Cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ

1. Sặc sữa ở trẻ sơ sinh là gì?

Sặc sữa là hiện tượng sữa tràn vào đường thở khi bé đang bú, dẫn đến bé bị ho, khó thở, da tím tái. Điều này xảy ra khi mẹ không cho bé bú bình đúng cách, khiến sữa trào ra mũi, miệng hoặc nghiêm trọng hơn, có thể gây ngạt và tử vong. Do đó, tình trạng sặc sữa phải được xử lý nhanh chóng, thông qua cách cho bé bú bình đúng cách, để ngăn ngừa ảnh hưởng xấu.

2. Tư thế cho trẻ sơ sinh bú bình đúng cách, không bị sặc

Khi cho bé bú, mẹ nên đặt đầu bé cao hơn phần thân từ cổ trở xuống. Đây là cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể đặt trẻ ở tư thế ngồi thay vì bế nằm ngang trên tay. Sau đó, đặt bình sữa ở vị trí nằm ngang, đặt núm vú bình sữa vào miệng trẻ, cọ nhẹ vào môi để kích thích con mở miệng. Tiếp đến nhẹ nhàng trượt núm vú vào miệng bé để bé bú.

Nếu bé có dấu hiệu muốn tạm dừng bú sữa, mẹ hãy từ từ đặt bình sữa thẳng đứng nhằm ngăn sữa chảy vào miệng. Khi bé muốn bú tiếp, mẹ tiếp tục nghiêng bình sữa về vị trí nằm ngang để bé bú.

Một vài lưu ý cần biết khi cho bé bú bình:

• Không nâng hoặc để bình sữa trong miệng trẻ.

• Không để bé vừa ngậm bình vừa ngủ vì sữa có thể đọng lại các kẽ răng của trẻ gây sâu răng.

• Không ép bé uống thêm nếu bé quấy khóc, tránh cho bé nuốt phải hơi trong bình sữa dễ gây nôn trớ.

• Pha sữa với nhiệt độ vừa phải, không quá nóng.

cách cho trẻ sơ sinh bú bình đúng cách

3. Điểm danh 6 cách cho trẻ sơ sinh bú mẹ phổ biến

Dưới đây là thông tin về 6 cách để cho trẻ sơ sinh ngậm bắt vú của mẹ hiệu quả, đảm bảo quá trình cung cấp sữa cho trẻ được an toàn hơn.

3.1. Cách cho trẻ sơ sinh bú tư thế ôm nôi

Đây là tư thế cho trẻ sơ sinh bú đúng cách cơ bản. Theo đó, để đảm bảo bé thoải mái trong suốt quá trình bú và tránh làm tổn hại đến cột sống của bé, mẹ cần ôm bé sao cho 3 điểm: đầu – lưng – mông bé nằm trên một đường thẳng.

Cụ thể, mẹ cho bé nằm nghiêng mình, đối diện với bầu ngực, bụng của bé chạm vào bụng mẹ. Lúc này, mẹ cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé.

3.2. Hướng dẫn cách cho bé bú với tư thế ôm bóng

Mẹ cho bé nằm bên phải hoặc bên trái cánh tay, miệng của bé ngang tầm với đầu ti của mẹ. Dùng tay thuận nâng nhẹ nhàng phần đầu và gáy của bé, tay còn lại giữ ngực và cho bé bú. Tư thế cho bé bú này thường phù hợp với các trường hợp như mẹ sinh mổ có vết thương chưa lành, mẹ có bầu vú hoặc đầu ti quá lớn, sữa mẹ nhiều và chảy mạnh…

Lưu ý, cũng như tư thế ôm nôi, cho trẻ sơ sinh bú đúng cách với tư thế ôm bóng là lúc nào cũng cần đảm bảo đầu, lưng và mông của trẻ nằm trên một đường thẳng. Nếu sai tư thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cổ của bé về sau.

cho trẻ sơ sinh bú đúng cách

3.3. Cách cho trẻ sơ sinh bú ngoan với tư thế giữ Koala

Như tên gọi, với cách cho trẻ sơ sinh bú này, mẹ sẽ ngồi thẳng, đặt bé ngồi trên đầu gối, điều chỉnh ngực vừa tầm với miệng bé, dùng đầu gối làm điểm tựa và 2 tay của mẹ sẽ giữ người bé như chú gấu Koala.

Ưu điểm khi áp dụng tư thế giữ Koala khi cho con bú chính là giúp mẹ hạn chế tình trạng mỗi tay. Nhờ đó, quá trình bú của bé cũng ít bị gián đoạn.

3.4. Tư thế ngồi tựa lưng cho con bú

Nếu nhà có sẵn ghế tựa lưng thì mẹ đừng ngần ngại áp dụng tư thế này để giảm mệt mỏi và bảo vệ cột sống tốt hơn nhé.

Cho trẻ sơ sinh bú đúng cách với tư thế ngồi tựa lưng được thực hiện như sau: mẹ nằm ngả lưng về phía sau, tựa vào thành ghế và giữ nghiêng khoảng một góc 45 độ. Tiếp đó, đặt bé nằm trên bụng và tì vào ngực mẹ để bú. Mẹ đừng quên nhẹ nhàng đặt tay trên lưng hoặc đỡ nhẹ phía sau đầu của bé nhé.

