Hướng dẫn cách chụp máy ảnh film khi đi du lịch chuẩn đẹp – Vntrip.vn

Cuộc sống ngày càng tiên tiến và hiện đại, khiến con người ta đôi khi sẽ muốn có khoảnh khắc được quay về những không gian hoặc đồ vật đã nhuộm màu cũ kỹ của thời gian. Chính vì vậy mà một vài năm trở lại đây, máy ảnh film đã có cuộc tái xuất âm thầm nhưng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

máy ảnh film

Giới trẻ yêu thích máy film bởi nó mang vẻ hoài niệm và tạo cảm giác “mong đợi” cho người chụp, bởi mỗi tấm ảnh tạo ra đều đáng giá, thận trọng chụp, và hồi hộp mãi đến khi rửa phim ra mới biết bạn đã tạo nên một kiệt tác, hay chỉ đơn giản là một tấm ảnh hỏng.

Cùng với sự trở lại của trào lưu chơi ảnh film, thì việc mang theo loại máy chụp ảnh này khi đi du lịch dường như đang dần trở thành một xu hướng trong cộng đồng các bạn trẻ thích sự hoài cổ. Nhưng để tạo ra được những bức ảnh thật sự xuất sắc bằng máy film không phải là điều đơn giản. Vì vậy, hãy cùng Vntrip tìm hiểu một vài bí quyết chụp máy ảnh film du lịch ngay dưới đây nhé.

1. Tìm hiểu kĩ về máy ảnh film và các loại film

Chụp ảnh không chỉ đơn thuần là căn chỉnh khung hình và bấm nút chụp mà bạn cần phải thực sự am hiểu chiếc máy ảnh của mình để tối ưu hóa khả năng của nó, đặc biệt là đối với một chiếc máy ảnh film. Thông thường thì mọi chiếc máy ảnh đều đi kèm với tờ hướng dẫn sử dụng. Nếu bạn mong muốn có được một bộ ảnh du lịch đẹp từ máy phim, thì việc tìm hiểu kỹ chức năng của chiếc máy ảnh là một điều hết sức cần thiết.

Máy ảnh film

Máy ảnh film. Hình: Sưu tầm

1.1. Cơ chế hoạt động của máy ảnh film

Khác với máy ảnh số, máy ảnh film sử dụng hầu hết phương pháp cơ học để điều chỉnh và thao tác trước khi bấm máy, không có chuyện áp dụng nhận diện thông minh hay cảm biến tự động. Đó là lý do vì sao máy ảnh film mới thực sự mang danh chính xác “máy ảnh cơ” đúng nghĩa, không phải hiểu lầm thành những chiếc máy ảnh số DSLR ngày nay.

Cấu tạo của một chiếc máy ảnh film. Hình: Sưu tầm

Cấu tạo của một chiếc máy ảnh film. Hình: Sưu tầm

Một chiếc máy ảnh film bao gồm vỏ máy làm từ nhựa hoặc kim loại, hoàn toàn kín để ánh sáng không thể lọt vào và bảo vệ cuộn film; khẩu độ (hoặc một màn chắn) để ánh sáng lọt vào trong thời gian ngắn; màn trập như một tập hợp lưỡi dao chồng lên nhau theo hình tròn để hút sáng và khẩu độ trong một thời gian chính xác và sau đó đóng lại; một hoặc nhiều ống kính ở phía trước màn trập; một cuộn phim đặt ở buồng phim phía sau, đối diện với màn trập. Khi muốn chụp ảnh, bạn chĩa ống kính vào sự vật, bấm nút và màn trập nhanh chóng mở ra, cho phép ánh sáng đi qua khẩu độ vào đến cuộn film, thông thường chỉ là một phần giây rất nhỏ trước khi màn trập đóng lại.

