nước ấm 20 phút rồi cho vào nồi luộc mềm cùng 200ml nước. Đổ hạt sen cùng với nước luộc vào nồi chè, thêm đường phèn vào rồi khuấy đều cho đường tan.

Tiếp tục nấu 10 phút nữa cho các nguyên liệu ngấm đường. Thêm nhãn nhục ngâm mềm và táo tàu ngâm nở vào. Nấu tiếp 5 phút thì cho phổ tai đã ngâm mềm vào nồi, khuấy đều rồi nhắc xuống. Phổ tai rất nhanh chín nên bạn không cần phải nấu quá lâu sẽ mất đi độ giòn sựt.

Múc bo bo vào ly, thêm sâm và đá nhuyễn và bạn đã có 1 ly sâm bổ lượng mát lạnh bổ dưỡng cho ngày nóng rồi.

3. Chè khoai dẻo

Chè khoai dẻo là một loại tráng miệng của người Đài Loan vừa xuất hiện thị trường Việt Nam thời gian gần đây, món chè ngon lành với những viên khoai lang dẻo thơm, kết hợp với thạch cao quy linh mềm tan ngay trong miệng. Lại thêm nước đường ngọt lịm, nước cốt dừa béo ngậy thêm vài viên đá mát lạnh là siêu cuốn hút luôn.

Nguyên liệu:

  • 2 củ khoai lang mật
  • 2 củ khoai lang vàng (chọn vàng đậm)
  • 2 củ khoai lang màu trắng hoặc vàng nhạt để pha màu cho dễ lên màu
  • Ngoài ra nếu thích màu tím làm thêm khoai lang tím giữ nguyên bản màu.

Cứ một màu khoai (ví dụ hai củ khoai lang mật) pha với:

  • 40gr bột năng
  • 20gr bột nếp
  • 15gr đường cát trắng
  • 30gr mật ong

Ngoài ra cần có các nguyên liệu khác:

  • Đường cát vàng Biên Hoà
  • Nước cốt dừa đóng lon hoặc tự làm
  • Kem béo Rich
  • Bột trà xanh
  • Đậu đỏ mắt cua (loại đậu hạt nhỏ)
  • Gừng
  • Thạch sương sáo đen hoặc cao quy linh (mua sẵn gói về pha và nấu)
  • Trân châu đường đen

Cách làm

Với đậu đỏ ngâm nước qua đêm cho mềm hôm sau chỉ việc hấp lại 10-15p rất nhanh chín. Trước khi hấp nên luộc qua 1-2 nước rồi rửa lại để đậu bớt chát ở phần vỏ. Hấp chín rồi trộn với chút đường hoặc mật ong.

Các loại khoai rửa thật sạch, để nguyên vỏ, cắt khúc cho tất cả vào nồi hấp, khoai chín phân loại từng màu và bóc vỏ để riêng.

Tán nhuyễn từng màu khoai, lúc khoai đang ấm nóng thì cho đường, mật ong vào trước để đường dễ tan, trộn thật đều rồi rây bột năng, bột nếp vào. ho từng thìa nước nhỏ (nước sôi nóng, nên dùng nước nóng để bột được nở đều và dẻo mịn hơn) nhào đến khi thành khối bột mềm dẻo.

Lăn khối bột thành hình trụ tròn nhỏ bằng ngón tay trỏ sau đó cắt thành từng khúc nhỏ xíu như hình. Làm lần lượt như vậy với mỗi màu. Riêng màu xanh nên dùng khoai lang trắng hoặc khoai lang có màu vàng thật nhạt pha với khoảng 7gr bột trà xanh.

Sau khi nhào nặn xong thì nên dùng bột áo là bột năng để chống dính, khi luộc rây bớt phần bột năng thừa đó đi.

Đun sôi một nồi nước thật to, nước thật sôi thả hết khoai dẻo vào luộc,đến khi khoai nổi lên trên thì hạ nhỏ lửa luộc thêm 10-15p nữa để khoai chín kĩ hơn. Khoai chín vớt ra chậu nước có thả vài cục đá, đợi khoai nguội vớt từng màu ra mỗi bát. Thêm chút siro đường ngô hoặc đường cát trắng, hoặc mật ong đảo đều để giữ độ dẻo và chống dính cho khoai.

