Chân gà ngâm sả tắc (quất) là một món ăn vặt yêu thích của chị em và đặc biệt là món nhậu ngon dành cho các cánh mày râu. Chân gà được làm sạch, ngâm với nước mắm sả tắc vừa thơm vừa giòn rất hấp dẫn. Nhưng để làm được món chân gà sả tắc trắng, giòn, ngon và không bị đắng do tắc thì không phải ai cũng biết. Bếp Eva hướng dẫn cách làm chân gà sả tắc đơn giản nhất ai cũng có thể làm được.
Cách chọn nguyên liệu làm chân gà sả tắc
Giống như nhiều món ăn khác, để có chân gà sả tắc ngon thì chắc chắn bạn phải lựa chọn được nguyên liệu chất lượng.
1. Chọn chân gà ngon
Trong cách làm chân gà sả tắc, người đầu bếp thường sẽ lựa chọn chân gà công nghiệp. Đầu bếp lâu năm chia sẻ đến bạn cách chọn mua chân gà ngon, sạch, đảm bảo sức khỏe.
Quan sát bên ngoài
Chân gà ngon thường có những đặc điểm sau:
– Da chân gà có màu trắng hồng, phần xương bên trong chân còn đỏ tươi.
– Chân gà kích thước không quá to hoặc quá nhỏ. Tránh chọn chân gà có da căng phồng, không nếp nhăn vì đây là dấu hiệu cho thấy chân gà đã bị bơm nước.
– Không mua loại bị dập nát, có u cục, máu tụ hoặc dị tật. Nếu thấy chân gà xuất hiện đốm đỏ hoặc vết xanh tím thì cũng tuyệt đối đừng mua nhé, bởi đó là chân gà bị bệnh hoặc để lâu ngày ăn vào dễ gây nguy hại cho sức khỏe.
Cầm chân gà
Hãy cầm chân gà lên tay để cảm nhận. Chân gà ngon sẽ cho cảm giác săn chắc. Khi ấn vào, phần da gà có độ đàn hồi tốt. Nếu thấy nó bùng nhùng như có khí ở bên trong thì đừng mua bởi đây là loại chân đã để đông lạnh rất lâu ngày.
Chú ý ngón chân
Thường ngón chân của gà khỏe mạnh sẽ cong gập vào bên trong. Trong trường hợp chân gà ngâm nước thì ngón chân có xu hướng xòe rộng ra và cách xa nhau.
2. Chọn tắc (quất)
Tắc hay còn được biết đến với tên gọi là quả quất. Khác với những loại quả thông thường, để chọn quất rất đơn giản. Bạn nên mua những quả có phần vỏ bên ngoài căng mọng. Trái tròn, không bị dập.
Ngoài ra, những quả tắc ngon thì thường vỏ sẽ có màu xanh lẫn màu vàng. Tuyệt đối không nên chọn quả còn xanh vì loại này vừa ít nước lại rất dễ gây đắng cho món chân gà của bạn.
Chú ý, nên mua tại các vườn trồng tắc hái trái chuyên nghiệp hoặc sử dụng tắc trong vườn nhà để tránh mua phải loại có phun thuốc kích thích rất có hại.
Mẹo khử mùi hôi, tanh của chân gà
Chân gà khi mua về thường có mùi hôi, tanh vì thế khâu này bạn cần xử lý thật kỹ để có món ăn như ý.
– Chân gà mua về bạn rửa thật sạch rồi bóc bỏ lớp màng bên ngoài cũng như cắt đi phần móng.
– Pha 1 bát nước muối loãng sau đó cho chân gà vào ngâm khoảng chừng 5 – 10 phút.
– Chanh, gừng thái lát mỏng rồi đem chà xát nhiều lần lên chân gà. Thao tác này sẽ giúp loại bỏ mùi hôi tanh vốn có của chân gà cực hiệu quả.
– Rửa chân gà với nước sạch sau đó đem đi chế biến.
* Lưu ý: Nếu trong nhà không có sẵn chanh thì bạn có thể sử dụng giấm ăn hoặc cắt trái tắc ra để thực hiện.
1. Cách làm chân gà ngâm sả tắc ngon đơn giản
Có rất nhiều cách làm chân gà sả tắc ngon, dưới đây là một công thức đơn giản cho các chị em tham khảo.