Các máy ảnh film có một ống ngắm để người dùng biết được mình sẽ chụp được những gì. Hình: @I.am.long_

Các máy ảnh film có một ống ngắm để người dùng biết được mình sẽ chụp được những gì. Hình: @I.am.long_

Ngoài ra, hầu hết các máy ảnh film đều có một ống ngắm để người dùng biết được mình sẽ chụp được những gì, một đèn flash để thêm sáng trong điều kiện môi trường tối và một cơ chế đếm thời gian để tự chụp ảnh bản thân khi không có sự giúp đỡ của ai. Máy film sẽ không có màn hình LCD để xem được ảnh sau khi chụp như trên các máy kỹ thuật số hiện đại.

1.2. Các loại film

Film được làm từ nhựa (đôi khi là bằng giấy), được phủ một lớp nhũ làm từ tinh thể muối bạc. Tinh thể này là hợp chất của bạc và các chất nhóm halogen như clo, i-ốt và brom. Hợp chất này ghi gặp ánh sáng sẽ biến thành bạc nguyên chất. Điều này có nghĩa, càng có nhiều ánh sáng chiếu vào, film sẽ càng biến đổi nhiều.

Có nhiều loại film khác nhau với màu sắc đặc trưng riêng. Hình: Sưu tầm

Có nhiều loại film khác nhau với màu sắc đặc trưng riêng. Hình: Sưu tầm

Thông thường, một cuộn film dài sẽ được chia thành 12, 24 hoặc 36 khung hình chữ nhật có kích thước 24mm x 36mm (đây là loại film thông thường, gọi là film 35mm). Cạnh trên và dưới được đục những lỗ nhỏ để tránh việc film bị rách khi chụp hình, vào hoặc thu film.

Ảnh chụp bằng film kodakultramax400. Hình: Đặng Tường Vi

Ảnh chụp bằng film kodakultramax400. Hình: Đặng Tường Vi

Những thước ảnh film đầy hoài niệm. Hình: Đặng Tường Vi

Những thước ảnh film đầy hoài niệm. Hình: Đặng Tường Vi

Để những bức ảnh của bạn được “an toàn” trong suốt chuyến đi, bạn có thể cân nhắc chọn film Kodak Colorplus với giá hạt dẻ, cho ra màu ám vàng đặc trưng, rất thích hợp với chụp ngoại cảnh; hoặc film Fujicolor C200 mang nét đặc trưng là ám màu xanh lá, giúp ảnh có phần trong treo, nhẹ nhàng hơn.

2. Chọn ống kính (lens) phù hợp

Chọn ống kính phù hợp rất quan trọng khi chụp ảnh phim. Đối với máy ảnh kỹ thuật số thì mọi thứ khá đơn giản vì ống kính của nó có thể tự do thay đổi cự ly và có nhiều chế độ khác nhau, tùy vào mục đích sử dụng. Ngược lại, đối với máy ảnh film, nếu muốn thay đổi phong cách ảnh hay cự ly khi chụp ảnh thì bạn phải lựa chọn nhiều loại ống kính khác nhau sao cho phù hợp. Những loại ống kính khác nhau của máy film sẽ cho ra nhiều loại ảnh khác nhau, từ ống kính phạm vi rộng, góc rộng đến ống kính chuyên về độ tập trung.

Cần chọn ống kính phù hợp với máy ảnh và mục đích chụp. Hình: Sưu tầm

Cần chọn ống kính phù hợp với máy ảnh và mục đích chụp. Hình: Sưu tầm

Vì vậy, trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn nên xác định trước nội dung của những bức ảnh mà bạn chụp sẽ là gì để chọn cho mình loại ống kính thích hợp nhất. Nên nhớ rằng, một chiếc máy ảnh giá “hạt dẻ” sẽ trở nên “xịn” hơn rất nhiều nếu bạn chọn được một ống kính phù hợp.

3. Giữ khung hình cân bằng

Dù máy ảnh film của bạn có “xịn” đến đâu thì bức ảnh chỉ trở nên đẹp nhất khi đối tượng trong ảnh được căn chỉnh vị trí một cách hoàn hảo. Việc giữ khung hình cân bằng đối với máy ảnh phim cực kỳ quan trọng, hơn máy ảnh kỹ thuật số rất nhiều. Nếu dùng máy ảnh kỹ thuật số, bạn có thể chụp liên tục nhiều bức hình và sau đó thoải mái lựa ra những bức hình ưng ý thì đối với máy ảnh phim, bạn sẽ muốn chụp càng ít càng tốt nhưng ảnh vẫn đạt chất lượng, bởi mỗi cuộn film chỉ chụp được từ 24 đến 36 tấm thôi, mỗi chiếc ảnh là cả một “mớ tiền” đấy nhé.