Các loại thạch sương sáo hoặc cao quy linh nên mua gói bột bán sẵn về tự nấu, nấu từ hôm trước để đỡ vất vả làm nhiều thứ cùng một lúc, cắt nhỏ thành sợi dài hoặc vuông nhỏ tuỳ ý.

Trân châu mọi người sử dụng trân châu đường đen làm từ lúc làm sữa tươi trân châu đường đen cho ngon và thơm.

Phần nước chan

Mình chỉ nấu đường hoa mai vàng với gừng,nấu khoảng 1l nước trắng với 300gr đường hoa mai vàng, ngọt nhạt mọi người tự điều chỉnh được. Nước sôi hớt bọt đập dập một miếng gừng cho vào là xong.

Cách nấu nước cốt dừa

Có thể dùng cùi dừa già, gọt hết lớp vỏ nâu bên ngoài, cắt nhỏ cùi rồi đem xay nhỏ đem lọc qua hai lần nước để lấy nước cốt hoặc dùng lon cốt dừa mua sẵn.

Hoà 200gr nước cốt dừa với 150gr kem béo Rich, 50gr sữa đặc ông thọ, thêm vào 1-2 muỗng canh bột năng (nên hoà bột năng với xíu nước cho tan trước khi đổ vào nồi), 1/4-1/3 muỗng cà phê muối, khuấy đều các nguyên liệu, đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn là được. Khi nguội hỗn hợp sẽ đặc sánh hơn. Mọi người cũng có thể điều chỉnh theo ý muốn nhưng nên có đủ các nguyên liệu trên nước cốt dừa sẽ luôn ngon và béo ngậy.

Khi ăn bày mỗi thứ một ít ra bát, chan nước đường gừng và múc nước cốt dừa lên trên.

4. Chè bưởi

Chè bưởi là món chè rất được các mẹ yêu thích trong tất cả các mùa chứ không chỉ trong những ngày nóng bức. Và muốn làm được chè bưởi cũng phải bỏ túi vài bí kíp để phần bưởi giòn không đắng, ăn với đá hoặc giữ lạnh đều rất ngon.

Việc chọn bưởi để làm chè bưởi cũng rất quan trọng, bạn phải lựa chọn bưởi da xanh, hoặc Năm Roi, trái bưởi vừa chín tới không quá non cũng không quá già.

Phần cùi trắng bạn cắt ra thành những miếng hạt lựu nhỏ đều nhau. Ngâm cùi bưởi với 200ml nước và 2 muỗng cà phê muối trong 30 phút. Nếu thấy cùi bưởi sau khi ngâm nở lớn hơn thì bạn cắt nhỏ tiếp, cùi bưởi càng nhỏ thì đỡ xơ và dễ dàng hết đắng hơn. Sau 30 phút, bạn lọc bỏ phần nước muối, thêm nước lạnh vào rồi bóp cùi bưởi dưới nước, sau đó vắt khô. Cứ làm nhiều lần như vậy đến khi ăn thử một miếng bưởi thấy hết đắng là được (có thể phải xả và vắt đến hơn 10 lần). Khi thấy bưởi hết đắng, bạn vắt khô và để ráo.

Nấu 400ml nước và 20gr phèn chua đến khi nước sôi bùng lên. Cho cùi bưởi vào trụng, đến khi nước sôi lại thì vớt ra, xả qua nước lạnh rồi vắt ráo một lần nữa. Sau khi vắt ráo, bạn cho bưởi ra tô sạch, thêm 100gr đường vào rồi trộn đều, chờ đến khi đường tan hết nước (khoảng 30 phút).