Nguyên liệu làm chân gà ngâm sả tắc
– 15 – 20 cái chân gà (Nên dùng chân gà công nghiệp)
– 10 – 12 cây sả
– 1 củ gừng to
– 10 – 15 quả tắc xanh (quất xanh)
– 10 quả ớt
– 3 thìa rượu trắng, 6 thìa canh nước mắm, 1 thìa muối, 6 thìa đường trắng, 5 – 6 thìa giấm gạo, 1 thìa cafe hạt tiêu đen.
– Bình thủy tinh
Nguyên liệu làm món chân gà sả tắc giòn ngon
Cách làm chân gà sả tắc đơn giản
Bước 1: Sơ chế tắc và sả
– Đập dập và thái khúc dài 3 – 5cm 3 nhánh sả, còn lại thái khoanh tròn nhỏ.
– Gừng, tỏi, ớt rửa sạch, thái lát mỏng, ớt thái khoanh nhỏ.
– Tắc cắt đôi, lấy đầu mũi dao nhọn loại bỏ các phần hạt, chú ý không làm dập vỏ. Làm điều này để khi ngâm chân gà không bị đắng.
Bước 2: Chân gà làm sạch
Chân gà bóc bỏ móng, rửa sạch với nước lạnh, sau đó bóp với vài lát gừng và rượu trắng để khử mùi hôi, xả lại với nước lạnh và để ráo nước. Sau đó chặt đôi chân gà.
Bước 3: Luộc chín chân gà
Đun nồi nước sôi, thả vài lát gừng và sả cùng chân gà vào luộc chừng 3 – 5 phút cho chân gà vừa chín tới thì tắt bếp.
Luộc chân gà vừa chín tới thì tắt bếp ngay
Vớt ngay chân gà ra một bát nước đá có bỏ xíu muối và ngâm trong 10 phút.
Chân gà ngâm nước đá 10 phút vớt ra để ráo nước rồi bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, cất vào ngăn mát tủ lạnh 20-30 phút để chân gà được giòn. Bọc kín chân gà khi cho vào tủ lạnh sẽ giúp chân gà không bị khô và có độ giòn.
Bước 4: Pha nước ngâm chân gà
Đổ 1 lít nước vào nồi đun sôi, bỏ 6 thìa đường, 6 thìa nước mắm loại ngon, 5 – 6 thìa giấm gạo cùng 1 thìa muối vào khuấy cho tan, đun sôi nồi nước trở lại khoảng 1 phút để các gia vị có độ trong. Tắt bếp và bắc ra để nguội bớt.
Nấu nồi nước mắm đường để nguội
Bước 5: Cách làm chân gà sả tắc
Khi nước ngâm còn âm ấm thì cho sả, ớt, tỏi, gừng đã thái nhỏ vào trộn đều. Nước âm ấm sẽ giúp các loại gia vị này dậy mùi hơn, thơm hơn.
Đợi nước nguội hoàn toàn thì cho tắc và chân gà vào trộn đều. (Không cho tắc vào nước đường ngâm lúc còn nóng hoặc ấm, làm vậy sẽ khiến nước đường bị đắng và dễ lên váng).
Chờ nước mắm đường nguội hoàn toàn thì cho tắc và chân gà vào đảo đều cho ngấm
Sau khi đảo đều chân gà, tắc với nước đường thì cho chân gà, tắc xếp xen kẽ vào lọ thủy tinh, đổ nước ngâm cùng sả, ớt, gừng vào ngập hết chân gà và tắc.
Bước 6: Bảo quản và thưởng thức
Cách làm chân gà sả tắc kiểu này có thể ăn được luôn nhưng để ngon hơn hãy để tối thiểu 1 tiếng hoặc qua đêm. Như vậy chân gà ăn dậy mùi hơn, giòn hơn và ngấm đều gia vị hơn.
Chân gà ngâm sả tắc để được bao lâu? Món này khi làm xong có thể để được 4 – 5 ngày trong ngăn mát tủ lạnh. Không nên để lâu quá ăn mất ngon.
