Bật mí cách làm sữa đậu phộng ngon béo mịn, không tách nước

  • 300g đậu phộng sống
  • 1,5 lít nước
  • 1 bịch sữa tươi không đường
  • 300g đường
  • 1 – 2 muỗng canh bơ đậu phộng
  • 1 – 2 muỗng canh muối.

Cách thực hiện:

  • Rang đậu phộng với muối ăn trên lửa nhỏ. Đậu chín thì để nguội, tách vỏ.
  • Cho đậu rang vào máy xay sinh tố, thêm nước và xay nhuyễn. Có thể xay thành nhiều đợt để hỗn hợp thật mịn.
  • Cho hỗn hợp qua rây, lọc bỏ phần bã.
  • Cho hỗn hợp lên bếp đun với lửa nhỏ liu riu, vừa đun vừa khuấy đều. Khi nấu khoảng 30 – 40 phút thì cho sữa tươi và đường vào, khuấy đều và tiếp tục đun.
  • Đối với bơ đậu phộng, bạn múc ra 1 chén nhỏ rồi cho 1 ít sữa đã nấu nóng vào để khuấy tan bơ đậu phộng. Sau đó, đổ phần bơ vào nồi sữa và nấu chung.
  • Sau khi sữa sôi thì tắt bếp, để nguội, cho ra ly và thưởng thức.

Lưu ý: Sữa đậu phộng sau khi nấu nếu không uống hết, bạn nên để sữa nguội hoàn toàn rồi cho vào bình thủy tinh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Với cách bảo quản này, sữa có thể dùng được trong khoảng 2 – 3 ngày.

Sữa đậu phộng có tác dụng gì? 4 lợi ích tuyệt vời không thể bỏ qua

cách làm sữa đậu phộng

Sữa đậu phộng là thức uống rất tốt cho sức khỏe bởi cung cấp một lượng lớn vitamin E, magie, vitamin B6 và các chất béo không bão hòa đa có lợi cho tim:

1. Giảm cholesterol

1 cốc sữa đậu phộng có thể cung cấp khoảng 214 calo, trong đó 162 calo đến từ chất béo. Đây là những chất béo tốt có thể làm giảm cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt.

Không những vậy, tác dụng giảm cholesterol của sữa đậu phộng còn nhờ vào việc thức uống này chứa một lượng lớn chất xơ hòa tan tự nhiên. Mỗi cốc sữa đậu phộng có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 3g chất xơ, đáp ứng khoảng 12% nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày.

2. Cung cấp magie cho cơ thể

Magie rất cần cho quá trình trao đổi chất, giúp sản sinh năng lượng, tốt cho cơ bắp, dây thần kinh và hoạt động của tim. Không những vậy, dưỡng chất này còn giúp giảm huyết áp và giúp xương chắc khỏe.

Sữa đậu phộng rất giàu magie, mỗi cốc có thể cung cấp khoảng 65mg, đáp ứng khoảng 16% nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày.

3. Bổ sung vitamin E

Vitamin E là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ chất béo khỏi các gốc tự do, từ đó giúp duy trì tính toàn vẹn cấu trúc để chúng không giải phóng cholesterol và bám dính vào mạch máu, dẫn đến bệnh tim mạch. Một cốc sữa đậu phộng chứa khoảng 2mg vitamin E, đáp ứng khoảng 13% nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày.

4. Thúc đẩy hoạt động trao đổi chất với vitamin B6

Cơ thể chúng ta rất cần vitamin B6 để kích hoạt hơn 100 enzym cần thiết cho hoạt động trao đổi chất. Không những vậy, một số enzym còn có tác dụng tạo ra hemoglobin cho các tế bào hồng cầu cũng như tổng hợp các axit amin và chất dẫn truyền thần kinh.

Vitamin B6 cũng giúp chuyển đổi axit amin homocysteine thành các chất có lợi, từ đó, làm giảm nồng độ homocysteine ​​trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ở người khỏe mạnh, homocysteine được chuyển đổi thành sản phẩm lành tính nhưng khi homocysteine không được chuyển hóa đúng cách nó sẽ bị tích tụ bên trong cơ thể và trở thành chất gây hại.

Lưu ý khi uống sữa đậu phộng

Dù sữa đậu phộng là thức uống bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng bạn chỉ nên uống vừa phải, tránh uống quá nhiều bởi có thể gây:

  • Tăng cân do đậu phộng có hàm lượng calo rất cao, 1 cốc sữa đậu phộng có thể chứa đến 214 calo.
  • Các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu…
  • Ức chế sự hấp thụ khoáng chất: Đậu phộng có chứa axit phytic hoặc phytate, có tác dụng ngăn không cho cơ thể hấp thụ các khoáng chất, nhất là sắt, kẽm, canxi và mangan.
  • Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm khớp và các bệnh mãn tính do cung cấp quá nhiều axit béo omega-6 mà thiếu hụt axit béo omega-3. Omega-6 là axit béo không bão hòa đa được sử dụng để sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, omega-6 và omega-3 phải hoạt động kết hợp và cân bằng thì mới có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra, đậu phộng cũng là thực phẩm dễ gây dị ứng. Do đó, nếu có tiền sử bị dị ứng hoặc khi cho bé uống thì bạn cần chú ý theo dõi. Các triệu chứng đặc trưng khi bị dị ứng đậu phộng mà bạn cần cảm giác là sổ mũi, ngứa ran trong miệng hoặc cổ họng, phát ban, nổi mẩn đỏ, thở khò khè, các triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón…