Những người có bạn đời bị HIV có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Virus này có thể lây khi quan hệ tình dục, tiếp xúc với vết thương hở hoặc dùng chung vật dụng có dính máu của người bệnh. Do đó, cần phải hiểu biết rõ về HIV cũng như là những biện pháp ngăn ngừa để bảo vệ bản thân và đồng thời giúp cho bạn đời của mình có thể sống khỏe mạnh, lâu dài.
Không ít người bị nhiễm HIV vì những tai nạn trong công việc, ví dụ như bác sĩ làm phẫu thuật cho người bệnh bị HIV hay cảnh sát bị tội phạm tấn công,… Việc biết bạn đời của mình bị nhiễm HIV chắc chắn là cú sốc lớn nhưng hãy cố gắng động viên tinh thần cho họ. Hỗ trợ về mặt tinh thần là điều rất cần thiết để giúp một người nhiễm HIV có thể lạc quan hơn và tập trung điều trị tốt hơn. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người sống cùng.
Có 3 điều cần làm khi sống chung với người bị nhiễm HIV là:
- Giúp người đó tuân thủ phác đồ điều trị
- Nói chuyện với bác sĩ về phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị lây nhiễm HIV
Thực hiện đủ 3 điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV và bảo vệ sức khỏe của cả hai người.
Giúp người đó điều trị bệnh
Hiện nay, nhiễm HIV là một tình trạng mãn tính có thể được điều trị và kiểm soát bằng các loại thuốc kháng virus (thuốc ARV). Những loại thuốc này kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách giảm số lượng HIV trong máu hay còn được gọi là tải lượng virus. Thuốc ARV còn làm giảm lượng virus trong các chất dịch khác của cơ thể như tinh dịch, dịch tiết hậu môn và dịch tiết âm đạo.
Để kiểm soát được HIV thì đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần phải đi tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
Bằng cách điều trị đúng cách bằng thuốc kháng virus, những người bị nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh, lâu dài, không tiến triển sang giai đoạn cuối (hay còn gọi là AIDS) và ngăn ngừa nguy cơ lây truyền. Mục tiêu của phác đồ điều trị HIV là làm giảm lượng HIV trong cơ thể xuống mức không thể phát hiện được.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khi tải lượng virus được giảm xuống mức không thể phát hiện thì những người bị HIV sẽ không còn lây truyền bệnh sang người khác. Tải lượng virus không thể phát hiện được xác định là dưới 200 bản sao virus trên mỗi ml máu.
Sự hỗ trợ của bạn đời sẽ có tác động tích cực đến người bị nhiễm HIV, giúp họ lạc quan hơn và kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mình một cách hiệu quả hơn.
Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm
Những người không nhiễm HIV nhưng đang sống chung với người bị HIV sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao nên cần phải điều trị dự phòng nhằm làm giảm nguy cơ. Hiện nay, có hai phương pháp để phòng ngừa HIV bằng các loại thuốc ARV. Một phương pháp được thực hiện hàng ngày và một phương pháp được thực hiện sau khi đã bị phơi nhiễm với HIV.
PrEP
PrEP hay điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (pre-exposure prophylaxis) là phương pháp dành cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao. Những người này cần uống một loại thuốc kháng virus mỗi ngày một lần để ngăn chặn HIV xâm nhập vào các tế bào của hệ miễn dịch trong trường hợp bị phơi nhiễm. Hiện PrEP được khuyến nghị cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.
Việc dùng PrEP đúng cách sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm cho những người không bị HIV khi quan hệ tình dục với một người bị HIV có tải lượng virus ở mức có thể phát hiện được. PrEP cũng là một biện pháp bảo vệ cho những người thường hay phải quan hệ với người lạ và không rõ tình trạng sức khỏe tình dục.
Theo CDC, PrEP sẽ làm giảm đến hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục.
Trong quá trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, một người sẽ cần:
- Đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên: gồm có làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và theo dõi chức năng thận vì một trong những tác dụng phụ của thuốc PrEp là làm giảm chức năng thận.