Sau đó cho cùi bưởi vào chảo chống dính, rang đều tay ở lửa nhỏ nhất (lửa nhỏ để đường không bị cháy), đến khi nước đường bay hơi hết thì nhắc xuống. Cho bưởi ra tô lớn, tranh thủ lúc cùi bưởi còn nóng bạn cho bột năng vào đảo đều để bột năng thấm sâu vào cùi bưởi. Bắc một nồi nước, chờ đến khi nước sôi bùng sau đó hạ nhỏ lửa. Lúc này bạn chia thành 2 đợt, lần lượt cho cùi bưởi vào luộc. Khi cùi bưởi nổi lên mặt nước có nghĩa là cùi đã chín, bạn vớt ra cho vào tô nước đá lạnh để cùi bưởi được giòn hơn.

Pha sẵn phần nước đường để ngâm bưởi gồm 150ml nước ấm và 100gr đường. Chắt ráo phần nước đá lạnh, đổ nước đường vào cùi bưởi. Cách này sẽ làm phần vỏ bột năng bên ngoài bưởi thấm vị ngọt, bưởi không dính vào nhau và các bạn có thể dùng phần bưởi này như một loại thạch, làm topping uống chung với các loại trà sữa hay hồng trà đều ngon.

Cho vào nồi 100gr đậu xanh đã ngâm mềm cùng với 300ml nước, nấu đến khi nước sôi thì vớt bọt, hạ nhỏ lửa hầm khoảng 5 phút cho đậu mềm. Thêm 250gr đường, 1/2 muỗng cà phê muối vào, khuấy đều, nấu 10 phút ở lửa nhỏ cho đậu ngấm đường. Pha 30gr bột năng với 30ml nước lạnh. Đổ nước bột năng vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi thấy nặng tay, nước chè sánh đặc lại là được. Nấu thêm 1 phút cho bột năng chín thì nhắc xuống.

Cho 500ml nước cốt dừa cùng 1 muỗng canh bột năng vào nồi, khuấy đều cho tan bột năng. Bật bếp ở lửa nhỏ, khuấy liên tục đến khi nước cốt dừa sệt lại thì nhắc xuống.Khi ăn múc chè đậu xanh ra ly, tiếp đến là thạch bưởi, rồi đến đá đập nhuyễn, thêm nước cốt dừa và cuối cùng là đậu phộng rang. Theo cách này bạn sẽ có được một ly chè bưởi nhiều tầng nhìn rất đẹp mắt, ngoài ra còn có thể điều chỉnh được độ nhiều ít của từng thành phần theo sở thích nữa.

5. Chè chuối chưng

Nguyên liệu:

  • 4 trái chuối chín
  • 450-500 ml nước cốt dừa
  • 1/2 chén bột báng
  • 1/2 chén đường vàng
  • Đậu phộng
  • Chút muối
  • Khoai lang: 1 củ

Cách làm:

Bạn bóc vỏ chuối, ngâm với nước muối cho ra hết vị chát, sau đó vớt chuối ra, thái lát dày khoảng 2cm, ướp cùng 2 muỗng canh đường cho ngấm nhé.

Ngâm bột báng vào nước lạnh đến khi nở ra.

Đậu phộng bạn đem rang vàng rồi giã nát.

Gọt sạch vỏ khoai lang, ngâm nước cho ra hết nhựa sau đó cắt thành từng khối vuông nhỏ, đem luộc chín.

Cho 1/2 phần nước cốt dừa, pha loãng cùng một chút nước (tổng cộng khoảng gần 1 lít), cho thêm đường và 1 nhúm muối nhỏ, đun sôi lên.

Cho bột báng vào nồi, đun ở lửa nhỏ, dùng thìa khuấy nhẹ và đều để bột không dính dưới đáy nồi.

Cho nốt phần nước cốt dừa còn lại vào, thêm chuối, khoai lang và nấu khoảng 15 phút đến khi chuối mềm và bột báng nở đều, trong suốt là được.

Nêm nếm đường cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp, múc chè ra bát, rắc thêm đậu phộng lên trên, có thể thêm chút dừa nạo hoặc dừa khô nếu thích. Vậy là món chè chuối chưng hấp dẫn đã được ra đời rồi đó!

6. Chè dưỡng nhan

Chè dưỡng nhan làm đẹp cơ thể từ bên trong, dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Trời nắng nóng, ăn một chén chè dưỡng nhan hạt chia thanh mát thì còn gì tuyệt hơn, cùng bắt tay làm ngay nhé mọi người.

