1. Hiểu về sự kiện. Đối với tất cả các loại lễ kỷ niệm, dù là lễ thành hôn, lễ tốt nghiệp, lễ trưởng thành của người Do Thái hay chương trình thực tế trên truyền hình thì việc am hiểu về sự kiện là vô cùng quan trọng. Loại hình sự kiện giúp MC biết cần tạo nên bầu không khí như thế nào. Nắm được tình hình, điều cần nói và những gì sắp diễn ra là bí quyết để trở thành một MC giỏi.
- Cân nhắc gặp gỡ ban tổ chức, nắm bắt khung chương trình và xem lại chi tiết kịch bản sự kiện.
2. Nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân. MC chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì bầu không khí đáng mong đợi trong suốt sự kiện. Bầu không khí như vậy có thể khác nhau tùy theo từng loại hình sự kiện, dù rằng đa số chương trình cần tới MC thường mang tính chất vui vẻ và sôi động. Với vai trò MC, nhiệm vụ chính của bạn bao gồm:
- Đảm bảo sự kiện diễn ra thuận lợi và dẫn dắt chương trình.
- Thu hút sự quan tâm của khán giả và khiến họ vui vẻ.
- Làm cho khán giả cảm thấy được tôn trọng và tương tác với họ trong suốt sự kiện.
- Giúp diễn giả cảm thấy được quý mến.
- Đảm bảo chương trình diễn ra đúng thời gian đã ấn định.
- Cập nhật cho khán giả nắm được những gì đang diễn ra tại sự kiện.
3. Hiểu rõ vai trò của mình. Nghề MC đòi hỏi khiếu hài hước tuyệt vời, khả năng làm vừa lòng khán giả và kinh nghiệm nói trước công chúng. Thế nghĩa là bạn cần luôn sẵn sàng ứng biến để có thể phản ứng kịp thời trước bất kỳ tình huống nào phát sinh. Ví dụ: Có thể MC phải mua vui cho khán giả trong giây lát khi đang đợi diễn giả tiếp theo đi vệ sinh hay thay micro hỏng.
- Nhớ luôn tươi cười. Nụ cười đem lại bầu không khí vui tươi, thoải mái cho sự kiện và khiến MC trông hoạt bát hơn.
- Luôn nhớ rằng MC cũng chính là người của công chúng. Nhiệm vụ của bạn là giúp mọi người tỏa sáng tại sự kiện.
4. Nghiên cứu kỹ lưỡng. Hãy liên hệ với diễn giả chính, tìm hiểu về tiểu sử của họ và sử dụng thông tin đó để chuẩn bị phần giới thiệu. Việc nghiên cứu tiểu sử làm cho đoạn giới thiệu bạn viết nghe thân mật và chân thật hơn.
- Tìm hiểu xem có vị khán giả đặc biệt nào nên được xướng tên trong suốt quá trình diễn ra sự kiện hay không.
- Nhớ nhìn lại tên và chức danh của mọi người để biết cách giới thiệu trên sân khấu khi chuẩn bị tới lượt họ phát biểu.
5. Sắp xếp công việc một cách khoa học. Tự tạo hoặc ôn lại kịch bản chương trình có sẵn và lập thời gian biểu theo từng phút cho sự kiện. Nhớ tính đến cả thời gian lên xuống sân khấu, giới thiệu diễn giả và phần phát biểu hoặc cảm ơn từ thành phần khách mời.
- Cân nhắc soạn kịch bản nháp về điều bạn sắp nói trong suốt đêm diễn ra chương trình. Kịch bản này là thứ người dẫn chương trình có thể học thuộc, bên trong gồm nhiều mẩu giấy nhắc việc hoặc ý chính được vạch sẵn để MC bám theo từ đầu đến cuối sự kiện.
- Với tư cách là MC, bạn nên bảo trưởng ban tổ chức rằng mình sẽ chỉ chịu sự điều hành từ người phụ trách. Nếu có bất kỳ thay đổi nào liên quan tới chương trình, chỉ khi người phụ trách chấp thuận thì MC mới làm theo. Điều này làm giảm bớt tình trạng lộn xộn và không ăn ý trong suốt sự kiện, đồng thời khiến chương trình diễn ra trơn tru hơn.
II. TRONG SỰ KIỆN
1. Giữ bình tĩnh.MC thường phải chịu rất nhiều áp lực. Sự kiện thành công là nhờ đóng góp to lớn của MC trong việc khéo léo chèo lái chương trình. Dù bầu không khí trong quá trình sự kiện diễn ra có thể trở nên sôi động, bạn cần bình tĩnh và chú ý duy trì hình ảnh MC. Để luôn giữ bình tĩnh, hãy thử:
- Tiếp tục dẫn bình thường dù mắc lỗi. Việc dừng lại chỉ khiến lỗi lộ rõ hơn. Cố gắng thích ứng với hoàn cảnh và bỏ qua lỗi để tiếp tục. Nếu làm được điều này, khán giả gần như sẽ quên đi phút lầm lỡ đó.
- Tìm một điểm để nhìn trong khi nói. Nhìn khán giả lúc đang nói có thể khiến bạn thêm phần lo lắng. Thay vào đó, thử hướng mắt về phía đỉnh đầu của họ nhằm giảm bớt việc nhìn nhau chằm chằm.
- Nói chậm lại. Nói quá nhanh chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy MC đang lo lắng. Nói với tốc độ như vậy có thể dẫn đến phát âm sai và lắp bắp, làm cho mọi người không hiểu gì. Tránh vội vàng và nên ngắt nghỉ một chút giữa mỗi câu.