- Xét nghiệm sàng lọc HIV: việc xét nghiệm sàng lọc được thực hiện trước khi bắt đầu dùng thuốc và sau đó 3 tháng một lần.
- Uống thuốc 1 viên/ngày.
Kể cả khi đã dùng thuốc PrEP thì vẫn cần sử dụng cả các biện pháp an toàn khác, ví dụ như sử dụng bao cao su. Thường phải sau từ 1 đến 3 tuần thì PrEP mới phát huy hiệu quả bảo vệ, tùy thuộc vào hình thức quan hệ tình dục. Ví dụ, khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo thì sẽ phải dùng thuốc trong thời gian dài hơn so với khi quan hệ qua đường hậu môn để tạo được sự bảo vệ tối ưu. Ngoài ra, PrEP không có tác dụng bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
PEP
PEP hay điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (post exposure prophylaxis) là phương pháp dùng thuốc kháng virus khẩn cấp sau khi đã tiếp xúc với HIV. Điều này có thể xảy ra khi:
- bao cao su bị rách hoặc không sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục
- tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV
- tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của một người lạ mà chưa rõ có bị nhiễm HIV hay không
Thuốc PEP chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm với HIV (càng sớm càng tốt) và phải uống thuốc 1 – 2 lần hàng ngày trong thời gian 28 ngày.
Nguy cơ lây truyền HIV của các hình thức quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn có nguy cơ lây truyền HIV cao nhất. Khi quan hệ bằng hình thức này với bạn tình bị HIV mà không sử dụng biện pháp bảo vệ thì người được thâm nhập sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với người chủ động thực hiện việc thâm nhập.
Quan hệ tình dục qua đường âm đạo tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HIV thấp hơn so với quan hệ qua đường hậu môn nhưng vẫn là một trong những con đường lây truyền chính nên phải bảo vệ bản thân bằng các biện pháp như sử dụng bao cao su đúng cách.
Mặc dù ít khi xảy ra nhưng HIV cũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng. Do đó, vẫn cần sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng để làm giảm nguy cơ nhiễm HIV cũng như là các bệnh lây qua đường tình dục khác. Không quan hệ tình dục bằng miệng khi đang có vết loét hay vết xước ở bộ phận sinh dục hoặc miệng.
Giảm nguy cơ lây truyền HIV
Quan hệ tình dục an toàn
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV. Bao cao su còn bảo vệ khỏi các bệnh lây qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, chlamydia,…
Tuy nhiên, để tạo được sự bảo vệ tối đa thì điều quan trọng là phải sử dụng bao cao su đúng cách. Phải chọn bao cao su có kích cỡ vừa vặn, không quá rộng và cũng không quá chật để tránh bị rách hoặc tuột ra trong khi quan hệ tình dục.
Sử dụng gel bôi trơn cũng phần nào giúp làm giảm nguy cơ lây truyền HIV. Lý do là bởi gel bôi trơn giúp giữ cho bao cao su không bị bục, rách và ngoài ra còn làm giảm sự ma sát, từ đó tránh gây xước, rách trong ống hậu môn hoặc âm đạo. Những vết thương hở này sẽ tạo điều kiện cho HIV xâm nhập.
Khi chọn gel bôi trơn thì cần lưu ý:
- Chọn sản phẩm gel bôi trơn gốc nước hoặc silicone.
- Không sử dụng gel bôi trơn gốc dầu vì sẽ làm hỏng bao cao su.
- Không sử dụng gel bôi trơn có chứa nonoxynol-9. Chất này có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.
Không dùng chung bơm kim tiêm
Tuyệt đối không được dùng chung bơm kim tiêm hoặc kim truyền tĩnh mạch với bất kỳ ai vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tóm tắt bài viết
Nếu thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa như quan hệ tình dục an toàn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) thì hoàn toàn có thể chung sống một cách an toàn với người bị nhiễm HIV. Điều quan trọng là người bị nhiễm HIV cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để làm giảm lượng virus trong cơ thể. Khi một người nhiễm HIV có tải lượng virus không thể phát hiện được thì sẽ không còn lây truyền bệnh cho người khác.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!