Giữ khung hình cân bằng. Hình: @son.chans

Giữ khung hình cân bằng. Hình: @son.chans

Đối với người đi du lịch, việc cầm máy sao cho chuẩn lại càng quan trọng hơn. Bất cứ di chuyển nào trong khi màn trập của máy ảnh mở dù nhỏ đến thế nào cũng sẽ khiến bức ảnh của bạn bị nhòe hay out nét. Vì vậy, dù danh lam thắng cảnh trong chuyến đi có đẹp đến đâu thì bạn vẫn phải luôn chú trọng vào việc căn chỉnh khung hình hợp lý và giữ nguyên trạng thái máy trước khi chuẩn bị bấm chụp nhé. Hoặc bạn có thể sắm thêm cho mình một chiếc chân máy giữ cố định để có được những bức hình đẹp.

4. Điều chỉnh ánh sáng

Ánh sáng là yếu tố quan trọng quyết định bức ảnh của bạn có thành công hay không, đặc biệt là với một chiếc máy ảnh film. Vì thế, những người khi bắt đầu chơi ảnh film sẽ phải mất nhiều thời gian để học cách làm chủ ánh sáng. Bởi khác với máy ảnh kỹ thuật số, máy ảnh phim không thể điều chỉnh được độ sáng một cách tự động, hơn nữa, film nhựa rất nhạy cảm với ánh sáng, chỉ một lượng sáng rất nhỏ có thể khiến cho ảnh bị thừa sáng, đôi khi là bị cháy sáng.

Căn chỉnh ánh sáng là yếu tố rất quan trọng đối với máy ảnh film. Hình: @nganshuu

Căn chỉnh ánh sáng là yếu tố rất quan trọng đối với máy ảnh film. Hình: @nganshuu

Để tạo ra một bức ảnh hoàn hảo, bạn phải căn chỉnh chính xác lượng ánh sáng sẽ đi vào cuộn film, đó là phương pháp đo sáng. Đo sáng phụ thuộc vào hai yếu tố: tốc độ màn trập và độ mở của khẩu. Tốc độ màn trập được đo bằng giây (có thể từ 1/10.000 giây tới 30 giây). Khẩu độ có một đơn vị riêng là f-stops, ví dụ như f/4 và f/8. Số f càng nhỏ (như 1 hoặc 2) có nghĩa là khẩu độ đang mở lớn, sẽ nhiều ánh sáng lọt vào hơn; số f càng cao (như 16, 22 hoặc 32) có nghĩa khẩu đang mở nhỏ, ít sáng đi vào.

Ánh sáng chuẩn sẽ tạo ra một bức ảnh film siêu "xịn". Hình: @nganshuu

Ánh sáng chuẩn sẽ tạo ra một bức ảnh film siêu “xịn”. Hình: @nganshuu

Vì không thể điều chỉnh ánh sáng một cách hoàn hảo nhất, các bức ảnh chụp từ máy film luôn đem lại cảm giác chân thực và có phổ màu đa dạng nhất. Nếu biết cách lợi dụng tính chân thực đó, bạn có thể sở hữu được nhiều bức ảnh sống ảo siêu đẹp trong chuyến đi, nhất là những lúc bình minh hoặc hoàng hôn đấy nhé.