Hình ảnh chân gà ngâm sả tắc thành phẩm đẹp mắt, thơm ngon
Khi ăn chân gà ngâm, bạn có thể dùng muối tiêu vắt quất để chấm, ăn kèm rau thơm hoặc món muối chua, lạc rang hay nem chua… rất hợp và ngon.
Phần chân gà ngon giòn, được ngâm đủ thời gian nên rất đậm đà. Vị béo béo của chân gà kết hợp với vị chua chua của tắc, mùi thơm của sả, chút cay nồng của ớt hòa quyện tạo nên món ăn ngon khó cưỡng.
Ngoài cách làm chân gà sả tắc đơn giản trên đây thì các bạn cũng có thể tham khảo thêm một số cách làm khác cũng vô cùng thơm ngon và hấp dẫn.
2. Chân gà ngâm sả tắc xoài xanh
Bên cạnh công thức truyền thống, các chị em cũng biến tấu công thức bằng cách thêm vào đây 1 số loại quả trong đó có xoài xanh.
Nguyên liệu làm chân gà ngâm sả tắc xoài
– 1kg chân gà
– 200g sả
– 7 quả tắc (quất)
– 1 quả xoài xanh
– 5 quả ớt
– 30g gừng, 1 củ tỏi
– 100g muối hột, muối ăn 50g, 1/2 thìa cafe bột nghệ, 1l nước, 150g đường trắng, 90ml giấm gạo, 1 thìa canh nước mắm.
Chân gà ngon, xoài xanh, sả tắc là những nguyên liệu cơ bản nhất
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sả nhặt bớt vở rửa sạch, ớt rửa sạch rồi cắt lát. Xoài gọt vỏ thái miếng nhỏ. Tỏi bóc vỏ thái lát. Gừng gọt vỏ thái lát. Tắc rửa sạch, bổ đôi lấy hết hạt.
Chân gà bóc hết màng vàng, móng. Bóp với muối hột và gừng rồi rửa thật sạch để khử mùi hôi. Chặt đôi chân gà.
Bước 2: Luộc chân gà
Đun một nồi nước, cho 1/3 số sả đã thái lát, 1 ít muối, gừng và bột nghệ vào. Khi nước sôi thì thả chân gà vào đun. Chú ý vớt hết bọt trên mặt nồi. Đun thêm chân gà thêm 1 phút.
Chân gà chín vớt ngay ra và cho vào âu nước có đá. Ngâm 15 phút để chân gà được giòn.
Chân gà luộc xong vớt ra âu đá ngâm cho giòn
Bước 3: Nấu nước mắm ngâm chân gà
Đun 1l nước sôi, thêm 150g đường, 50g muối, 1 thìa canh nước mắm và 90ml giấm. Đun hỗn hợp sôi khoảng 2 phút thì bắc xuống và để nguội.
Nấu nước mắm đường
Bước 4: Cách làm chân gà sả tắc xoài
Khi nước mắm ngâm đã nguội khoảng 80% thì cho sả, ớt, tỏi, gừng vào đảo thật đều cho dậy mùi.
Đợi nước nguội hoàn toàn thì cho xoài cùng chân gà và tắc vào trộn đều.
Chân gà, xoài, tắc ngấm đủ nước ngâm thì xếp chân gà, xoài, tắc xen kẽ vào hũ thủy tinh, đổ ngập hoàn toàn nước ngâm vào chân gà rồi đậy nắp thủy tinh lại.
Bước 5: Hoàn thành và thưởng thức
Chân gà sả tắc xoài xanh giòn, chân gà giòn giòn, vị chua ngọt vừa phải.
Chân gà ngâm sả tắc xoài xanh có thể ăn ngay sau khi làm khoảng 1 tiếng hoặc qua đêm. Để được trong ngăn mát tủ lạnh 4 – 5 ngày.
Cách làm chân gà sả tắc xoài giòn ngon
Phần chân gà giòn giòn, béo ngậy được trung hòa bởi vị chua của tắc, xoài và vị cay nồng của ớt. Hương thơm từ sả sẽ giúp món ăn thêm hấp dẫn.
3. Cách làm chân gà ngâm sả tắc cóc non
Nếu trong nhà không có xoài thì cóc non cũng là gợi ý không tồi cho món chân gà ngâm sả tắc của bạn.