Nguyên liệu:

  • Tuyết yến: 10 gr
  • Nhựa đào: 10 gr
  • Tuyết liên tử: 20 gr
  • Long nhãn: 100 gr
  • Hạt kỷ tử: 20 gr
  • Hạt chia: 10 gr
  • Táo tàu: 100 gr
  • Đường phèn: 300 gr
  • Nước: 1.5 lít

Cách làm:

Ngâm 10gr Tuyết yến và 10gr Nhựa đào trong nước lọc qua một đêm, khoảng 12-13 tiếng, cho nở mềm. Mang đi rửa lại với nước, đãi sạch cát, bụi, và tạp chất.

Rửa sạch 100gr long nhãn, 20gr hạt kỷ tử, 20gr tuyết liên tử, loại bỏ sạch cát, và bụi bẩn. Để ráo nước.

Rửa sạch 100gr táo tàu, để ráo nước. Khía vài đường trên quả táo, giúp khi nấu, táo sẽ ra dưỡng chất làm phần nước chè ngọt và thanh mát.

Cho 1.5 lít nước lọc vào nồi, cho 10 nhựa đào đã ngâm mềm vào nấu trong 10 phút. Tiếp theo cho tuyết yến và 300gr đường phèn, 100gr táo đỏ vào đun thêm 5 phút. Cho 10gr hạt chia và 20gr kỷ tử vào ly nước ấm, khuấy tan rồi đổ vào nồi, nấu thêm 5 phút nữa. Nước sôi tắt bếp.

Không nấu tuyết yến quá 30 phút, sẽ làm nhũn ra, không kéo sợi, làm mất vị ngon của chè dưỡng nhan.

Để chè dưỡng nhan hạt chia nguội. Có thể bỏ ra chén hoặc chiết vào chai. Chè dưỡng nhan hạt chia ngon nhất khi dùng lạnh. Đây là món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bổ sung collagen, tốt cho sắc đẹp của chị em phụ nữ.

7. Chè bắp nước cốt dừa

Chè bắp nước cốt dừa được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng. Chén chè khá đẹp mắt với những hạt bắp vàng ươm, vị giòn ngọt hấp dẫn, nước chè hơi đặc, vị ngọt dịu và thoang thoảng mùi bắp thơm, kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy, không chỉ ngon mà còn nhiều dưỡng chất.

Nguyên liệu

  • Bắp tươi: 3 bắp
  • Đường cát trắng: 1 chén
  • Bột sắn dây: 3 muỗng canh
  • Muối trắng
  • Nước cốt dừa: 200ml
  • Mè rang: 1 muỗng cà phê

Cách làm

Bắp sau khi mua về bạn bóc bớt lớp vỏ ngoài, vẫn giữ lại lớp vỏ trong (để khi luộc sẽ giúp nước luộc thơm và ngọt), đem bắp đi rửa sạch với nước.

Chuẩn bị một cái nồi lớn, xếp bắp vào nồi rồi đổ nước lọc vào (lượng nước đủ để ngập bắp) bật bếp nấu cho đến khi bắp chín. Lưu ý, bạn chỉ nên luộc cho bắp chín tới là được, nếu luộc kỹ quá bắp sẽ bị nát, gây khó khăn cho việc sơ chế tiếp theo.

Khi bắp đã chín, bạn vớt ra để nguội, phần nước luộc bắp giữ nguyên.

Để nấu chè bắp bạn phải tách hạt bắp ra khỏi lõi. Nếu muốn nấu chè bắp nguyên hạt, bạn dùng tay tách từng hạt bắp, cách này sẽ lâu nhưng lại cho ra thành phẩm món ăn đẹp mắt. Nếu muốn nhanh hơn, bạn dùng dao bào gọt hết phần hạt bắp ra ngoài, giữ lại phần lõi.

