Đặt tên cho tác phẩm nghệ thuật

Tác phẩm ảnh “Dệt thổ cẩm” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính.

Trong một Trại sáng tác ký và truyện ngắn Tuyên Quang, nhà văn Sương Nguyệt Minh từng ví nhan đề như gương mặt của một con người, là cái nổi bật nhất để phân biệt tác phẩm này với tác phẩm khác. Để đặt được một nhan đề sao cho đúng, cho hay, cho độc đáo không phải dễ. Bởi nhan đề vừa phải khái quát ở mức cao về nội dung tư tưởng, vừa phải nói cô đọng được cái “thần”, cái “hồn” của tác phẩm.

Bàn về vấn đề này, nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh cho biết, thường người sáng tác đặt tên theo các khuynh hướng sau: Một là khái quát chủ đề toàn bộ tác phẩm; hai là lấy tên nhân vật chính, trung tâm làm tên tác phẩm; ba là lấy bối cảnh thời gian hoặc không gian. Dẫu rơi vào khuynh hướng nào thì tên tác phẩm cần giàu sức gợi mở, kích thích được tối đa nhất khả năng tưởng tượng của người thưởng thức.

Ví như tiểu thuyết “Ma làng”, tác giả Trịnh Thanh Phong đã rất dụng công để tìm được một nhan đề gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu xa, gói gọn được cái thần, cái hồn của tác phẩm. Nhà văn Trịnh Thanh Phong bày tỏ, cuốn sách viết về cuộc sống làng quê, bên cạnh những người dân chân chất thật thà thì vẫn tồn tại những kẻ xấu xa. Đó là lão Tòng với một lô, một lốc con cháu, anh em của lão dùng mọi thủ đoạn mưu mô chước quỷ nắm các chức quyền. Tất cả bọn chúng như những con ma làng, chuyên đục khoét, tham lam làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên nơi thôn quê. Từ nội dung đó, tác giả đã khái quát và đặt tên tác phẩm là “Ma làng”.

Các tác phẩm văn học được dụng công ngay từ cách đặt tít.

Nhà thơ Mai Liễu chia sẻ, nhan đề có chức năng định hướng cách đọc, sự tiếp nhận của độc giả với tác phẩm. Nhan đề giống như một dạng mã của thông điệp thẩm mỹ, một mô hình nghệ thuật, sẽ cho độc giả biết trước: Tác phẩm viết về cái gì, có thể đọc nó hoặc nên đọc nó như thế nào… Kinh nghiệm nhiều thi sỹ thường đặt tên bài thơ bằng xúc cảm từ nội dung tác phẩm. Và ngược lại, khi có được tựa đề hay sẽ tạo được mạch nguồn cảm hứng cho chính tác giả. Mai Liễu có loạt bài thơ viết về bản làng với tựa đề đậm chất miền núi, gợi lên nét thân thuộc như: “Suối làng”, “Mây vẫn bay về núi”, “Tìm tuổi”, “Giấc mơ của núi”.

Đến với nhiếp ảnh, mỹ thuật việc đặt tên tranh, ảnh cũng như đặt tên một tác phẩm văn học. Tên bức tranh phải gợi được ý đồ tư tưởng của họa sĩ, có tính biểu cảm sâu lắng, có chất thơ. Theo họa sĩ Lê Cù Thuần, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, trước khi đặt bút vẽ, họa sĩ phải có chủ đích: Vẽ cái gì? Vẽ để làm gì? Anh cho rằng tên tranh (cái chủ đích) bao giờ cũng phải đặt trước tiên để từ đó việc hình thành tác phẩm sẽ nhanh gọn, tránh lan man. Có như thế mới có được bức tranh giàu tính nghệ thuật và gửi gắm được nhiều thông điệp ý nghĩa.

Điển hình như tác phẩm “Con hạc giấy” thể hiện ước mong của tác giả về cuộc sống hạnh phúc, vui tươi dành cho những gia đình có công với cách mạng. Họa sĩ Lê Cù Thuần chia sẻ, anh lấy tựa đề con hạc giấy và hình ảnh những chú hạc làm trung tâm tác phẩm. Xung quanh là gương mặt bà cụ tay ôm lá cờ đỏ sao vàng trước ngực, suốt đời cống hiến cho Tổ quốc là người cha đi bộ đội trở về mang trong mình di chứng của chiến tranh. Bên cạnh đó là nụ cười ngờ nghệch của người con đã bị nhiễm chất độc da cam. Hình ảnh con hạc giấy tượng trưng cho điều ước về một cuộc sống gia đình hạnh phúc cũng là thông điệp tác giả muốn gửi gắm.

Tác phẩm ảnh “Sương sớm Hồng Thái” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh.

Nhiều tác giả nhiếp ảnh lại thích sự đơn giản, dung dị trong đặt tên. Có thể kể đến tác phẩm “Ngày mùa” của Nguyễn Chính, “Sương sớm vùng cao” của Quang Minh, “Cụ già người Mông” của Ma Tuyên… Đi theo lối này, nhiều nhiếp ảnh cho rằng, một cái tên giản dị, không đa nghĩa sẽ dành nhiều “khoảng trống” hơn cho việc thưởng ngoạn của người xem. Tác giả Ma Tuyên chia sẻ, kiểu đặt tên “chụp gì gọi tên thế” có nội hàm cảm xúc và tư tưởng phong phú hơn nhiều. Từ đó, giúp người xem có những phút giây lắng đọng, để cảm thấu được điều tác giả gửi gắm.

Ở mỗi lĩnh vực văn học nghệ thuật sẽ có cách đặt tên riêng cho từng tác phẩm. Đây cũng là quá trình sáng tạo của tác giả, từ đó góp phần cho sự thành công trọn vẹn của tác phẩm.