Bánh khoai lang cho bé ăn dặm có vị bùi bùi và ngọt tự nhiên, cung cấp nhiều dưỡng chất giúp bé phát triển khỏe mạnh. Vào bếp ngay cùng chuyên mục chăm sóc bé 0 – 3 tuổi để rinh về 11 công thức làm bánh ăn dặm cực bổ dưỡng cho con nhé!
1Dưỡng chất từ các món bánh khoai lang cho bé ăn dặm
Khoai lang là một trong những thực phẩm rất tốt cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Không chỉ có giá thành rẻ, loại củ này còn giàu dinh dưỡng. Khoai lang là thực phẩm giàu chất xơ, vitamin A, C, E, anthocyanin, carotenoid. Cụ thể như sau:
- Chất xơ: tốt cho hệ tiêu hóa, giúp nhuận tràng và hạn chế tình trạng táo bón của bé.
- Anthocyanin: giúp tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.
- Carotenoid: giúp tăng cường miễn dịch cho bé.
- Bổ sung vitamin A cho trẻ: giúp giảm các bệnh về mắt như viêm giác mạc, khô mắt.
Ngay khi con 6 tháng tuổi, mẹ có thể chuẩn bị những món ăn dặm từ khoai lang. Mẹ thực hiện bằng cách hấp chín khoai rồi nghiền nhuyễn ra, đảm bảo con ăn ngon mà không bị hóc.
Khoai lang chứa nhiều dưỡng chất tốt cho con. Ảnh: Pexels
211 công thức làm bánh khoai lang cho bé ăn dặm
Chỉ với những nguyên liệu đơn giản và dụng cụ có sẵn trong nhà bếp, mẹ đã có thể làm được các món bánh khoai lang ăn dặm cho bé cực bổ dưỡng. Dưới đây là 11 cách làm bánh ăn dặm cho bé từ khoai lang, mẹ xem ngay nhé.
Bánh quy khoai lang
Bánh quy khoai lang giòn giòn và ngọt ngọt, chắc chắn sẽ là món bánh khoái khẩu cho bé. Đến khi con đủ 9 tháng tuổi, mẹ mới cho bé ăn loại bánh này. Vì giai đoạn này bé có khả năng cầm nắm và nhai tốt nên không lo con bị hóc nghẹn.
Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, mẹ thực hiện như sau:
– Khoai lang đem rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc khoảng 2 – 3cm. Sau đó, mẹ cho khoai vào nồi hấp chín trong 15 phút. Tiếp theo, dùng nĩa hoặc thìa nghiền nhuyễn khoai khi còn nóng.
– Đánh tan lòng đỏ trứng gà rồi trộn đều với dầu olive đã chuẩn bị sẵn. Rây mịn bột mì và bột bắp, rồi trộn đều với phần khoai vừa tán nhuyễn và hỗn hợp trứng. Sau đó, cho thêm sữa và bột nở, dùng tay nhào bột đến khi tạo thành khối dẻo mịn.
– Cán mỏng khối bột rồi dùng dao lượn sóng cắt thành từng miếng vừa ăn. Đồng thời, dùng nĩa để xăm đều mặt bánh.
– Làm nóng nồi chiên không dầu hoặc lò nướng bánh ở 170 độ C trong 15 phút. Sau đó, phủ giấy nến lên vỉ nướng rồi xếp bánh lên trên. Nướng bánh từ 18 – 20 phút ở 170 độ C. Nếu muốn bánh giòn ngon hơn, mẹ có thể trở mặt bánh và nướng thêm 5 phút.
Cách làm bánh quy khoai lang cho bé ăn dặm. Ảnh: Freepik
Bánh khoai lang cho bé ăn dặm nhân phô mai
Vị ngọt bùi của khoai lang hòa quyện cùng mùi thơm đặc trưng của phô mai sẽ tạo ra món bánh vô cùng ngon, khiến bé thích mê. Khi bé được 7-8 tháng tuổi, mẹ bổ sung món bánh này vào thực đơn để cung cấp protein, photpho và giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, mẹ thực hiện như sau:
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc khoảng 2 – 3cm. Sau đó, cho khoai vào nồi hấp chín trong 15 phút rồi dùng thìa hoặc nĩa tán nhuyễn khi còn nóng.