Nguyên liệu làm chân gà sả tắc cóc non
– 500g chân gà
– 10g gừng, 50g sả, 20g ớt
– 100g cóc non
– 50g tắc
– 30g tôm khô rửa sạch hấp chín
– Nguyên liệu làm nước sốt: 20g sả băm, 20g hành tím băm, 50ml nước cốt tắc, 50ml nước mắm, 100g đường nâu, 100g sa tế tôm
Cách làm chân gà sả tắc cóc non
Bước 1: Làm chân gà
Chân gà rửa sạch, cắt móng, chặt đôi. Bóp muối khử hết mùi hôi. Cho chân gà vào nồi nước cùng một ít gừng và sả cho thơm. Luộc chín chân gà trong 10 phút sau đó vớt ra ngâm vào âu nước đá 15 phút cho giòn.
Bước 2: Làm sốt trộn
Phi vàng 20g sả băm và 20g hành tím băm với dầu ăn. Cho 50ml nước mắm cùng 50ml nước cốt tắc, 100g đường nâu và 100g sa tế tôm rồi đảo đều, nấu đến khi nước sốt sôi thì tắt bếp.
Bước 3: Hướng dẫn cách làm chân gà sả tắc cóc non
– Cóc non rửa sạch, gọt bỏ vỏ và bổ đôi.
– Chuẩn bị 1 tô lớn, cho chân gà, 100g tôm khô, 20g ớt thái nhỏ, 50g tắc thái lát, 100g cóc non và sả thái mỏng vào rồi đảo đều.
– Đổ toàn bộ phần sốt vừa làm xong vào tô chân gà sả tắc cóc non rồi đảo thật đều cho đến khi các nguyên liệu có màu đỏ đẹp. Để chân gà ngâm khoảng 30 phút là có thể ăn được ngay.
Bước 4: Hoàn thành và thưởng thức
Chân gà sả tắc cóc non ăn giòn sần sật, nước sốt màu đẹp mắt và vị chua chua, cay cay, ngọt ngọt vô cùng hấp dẫn.
Bạn có thể dùng kèm với bia hoặc bất cứ loại đồ uống nào mà mình yêu thích.
4. Cách làm chân gà ngâm sả tắc kiểu Thái
Có một cách làm chân gà sả tắc khiến hội chị em cùng cánh mày râu đều mê mẩn là chân gà ngâm với sốt Thái.
Nguyên liệu làm chân gà sả tắc Thái
– 500g chân gà
– 40g sả
– 5 quả tắc
– 50g ớt sừng, 15g ớt hiểm
– 120g đường
– 100g giấm
– 100ml nước mắm
– 10ml rượu
– 15g muối
– 20g hành tím, 50g củ riềng, 20g tỏi, 10g ngò rí, 10 lá chanh
Cách làm chân gà sả tắc kiểu thái
Bước 1: Làm chân gà
– Chân gà rửa sạch, bóp muối khử tanh rồi chặt đôi.
– Cho chân gà vào nồi nước, thêm 1 cây sả đập dập, 3 quả ớt hiểm, 10ml rượu trắng rồi luộc 3 – 5 phút cho chín. Vớt chân gà ra âu đá ngâm 10 phút cho giòn.
Bước 2: Nấu nước sốt thái
Cho 100ml nước, 100ml nước mắm, 100ml giấm, 120g đường, 15g muối vào nồi khuấy đều rồi bắc lên bếp nấu cho sôi rồi để nguội.
Bước 3: Làm chân gà ngâm sả tắc
– Xay nhuyễn 20g hành tím, 10g rễ ngò rí, 10g ớt hiểm, 20g ớt sừng, 50g riềng.
– Cho chân gà vào tô rồi đổ hỗn hợp vừa xay, thêm 5 quả tắc thái lát vào đảo đều.
– Đổ nước sốt thái đã nguội vào âu chân gà, đảo thật đều cho chân gà ngấm gia vị.
Bước 4: Hoàn thành và thưởng thức
Chân gà sốt thái có thể ăn sau khi làm 2 giờ. Khi ăn thêm vài lát lá chanh thái mỏng lên trên và thưởng thức.
Cách làm chân gà sả tắc kiểu Thái nước sốt ngon, chân gà giòn sần sật vô cùng hấp dẫn.