Phần lõi bắp bạn cho lại vào nồi nước luộc vừa nãy, thêm nước lọc vào (sao cho lượng nước trong nồi đủ để nấu chè), bật bếp nấu liu riu cho đến khi nước có vị ngọt hấp dẫn thì tắt bếp, thời gian nấu khoảng 25 – 30 phút. Dùng đũa vớt hết lõi bắp, vỏ bắp và râu bắp ra ngoài, đợi cho lắng cặn thì lọc qua rây để lấy phần nước trong nấu chè. Bí quyết giúp món chè bắp có vị ngọt tự nhiên và hương thơm thoang thoảng chính là ở bước này.

Sau khi lọc phần nước luộc bắp, bạn cho phần hạt đã tách riêng ở bước 2 vào trong nồi nước luộc, bắc lên bếp nấu cho đến khi bắp chín mềm. Lưu ý là để lửa nhỏ liu riu, nấu khoảng 20 phút nữa cho hạt bắp chín mềm, khi nấu hãy cho thêm chút đường và chút muối, làm như vậy sẽ giúp món chè đậm đà hơn.

Khi bắp đã chín mềm, bạn nêm nếm lượng đường vừa ăn.

Bột sắn dây đổ vào một cái chén nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội rồi hòa tan hoàn toàn. Từ từ đổ bột sắn dây vào nồi, vừa đổ vừa dùng muôi khuấy đều trong vài phút cho đến khi bột sắn chuyển sang màu trong suốt, đồng thời tạo độ sánh đặc cho món chè. Bước này bạn phải làm thật khéo để tránh bột sắn dây bị vón cục, như vậy chè sẽ mất ngon và có thể bị hỏng. Cuối cùng, tắt bếp rồi múc ra chén, để nguội.

Bạn múc chè ra chén hoặc ly tùy ý, rưới thêm chút nước cốt dừa và rắc mè rang (hoặc đậu phộng rang giã dập lên trên) rồi thưởng thức. Bạn cũng có thể thêm chút dừa nạo để ăn cùng.

8. Chè vải hạt sen

Món chè vải hạt sen có vị bùi và giòn của hạt sen tươi kết hợp cùng vị ngọt của vải sẽ là món giải khát lý tưởng cho mọi người. Đang vào mùa vải thiều chín đỏ cũng là lúc hạt sen tươi đã vừa đủ già để bở tơi mềm khi nấu, các mẹ cùng làm món chè vải hạt sen thật thơm ngon chiêu đãi cả nhà nhé. Cách nấu cực kỳ đơn giản, chỉ cần khoảng 20 phút là cả nhà sẽ có món chè vừa thanh vừa mát, tráng miệng ngon tuyệt vời rồi.

Nguyên liệu

  • 500 gr vải thiều
  • 1 lít nước lọc
  • 100 gr hạt sen tươi (đã bỏ tâm sen đắng bên trong)
  • 100 gr đường (có thể gia giảm tuỳ khẩu vị)

Cách làm

Lột vỏ vải rồi dùng kéo hoặc dao tách hột ra khỏi phần thịt vải. Sau đó rửa sạch lại.

Đun sôi 1 lít nước sau đó cho hạt sen tươi đã rửa sạch vào nấu khoảng 10 phút, hớt bọt, tắt bếp. Cho tiếp 100 gr đường vào, trộn đều, vớt hạt sen ra, giữ lại phần nước trong nồi.

Hạt sen sau khi luộc xong để nguội và ráo nước, rồi lần lượt nhét từng hạt sen vào trong trái vải.

Đun sôi phần nước luộc hạt sen, thả vải và hạt sen còn dư lại vào nước đường nấu thêm khoảng 3 phút nữa, cuối cùng bạn cho vài giọt dầu chuối vào, vớt bọt để nước được trong. Vậy là xong rồi.

Để cho chè nguội thì múc ra chén, có thể thêm chút đá bào để thưởng thức. Vị ngọt thơm và thanh mát của món chè vải hạt sen sẽ khiến mùa hè của bạn thêm thú vị hơn nhiều đấy!

