NGỮ PHÁP – GHÉP CÂU – Hiếu Nguyễn English

PHẦN I – THỰC TRẠNG CHUNG

Với đa số người học tiếng Anh, nhất là người lớn, những người đã từng mài đũng quần trên ghế nhà trường với 5-7 năm học tiếng Anh, thì ngữ pháp như một thứ gì đó khiến họ vừa yêu vừa ghét, thậm chí trong đầu họ khi nhắc đến, nó như một nỗi ám ảnh và sợ hãi.

Vì đâu nên nỗi? Ấy là do suốt những năm học trung học và phổ thông, cách thức truyền đạt, cách tiếp cận với ngữ pháp cùng mục tiêu học tập và giảng dạy của chúng ta có phần lệch hướng so với mục tiêu thực sự chúng ta muốn đạt được từ nó. Nào là những kỳ thi, nào là mẹo làm bài tập điền vào chỗ trống, nào là công thức này công thức nọ, dấu hiệu nhận biết này thì sẽ chọn đáp án này hoặc đáp án kia,…; nói chung là vì mục tiêu thi cử. Sau khi hết lớp 12, nhiều người chúng ta chỉ đến khi bước ra đời thực cần sử dụng đến tiếng Anh mới vỡ lẽ một điều rằng, mình làm bài tập ngữ pháp rất trôi chảy như vậy tại sao vẫn không viết hay nói được một câu ra hồn? Đó cũng chính là nỗi đau đầu đời trên con đường chinh phục ngôn ngữ này của mình, khi bước vào ngưỡng cửa Đại học với sự tự tin về ngữ pháp của mình bị đập nát, đúng, bị đập nát không thương tiếc!

Ngữ pháp rất rất quan trọng. Ai nói rằng học tiếng Anh không cần ngữ pháp là người đó đang tự lừa dối mình, hoặc mục tiêu dùng ngôn ngữ của họ chỉ dừng ở mức “tiếng bồi”. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng cần đến quy tắc của nó, tiếng Việt cũng vậy và tiếng Anh cũng không phải ngoại lệ. Nhưng vấn đề của nó là gì?

Trải qua một thời gian dài làm việc, tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm và chứng minh, mình mới phát hiện ra rằng thứ ngữ pháp chúng ta học trước nay đang thiếu đi những điều sau:

  • Ngữ pháp thiếu tính liên kết và không được hệ thống,
  • Ngữ pháp quá ôm đồm và không phân chia phù hợp với cấp bậc người học,
  • Ngữ pháp không được hiểu thấu đáo,
  • Ngữ pháp ít ứng dụng thực tế, và
  • Ngữ pháp không liên kết với các kỹ năng và mục tiêu giao tiếp.

PHẦN II – GIẢI PHÁP

MỤC TIÊU KHI HỌC NGỮ PHÁP – GHÉP CÂU

Bất cứ khi nào, trước khi nghĩ đến giải pháp, chúng ta phải xét đến mục tiêu mong muốn của chúng ta là gì trước đã.

Mục tiêu học tiếng Anh nói chung và học ngữ pháp nói riêng có nhiều cấp bậc. Nếu bạn đang theo đuổi những mục tiêu sau:

  • Tính hệ thống: Có một hệ thống nền tảng ngữ pháp để biết được cách hình thành một câu hoàn chỉnh và cách tiếng Anh vận hành. Không học theo từng chủ điểm rời rạc và ráng ghi nhớ nhiều công thức.
  • Tính cấp bậc: Ở giai đoạn mới bắt đầu học thì học những gì và đi theo từng bước như thế nào để đạt tới cấp độ cao cấp, không nhồi nhét quá nhiều cùng một lúc.
  • Tính thấu đáo: có một điểm mình làm rõ ngay từ đầu là đối với người lớn, hiểu thấu đáo trước một điều gì trước khi bắt tay vào thực hành để tạo thành phản xạ nó sẽ tốt và rút ngắn thời gian hơn rất nhiều so với cứ đi theo con đường bắt chước câu mẫu, học thuộc lòng và chờ cho nó ngấm. Ngữ pháp cũng không phải ngoại lệ, nếu không hiểu kỹ càng, chúng ta rất khó nhớ được một công thức và tự ghép câu hoàn chỉnh.
  • Tính ứng dụng với mục tiêu giao tiếp: hiểu được các quy tắc ngữ pháp cho đến ứng dụng nhuần nhuyễn chúng để đọc hiểu (nhận diện) và nói, viết (sản xuất) kèm khả năng nhận định đúng sai và tự sửa được cho mình, sử dụng tiếng Anh cho mục tiêu giao tiếp với các nguyên liệu trong chính cuộc sống thực của bản thân.

Thì xin chúc mừng, lộ trình này là dành cho bạn. Nó được nghiên cứu và thiết kế ra với mong muốn giải quyết toàn diện những vướng mắc ở trên mà cách học truyền thống không xử lý được.

LỘ TRÌNH NGỮ PHÁP ĐỂ GHÉP CÂU HOÀN CHỈNH

Theo cấp bậc câu trong tiếng Anh, chúng ta sẽ có:

  • Câu đơn (câu chứa một mệnh đề – 1 cụm chủ và vị)
  • Câu ghép (câu chứa ít nhất 2 mệnh đề độc lập – 2 cụm chủ vị – được nối với nhau bởi các từ nối dành cho câu ghép)
  • Câu phức (câu chứa 1 mệnh đề chính và ít nhất 1 mệnh đề phụ)
  • Câu phức ghép (câu chứa ít nhất 2 mệnh đề độc lập và ít nhất 1 mệnh đề phụ).

Bạn có thể thấy dù trong bất cứ cấp câu nào, chúng ta cũng đều có phần cốt lõi nhất, đó là cụm chủ vị – thành phần cấu tạo nên một mệnh đề, và cũng là phần cốt lõi tạo thành 1 câu đơn. Nếu chúng ta làm chủ được phần này, tiếng Anh của chúng ta sẽ rất vững vàng và phát triển dễ dàng lên các tầng cao hơn, diễn đạt được câu dài với nhiều mệnh đề hơn (Câu phức – ghép – phức ghép). Cho nên lộ trình đầu tiên mình đặt ra mục tiêu cho các bạn dù là mới học hay học đã lâu nhưng chưa hiệu quả, đó là LÀM CHỦ CÂU ĐƠN.

Dưới đây là các thành tố và thứ tự các thành phần được giới thiệu trong sơ đồ hệ thống mình biên soạn lại cho phù hợp với mục tiêu này. Sơ đồ này mình gọi là khung sườn cho tiếng Anh của bạn, nó là kim chỉ nam đi xuyên suốt với bạn trong quá trình xây dựng lại nền tảng cũng như kiểm tra lại hệ thống ngữ pháp và cách vận hành câu trên bước đường học tập và sử dụng tiếng Anh sau này. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng thành phần và từng bước để giúp bạn tự ghép được bất cứ câu tiếng Anh nào trong loạt bài triển khai nhé. Thân gửi bạn!

Tải sơ đồ GRAMMATICAL CHART bản PDF tại đây.