5. Cách làm chân gà sả tắc rút xương
Với những ai yêu thích món chân gà sả tắc nhưng lại ngại phải cầm tay thì sử dụng loại rút xương là lựa chọn tuyệt vời.
Nguyên liệu
– Chân gà: 1kg
– Cà rốt: 1 củ
– Cóc non: 250g
– Tắc (quất): 250g
– Cam: 1 quả
– Lá chanh: 5 lá
– Hành tím, tỏi: Mỗi loại 3 củ
– Ớt sừng: 0.5g
– Sả: 5 cây
– Gừng: 1 củ
– Giấm ăn: 1 thìa
– Đường: 200g
– Nước mắm: 50ml
– Mì chính: 1 thìa
Cách làm chân gà sả tắc rút xương
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
– Chân gà đem nhặt sạch hết phần móng rồi bóp cùng muối để khử sạch mùi hôi.
– Rửa lại chân gà với nước sau đó để cho ráo.
– Sả, ớt rửa sạch thái mỏng.
– Tỏi, hành tím bóc vỏ thái lát vừa ăn.
– Tắc rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng. Sau khi ngâm, vớt tắc ra để cho ráo nước. Lấy 150g tắc thái thành từng lát vừa phải, 100g còn lại thì đem vắt lấy nước.
– Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ sau đó thái sợi.
– Cóc gọt vỏ, bổ đôi hoặc bổ làm tư tùy vào kích thước của quả.
– Lá chanh rửa sạch rồi thái sợi nhỏ.
– Cam vắt lấy nước, gừng cạo vỏ rồi thái sợi.
Bước 2: Luộc chân gà
– Cho vào nồi 1.5 lít nước, 2 cây sả, ½ chỗ gừng thái sợi rồi bật bếp đun sôi.
– Nước sôi, bạn thêm vào đây 2 thìa giấm ăn, 1 thìa muối sau đó để lửa liu riu cho tới khi chân gà chín.
– Chân gà rất nhanh chín, vì thế bạn chỉ cần để khoảng 5 phút. Vớt chân gà ra bát nước đá để chân gà giòn ngon.
* Mẹo hay: Vì chân gà rất nhanh chín vì thế bạn cần căn đúng thời gian. Tránh luộc chân gà quá lâu dễ bị nhừ, không ngon.
Nếu muốn chân gà ngon, màu sắc đẹp mắt thì bạn có thể cho vào nồi nước 1 ít bột nghệ nhé.
Bước 3: Rút xương chân gà
Có cách rút xương chân gà rất nhanh mà không phải ai cũng biết. Trước tiên, bạn sử dụng dao khía tùng ngón chân gà sau đó lấy ngón trỏ và ngón cái nhẹ nhàng đẩy da ở đầu móng của chân gà để lộ phần đốt xương.
Tiếp đến, bạn từ từ tách phần da của chân gà rồi bẻ khớp xương sau đó lấy chúng ra ngoài. Làm thật khéo léo và cẩn thận để lấy được gân mà vẫn giữ được hình dáng ban đầu của chân gà.
Lần lượt thực hiện cho tới khi hết chân gà thì dừng lại.
Bước 4: Làm nước sốt trộn chân gà
Cho vào chậu nhỏ 200g đường, 50ml nước mắm ngon, 2 thìa mì chính, 100ml nước lọc, phần nước cam, nước tắc, tỏi băm, ớt băm vào rồi khuấy đều lên.
Nêm nếm các loại gia vị sao cho vừa với khẩu vị của bạn và gia đình.
Bước 5: Trộn chân gà
Trút chân gà đã rút xương vào chậu nước sốt rồi trộn đều lên. Cho thêm cóc, cà rốt, gừng, sả, hành tỏi thái lát, ớt vào rồi trộn đều lên.
Để khoảng 10 phút là chân gà sẽ ngấm gia vị và bạn có thể lấy ra để cả nhà thưởng thức.
Bước 6: Thành phẩm
Cách làm chân gà sả tắc kiểu này có hương vị thơm ngon, thích hợp làm món nhậu lai rai. Chân gà giòn giòn ngấm đẫm gia vị.
