Sữa bột – sữa nước: Cái nào tốt hơn? | Báo Dân trí

AMF là cái gì?

Trên một tờ báo lớn nhất nhì trong nước, trong chiến dịch đánh sữa hoàn nguyên, người ta thấy tác giả bài báo luận:

– “Nguồn chất béo sử dụng để sản xuất loại sữa này là loại AMF – chất béo từ sữa bò nguyên chất. Ngoài thành phần chất béo lấy từ sữa bò nguyên chất (có giá trị dinh dưỡng cao), trong AMF còn chứa hàng loạt khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như calci, sắt, potassium, vitamin A, B…

– “Trong công thức sản xuất sữa nước, các nhà sản xuất đã đánh tráo loại thành phần chất béo từ sữa bò nguyên chất bằng các loại dầu thực vật, (…)”.

– “Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhà sản xuất sữa trong nước hiện đều sử dụng dầu thực vật (chủ yếu là dầu cọ) để thay thế cho AMF.(…)”.

AMF là những chữ viết tắt của cụm từ anhydrous milk fat, dịch ra tiếng Việt là chất béo khan. Có nghĩa chất béo thuần tuý không có nước. Theo một số nghiên cứu, trong AMF có chứa một số vitamin A, D, E, nhưng đồng thời cũng có chứa cholesterol.

Trong kỹ thuật sản xuất sữa bột, do có cả một thị trường nguyên liệu sữa gầy, nên chất béo động vật trong sữa bò, vốn là một chất béo no, trẻ sơ sinh khó hấp thụ, nên nhà sản xuất phải lấy ra. Đồng thời, phổ chất béo no trong sữa bò không giống sữa mẹ, do đó chất béo ấy được tách ra, để sau đó nhà sản xuất sẽ bổ sung một hỗn hợp chất béo (thực vật) mới vào (thường gọi là fat blends, dựa theo phổ chất béo trong sữa mẹ. Khi trẻ đã lớn, cũng như đối với người lớn, các chất béo trong sữa bò vẫn tốt cho người tiêu dùng.

Đối với công thức sữa trẻ em (infant formule – nhái sữa mẹ) dưới 6 tháng tuổi (dành cho những trường hợp mẹ thiếu sữa), một số chất khoáng có tỷ lệ cao hơn sữa mẹ cũng được lấy bớt, vì có thể di hại cho trẻ về sau này, như calci và natri. Những công nghệ điều chỉnh lấy bớt chất ra khỏi sữa đều chưa được đầu tư ở Việt Nam, vì đắt tiền, đòi hỏi quy mô xử lý sữa với số lượng nhiều mới có thể hạ giá thành, trong khi Việt Nam đang sản xuất sữa nhỏ lẻ.

Sữa nào bổ hơn?

Một số bài báo dẫn ý kiến của các nhà chuyên môn (về chăn nuôi) cho rằng sữa tươi bổ hơn sữa bột hoàn nguyên cũng không hoàn toàn chính xác. Vì khi dùng phương pháp điều chế sữa bột bằng cách làm khô nước ở nhiệt độ cao nhất trong thời gian ngắn nhất (sấy phun), thì có một lượng vitamin tiêu hụt, nhưng không đáng kể. Khi điều chế sữa bột hoặc nước, các nhà sản xuất phải bổ sung một số dưỡng chất dưới dạng nhũ dịch, một số vitamin không chịu nhiệt qua rây, đóng lon hoặc hộp.

Cũng tờ báo này viết: “Một chuyên gia về sữa nói: “Với tỷ lệ dầu thực vật – mà chủ yếu là dầu cọ khá cao trong sữa, ai đảm bảo cho con em chúng ta không bị ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ nếu dùng nhiều những loại sữa nước này…(…)”.

Thực tế, khi điều chế sữa nước từ sữa bột gầy, để tạo béo, nhà sản xuất mới gia vào một lượng dầu thực vật. Trong số các loại dầu thực vật, dầu cọ được chọn. Nhưng bảo rằng ăn dầu cọ mà ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ quả là tác giả bài báo muốn quay trở lại “cơn sóng gió dầu cọ” hồi đầu năm 2004, mà sau đó phải đích thân thanh tra Bộ Y tế dập tắt vụ PR dầu cọ dựa trên cơ sở nghiên cứu chưa được xác nhận của một vị giáo sư tên Winston Koo.

Trước đó, một vị giáo sư của Việt Nam công bố không có cơ sở rằng dầu cọ chiên xào thức ăn ở nhiệt độ cao có thể gây ung thư cũng đã bị Malaysia kiện, phải rút lại công bố của mình.

Một mặt, những nhà sản xuất không minh bạch phải xin lỗi người tiêu dùng nhưng sự công phẫn như một số bài báo nêu dường như cũng được bơm phồng quá đáng?

Theo Công Khanh

Sài Gòn tiếp thị