– Trộn đều lòng đỏ trứng gà với phần khoai đã tán mịn. Tiếp tục rây bột nếp vào hỗn hợp vừa thu được, trộn tới khi thấy bột dẻo và không dính tay là được.
– Chia bột thành các phần nhỏ, cán dẹp và cho phô mai vào giữa vo tròn. Mẹ có thể tạo hình bánh tùy theo sở thích.
– Dùng chảo chống dính có đế dày để rán bánh khoai lang cho bé ăn dặm. Đầu tiên, làm nóng chảo với lửa nhỏ, sau đó quét một lớp mỏng dầu ăn dặm. Kế tiếp, cho bánh lên chảo và đảo đều để bánh chín vàng đều hai mặt.
– Vậy là mẹ đã nấu xong món bánh khoai lang ăn dặm nhân phô mai. Ngoài bánh khoai lang, mẹ cũng có thể làm sữa chua phô mai hoặc các món cháo phô mai cho bé ăn dặm để bổ sung vào thực đơn của con.
Bánh khoai lang nhân phô mai. Ảnh: Freepik
Bánh khoai lang mix chuối
Không chỉ cung cấp dinh dưỡng, bánh khoai lang chuối còn giúp đánh bay táo bón và các vấn đề về tiêu hóa. Bởi khoai lang và chuối là hai loại thực phẩm giúp nhuận tràng hiệu quả, phân sẽ trôi khỏi ruột già một cách nhẹ nhàng mà không làm bé khó chịu.
Món bánh này phù hợp cho bé từ 7 – 8 tháng tuổi. Vì vậy, ở giai đoạn này, mẹ nên bổ sung món bánh vào thực đơn ăn dặm của con.
Hướng dẫn cách thực hiện:
– Khoai lang rửa sạch rồi gọt vỏ, cắt thành từng khúc vừa ăn. Sau đó, hấp chín và nghiền nhuyễn. Đối với chuối, mẹ tiến hành bóc vỏ rồi cắt thành từng miếng nhỏ và xay mịn.
– Trộn đều khoai lang, chuối (xay mịn) và bột khoai tây để tạo hỗn hợp bột dẻo mịn.
– Làm nóng chảo rồi quét một lớp mỏng dầu ăn dặm. Sau đó, dùng muỗng múc bột cho vào chảo, kết hợp dàn đều để bột phẳng và dễ chín hơn. Đợi bánh chín rồi lật sang mặt còn lại và đợi khoảng 5 phút là mẹ đã nấu xong bánh khoai lang chuối cho bé rồi.
Bánh khoai lang mix chuối cực thơm ngon. Ảnh: iStock
Bánh mì nhân kem khoai lang
Bánh mì nhân kem khoai lang sẽ là lựa chọn tuyệt vời dành cho các bé 1 tuổi. Đây là món bánh có hình thù bắt mắt và có vị béo ngậy đặc biệt. Do đó, mẹ hãy an tâm bổ sung món bánh này vào thực đơn ăn dặm của bé.
Cách thực hiện:
– Khoai lang rửa sạch, gọt sạch vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ khoảng 1 – 2cm.
– Cho khoai lang với sữa đậu nành vào nồi, nấu đến khi chín mềm tạo ra hỗn hợp sánh mịn thì cho bột đậu nành (bột gạo) vào khuấy đều 3 – 4 phút rồi tắt bếp.
– Dùng thìa quết hỗn hợp vừa chế biến vào hai miếng bánh mì rồi kẹp lại, cắt thành hình tròn hoặc vuông tùy ý.
Bánh mì nhân kem khoai lang. Ảnh: Freepik
Bánh khoai lang hấp bột mì
Vào những ngày bé không biết ăn gì thì mẹ có thể thực hiện món bánh khoai lang hấp bột mì. Nguyên liệu cực kỳ đơn giản, chỉ với vài phút chế biến mẹ đã cho ra lò món bánh cực dinh dưỡng và mới lạ. Khi con được 7 – 8 tháng tuổi, mẹ mới cho bé ăn loại bánh này.