Cách làm chân gà sả tắc rút xương vừa ngon lại cực kỳ tiện.
Khi ăn bạn dễ dàng cảm nhận được vị chua chua của tắc, chút ngọt của đường, thêm vị cay cay của ớt. Ngoài ra, phần cóc và cà rốt thấm gia vị cũng cực kỳ kích thích vị giác.
Vì sao chân gà sả tắc bị đắng nhớt, nổi váng
Có không ít chị em đau đầu vì rất tỉ mỉ học cách làm chân gà sả tắc theo đúng hướng dẫn nhưng lại bị nhớt, đắng phải bỏ đi. Theo các đầu bếp, nguyên nhân chính làm cho món chân gà của bạn thất bại là do những yếu tố sau:
– Khi luộc chân gà bạn không vớt váng mỡ nổi bên trên, điều này khiến cho mỡ bám quanh chân gà nên khi luộc xong đem đi ngâm phần chân gà có cảm giác nhờn nhớt.
– Luộc chân gà quá nhừ cũng là nguyên nhân chính làm cho thành phẩm của bạn không được như ý muốn. Bạn nên luộc chân gà chín tới rồi vớt ra bát nước đá như thế chân gà sẽ giữ được độ giòn ngon.
– Sau khi ngâm chân vào nước đá, bạn cần đem rửa lại với nước sạch. Rất nhiều chị em bỏ qua khâu này nên khiến cho âu chân gà ngâm váng, nhớt thậm chí là có vị đắng. Việc rửa thêm chân gà 1 lần nữa sẽ giúp bạn loại bỏ được toàn bộ cặn mỡ còn sót lại.
– Phần sốt ngâm chân gà chưa nguội hẳn bạn đã cho chân gà vào trộn sẽ làm cho chân gà dễ bị nhớt. Bởi nhiệt độ của phần sốt sẽ làm cho chân gà mềm nhừ, gây nhớt, ảnh hưởng đến độ ngon của món ăn. Do vậy, bạn cần để sốt nguội hẳn mới trộn nhé.
Bên cạnh những yếu tố trên thì việc bảo quản chân gà không đúng cách cũng là tác nhân khiến chân gà nhanh hỏng, không giữ được vị ngon như mong muốn.
Trong trường hợp chân gà ngâm sả tắc bị nhớt, bạn cần lập tức kiểm tra lại để xác định nguyên nhân. Sau đó, trút bỏ toàn bộ nước ngâm và chần chân gà qua nước sôi.
Cách làm này sẽ giúp loại bỏ toàn bộ nhớt bám ở trên chân gà. Nếm thử nếu thấy chân gà vẫn sử dụng được thì bạn pha lại 1 phần nước sốt sau đó trút chân gà vào trộn lại.
Cách bảo quản chân gà sả tắc ngon, để được lâu không bị hỏng
Món chân gà sả tắc không chỉ ngon mà còn để được khá lâu. Thường 1 mẻ chân gà ngâm nếu bảo quản đúng cách có thể dùng được trong 4 – 5 ngày.
Ngoài cách làm chân gà sả tắc, bạn cũng cần nắm rõ một số mẹo bảo quản như sau:
– Ngâm chân gà sả tắc trong bình thủy tinh.
– Khi gắp chân gà, sử dụng các dụng cụ sạch, khô, không dính nước để tránh làm cho hũ chân gà của bạn bị nổi váng.
– Nước ngâm phải ngập bề mặt của các nguyên liệu. Một số chị em để chân gà nổi lên trên khiến cho món ăn nhanh hỏng hơn bình thường.
– Bảo quản chân gà ngâm sả tắc trong ngăn mát của tủ lạnh.
Cách làm nước chấm chân gà ngâm sả tắc ngon
Người Việt Nam luôn có thói quen sử dụng nước chấm cho hầu hết các món ăn. Nếu thiếu phần này thì có lẽ món ăn sẽ không tròn vị nữa, đối với chân gà sả tắc cũng vậy.
Nguyên liệu làm nước chấm chân gà ngâm sả tắc có gì?
– Chanh tươi: 1 quả
– Tắc: 4 quả
– Đường: 2 thìa
– Sữa đặc: ½ thìa
– Nước mắm ngon: 5 thìa
– Ớt tươi: 2 quả
– Tỏi: 2 nhánh
Cách làm nước chấm chân gà sả tắc ngon
– Ớt, tắc đem rửa sạch. Tỏi bóc vỏ.