9. Chè thưng cốt dừa

Chè thưng hay còn gọi là chè bà ba – món chè thập cẩm ngon nổi tiếng của người miền Nam có hương vị thơm ngon, chút béo ngậy nhưng ăn không bị ngán, vị ngọt thanh, rất dễ ăn. Khi nhìn vào món chè thưng bạn sẽ thấy rất nhiều nguyên liệu tuy nhiên thực ra lại rất dễ chế biến. Chỉ với chút thời gian rảnh rỗi buổi chiều là các mẹ đã có thể nấu được nồi chè thưng ngon đúng điệu rồi.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Khoai lang: 2 củ nhỏ tuổi có thể chọn khoai trắng, khoai tím hay khoai lang vàng đều được.
  • Đậu phộng: ½ bát con (miền Bắc gọi đậu phộng là lạc)
  • Sắn (còn gọi là khoai mì): 1 củ nhỏ nếu là củ to thì chỉ cần 1 khúc là được.
  • Hạt sen: ½ bát con. Chọn mua loại hạt sen khô, có thể đã thông tâm hoặc còn tâm
  • Đường cát: 300 gram. Có thể chọn loại đường cát vàng hoặc đường cát trắng đều được.
  • Đậu xanh: 1bát con. Chọn loại đậu xanh đã chà vỏ để thực hiện
  • Nước cốt dừa: 1 lon nước cốt dừa vắt sẵn hoặc 300 ml nước cốt bạn tự vắt
  • Bột khoai: ¼ bát con. Phần bột này bạn có thể mua tại các cửa hàng làm bánh
  • Lá dứa: 10 lá. Nên chọn loại lá dứa xanh sẫm, lá già để có mùi thơm nhất.
  • Bột báng: ¼ bát con. Phần bột này bạn có thể mua sẵn hoặc tự làm.
  • Phổ tai khô: 10 gram (đây là 1 trong những loại rong biển khô chuyên dùng nấu chè)
  • Bột nước cốt dừa: 2 thìa cafe

Cách nấu chè ngon

Bước 1: Làm sạch nguyên liệu

Hạt sen: Trước hết, rửa sạch chúng rồi ngâm qua nước khoảng 1/2 tiếng trước khi nấu

Khoai, sắn: Nạo sạch vỏ sau đó xắt thành những miếng vuông nhỏ, làm xong bạn cho khoai và sắn và ngâm với nước có pha một chút ít muối.

Đậu xanh, đậu phộng: Ngâm qua đêm cho hạt đậu mềm, nở, ngấm nước.

Bột báng: Bạn cần rửa sạch, ngâm mềm. Có thể ngâm bột báng khoảng 3 tiếng trướckhi ninh không nhất thiết phải ngâm qua đêm

Bột khoai: Ngâm qua đêm giống như đậu xanh, đậu phộng

Phổ tai khô: Rửa sạch cho hết bụi và cát. Rửa xong bạn cắt phần phổ tai này thành những đoạn ngắn rồi vẩy cho ráo nước.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu

Đậu phộng: Cho đậu phộng vào một nồi nhỏ kế tiếp đổ nước xâm xấp mặt đậu, ninh cho tới khi đậu mềm hãy vớt ra bát.

Đậu xanh: Tương tự như đậu phộng, cho đậu xanh vào nồi sau đó cho đậu vào ninh. Khi đậu vừa mềm thì bạn múc đậu ra bát, không nên ninh đậu mềm quá.

Hạt sen: Tương tự như những nguyên vật liệu cần thiết trên, bạn cho hạt sen vào nồi rồi hầm cho mềm. Hầm xong bạn vớt hạt sen ra bát.

Khoai, sắn: Cho mỗi thứ vào riêng một nồi. Tiếp theo, bạn chan nước vừa dùng và đun khoai và sẵn sôi trong khoảng 5 phút cho khoai và sẵn mềm hơn.

Bước 3: Nấu chè

Sau khi đã sơ chế xong nguyên liệu, bạn hãy chắt toàn cục nước đã dùng để ninh/nấu các phần nguyên liệu trên vào một nồi. Sau đó, bạn nêm thêm vào nồi khoảng 1.5 lít nước lã nữa.