Hướng dẫn mẹ cách thực hiện:
– Khoai lang mua về rửa sạch, gọt sạch vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ khoảng 2 – 3 cm. Sau đó, hấp chín và tán nhuyễn.
– Trộn đều khoai lang vừa sơ chế với bột làm bánh và sữa công thức (sữa đậu nành). Sau đó cho vào nồi hấp khoảng 2 phút.
– Mẹ để bánh nguội rồi cắt thành từng miếng vừa ăn và cho bé thưởng thức.
Bánh khoai lang hấp bột mì. Ảnh: iStock
Bánh khoai lang mix táo
Táo chứa nhiều vitamin C, chất xơ, sắt, kẽm, chất chống oxy hóa giúp hệ miễn dịch bé khỏe và răng miệng luôn thơm tho. Bánh khoai lang mix táo sẽ là lựa chọn hoàn hảo trong thực đơn ăn dặm của bé từ 7 – 8 tháng tuổi.
Cách làm bánh khoai lang mix táo:
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc khoảng 1 – 2cm. Táo cũng rửa sạch, gọt vỏ và cắt hạt lựu.
– Cho khoai và táo lên bếp hấp đến khi có thể tán nhuyễn là được. Sau đó, vớt ra tô rồi cho thêm bột khoai lang vào trộn đều, đồng thời kết hợp nghiền nhuyễn để tạo ra hỗn hợp bột mịn.
– Cán mỏng bột và cho vào lò nướng hoặc nồi chiên không dầu nướng khoảng 20 phút ở 180 độ là hoàn thành món ăn dặm từ táo với khoai lang.
Bánh khoai lang mix táo. Ảnh: Canva
Bánh bí đỏ khoai lang hấp
Màu cam vàng của bí đỏ hòa quyện cùng vị bùi bùi của khoai lang sẽ kích thích vị giác bé yêu. Món bánh này cực kỳ phù hợp với bé từ 7 tháng tuổi. Mẹ hãy vào bếp và làm ngay cho bé thưởng thức.
Hướng dẫn thực hiện:
– Rửa sạch khoai lang và bí đỏ, gọt vỏ và cắt thành từng khúc. Sau đó, lần lượt hấp chín khoai và bí. Cho ra từng tô riêng rồi tán nhuyễn khi còn nóng.
– Trộn đều 50g bột mì hữu cơ, 20g bột bắp và 30ml nước. Sau đó, cho bí đỏ vào từ từ đến khi thu được hỗn hợp dẻo mịn. Khoai lang cũng làm tương tự.
– Đổ hỗn hợp bí đỏ vào ly, lắc nhẹ để bột dàn đều rồi mới cho bột khoai lang lên trên. Khi đó bánh sẽ chia thành 2 tầng đẹp mắt. Cuối cùng, chuẩn bị nồi nước sôi để hấp cách thủy 20-30 phút là hoàn thành món ăn dặm từ bí đỏ và khoai lang.
Bánh bí đỏ khoai lang hấp ăn bùi bùi. Ảnh: Canva
Bánh khoai lang nướng
Đây là món bánh thơm ngon với lớp vỏ hơi giòn và mềm thơm ở bên trong. Chỉ với 3 nguyên liệu đơn giản, mẹ đã tạo ra món bánh khoai nướng cực ngon cho bé từ 7 – 8 tháng tuổi ăn dặm.
Cách thực hiện:
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc. Sau đó, hấp chín khoai và tán nhuyễn.
– Trộn khoai lang với sữa và nửa lòng đỏ trứng gà. Trộn đều đến khi thu được hỗn hợp bột mịn.
– Ngắt bột thành khối nhỏ và vo tròn hoặc tạo hình khác tùy ý. Dùng nửa lòng đỏ trứng còn lại quét lên mặt bánh. Cuối cùng, cho bánh vào nồi chiên không dầu nướng ở 180 độ trong vòng 15 phút.