– Băm nhỏ ớt và tỏi. Tắc thái lát mỏng.
– Chanh bổ đôi, vắt nước.
– Cho tắc, ớt, tỏi vào 1 bát nhỏ rồi thêm vào đây 2 thìa đường, ½ thìa sữa, 5 thìa nước mắm cùng phần nước cốt chanh.
– Dùng đũa khuấy đều để các nguyên liệu tan vào nhau.
– Nêm nếm lại sao cho vừa với khẩu vị là được.
Nước chấm chân gà sả tắc pha kiểu này cực kỳ đậm đà, thơm ngon. Bạn có thể dùng để chấm chân gà ngâm hoặc chân gà luộc, thịt gà luộc cũng đều ngon.
Phần nước chấm có vị chua cay, mặn ngọt rất vừa miệng. Phần chân gà giòn sần sật kết hợp với vị đậm đà của nước chấm tạo nên một món nhậu ngon khó cưỡng.
Lưu ý, khi không dùng hết sốt chấm, bạn cần để vào ngăn mát tủ lạnh như thế phần nước chấm sẽ ngon và không bị chua.
Chân gà ngâm sả tắc ăn kèm với gì ngon?
Món chân gà ngâm sả tắc này thường ăn kèm với các loại quả chua như cóc, xoài hoặc một số loại rau củ có thể ăn sống được đơn cử là dưa chuột, cà rốt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm một số loại rau sống ăn kèm. Tùy theo sở thích mà bạn lựa chọn rau khác nhau. Một vài loại rau quen thuộc có thể kể tên như: Húng xoăn, rau răm, rau mùi…
Chân gà sả tắc có bao nhiêu calo, ăn có tốt không?
1. Chân gà sả tắc bao nhiêu calo?
Chân gà là một trong những loại thực phẩm cung cấp rất nhiều calo. Theo đo lường của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi một chiếc chân gà có thể chứa tối 73 calo.
Như vậy, 1 cặp chân gà sẽ chứa khoảng 146 calo. Cứ 1 phần chân gà trọng lượng 100g thì sẽ có 215 calo.
Tuy nhiên, hàm lượng calo còn phụ thuộc vào cách chế biến. Đối với chân gà sả tắc thì hàm lượng calo là 130 calo/chân. Bạn ăn càng nhiều, lượng calo càng cao. Ví dụ, bạn ăn 5 chiếc chân gà ngâm tương đương với 650 calo.
2. Giá trị dinh dưỡng của món chân gà sả tắc
Chân gà có chứa rất nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
* Ghi chú: DV – Giá trị hàng ngày
Một số tác dụng của chân gà với sức khỏe:
– Bổ sung collagen giúp da căng mịn, đàn hồi tốt đồng thời giảm nguy cơ hình thành nếp nhăn do bức xạ của tia cực tím gây ra.
– Ăn chân gà thường xuyên còn hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc phải hiện tượng mất xương. Với phụ nữ tiền mãn kinh, collagen trong chân gà còn giúp cải thiện mật độ xương cực kỳ hiệu quả.
– Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.
Mặc dù tốt cho sức khỏe thế nhưng không phải ai cũng có thể ăn món chân gà nói chung và chân gà ngâm sả tắc nói riêng. Cụ thể:
– Bệnh nhân được chẩn đoán mắc các bệnh liên quan tới chuyển hóa hoặc cao huyết áp.
– Trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi cũng nên hạn chế ăn vì đây là bộ phận có chứa nhiều vi khuẩn có hại, nếu chế biến sai cách thì khả năng nhiễm bệnh cực kỳ cao. Ngoài ra, vì chân gà có nhiều xương nhỏ, nếu không phải là loại rút xương thì tỷ lệ bị hóc, ngạt thở dị vật là không hề thấp.
Trên đây là cách làm chân gà sả tắc ngon đa dạng nhiều công thức để chị em tham khảo. Hãy chọn cho mình một cách làm phù hợp để có món ăn ngon chiêu đãi cả gia đình nhé. Chúc bạn thành công!
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!