Các nguyên tử liên kết với nhau để

Ở chương trình Hóa THPT, các em sẽ được học về liên kết hóa học và các loại liên kết thường gặp. Đây cũng là một trong những lý thuyết quan trọng trong chương trình Hóa lớp 10. Trong bài viết sau, Marathon Education sẽ cung cấp cho các em một số kiến thức trọng tâm về các loại liên kết hóa học, các em hãy cùng tìm hiểu.

Liên kết hóa học là gì?

Liên kết hóa học liên quan đến sự hình thành liên kết giữa các nguyên tử, phân tử hoặc ion để tạo thành hợp chất hóa học. Các liên kết này có tác dụng giữ cho các nguyên tử bền vững trong việc tạo thành nhiều hợp chất khác nhau.

Như vậy, liên kết hóa học là liên kết giữa các nguyên tử trong phân tử hoặc tinh thể. Các hợp chất hóa học sẽ phụ thuộc vào độ bền của các liên kết hóa học giữa các thành phần, liên kết càng mạnh thì hợp chất càng bền vững.

Phân loại liên kết hóa học

Có 4 loại liên kết hóa học mà các em cần phải ghi nhớ:

  • Liên kết ion
  • Liên kết cộng hóa trị
  • Liên kết kim loại
  • Liên kết hidro

Liên kết ion

Sự tạo thành liên kết ion

  • Khái niệm: Trong một phản ứng hóa học, nếu một nguyên tử hoặc phân tử tăng hoặc giảm electron thì nó sẽ trở thành các ion. Các ion trái dấu sẽ hút nhau bằng lực hút tĩnh điện và tạo thành các hợp chất có chứa liên kết ion.
  • Điều kiện để hình thành liên kết ion:
    • Liên kết ion được hình thành giữa các nguyên tố có tính chất khác nhau (phi kim điển hình và kim loại điển hình).
    • Sự chênh lệch độ âm điện giữa 2 nguyên tử liên kết (hiệu độ âm điện) được quy ước ≥ 1,7 là liên kết ion ngoại trừ một số trường hợp.

Các hợp chất có liên kết ion

  • Phân tử của hợp chất được hình thành từ kim loại điển hình (gồm kim loại nhóm IA và kim loại nhóm IIA) và phi kim điển hình (thuộc nhóm VIIA và Oxi).

Ví dụ: MgCl2, NaCl, BaF2,… là những hợp chất có chứa liên kết ion, liên kết hóa học được hình thành giữa cation kim loại và anion phi kim.

  • Phân tử của hợp chất muối có chứa cation hoặc anion đa nguyên tử

Ví dụ: NH4Cl, AgNO3, MgSO4,… là những hợp chất có chứa liên kết ion, liên kết được hình thành giữa cation kim loại với anion gốc axit.

Đặc điểm của hợp chất có liên kết ion

  • Hợp chất có liên kết ion có nhiệt độ sôi và nhiệt độ nóng chảy cao, có thể dẫn điện khi hòa tan trong nước hoặc nóng chảy.
  • Các ion được chia thành cation (ion dương) và anion (ion âm).
chương trình học thử

Liên kết cộng hóa trị

Sự tạo thành liên kết cộng hóa trị

  • Khái niệm: Trong các liên kết hóa học, liên kết cộng hóa trị là liên kết giữa 2 nguyên tử được tạo thành bởi một hoặc nhiều cặp electron chung.
  • Điều kiện để hình thành liên kết cộng hóa trị: Các nguyên tử giống hoặc gần giống nhau, liên kết với nhau bằng cách dùng chung các electron hóa trị. Ví dụ như: H2, Cl2, N2, H2O,…

Các hợp chất có liên kết cộng hóa trị

  • Các phân tử đơn chất hình thành từ các phi kim.

Ví dụ: O2, H2, N2, F2,… có chứa liên kết cộng hóa trị được hình thành bởi 2 nguyên tử phi kim giống nhau.