Tiếp theo, trộn đều phần nước trên rồi cho thêm tiếp nước cốt dừa + bột nước cốt dừa vào. Đặt nồi nước này lên bếp và ban đầu cho khoai lang + sắn + lá dứa ninh cho tới khi chúng mềm hẳn.

Khi khoai và sắn bắt đầu mềm bạn từ từ cho đậu xanh + bột báng + hạt sen + đậu phộng + bột khoai vào chung. Vừa đun, bạn vừa khuấy nhẹ đều cho các nguyên liệu chín và ngấm kỹ với nhau.

Sau đó, bạn nêm đường cho đủ vị ngọt rồi cho phổ tai vào. Cuối cùng, bạn khuấy kỹ chè một đợt tiếp nữa rồi tắt bếp.

Vị béo ngậy của nước cốt dừa, vị bùi của đậu phộng quyện với mùi thơm của đậu xanh tạo ra một hương vị đặc trưng vô cùng độc đáo cho chè thưng.

10. Chè khúc bạch phô mai

Chè khúc bạch là cái tên quen thuộc mà đi đâu cũng thấy nhắc đến trong suốt những năm gần đây. Cứ mỗi độ hè về, chè khúc bạch phô mai với hương vị thơm mát, mềm mịn, ngậy béo như tan trong miệng lại trở thành món ăn được săn lùng nhiều nhất. Chi phí cho một bát chè này vào khoảng 30 – 35K, rất đáng để thử. Tuy nhiên, bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá nếu tự làm tại nhà đấy.

Nguyên liệu

  • Whipping cream : 200ml
  • Sữa tươi: 200ml
  • Đường: 150g
  • Phô mai con bò cười: 1 – 2 miếng tùy ý
  • Gelatin: 10g
  • Vải tươi: 20 trái
  • Bột trà xanh: 5g
  • Hạnh nhân lát: 20g
  • Nước lọc

Cách làm

Phô mai con bò cười bóc vỏ, cho vào bát, dùng thìa nghiền thật mịn.

Cho 200ml sữa tươi và 200ml whipping cream vào nồi, cho phô mai con bò cười vào, thêm 60g đường, khuấy đều tất cả lên sau đó đun trên bếp ở lửa nhỏ.

Lưu ý: Bạn đừng đun sôi hỗn hợp sữa nhé vì như vậy khúc bạch sẽ không ngon.

Hòa tan bột gelatin với khoảng 20ml nước lọc, để trong 5 phút cho gelatin nở, cho gelatin vào nồi, khuấy đều tay cho tan hết rồi tắt bếp.

Dùng khuôn hình chữ nhật để làm khuôn thạch

Làm khúc bạch thường: Cho 1/2 hỗn hợp sữa đã nấu vào khuôn, đợi đến khi đông là đạt

Làm khúc bạch trà xanh: Lấy 5g bột trà xanh hòa tan với khoảng 15ml nước ấm rồi cho vào phần sữa còn lại. Đổ hỗn hợp vào khuôn và đợi đông nhé!

Ở bước này, bạn có thể thay bột trà xanh bằng các loại bột, siro khác để tạo ra hương vị mà mình yêu thích.

Chờ cho hai khuôn khúc bạch nguội hẳn thì đem cất vào tủ lạnh 2 – 3h để khúc bạch đông lại.

Hạnh nhân lát đem rang cho đến khi hạnh nhân vàng giòn đẹp mắt.

Làm nước đường: Cho khoảng 250ml nước với đường vào nồi, đun đến khi đường tan hết, hỗn hợp đặc lại và ngả sang màu cánh gián thì tắt bếp, bắc nồi ra để nước đường nguội hẳn.

Lấy khúc bạch ở trong tủ lạnh ra, dùng dao cắt thành từng miếng vừa ăn, cho ra bát, thêm đá, hạnh nhân, nước đường, vải ngâm vào, trộn đều lên và thưởng thức nhé.

Chè có vị ngọt thanh mát, từng viên khúc bạch mềm mịn như tan trong miệng, béo ngậy vị phô mai, ăn kèm với hạnh nhân bùi bùi và vải ngâm giòn sần sật chắc chắc sẽ khiến bạn mê mẩn ngay lần thử đầu tiên.