Bánh khoai lang nướng cho bé ăn dặm. Ảnh: Pexels
Bánh yến mạch khoai lang sữa
Món bánh này cực kỳ phù hợp cho bé từ 7 – 8 tháng tuổi hoặc bé mới khỏi các vấn đề về da như hăm, mẩn ngứa và viêm da. Bởi vì yến mạch rất tốt cho sức khỏe giúp bảo vệ tim mạch, điều hòa đường huyết và da dẻ mịn màng.
Hướng dẫn thực hiện:
– Khoai lang đem rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ. Sau đó, hấp chín rồi tán nhuyễn khoai.
– Cho bột năng, sữa công thức (sữa mẹ) vào phần khoai vừa nghiền mịn rồi trộn đều.
– Đổ hỗn hợp ra cốc nhỏ và cho vào lò nướng hoặc nồi chiên không dầu hoặc lò nướng khoảng 15 phút ở 200 độ C.
Bánh yến mạch khoai lang sữa. Ảnh: Canva
Bánh pudding khoai lang
Loại bánh này tuy mới lạ nhưng không kém phần hấp dẫn, rất thích hợp cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm. Nguyên liệu đơn giản và mẹ cũng dễ dàng thực hiện.
Cách thực hiện:
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và cắt khúc nhỏ. Sau đó, cho khoai vào xay cùng 200ml nước. Kế tiếp, lọc khoai qua rây để lấy nước cốt và bỏ phần bã đi.
– Đun nước cốt khoai đến khi hỗn hợp sền sệt thì tắt bếp. Khi nước cốt khoai nguội thì đổ vào khuôn rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng là hoàn thành. Cách làm pudding cho bé ăn dặm này quá đơn giản phải không nào!
Bánh pudding khoai lang. Ảnh: iStock
Bánh khoai lang cuộn
Mẹ có thể bổ sung bánh khoai lang cuộn vào thực đơn ăn dặm cho bé 8 tháng tuổi. Đây sẽ là món bánh bổ sung nhiều dưỡng chất cho bé yêu.
Hướng dẫn thực hiện:
– Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và cắt khúc nhỏ. Sau đó, hấp chín và tán nhuyễn khoai.
– Cho sữa công thức (sữa mẹ), lòng đỏ trứng gà và bột mì vào trộn đều.
– Mẹ áp chảo hỗn hợp bột vừa trộn được với lửa nhỏ, đến khi bột chín thì lấy khỏi chảo và dàn đều khoai lên trên rồi cuộn lại thành những cuộn dài.
Bánh khoai lang cuộn cực đẹp mắt. Ảnh: iStock
3Những điều mẹ cần lưu ý khi cho bé dùng bánh khoai lang ăn dặm
Các món bánh được chế biến từ khoai lang vô cùng bổ dưỡng và dễ thực hiện. Tuy nhiên, trước khi bổ sung thực phẩm này vào khẩu phần ăn dặm của con, mẹ cần lưu ý một vài điều sau đây:
- Cho bé ăn đủ lượng: Mẹ chỉ nên cho bé ăn khoai lang 1-2 lần/tuần. Ăn nhiều khoai quá 4-5 lần/tuần sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, khiến bé chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu.
- Chọn khoai lang đảm bảo chất lượng: Mẹ lưu ý chọn mua những củ lành lặn, không bị dập nát. Đồng thời, tránh mua những củ có màu đen hoặc bị hỏng.
- Không nên cho bé ăn khoai lang mọc mầm: Vì sẽ dẫn đến tình trạng nôn mửa, chóng mặt, mất lượng lớn vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế cho bé ăn vào buổi tối: Hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, ăn vào buổi tối sẽ khiến bé đầy hơi, khó ngủ và quấy khóc. Vì thế, để hệ tiêu hóa bé hoạt động trơn tru, mẹ nên cho con ăn dặm khoai vào ban ngày.
- Vệ sinh tay và miệng bé sau khi ăn.
Trên đây là những thông tin về giá trị dinh dưỡng cũng như cách thực hiện và một vài lưu ý khi làm bánh khoai lang cho bé ăn dặm. Mẹ nên ghi chú lại để chế biến nhiều món ăn thơm ngon và bổ dưỡng cho bé. Chúc các mẹ thực hiện thành công!
Ngọc Thanh tổng hợp
Kiểm duyệt bởi Ngọc Hà
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!