3.5. Cách cho con bú nằm

Tư thế bú nằm cho trẻ sơ sinh phù hợp cho các trường hợp như mẹ mới sinh chưa hồi phục sức khỏe, cho trẻ bú để ngủ, mẹ tranh thủ nghỉ ngơi khi cho con bú.

Với cách cho con bú nằm, mẹ chỉ cần nằm nghiêng, dùng gối mềm kê cao đùi và đầu gối. Tiếp đến, cho trẻ nằm nghiêng, đầu hướng vào ngực mẹ, miệng bé đối diện với đầu ti và cho bé bú. Mẹ nên kê gối hoặc dùng tay đỡ đầu bé cao hơn thân người để tránh con bị sặc sữa, tay còn lại mẹ có thể ôm hông trẻ hoặc điều chỉnh đầu ti để con bú dễ dàng hơn.

3.6. Tư thế bú song sinh

Đối với các mẹ sinh đôi, khi hai bé cùng lúc khát sữa, hoặc hai bên đầu vú của mẹ tiết sữa nhiều cùng lúc, mẹ nên cho bé bú bằng tư thế bú song sinh để đảm bảo lượng sữa tiết ra.

• Để hai trẻ nằm song song bên phía hông của mẹ, hai chân đặt phía sau, đầu hướng về trước và tiếp xúc với vú của mẹ

• Mẹ có thể dùng một số vật mềm mại để lót bé như gối hoặc khăn để tránh quá trình cho bé bú mẹ bị mỏi tay.

• Mỗi bé sẽ có mỗi thể trạng riêng, nên sẽ có bé bú mạnh, bé bú yếu hơn. Nếu bé nào bú yếu hơn, mẹ nên ưu tiên cho bé thích nghi với đầu vú trước, rồi tiếp tục cho bé còn lại.

• Mẹ cần linh hoạt thay đổi vị trí cho hai bé, để đảm bảo lượng sữa và đầu vú không bị lệch cũng như giúp mắt bé điều tiết tốt hơn.

Từ 6 cách cho trẻ bú đã cung cấp phía trên, mẹ có thể linh hoạt sử dụng tư thế nằm hoặc ngồi khác nhau tùy vào sức khỏe của mẹ và bé.

4. Cách xử lý nhanh khi bé bị sặc sữa

Nếu không may bé bị sặc sữa, mẹ nên bình tĩnh và có thể áp dụng một số cách xử lý như sau:

4.1. Hút sữa trực tiếp

Dùng miệng nhanh chóng hút sữa từ miệng và mũi của trẻ (miệng trước, mũi sau). Thao tác càng nhanh, càng giảm nguy cơ sữa đi sâu vào khí quản làm tắc nghẽn đường thở.

4.2. Vỗ lưng, ấn ngực

Đặt bé nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải. Dùng tay trái vỗ nhẹ 5 cái vào vị trí giữa hai xương bả vai rồi lật trẻ lại. Mục đích của động tác này là tăng áp lực trong lồng ngực để đẩy sữa ra khỏi đường hô hấp của trẻ.

Trong trường hợp bé vẫn còn sặc sữa, mẹ hãy đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, sau đó dùng ngón giữa và ngón trỏ ấn nhẹ 6 cái ở dưới xương ức, cũng như đường nối hai bên ngực.

Lưu ý: Khi thực hiện các động tác vừa kể trên, cần phải cẩn thận. Người sơ cứu phải có kinh nghiệm hoặc đã được huấn luyện thông qua các khóa học.

4.3. Đưa trẻ đi cấp cứu

Cách xử an toàn nhất là cha mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

5. Một số thắc mắc thường gặp khi tập cho bé bú bình, bú mẹ lần đầu

Ngoài tìm hiểu về cách tập cho trẻ bú bình, nhiều phụ huynh còn có thắc mắc như:

5.1. Vì sao đã áp dụng cách cho bé bú đúng cách nhưng con vẫn bị nôn trớ?

Nếu mẹ đã cho bé bú bình đúng cách, áp dụng đúng tư thế cho trẻ sơ sinh bú bình, nhưng bé vẫn bị nôn trớ thì điều này có thể là do hội chứng trào ngược. Đây là tình trạng phổ biến khi cơ thắt thực quản dưới của em bé chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, hãy đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ xử trí.

5.2. Bé không chịu bú bình, phải làm sao?

Có nhiều lý do khiến trẻ không chịu bú bình, phụ huynh phải kiên nhẫn tìm ra nguyên nhân để có cách cho trẻ bú bình phù hợp. Ví dụ, nếu trẻ không chịu bú bình do chưa thực sự đói, mẹ hãy đợi đến khi con đói thì mới cho bú. Hoặc, nếu trẻ đang ăn dặm thì chỉ nên cho ăn vừa đủ, tránh cho bé quá no và giảm uống sữa.

Với toàn bộ thông tin trên đây, hy vọng phụ huynh đã nắm rõ cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ. Nhìn chung, khi tập cho trẻ bú bình, bố mẹ nên lưu ý về tư thế, cũng như theo dõi, quan sát trẻ thường xuyên, để kịp thời xử trí dấu hiệu sặc sữa. Ngoài ra, để đảm bảo trẻ thích ứng nhanh và kích thích trẻ bú bình ngon lành, bố mẹ nên tham khảo các loại sữa có vị thanh nhạt tự nhiên, hạp với khẩu vị của con.