  • Các phân tử hợp chất tạo thành từ các phi kim.

Ví dụ: F2O, NH3, H2O, CO2,… là những hợp chất chứa liên kết cộng hóa trị, được hình thành bởi 2 nguyên tử phi kim khác nhau.

Phân loại liên kết cộng hóa trị

  • Liên kết cộng hóa trị có cực: Là liên kết hóa học có cặp electron dùng chung bị hút lệch về phía nguyên tử có độ âm điện mạnh hơn
  • Liên kết cộng hóa trị không cực: Là liên kết có cặp electron dùng chung phân bố đối xứng giữa hai hạt nhân nguyên tử.
  • Liên kết cho – nhận: Là liên kết mà cặp electron dùng chung chỉ do một nguyên tử đóng góp. Nguyên tử đóng góp cặp electron được gọi là nguyên tử cho còn nguyên tử nhận cặp electron được gọi là nguyên tử nhận. Liên kết này được biểu diễn bằng mũi tên “→”, nguyên tử cho ở trước mũi tên còn nguyên tử nhận ở sau mũi tên.

Đặc điểm của hợp chất có liên kết cộng hóa trị

  • Phân tử có liên kết cộng hóa trị có thể tồn tại ở cả 3 thể là rắn, lỏng, khí.
  • Các chất có cực tan trong dung môi có cực và phần lớn các chất không cực tan được trong dung môi không cực.
  • Các chất chỉ chứa liên kết cộng hóa trị không cực, ở mọi trạng thái đều không dẫn điện.

Liên kết kim loại

Khái niệm

Liên kết kim loại cũng là một dạng liên kết hóa học phổ biến. Với sự tham gia của các electron tự do, liên kết này được hình thành bởi các nguyên tử và ion kim loại trong mạng tinh thể.

Mạng tinh thể kim loại

Có 3 dạng mạng tinh thể kim loại như sau:

  • Lập phương tâm khối: các nguyên tử, ion kim loại phân bố ở các đỉnh là tâm của hình lập phương.
  • Lập phương tâm diện: các nguyên tử, ion kim loại phân bố ở các đỉnh và tâm các mặt hình lập phương.
  • Lục phương: các nguyên tử, ion kim loại phân bố ở các đỉnh và tâm các mặt hình lục giác đứng. 3 nguyên tử, ion kim loại phân bố phía trong hình lục giác.

>>> Xem thêm: Dãy Hoạt Động Hóa Học Của Kim Loại Là Gì? Ý Nghĩa Và Mẹo Nhớ Nhanh

Liên kết hidro

Trong các liên kết hóa học thì liên kết hidro là dạng yếu hơn các loại liên kết khác. Thực chất, đây là một loại liên kết cộng hóa trị phân cực giữa hidro và oxi, trong đó hidro phát triển một phần điện tích dương (+).

Liên kết hidro là một lực liên phân tử (ký hiệu là IMF) tạo thành lực hút lưỡng cực – lưỡng cực đặc biệt khi một nguyên tử hidro liên kết với một nguyên tử có độ âm điện mạnh tồn tại trong vùng lân cận của một nguyên tử âm điện khác với một cặp electron duy nhất.

Ví dụ: Nước (H2O): Mỗi phân tử nước có khả năng hình thành 4 liên kết hidro với các phân tử nước xung quanh. Cụ thể, 2 liên kết với nguyên tử hidro và 2 liên kết với nguyên tử oxi.

Tham khảo ngay các khoá học online của Marathon Education

Qua bài viết trên, Marathon Education đã giúp các em hiểu rõ hơn về liên kết hóa học. Hy vọng, những kiến thức hữu ích này sẽ hỗ trợ phần nào cho quá trình học tập và nghiên cứu của các em.

Hãy liên hệ ngay với Marathon để được tư vấn nếu các em có nhu cầu học trực tuyến online nâng cao kiến thức nhé! Marathon Education chúc các em được điểm cao trong các bài kiểm tra và kỳ thi sắp tới!