2. Chuẩn bị cho phần mở màn sự kiện. Giới thiệu bản thân và chào mừng quý khán giả đến với sự kiện. Nhận diện rõ nhóm khán giả mục tiêu và chào đón riêng từng người. Màn chào mừng không nhất thiết phải dài dòng, nhưng thông tin đưa ra cần chính xác.
- Ví dụ: Bạn có thể nói “Nhiệt liệt chào mừng toàn thể thành viên trong Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã không quản ngại đường xá xa xôi, bớt chút thời gian vàng ngọc để tới tham dự chương trình của chúng ta ngày hôm nay”.
3. Giới thiệu diễn giả. MC có trách nhiệm mời các diễn giả lên sân khấu, cũng như giới thiệu những nhân vật quan trọng có mặt tại sự kiện. Diễn giả càng đặc biệt thì phần giới thiệu về họ càng cần chi tiết và ấn tượng. Khi đã giới thiệu xong, hãy xin khán giả một tràng pháo tay cổ vũ nhân vật khách mời cho đến khi họ cầm micro. Khi diễn giả phát biểu xong, tiếp tục đề nghị khán giả vỗ tay tán dương lúc họ rời sân khấu và trên đường trở lại chỗ ngồi.
- Một trong những trách nhiệm lớn nhất của MC là đảm bảo chương trình diễn ra đúng thời gian đã ấn định, vì vậy đừng ngại báo cho diễn giả biết nếu họ nói quá thời lượng cho phép. Bạn có thể chuyển cho họ mẩu giấy nhắc hoặc ra hiệu, chẳng hạn như giơ ngón tay trỏ lên trời rồi quay tròn để cố gắng truyền đi thông điệp “làm ơn nhanh lên chút”.
- Trước khi tiếp tục giới thiệu phần sau, nhớ cảm ơn diễn giả vì bài phát biểu và nhắc lại một chút về điều họ đã đề cập khi còn ở trên sân khấu. Việc đề cập lại có thể khá vui, thú vị hay sôi nổi. Điều này cho thấy MC tập trung và đồng thời khẳng định giá trị bài nói của diễn giả.
4. Kết nối các phần. Hãy pha trò một chút để liên kết phần trước với phần sau dễ dàng hơn. Trước khi sự kiện bắt đầu, bạn nên cố gắng chuẩn bị vài tư liệu như lời bình, giai thoại hay truyện cười để sử dụng giữa các phần. Bên cạnh đó, bạn nên đưa ra nhận xét về những gì vừa diễn ra. Cố tìm điều gì đó vui nhộn và ý nghĩa về diễn giả hay màn biểu diễn trước và lấy đó làm tiền đề để chuyển sang diễn giả hoặc màn biểu diễn tiếp theo.
- Nếu bản thân rơi vào tình huống khó xử, thử hỏi khán giả vài câu xem sao. Đó nên là kiểu câu hỏi “có” hoặc “không”, nhờ vậy, bạn có thể giúp khán giả tập trung và chú ý, đồng thời củng cố vai trò MC của mình.
- Điều tệ nhất là việc người dẫn chương trình không biết chuyện gì vừa xảy ra trên sân khấu. Việc này để lại ấn tượng xấu, cho thấy MC không nhận thức được những gì đang diễn ra.
- Nếu sự kiện chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ thì nên tóm tắt ngắn gọn màn biểu diễn hay bài thuyết trình vừa rồi trong khoảng thời gian trống. Bạn cũng có thể tiết lộ điều sắp diễn ra sau đó.
5. Chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống. Như đã đề cập ở trên, MC giỏi luôn phải sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Ai cũng biết sự kiện phát sóng trực tiếp thường gặp vài trục trặc nhỏ như: Người phục vụ làm đổ nước, bộ phận âm thanh phát nhầm nhạc hay diễn giả đến muộn vì bận đi vệ sinh. Bạn cần kiểm soát chương trình bằng cách làm khán giả bớt xao nhãng hoặc chữa cháy sự cố bất ngờ nhằm tạo bầu không khí thoải mái.
- Nếu có điều gì không ổn hay ai đó cư xử ngang ngược, MC vẫn phải giữ thái độ lạc quan.
- Cần nhớ rằng công việc của MC không phải là quở trách người khác mà là đảm bảo mọi thứ diễn ra trơn tru dù điều gì xảy ra đi nữa. Thái độ tiêu cực của MC trong bất kỳ tình huống nào cũng đều gây ra sự khó chịu và cực kỳ không phù hợp.
6. Kết thúc sự kiện. Phần kết sự kiện cũng nên lý thú và chân thật như phần mở màn. Thường thì khi kết thúc chương trình, MC gửi lời cảm ơn tới tất cả người tham dự, diễn giả và nghệ sĩ biểu diễn. Để giữ phép lịch sự, nên cảm ơn đội ngũ ê kíp đã giúp tổ chức sự kiện. Hãy tóm tắt diễn biến chính của chương trình và rút ra bài học, sau đó kêu gọi khán giả hành động tùy theo loại hình sự kiện.
- Điều này nghĩa là hẹn gặp lại khán giả lần tới, vận động quyên góp tiền hoặc khuyến khích họ tiếp tục tiên phong trong lĩnh vực nào đó. Dù là gì đi nữa, hãy mời khán giả cùng tham gia.
Lời khuyên
- Tự tin và kết nối với đám đông.
- Mỉm cười. Như thể bạn hạnh phúc khi có mặt tại đó.
- Chuẩn bị cẩn thận trước khi dẫn, nhưng đừng làm khán giả nghĩ bạn đang đọc kịch bản.
- Trong thời gian chờ đợi, hãy kể thêm vài sự kiện, câu chuyện đùa, tin tức thời sự đang được dư luận quan tâm, v.v… để tránh sự im lặng khó xử.
Nguồn: Wikihow
Bài: Văn Luân tổng hợp.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!