5. Nắm vững quy tắc 1/3

Nếu thuộc “team sống ảo” chắc hẳn bạn đã từng nghe đến quy tắc thần thánh này rồi. Quy tắc này luôn được áp dụng đúng đối với tất cả các thể loại chụp ảnh, từ chụp chân dung, đồ ăn, đến phong cảnh. Thử tưởng tượng bức ảnh một bức ảnh sẽ được chia thành ba phần theo chiều dọc và chiều ngang và được gọi là quy tắc 1/3. Để bức ảnh của bạn được đúng bố cục hãy căn góc theo đường cắt ngang hoặc dọc sao cho sự vật nằm đúng giao điểm nhất, đây được gọi là “điểm vàng” thu hút ánh nhìn. Hãy căn đặt các phần quan trọng của cảnh vật chính ở những điểm đó nhé.

Nắm vững quy tắc 1/3. Hình: @nganshuu

Nắm vững quy tắc 1/3. Hình: @nganshuu

6. Chụp dự phòng bằng máy ảnh số hoặc điện thoại

Không phải cứ am hiểu về máy ảnh film và cách chụp thì sẽ chắc chắn có được những bức ảnh ưng ý, người chụp máy ảnh film thỉnh thoảng phải đối diện với nhiều “nỗi sợ” như bị tuột film, film bị nóng và ẩm ướt, làm hỏng toàn bộ ảnh. Thử tưởng tượng bạn mất biết bao công sức để chụp những bức ảnh phong cảnh tưởng chừng là “xịn” hết mức mà khi tráng film lại nhận được một con số không thì sẽ hụt hẫng đến mức nào.

Chụp dự phòng bằng điện thoại. Hình: Sưu tầm

Chụp dự phòng bằng điện thoại. Hình: Sưu tầm

Vì vậy, để an toàn nhất, đừng quên mang thêm một chiếc máy ảnh số hoặc đơn giản là điện thoại để có thể chụp dự phòng thêm, phòng khi máy ảnh film của bạn gặp vấn đề nhé.

7. Bảo quản film máy ảnh khi đi du lịch

Một lưu ý quan trọng dành cho tín đồ mê dùng máy ảnh film khi đi du lịch đó là vấn đề bảo quản film. Nếu đi du lịch ở những thành phố lớn có các cửa hiệu tráng film, bạn sẽ có cơ hội rửa ảnh sớm ngay tại đó. Nhưng nếu nơi người chụp đặt chân đến là những điểm hoang sơ và không hiện đại, bạn sẽ phải đợi đến cuối hành trình, trở về nơi sinh sống của mình thì mới tráng được film.

Nếu bạn chọn đi máy bay thì đây sẽ là một bài toán nan giải đấy. Thông thường, ở sân bay, bạn phải đưa toàn bộ hành lý xách tay của mình qua máy scan x quang ở khu vực an ninh. Nếu phim chưa qua xử lý, tráng, scan, rất có khả năng bạn sẽ trở về với một cuộn phím ám khói hay bị hỏng do tác động của tia x.

Cần cẩn thận khi đưa film máy ảnh qua sân bay. Hình: Sưu tầm

Cần cẩn thận khi mang theo film máy ảnh qua sân bay. Hình: Sưu tầm

Để không trở thành nạn nhân của tia x và mang về nhà những tấm ảnh chụp phim đẹp, việc đầu tiên là để film của bạn trong một cái túi nilon trong suốt để người khác có thể dễ dàng nhận thấy chúng khi bạn sắp đi qua cổng kiểm soát an ninh, đừng ngần ngại hỏi nhân viên sân bay xem liệu họ có thể tự kiểm tra cuộn phim thay vì kiểm tra bằng máy hay không. Một số nhân viên sẽ không đồng ý nhưng một số người dễ tính có thể sẽ cho bạn qua. Đặc biệt nếu bạn mang theo một cuộn phim có ISO hơn 800, hãy giải thích để họ hiểu và giúp bạn trong trường hợp này.

Nếu bạn đã quyết định trung thành với chiếc máy ảnh phim cổ điển, thì điều tất yếu bạn phải làm là học cách sử dụng nó sao cho đúng. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn có được những bức ảnh thật “xịn” trong chuyến du lịch của mình.

Xem thêm:

  • Bí quyết chụp ảnh đẹp cho người không ăn ảnh
  • Bắt ngay Trend tạo dáng chụp ảnh siêu lầy lội cho hội bạn thân